Có một cơn đại dịch hết thuốc chữa

Thứ Năm, 23 Tháng Giêng 20204:00 CH(Xem: 4887)
Có một cơn đại dịch hết thuốc chữa
WUHAN-CHINA-VIRUS
Một bệnh nhân nhập viện ở Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 17/1/2020. Ảnh: Getty Images.

Sau hơn 40 ngày kể từ ca nhiễm bệnh đầu tiên được công bố, dịch viêm phổi xuất phát từ Vũ Hán đã không còn có thể “nằm trong tầm kiểm soát” như lời khẳng định chắc như đinh đóng cột được lặp lại nhiều lần của các quan chức địa phương lẫn trung ương.

Một lệnh “phong thành”, đóng cửa toàn bộ thành phố Vũ Hán, nội bất xuất kể từ 10 giờ sáng giờ địa phương ngày 23/1/2020 được ban ra.

Nhiều người dân các nước được khuyến cáo nếu không cần thiết, tuyệt đối không nên đến Vũ Hán, thậm chí là đi du lịch Trung Quốc vào thời điểm này.

Vậy nhưng ở Đài Loan, hơn 80 người thuộc các đoàn du lịch bất chấp tất cả vẫn muốn tới Vũ Hán chơi Tết như lịch đã lên từ trước.

Người Đài Loan vẫn còn chưa quên ấn tượng kinh hoàng 17 năm trước, khi đảo quốc trở thành một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất từ đại dịch SARS, vốn cũng xuất phát từ Trung Quốc.

Nhiều người vì vậy khi nghe tin có những đồng bào của mình “vô tư” bất chấp cảnh báo vẫn muốn tới vùng dịch bệnh chỉ để đi chơi, đã nói nửa đùa nửa thật, rằng phải chi Đài Loan là một nước độc tài chuyên chế một chút, có thể cấm tiệt luôn những người này đi thì đỡ lo biết mấy!

Tất nhiên đó chỉ là lời than thở đùa nhiều hơn thật.

Hơn ai hết, người Đài Loan hiểu rõ, tư duy quản lý độc tài chuyên chế của người anh em khổng lồ Trung Quốc mới là thứ dịch bệnh đáng sợ nhất.

Vào giữa tháng 2/2003, khi các quan chức tại thành phố Quảng Châu công bố xuất hiện đại dịch SARS (Hội chứng viêm đường hô hấp cấp), mọi nỗ lực liên lạc từ phía Đài Loan tìm hiểu chi tiết về dịch bệnh đều bị phía Trung Quốc phớt lờ. Thậm chí Tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng đặt Đài Loan ra ngoài cuộc chơi, không hồi đáp các yêu cầu hỗ trợ thông tin từ đảo quốc.

Mãi đến khi hai trường hợp tử vong đầu tiên do SARS tại Đài Loan được xác nhận, WHO, sau khi “xin phép” Trung Quốc, mới cử chuyên gia đến Đài Loan cùng hỗ trợ đối phó dịch bệnh.

Kể từ khi thành công đá chân Đài Loan ra khỏi Liên Hiệp Quốc từ năm 1971, Bắc Kinh đã liên tục dùng mọi sức ép từ chính trị, kinh tế đến quân sự để cô lập đảo quốc này, hòng khuất phục Đài Loan, buộc họ ngoan ngoãn “quay về” với đất mẹ.

Mưu đồ chính trị đó hoàn toàn có thể hiểu được (tất nhiên chấp nhận hay không là việc khác). Nhưng khi đối mặt với đại dịch giết người hàng loạt, việc nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn đặt tham vọng quyền lực lên cao hơn tất cả nói lên rất nhiều điều về nhân tính, hay chính xác hơn, bản chất phi nhân tính của chế độ này.

Sự thiếu vắng nhân tính càng hiện rõ hơn khi ta quan sát cách các quan chức Trung Quốc đối phó với dịch bệnh trong nước.

Tháng 2/2003 các quan chức Quảng Châu công bố dịch bệnh SARS, nhưng trên thực tế, từ trước đó ba tháng, ca bệnh đầu tiên đã xuất hiện. Trong suốt thời gian trên, mọi thông tin về dịch bệnh bị ém nhẹm. Thậm chí sau khi số ca nhiễm bệnh đã bùng nổ vượt tầm kiểm soát, các quan chức địa phương lẫn trung ương vẫn khăng khăng “mọi thứ trong tầm kiểm soát”, từ chối sự tham gia của các tổ chức quốc tế.

Cho đến khi dịch bệnh lan ra khắp thế giới, không thể tiếp tục che giấu, bộ máy chính quyền Trung Quốc mới được tổng huy động để dập lửa.

Giữa tháng 4/2003, năm tháng sau ca bệnh đầu tiên xuất hiện, Bộ Chính trị, cơ quan đầu não của Bắc Kinh, mới ra tuyên bố “chiến tranh” chống lại con virus SARS.

Vài ngày sau, số người nhiễm bệnh được Trung Quốc công bố tăng gấp chín lần so với con số chính thức của ngày hôm trước.

Từ một loại bệnh truyền nhiễm lẽ ra có thể khống chế kiểm soát từ những ca phát hiện đầu tiên, SARS trở thành một nỗi ám ảnh gây hoảng sợ cho nhiều người đến tận ngày nay. Hơn 8.000 ca nhiễm bệnh khắp thế giới, trong đó có gần 800 người thiệt mạng. Thiệt hại kinh tế toàn cầu ước tính gần 40 tỷ USD.

Gần hai thập kỷ trôi qua, nhiều người ngỡ rằng chính quyền Bắc Kinh đã học được bài học xấu hổ từ cơn đại dịch đầu tiên của thế kỷ 21.

Nhưng lịch sử có vẻ vẫn liên tục lặp lại.

Ngày 12/12/2019, ca bệnh “viêm phổi lạ” đầu tiên được cơ quan chức năng thành phố Vũ Hán công bố (báo cáo mới nhất lại chỉ ra rằng thực tế bệnh nhân này đã phát bệnh từ ngày 8/12/2019).

Mãi hai tuần sau, chính quyền Vũ Hán mới công bố chính thức về dịch bệnh. Số người nhiễm bệnh lúc này được báo cáo là gần 30 người, và mọi thứ “vẫn trong tầm kiểm soát”.

Những thông tin người dân đưa lên mạng về nguy cơ đại dịch như SARS bùng phát trở lại bị chính quyền bác bỏ là “tin đồn vô căn cứ”. Những người đưa tin đó bị cơ quan chức năng “xử lý theo đúng pháp luật”.

Gần hai tuần tiếp theo, ngày 13/1/2020, ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại Thái Lan. Vài ngày sau, đến lượt Nhật Bản báo cáo trường hợp nhiễm bệnh.

Điều lạ lùng là tại Trung Quốc, số trường hợp nhiễm bệnh đến thời điểm đó vẫn chỉ tập trung ở Vũ Hán.

Nhiều người dân Trung Quốc đã châm biếm gọi con virus corona (nCoV) gây ra chứng viêm phổi lần này là “virus yêu nước” – chỉ lây bệnh ra nước ngoài mà không lan ra địa phương khác trong nước.

Họ có lý do để nghi ngờ, vì Vũ Hán là một trong những trung tâm giao thông vận tải lớn nhất nước. Thành phố này là đầu mối liên kết cả từ Bắc đến Nam lẫn từ Đông sang Tây. Việc con virus bị chôn chân tại đây trong khi bay ra được đến nước ngoài là chuyện không thể lý giải.

Chuyện không thể lý giải này chỉ có thể được giải thích bằng một lý do duy nhất: các quan chức địa phương nói dối.

Đích thực ngay sau đó, lần lượt các địa phương trong cả nước, từ Quảng Đông đến Bắc Kinh, từ Thượng Hải đến Trùng Khánh, đều xuất hiện báo cáo số ca nhiễm bệnh.

corona-china-chart-1024x692
Đồ thị theo dõi số ca nhiễm bệnh viêm phổi corona tại Trung Quốc (đường màu đỏ) và khu vực khác (đường màu cam). Nguồn: ABC News

Chỉ trong vài ngày, số ca công bố nhiễm bệnh tăng vọt, từ hơn 60 người ngày 17/1 nhảy lên gần 440 người vào ngày 22/1/2020, tăng gấp bảy lần.

Con số này chắc chắn không dừng lại, đặc biệt khi dịch bệnh diễn ra trong bối cảnh Tết Nguyên đán tại Trung Quốc, thời điểm diễn ra đợt di cư lớn nhất thế giới mỗi năm.

Tất nhiên người ta không thể đổ lỗi cho một quốc gia hay khu vực khi tại đó xuất hiện dịch bệnh. Trong rất nhiều trường hợp, đây đều là những loại “thiên tai” bất khả kháng.

Nhưng cách người ta phản ứng lại những thảm họa đó lại thể hiện rất nhiều điều về bản thân họ.

Có thể lấy Đài Loan làm ví dụ.

Ngay khi ca bệnh corona đầu tiên tại Đài Loan được phát hiện, Tổng thống Thái Anh Văn lập tức tổ chức họp báo chính thức vào ngày 22/1/2020.

Bà công bố chi tiết từng thông tin về ca bệnh, tình hình theo dõi đối với những người đi cùng có nguy cơ lây nhiễm, cách thức chính phủ phối hợp hành động, các biện pháp được đưa ra, những sự chuẩn bị nào đã và đang tiến hành, các vật tư (phòng bệnh, thiết bị y tế, khẩu trang …) đã được đầu tư sẵn sàng ra sao.

Xuất hiện trong buổi họp báo bên cạnh phó Tổng thống Trần Kiến Nhân, người vào thời điểm năm 2003 là Thứ trưởng Bộ Y tế, trực tiếp chỉ huy chiến dịch ứng phó với SARS, bà Thái Anh Văn khẳng định rằng đội ngũ chính quyền, bao gồm bản thân bà, vào 17 năm trước đã có kinh nghiệm kiểm soát thành công đại dịch SARS và vì vậy, có đủ năng lực để vượt qua cơn khủng hoảng mới này.

Bà cũng không quên cám ơn và ghi nhận đóng góp của truyền thông báo chí trong trận chiến này. Nhờ vào công sức lan tỏa của truyền thông, người dân Đài Loan sẽ biết sợ mà không hoảng, không cần giành giật tranh nhau mua khẩu trang, biết chú ý giữ gìn vệ sinh, chủ động theo dõi thông tin về dịch bệnh.

Trong khi đó, 40 ngày sau khi ca bệnh đầu tiên được công bố tại Vũ Hán, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới có phát ngôn chính thức, được công bố qua đài truyền hình trung ương, yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để “nghiêm túc” khống chế dịch bệnh này.

Trong 40 ngày đó, những cảnh báo đầu tiên về dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm rộng bị chụp mũ “phát tán tin đồn vô căn cứ”, những thông tin về số ca nhiễm bệnh trên thực tế vượt xa báo cáo chính thức bị âm thầm ém nhẹm, chuyên gia y tế lên tiếng trấn an người dân rằng dịch bệnh “có thể kiểm soát” lại trở thành nạn nhân bị nhập viện cách ly, còn “virus ái quốc” sau một thời gian chỉ phát tán ra nước ngoài cuối cùng cũng bị phát hiện ở những vùng khác trên cả nước.

Người dân Trung Quốc trong khi đó, dưới bức màn sương mù kiểm duyệt thông tin, khi được hỏi về dịch bệnh vẫn oang oang tự hào “có đảng lo rồi, không phải sợ đâu”.

Sẽ không hoàn toàn chính xác nếu cho rằng đây là lịch sử lặp lại.

Sự thật là, trong các chế độ độc tài, khái niệm lịch sử không hề tồn tại.

Với tư duy độc tôn duy ngã của họ, thời gian hoàn toàn đứng yên, sự thật không có chỗ tồn tại, chỉ có những quả bóng dối trá được bơm phồng mãi mãi.

Trong chế độ độc tài đó, quốc hội với các nghị gật đóng vai trò bù nhìn, truyền thông trở thành cái loa tuyên giáo rỗng tuếch và trơ trẽn, các tổ chức xã hội dân sự bị bóp nghẹt, lại không có một lực lượng đối lập nào kiểm soát theo dõi, những quan chức chính quyền hoàn toàn không thấy áp lực gì phải làm người tử tế, chưa nói đến trách nhiệm với người dân.

Họ chỉ thấy có trách nhiệm với cấp trên của mình. 

Vì thế đến tận khi rớt đài, đứng trước vành móng ngựa, đối tượng duy nhất họ cảm thấy cần phải vuốt ve lấy lòng vẫn chỉ có “Đảng và bác”.

Những loại dịch bệnh chết người như SARS và corona không phải là trường hợp đơn lẻ làm phát lộ bản chất của chế độ quản lý độc tài.

Các quan chức Trung Quốc trong một thời gian dài vẫn liên tục giấu dịch tả heo châu Phi, luôn miệng khẳng định nó “nằm trong vòng kiểm soát”, và chụp mũ những ý kiến chất vấn là “đồn nhảm ác ý”.

Hay trong trận động đất kinh hoàng ở Tứ Xuyên vào năm 2008, báo chí bị chỉ đạo phải ngậm miệng không được nhắc đến scandal về việc các ngôi trường được xây dựng với “chất lượng đậu hũ”, dễ dàng đổ sập chôn vùi các em học sinh.

Mỗi một biến cố khủng hoảng là một lần chiếc mặt nạ đẹp đẽ của chính quyền bị kéo tuột.

Sau nhiều thập niên “cải cách”, mà về bản chất đó chỉ là hành động cởi trói người dân, các thành tựu phát triển kinh tế đã tạo ra một ấn tượng sai lầm về một “mô hình quản lý ưu việt” của các chính quyền cộng sản.

Thứ thể chế độc tài này đúng là ưu việt ở một điểm: nó tối ưu hóa động cơ để những người tham gia trong guồng máy tổ chức đó tìm mọi cách nhằm dối trên lừa dưới, bất chấp tất cả để giữ ghế, dùng mọi thủ đoạn để thu cùng vét tận.

Hơn tất cả những loại dịch bệnh, đây mới chính là thứ đại dịch lớn nhất, nguy hiểm nhất và hết thuốc chữa trong lịch sử nhân loại.

Những ai vẫn ôm mộng nuôi lấy thứ dịch bệnh đó chính là những kẻ “phản động”, theo nghĩa nguyên thủy nhất của từ.

Những tâm hồn bệnh hoạn luôn bị ám ảnh bởi quyền lực độc tôn, chây ì kéo lùi lịch sử tiến bộ của nhân loại.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn