TQ trong dịch bệnh tái diễn cảnh người đấu tố người ( VC vẫn dùng người đấu tố người trong CCRD )

Thứ Tư, 05 Tháng Hai 20208:00 CH(Xem: 6469)
TQ trong dịch bệnh tái diễn cảnh người đấu tố người ( VC vẫn dùng người đấu tố người trong CCRD )

Người đấu tố người – lịch sử xấu xí của ĐCSTQ tưởng như đã kết thúc trong Cải cách ruộng đất hay Cách mạng văn hoá năm xưa, giờ lại được tái hiện chân thực tại xã hội Trung Quốc hiện đại thời công nghệ 4.0, trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng khắp cả nước.

vuhan1
(Ảnh minh hoạ: Foreign Policy/ Getty)

Trung Quốc dường như đã mất kiểm soát vì dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra, khiến hơn 23.600 người nhiễm bệnh và 490 người tử vong, theo con số công bố chính thức của Uỷ ban y tế nhà nước Trung Quốc ngày 4/2. Số ca nhiễm và tử vong mỗi ngày tăng cấp mặc cho nhiều biện pháp của Chính phủ như phong tỏa thành phố, cảnh báo trên diện rộng, bổ sung nhân lực và vật tư y tế. 

Trong tình cảnh hỗn loạn bao trùm đất nước, những người dân Vũ Hán không chỉ đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh và sự điều hành yếu kém, che giấu thông tin của chính quyền địa phương, mà họ còn đang phải chịu đựng sự ghẻ lạnh, kỳ thị từ chính người dân nước mình, thậm chí từ hàng xóm và những người thân thích.

Để “truy lùng” hàng triệu người Vũ Hán bên ngoài tỉnh Hồ Bắc trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, ĐCSTQ khuyến khích dân chúng thực hành việc tố cáo lẫn nhau, ngay cả người không xuất hiện triệu chứng bệnh cũng bị báo cáo và tẩy chay. Mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện nhiều câu chuyện của những người bị đuổi khỏi khách sạn, nhà hàng, thị trấn; bị từ chối đi chung xe, máy bay; hay bị chỉ điểm chỉ vì là người Vũ Hán.

Mặc dù có hệ thống giám sát, nhận diện gương mặt tối tân và loạt camera cao cấp dùng để theo dõi 1,4 tỷ dân, chính quyền ĐCSTQ vẫn sử dụng cách thức “truyền thống” là yêu cầu người dân báo cáo lẫn nhau.

Theo báo cáo của kênh CNA, chính quyền huyện Chính Định, tỉnh Hà Bắc treo thưởng 1.000 NDT (145 USD) cho những người thông báo về sự hiện diện của các cá nhân đến từ Vũ Hán. Huyện này đã đăng tải 2 số điện thoại đường dây nóng trên tài khoản Weibo của mình để người dân ở đây có thể thông tin.

Ở một số thành phố như Thượng Hải hay Quảng Châu, hội đồng khu vực có nhiệm vụ tìm người Vũ Hán từ từng nhà một và thông báo lại với chính quyền địa phương.

Các video lan truyền trên mạng cho thấy nhà của những người dân Vũ Hán bị dán niêm phong, chặn bởi ván gỗ hoặc song sắt. Trong một video, dòng thông báo màu đỏ được dán bên ngoài một căn nhà, trên đó viết: “Ngôi nhà này có người từ Vũ Hán, không được tiếp xúc với họ”. Trong một video khác, những người hàng xóm giận dữ bao vây và tìm cách phá cửa một căn nhà mà họ cho rằng có người Vũ Hán trốn trong đó.

Tờ New York Times đăng câu chuyện của một sinh viên đến từ Vũ Hán tên là H. Tang trở về quê nhà ở một thành phố phía đông tỉnh Chiết Giang. Sau khi khai báo thông tin cá nhân với chính quyền địa phương, Tang phát hiện tên, địa chỉ, số điện thoại, số căn cước công dân của anh xuất hiện trên mạng. Vài ngày sau, người của chính quyền trở lại và dán tấm niêm phong vào cửa nhà Tang. Tấm biển cảnh báo hàng xóm rằng có người trở về từ Vũ Hán đang sống ở đây. Trên đó còn có số hotline để người dân gọi điện thông báo nếu Tang hoặc người thân rời khỏi căn hộ.

Jia Yuting, một sinh viên 21 tuổi người Vũ Hán cũng đã phát hiện thông tin cá nhân của mình bị phát tán trên mạng sau khi cô đến một ngôi làng thăm ông cô bị ốm và đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương. Sau đó, cô nhận được một cuộc gọi đe dọa và chửi bới từ một người lạ. Jia Yuting cho biết cô cảm thấy dân làng và chính phủ không giúp được gì, thay vào đó họ phát tán thông tin khắp nơi mà không hề đính chính là cô không mắc triệu chứng nào hết. “Tôi nghĩ đây không còn là nhân tính nữa, đây là sự độc ác”, cô nói với New York Times.

Trên khắp Đại lục, phản ứng của chính quyền địa phương gần giống với cách thức triển khai từ thời Mao Trạch Đông hơn là dựa vào dữ liệu giám sát hiện đại. Họ lập các chốt kiểm tra ở khắp nơi và khuyến khích người dân báo cáo.

Ước tính có khoảng 5 triệu người đã rời Vũ Hán vào dịp Tết Nguyên đán trước khi chính quyền áp lệnh phong tỏa thành phố ngày 23/1. Rất nhiều người trong số đó về nhà để đoàn tụ với gia đình, hoặc đi du lịch. Sau lệnh phong toả, họ trở nên mắc kẹt trên chính đất nước mình, bị ghẻ lạnh, xua đuổi, và không thể về nhà.

Tình hình tồi tệ đến nỗi April Pin, một người dân Vũ Hán đã phải viết thư cầu xin người dân cả nước tha thứ cho những người rời khỏi thành phố này mà không biết tình hình dịch bệnh. Pin nói với CNN rằng cô viết bức thư vì có quá nhiều bình luận trên mạng công kích và nhục mạ người Vũ Hán.

Chính quyền Trung Quốc cho biết họ có trách nhiệm tìm ra những người mang bệnh và kêu gọi người dân hãy thấu hiểu tình hình, tuy nhiên nhiều nhà bình luận đã chỉ ra việc kỳ thị một bộ phận người vốn đã yếu thế sẽ phản tác dụng, phá hủy niềm tin trong cộng đồng và làm những người cần được theo dõi trốn tránh kỹ hơn.

Đấu tố đã trở thành nỗi khiếp sợ của người dân Trung Quốc trong thời kỳ Cải cách ruộng đất và Cách mạng văn hoá năm xưa. Những thảm kịch đấu tố khiến cả người đấu tố và người bị đấu tố run sợ, không ai muốn trở thành kẻ xấu số bị đổ lỗi, từ đó dần hình thành kiểu tâm lý biến dị, sợ hãi, giẫm đạp lên nhau để được an toàn, đến nỗi con sẵn sàng đấu tố cha mẹ, học sinh sẵn sàng đấu tố thầy cô mà không màng luân lý, đạo đức, thân nhân. Cả xã hội Trung Quốc sục sôi bầu không khí đấu tranh, thù địch. 

Hơn 40 năm trôi qua kể từ Cách mạng văn hoá, cho dù đã chuyển mình thành một đất nước hiện đại với nhiều thành tựu kinh tế, thể chế độc tài của ĐCSTQ vẫn không ngừng nuôi dưỡng thứ văn hoá đấu tranh đó trong xã hội. Đó dường như mới là thứ “đại dịch” đáng sợ hơn cả những con virus, đã bám rễ và di căn lên cơ thể người Trung Quốc mà họ không thể nhận ra. 

Lê Xuân

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn