Tù nhân dự bị.

Thứ Hai, 15 Tháng Giêng 20183:30 SA(Xem: 6545)
Tù nhân dự bị.
Nhiều người nói rằng, hôm bị khởi tố, bắt tạm giam, ông Đinh La Thăng rất run vì quá bất ngờ. Thực ra không có bất ngờ nào cả. Khoảng hai tháng trước ngày khởi tố, ông Thăng đã thường xuyên phải lên làm việc với C46, Bộ Công an. Vài ngày trước hôm khởi tố, ông Thăng có mời bạn đến nhà, gặp gỡ trước ngày ông rời tổ ấm của mình để đến một nơi ở mới là nhà giam. Ông ấy biết trước số phận của mình.

1_74141Khi xảy ra sự việc Trịnh Xuân Thanh với cái xe biển xanh, tôi có hỏi ông Thăng mọi sự sẽ ra sao và cũng thẳng thắn rằng, cảm giác của tôi là cái đích đến sẽ là chính ông ấy - Đinh La Thăng. “Cứ để họ làm, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đang vào kiểm tra rồi em à”, ông ấy nói.

Ông Thăng, có vẻ bình tĩnh đón nhận mọi mưa gió cuộc đời từ khi ấy, dù ông vẫn cho rằng những việc mình làm là cần thiết.

“Nếu anh không xin chủ trương tăng cường nội lực, thì sẽ vẫn mãi phụ thuộc vào nhà thầu nước ngoài. Thực tế, từ nền móng chỉ định thầu để nhà thầu trong nước thực hiện, ngành dầu khí hiện nay có thể đảm đương được nhiều dự án lớn. Chẳng lẽ chúng ta cứ phụ thuộc vào nước ngoài mãi sao?”. Trong một lần trò chuyện, ông Thăng nói như vậy với tôi.

Nếu ai cũng đi theo lối mòn thì làm sao phát triển được? Nhưng trong cơ chế hiện nay, nếu phá cách, dám đương đầu, dám thay đổi, dám thử nghiệm, thì rất dễ nhiệm kì trước được khen là dám nghĩ dám làm, nhiệm kì sau sẽ bị xét lại. Người được khen hôm qua, hôm nay sẽ thành tội phạm.

Mô hình nhà nước làm kinh tế, với những tập đoàn lớn nắm giữ các hầu hết các nguồn lực quốc gia, thực sự là một sai lầm. Nhà nước làm kinh tế, người quản lý doanh nghiệp nhà nước phải đóng hai vai, vừa thực hiện công việc của một doanh nhân, lại vừa phải làm nhiệm vụ của một cán bộ nhà nước.

Doanh nhân làm kinh tế thì đương nhiên là có được có mất, có thương vụ lời, có dự án lỗ. Lời, lỗ trong kinh doanh là bình thường. Nhưng khi là lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, làm 10 dự án, 9 dự án lời được khen, 1 dự án lỗ sẽ rơi vào tình thế quản lý thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Hàng loạt lãnh đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước vướng vào lao lý là một minh chứng cho thấy, khi kinh doanh bằng những đồng tiền của người khác thì việc để lãng phí, thất thoát, có lẽ là chuyện tất nhiên. Đặc biệt là khi cơ chế kiểm soát quyền lực không hữu hiệu, mô hình nhà nước làm kinh tế càng dễ thua lỗ, gây lãng phí nguồn lực, thất thoát tài sản quốc gia.

Không phải riêng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có dự án thua lỗ. Hãy thử nhìn sang các tập đoàn điện lực, than - khoáng sản, nhìn sang cao su, đóng tàu, lương thực... đâu đâu cũng thấy thua lỗ, nợ nần, dự án chậm trễ, đắp chiếu, lãng phí vô độ.

Ông Đinh La Thăng chỉ là một cá nhân bị đưa ra xử lý vì những việc ông làm trong thời kì làm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước. Nếu bới ra, thì sẽ còn rất nhiều những Đinh La Thăng khác, ở những tập đoàn kinh tế nhà nước khác.

Không biết người ta đã nhìn ra câu chuyện về ông Đinh La Thăng như một bài học để lên tiếng cho sự thay đổi hay chưa? Có lẽ là chưa, vì Hiến pháp năm 2013 vẫn coi kinh tế nhà nước là chủ đạo và hiện giờ vẫn chưa thấy dấu hiệu gì thay đổi. Kinh tế tư nhân vẫn chỉ giữ vai trò quan trọng, còn chủ lực vẫn xác định là nhà nước.

Thế nên, hãy xác định trước rằng, các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước đều có thể là tù nhân dự bị khi cần.

Bạch Hoàn

(FB Bạch Hoàn)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn