Vụ rơi máy bay ở Iran: Giới cầm quyền đối mặt 'khủng hoảng tín nhiệm'

Thứ Hai, 13 Tháng Giêng 20204:00 SA(Xem: 3955)
Vụ rơi máy bay ở Iran: Giới cầm quyền đối mặt 'khủng hoảng tín nhiệm'
bbc.com

Giới cầm quyền Iran đối mặt 'khủng hoảng tín nhiệm'


Người dân Iran sốc sau vụ quân đội chính phủ bắn rơi máy bay chở khách của Ukraine Bản quyền hình ảnh Barcroft Media/Getty Images
Image caption Người dân Iran sốc sau vụ quân đội chính phủ bắn rơi máy bay chở khách của Ukraine

Các nhà cầm quyền Iran có nguy cơ sa vào một cuộc khủng hoảng về tính chính danh khi giận dữ bùng lên sau cách nhà nước xử lý vụ tai nạn máy bay chở khách của Ukraine.

Quân đội nước này phải mất ba ngày để thừa nhận đã bắn nhầm.

Theo Reuters, khi sự giận dữ của công chúng và chỉ trích của quốc tế bùng lên, sự thừa nhận muộn màng của Vệ binh Cách mạng Iran khiến tình đoàn kết dân tộc được chứng kiến sau khi Tướng Qassem Soleimani bị Mỹ tiêu diệt bằng không kích hôm 3/1, trở nên phí hoài.


Những dòng người khổng lồ đã đổ xuống đường ở khắp các thành phố của Iran để khóc thương cái chết của Tướng Qassem Soleimani, hô vang "cái chết cho nước Mỹ".

Nhưng kể từ khi chiếc máy bay chở khách của Ukraine rơi hôm thứ Tư - một sự cố mà Canada và Hoa Kỳ sớm nhận định là do một tên lửa của Iran bắn nhầm - mạng xã hội đã dậy sóng với những chỉ trích. Tất cả 176 người trên máy bay, trên đường từ Tehran đến Kiev, đã thiệt mạng.

Sự giận dữ này báo hiệu điều không hay cho cuộc bầu cử quốc hội vào tháng Hai, khi nhà cầm quyền Iran đang tìm kiếm tỷ lệ ủng hộ cao để thể hiện tính chính danh của mình ngay cả khi kết quả bầu cử sẽ không thay đổi bất kỳ chính sách lớn nào.

Nhưng thay vào đó, họ đang nghe thấy nhiều tiếng ồn ào bất mãn, sau các cuộc biểu tình chống chính phủ vào tháng 11, trong đó hàng trăm người chết.

"Đây là thời điểm rất nhạy cảm đối với chế độ. Họ phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng về tuy tín. Họ không chỉ che giấu sự thật, họ còn sai lầm trong xử lý tình huống," một cựu quan chức cấp cao nói với Reuters trong điều kiện giấu tên.

Kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, các giáo sĩ người Iran đã gạt qua một bên những thách thức để nắm quyền lực. Nhưng kiểu không tin tưởng giữa những người cai trị và người dân từng nổ ra trong các cuộc biểu tình năm ngoái nay có thể đã sâu sắc hơn. Ông Daniel Byman, chuyên gia cao cấp về chính sách đối ngoại tại Hoa Kỳ, thuộc Trung tâm chính sách Trung Đông, Viện Brookings, bình luận.

'Cái chết cho kẻ độc tài'

Các video clip trên Twitter cho thấy người biểu tình ở Tehran hôm thứ Bảy đã hô vang "cái chết cho kẻ độc tài", ám chỉ Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei. Reuters không thể xác minh độc lập đoạn phim này.

Thông Tấn Xã Iran khẳng định các cuộc biểu tình đã nổ ra.

Đội Vệ binh đã đưa ra lời xin lỗi vì đã bắn hạ máy bay của Ukraine, nói rằng các tên lửa phòng không bị phóng nhầm trong tình trạng cảnh giác cao độ. Iran đã chuẩn bị cho sự trả thù của Hoa Kỳ sau khi họ trả đũa việc giết chết Soleimani bằng cách phóng tên lửa vào các căn cứ của Iraq, nơi quân đội Hoa Kỳ đóng quân.

Một quan chức nói rằng sai lầm không nên bị biến thành vũ khí chính trị chống lại chính phủ và lực lượng Vệ binh, một lực lượng song song với quân đội chính quy, nằm dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Lãnh tụ tối cao Khamenei và là lực lượng bảo vệ hệ thống thần quyền.

"Nên tránh việc trở nên quá khắc nghiệt. Đây là một thời gian nhạy cảm và mọi người đều lo lắng. Bạn không thể bỏ qua những gì Vệ binh đã làm để bảo vệ quốc gia và đất nước này kể từ cuộc cách mạng," một quan chức an ninh nói với Reuters.

Nhưng Lãnh tụ Tối cao Khamenei, người luôn trích dẫn số lượng người đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử là một dấu hiệu cho tính chính danh của hệ thống cai trị, giờ đây có thể thấy người Iran không muốn thể hiện sự ủng hộ của họ.

"Tại sao tôi nên bỏ phiếu cho chế độ này. Tôi không tin tưởng họ chút nào. Họ nói dối chúng tôi về vụ tai nạn máy bay. Tại sao tôi nên tin tưởng họ khi họ không tin tưởng mọi người đủ để nói sự thật?" Hesham Ghanbari, 27 tuổi, một sinh viên đại học ở Tehran, nói với Reuters.

Chính phủ đã phải vật lộn để giữ cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ dưới các lệnh trừng phạt ngày càng cứng rắn của Hoa Kỳ sau khi Tehran rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2018. Xuất khẩu mặt hàng mang tính sống còn là dầu mỏ đã bị cắt giảm.

Nền tảng ủng hộ

Sanam Vakil, Nghiên cứu viên cao cấp tại Chương trình Trung Đông và Bắc Phi, Chatham House cho biết, thảm kịch này sẽ không bị lãng quên và cũng không dễ khắc phục đối với người dân.

Ông Vakil nói rằng sự cố này là một lời nhắc nhở nghiêm túc về sự thiếu hụt quản trị.

Hệ thống cai trị thần quyền ở Iran đã sống sót qua những thách thức khắc nghiệt hơn trong quá khứ, bao gồm cuộc chiến kéo dài tám năm với Iraq vào những năm 1980.

Nhưng nền tảng để hỗ trợ nó, tầng lớp trung lưu nghèo, những người được hưởng lợi nhiều nhất trước đây, là một trong những người đầu tiên xuống đường vào tháng 11 để biểu tình phản đối giá giá xăng dầu tăng cao - một vấn đề đặc biệt nhạy cảm ở nơi mà nhiều người sống dựa vào nhiên liệu giá rẻ.

Đòi hỏi của người biểu tình nhanh chóng chuyển sang chính trị nhiều hơn. Họ kêu gọi nhà cầm quyền từ chức, trước khi bị chính quyền đàn áp.

Cú sốc đối với người Iran

Biết rằng quân đội Iran đã bắn hạ máy bay chở khách của Ukraine, dù vô tình hay có ý, là một cú đánh mạnh hơn vào người Iran. Nhiều hành khách trên máy bay có quốc tịch kép, bao gồm quốc tịch Iran.

Mạng xã hội tràn ngập những bình luận giận dữ từ người Iran, nhiều người phàn nàn rằng chính quyền đã dành nhiều thời gian để phủ nhận rằng họ phải chịu trách nhiệm vụ tai nạn máy bay hơn là thông cảm với các gia đình nạn nhân.

"Việc này khiến công chúng bị sốc. Một lần nữa, chế độ này lại vô tình giết chết chính người dân của mình," ông Ray Takeyh, thành viên cao cấp về nghiên cứu Trung Đông tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, nói với Reuters.

Bên cạnh cuộc bỏ phiếu của quốc hội, cuộc bầu cử vào ngày 21/2 cũng sẽ chọn các thành viên của Hội đồng chuyên gia - nơi sẽ chịu trách nhiệm chọn người kế nhiệm ông Khamenei 80 tuổi.

Lãnh tụ Tối cao Iran, ông Khamenei, người không có giới hạn nhiệm kỳ, đã nắm quyền kể từ sau cái chết của người sáng lập Cộng hòa Hồi giáo, Ayatollah Ruhollah Khomeini, năm 1989.

Anh lên án Iran bắt giữ đại sứ

Bản quyền hình ảnh EPA

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab đã đưa ra một tuyên bố đầy giận dữ sau khi Đại sứ Anh tại Iran Rob Macaire bị bắt mà "không có căn cứ hoặc giải thích" trong một sự "vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế".

Ông Macaire đã bị bắt giữ sau khi tham gia vào một buổi lễ tưởng niệm những người thiệt mạng trong vụ rơi máy bay chở khách của Ukraine.

Ông rời lễ tưởng niệm khi nó biến thành một cuộc biểu tình, sau đó ông bị bắt và bị cáo buộc giúp tổ chức biểu tình.

Ông Macaire phủ nhận việc này trong một tweet hôm Chủ Nhật. Ông nói tham gia vào buổi tưởng niệm vì có một số nạn nhân là người Anh.

Ông Macaire thêm rằng: "Bắt giữ các chính khách là vi phạm pháp luật, ở mọi quốc gia."

Ông Macaire bị bắt và bị giam giữ trong ba giờ khi ông dừng chân ở một hiệu cắt tóc trên đường trở về Đại sứ quán Anh.

Theo Công ước Vienna, các nhà ngoại giao không thể bị giam giữ. Bộ Ngoại giao Anh đã yêu cầu Iran phải có một lời giải thích đầy đủ.

Tờ Iranian Etemad đã chia sẻ một bức ảnh của vị đại sứ trên Twitter sau khi hãng tin TASnim đưa tin về vụ bắt giữ ông.

Truyền thông Iran đưa tin ông Macaire bị cáo buộc kích động các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Iran.

Ý kiến bạn đọc
Thứ Hai, 13 Tháng Giêng 20206:50 CH
Khách
Chuyen nha cam quyen hay noi dung hon va ro rang hon: cai toi DOI GIAN cua cac dang nhan danh TON GIAO la ong kho voi ni va ong T.T...Da la nhung lanh tu toi cao,day do va rao giang lai ... NOI DOI va la noi doi cong khai.Su viec nay cung chi la cai co de day tran ly nuoc bat man va bat tin nhiem chinh phu THAN QUYEN. Ton giao hay tro ve voi bon phan va noi chon danh cho no.Dung nhan danh dang nay,dang no de lam nhung viec sai quay.Nho VNCH xua kia,khon kho vi mang ban tho xuong duong,quay dong nat bet hau phuong cua cac dang nhan danh mang ho THICH,Hay dat ton giao vao nhung noi,nhung cho cua no. va gio day :' nhan danh...viec THIEN...Ngu ngon co lung trong kinh thanh cong giao.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn