TT. Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan: Trùm bắt bí trên trường quốc tế

Thứ Tư, 04 Tháng Ba 20208:00 SA(Xem: 3299)
TT. Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan: Trùm bắt bí trên trường quốc tế
rfi.fr

TT. Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan: Trùm bắt bí trên trường quốc tế

Trọng Nghĩa

Siêu vi Covid-19 trên thế giới và ngày Siêu Thứ Ba - Super Tuesday - tại Mỹ là hai chủ đề chia nhau trang nhất các báo Pháp ra ngày thứ Ba 03/03/2020.

Chen vào hai trọng tâm lớn này là vòng đàm phán Liên Âu-Anh Quốc thời hậu Brexit bắt đầu mở ra, và nhất là tình hình căng thẳng tại biên giới Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ với việc Ankara mở cửa xua người xin tị nạn vào châu Âu để bắt bí Bruxelles.

Vấn đề làn sóng người tị nạn đang mấp mé ngoài cửa ngõ châu Âu đã được nhật báo thiên hữu Le Figaro nêu bật trong tựa lớn trang nhất: “Trước dòng người di cư dồn đến, tiếng kêu báo động từ Hy Lạp”. Tờ báo ghi nhận các cố gắng mà chính quyền Athens đang bỏ ra nhằm chặn bước tiến của hàng chục ngàn người xin tị nạn, giờ được chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đẩy sang Liên Hiệp Châu Âu.

Tờ báo cũng hoan nghênh việc giới lãnh đạo Liên Âu kiên quyết phản đối hành vi “bắt chẹt không thể chấp nhận được” của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, và hứa sẽ giúp đỡ Hy Lạp. Một cách cụ thể, theo Le Figaro, bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đã tuyên bố: “Thách thức đối với Hy Lạp cũng là một thách thức đối với châu Âu”.

Để cho thấy rõ lập trường của mình, hôm nay, thứ Ba 03/03, bộ ba lãnh đạo Liên Âu là các chủ tịch Ủy Ban, Nghị Viện và Hội Đồng Châu Âu sẽ cùng với thủ tướng Hy Lạp, Kyriakos Mitsotakis, đến thăm vùng biên giới Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ.

Thủ đoạn bắt bí châu Âu của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan

Sau khi mở cửa biên giới với Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 02/3 đã đe dọa để cho “hàng triệu” người di cư tràn ngập Liên Hiệp Châu Âu, vào lúc Ankara muốn được phương Tây giúp đỡ trong các hoạt động quân sự ở Syria. Đối với Le Figaro, “Ở vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp, đang có một ‘cuộc di cư’ được điều khiển từ xa”, mà người gây ra không ai khác hơn là tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ “Erdogan, bậc thầy về việc dùng mối đe dọa di cư để bắt bí”.

Trong bài xã luận mang tựa đề “Người di cư: Mặt trận chung”, phó ban biên tập nhật báo Pháp đã không ngần ngại tố cáo việc tổng thống Erdogan lợi dụng số 3,5 triệu người Syria đang lánh nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ để tiến hành một hình thức bắt bí châu Âu.

Le Figaro lưu ý: “Tổng thống Thổ muốn buộc châu Âu can dự nhiều hơn vào cuộc xung đột Syria bên cạnh ông, (mà trước tiên hết là) mở rộng đóng góp tài chính vào việc quản lý những người tị nạn đã có mặt trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như một làn sóng mới đến từ vùng Idleb”.

Tờ báo nêu rõ những thủ đoạn mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng để xúi giục người tị nạn tràn vào châu Âu qua biên giới trên bộ với Hy Lạp. Chính những con người khốn khổ này đã cho biết là họ được cung cấp các bản đồ chỉ rõ các tuyến đường dẫn đến vùng biên giới, được hưởng giá cực thấp khi mua vé xe. Trên đài truyền hình, những kẻ buôn người được cho quảng cáo ở khung giờ bản tin thời sự.

Đối với tờ báo Pháp, các hành động trên đúng là nằm trong khuôn khổ một chiến dịch có phối hợp, đã biến hàng chục ngàn người xin tị nạn thành “cánh tay vũ trang” mà ông Erdogan dùng để đánh vào châu Âu.

Ngăn chặn làn sóng nhập cư từ Thổ Nhĩ Kỳ: Một hành động can đảm

Tuy nhiên, Hy Lạp đã có phản ứng nhanh chóng và kịp thời. Trong vòng bốn ngày gần đây, các lực lượng biên phòng Hy Lạp đã đẩy lùi gần 20.000 người xin tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ dồn về vùng biên giới. Theo Le Figaro, đây là một hành động can đảm của chính quyền Athens.

Tờ báo giải thích: “Hy Lạp đã đóng kín cửa vào Liên Hiệp Châu Âu với nguy cơ là sẽ phải gánh chịu búa rìu dư luận về những phản ứng ngăn chặn thô bạo”. Có điều, theo Le Figaro đó là một sự thô bạo mà Hy Lạp phải chịu đựng mà không hề mong muốn.

Vì sợ rằng một mình không chận nổi dòng người di cư, Athens đã kêu gọi châu Âu giúp đỡ bằng cách kích hoạt Điều 78-3 của Hiệp ước Rôma. Cùng với Hy Lạp, giới lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu đều tố cáo hành vi bắt chẹt không thể chấp nhận được của ông Erdogan.

Le Figaro hết sức tán đồng phản ứng cứng rắn đối với Ankara: “Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã hành xử như kẻ thù, hãy đối xử với ông ta đúng như thế, hãy ngừng các khoản tài trợ cũng như đình chỉ cuộc đàm phán gia nhập Liên Âu của nước này. ”

Dẫu sao thì châu Âu cũng không có tiếng nói trong hồ sơ Syria, vốn có thể sẽ được giải quyết trong cuộc họp tay đôi Erdogan-Putin dự kiến vào thứ Năm 05/3 này.

Từ đền Angkor đến thuyền gondola Venise: Du lịch khốn đốn vì covid-19

Hồ sơ nặng ký trên các báo Pháp hôm nay vẫn là diễn biến đáng lo ngại của dịch Covid-19 trên cấp độ thế giới và đặc biệt là tại châu Âu và tại Pháp. Các báo càng lúc càng nói nhiều về tác hại kinh tế ngày càng rõ nét của dịch bệnh, nhất là đối với ngành du lịch, giải trí.

Les Echos đã chạy tựa lớn trang nhất trên chủ đề: “Ngành công nghệ thế giới: Nạn nhân chính của con virus corona”. Nhật báo kinh tế ghi nhận một loạt dấu hiệu: Các nhà máy hoạt động chậm hẳn lại, chuỗi cung ứng hậu cần bị trục trặc, các cửa hàng bị đóng cửa, sức cầu thấp hẳn.

Kể từ trung tuần tháng 2/2020, các đại gia trong ngành công nghệ đã bắt đầu lo lắng cho doanh thu trong nửa đầu năm 2020 này. Có điều, theo Les Echos, dịch bệnh sẽ không xóa bỏ được các xu hướng mang tính cơ cấu đang hỗ trợ cho ngành phát triển.

Le Monde thì dành nguyên một hồ sơ cho tình trạng điêu đứng mà ngành du lịch đang phải trải qua, với bài viết chính mang tựa đề: “Cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu. Không một nước nào thoát được”, và “con virus corona đang làm tê liệt ngành du lịch”.

Tờ báo Pháp khẳng định rằng tác hại kinh tế đã được ước tính lên đến khoảng hai mươi tỷ euro thất thu trong ngành du lịch và giải trí. Tại khắp nơi trên thế giới, các nhà điều hành tour du lịch và khách sạn đang lo lắng về sự sụt giảm đột ngột của lượng du khách tại các điểm đến ăn khách.

Cam Bốt: Mất du khách Trung Quốc là thảm họa quốc gia

Trong một bài viết riêng rẽ, Le Monde nêu ví dụ của khu đền Angkor tại Cam Bốt, đã trở nên vắng vẻ khác thường vì không còn du khách Trung Quốc. Trên một đất nước mà ngành du lịch chiếm hơn 12% của nền kinh tế, và một phần ba du khách nước ngoài là đến từ Trung Quốc, dịch bệnh Covid-19 đã mang quy mô một thảm họa quốc gia.

Trong số khoảng hơn 6,6 triệu người nước ngoài đến du lịch tại Cam Bốt trong năm 2019, có hơn 2,3 triệu đến từ Trung Quốc, hơn hẳn số khách đến từ Việt Nam và Lào, hơn cả du khách Hàn Quốc và Nhật Bản, hai nước vốn đã bỏ xa khách châu Âu và Mỹ.

Một bài viết thứ hai phân tích tình hình tại Ý với một tựa đề rất châm biếm: “Từ Milano đến Venise, ngành du lịch Ý bị nhiễm virus corona”. Chính quyền địa phương đã ước tính một mức thiệt hại tài chính có thể lên tới 2 tỷ euro.

Siêu thứ ba tại Mỹ: Ngày đăng quang của Bernie Sanders?

Sau siêu vi mang đến dịch Covid-19, báo Pháp cũng rất quan tâm đến một sự kiện được đánh giá là siêu hạng khác: Ngày Super Tuesday tại Mỹ hôm nay 03/3, khi có không dưới 14 tiểu bang bầu sơ bộ chọn ứng cử viên đại diện đảng Dân Chủ ra tranh cử tổng thống vào tháng 11 tới đây.

Nhật báo Le Monde đã dành cho sự kiện này tựa đề lớn nhất trải dài trên 5 cột báo ở ngay trang nhất với một nội dung hết sức khách quan: “Đảng Dân Chủ: Cuộc đối đầu Biden-Sanders”.

Libération, cũng đưa sự kiện Mỹ lên trang bìa, nhưng không ngần ngại chọn phe khi chạy tựa: “Bernie Sanders: Một nước Mỹ khác là điều có thể”.

Tờ báo Pháp có xu hướng thiên tả này đã nhắc lại rằng các nhà bình luận truyền thống thường viện dẫn nhận định truyền thống: chỉ có chuyển vào phía trung thì mới thắng cử. Đó là trường hợp của những người như Kennedy, Clinton, Obama.

Thế nhưng lần này Libération đặt niềm tin vào Bernie Sanders, một người có xu hướng cấp tiến, vẫn thiên tả, hiện đang dẫn đầu cuộc đua.

Riêng Le Figaro thì lại chú ý đến nhân vật thứ ba trong số các ửng cử viên đảng Dân Chủ: Michael Bloomberg, một doanh nhân giàu có, nguyên là thị trưởng New York.

Đối với Le Figaro, ngày hôm nay sẽ mang tính quyết định đối với nhà tỷ phú, từng chủ trương bỏ qua các cuộc bầu cử sơ bộ nhỏ và lẻ tẻ, để tập trung vào ngày hôm nay.

Đàm phán Liên Âu-Anh Quốc thời hậu Brexit: Coi chừng “no deal”

Dù rất chú ý đến các đề tài khác, nhưng La Croix hôm nay đã dành trang nhất cho vòng đàm phán về quan hệ Liên Hiệp Châu Âu-Anh Quốc thời hậu Brexit.

Dưới tựa lớn trang nhất: “Trận đấu ở thượng tầng”, nhật báo công giáo nhắc lại rằng các cuộc đàm phán về mối quan hệ hậu Brexit trong tương lai giữa Luân Đôn và Liên Hiệp Châu Âu đã khai mạc hôm 02/3 tại Bruxelles.

Có điều, theo tờ báo, sự kiện đã mở ra trong không khí căng thẳng, cả hai bên đều mạnh mẽ cho thấy các giới hạn mà đối phương không thể vượt qua, xác nhận sự bất đồng sâu sắc.

Theo La Croix, nếu đàm phán thất bại, tiến trình Brexit áp dụng vào cuối giai đoạn chuyển tiếp, vào ngày 31/12, sẽ là “không thỏa thuận”, với hậu quả kinh tế khốc liệt - đối với cả Vương Quốc Anh lẫn lục địa châu Âu.

La Croix kết luận: “Đàm phán Luân Đôn-Bruxelles, phần gay go nhất đã bắt đầu”.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn