Động thái giết tướng Iran là thông điệp mạnh mẽ Mỹ gửi tới chính phủ Trung Quốc

Thứ Hai, 06 Tháng Giêng 20206:34 CH(Xem: 4083)
Động thái giết tướng Iran là thông điệp mạnh mẽ Mỹ gửi tới chính phủ Trung Quốc

Theo một chuyên gia về Trung Quốc, cuộc không kích gần đây của Mỹ giết chết tướng hàng đầu Iran Qasem Soleimani như muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ tới đồng minh chủ chốt của Iran: chính phủ Trung Quốc.

tuong-iran
Tướng Qasem Soleimani của Iran (giữa), người vừa bị Mỹ không kích giết chết hôm 3/1 tại thủ đô Baghdad, Iraq. (Ảnh qua lampress.net)

Ngày 3/1, người đứng đầu lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, Qasem Soleimani đã bị giết tại thủ đô Baghdad, Iraq trong một cuộc không kích do Tổng thống Donald Trump phát lệnh. Soleimani được coi là nhân vật quyền lực thứ 2 ở Iran sau Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei.

Cuộc không kích báo hiệu rằng Washington sẽ có những động thái kiên quyết để đối phó với “những thành phần cứng đầu”, trong đó có Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một trong những đối tác kinh tế và quân sự hàng đầu của Iran.

“Những kẻ cứng đầu này sẽ bị tác động bởi động thái dành cho một kẻ cứng đầu khác. Động thái kiên quyết đối với một trong số họ sẽ khiến những người còn lại phải thu mình vào bóng tối và ngược lại”, Gordon Chang, một chuyên gia về Trung Quốc và là tác giả cuốn “The Coming Collapse of China” (Tạm dịch: Trung Quốc sắp sụp đổ) chia sẻ tới tờ The Epoch Times qua một email.

gordon-chang-chuyen-gia
Chuyên gia về Trung Quốc, ông Gordon Chang. (Ảnh qua Brock University)

Cuộc không kích tướng Iran xảy ra trong bối cảnh Hoa Kỳ và chính phủ Trung Quốc đang trên đà ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Thỏa thuận này đã làm giảm căng thẳng cho cuộc chiến thương mại do Hoa Kỳ khởi xướng cách đây 17 tháng nhằm chống lại những gian lận thương mại lâu đời của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết cuộc không kích được thực hiện nhằm dập tắt một cuộc tấn công sắp xảy ra của Iran có thể gây nguy hiểm cho công dân Mỹ ở Trung Đông.

Tổng thống Trump cũng khẳng định cuộc tấn công này nhằm ngăn chặn một cuộc chiến, chứ không phải châm ngòi cho một cuộc chiến. Ông nói thêm rằng mặc dù Hoa Kỳ không tìm cách thay đổi chế độ Iran, nhưng sự xâm lược của Iran trong khu vực, gồm cả việc sử dụng chiến binh ủy nhiệm để gây bất ổn cho các nước láng giềng cần phải chấm dứt.

Đáp lại cuộc không kích, Iran tuyên bố sẽ trả thù Mỹ theo một cách cân xứng.

Mối liên hệ giữa Iran và Trung Quốc

Theo bà June Teufel Dreyer, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Miami, là một đồng minh của Iran, chính phủ Trung Quốc sẽ phải hỗ trợ Tehran trong việc chống lại Hoa Kỳ.

Ngày 3/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã “kêu gọi Hoa Kỳ giữ bình tĩnh và kiềm chế để tránh căng thẳng leo thang”, đồng thời nói thêm “sự ổn định và hòa bình ở khu vực vịnh Trung Đông cần được duy trì”.

Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Iran, và cũng là đối tác mua dầu thô lớn nhất của Iran trước khi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với dầu Iran có hiệu lực vào tháng 5/2019. Các nhà phân tích cho hay, dù đã có lệnh trừng phạt nhưng chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục nhập khẩu dầu.

Theo đó, vào tháng 9/2019, chính quyền Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với một số tổ chức và cá nhân Trung Quốc mà họ cho rằng đã cố tình vận chuyển dầu từ Iran, vi phạm lệnh cấm vận của Washington.

“Trung Quốc cần nguồn dầu cũng như quan hệ đối tác với các quốc gia chống lại Hoa Kỳ. Và Iran là quốc gia đáp ứng đủ cả hai tiêu chí trên”, bà Dreyer nói.

ĐCSTQ lợi dụng Iran cùng một số nước để đánh lạc hướng Hoa Kỳ

trung-quoc-iran-2
 Chủ tịch Trung Quốc gặp Tổng thống Iran Hass Rouhani tại thủ đô Jakarta, Indonesia vào ngày 23/4/2015. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Theo ông Robert Spalding, cựu Thiếu tướng Không quân Hoa Kỳ, đồng thời là thành viên cấp cao tại Viện tư tưởng Hudson, Bắc Kinh đã sử dụng mối quan hệ với Iran và các nước khác như Triều Tiên để buộc Hoa Kỳ xao nhãng việc đối phó với các mối nguy hại từ ĐCSTQ.

“Vì vậy, đây là một phần trong cách tiếp cận chung nhằm phá vỡ trật tự quốc tế, đồng thời đưa ra những thách thức mà Hoa Kỳ buộc phải đứng ra đối mặt, vì cuối cùng điều này sẽ làm suy yếu Hoa Kỳ”, ông Spalding nói, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh có thể sử dụng cách tiếp cận này miễn là nó không ảnh hưởng đến giá dầu.

Cùng quan điểm với ông Spalding, Giáo sư Dreyer cũng cho biết: “Việc chuyến hướng đối đầu qua Iran và các nhóm khủng bố mà Trung Quốc tài trợ sẽ gây ra những vấn đề cho Hoa Kỳ. Điều này là một lợi thế dành cho Trung Quốc”.

Được biết, chính quyền Trung Quốc có một lịch sử lâu dài cung cấp vũ khí cho Iran, bao gồm máy bay chiến đấu, hệ thống tên lửa đất đối không, tên lửa chống hạm và tàu ngầm tấn công. 

Chuyên gia Gordon Chang lý giải: “Trung Quốc luôn ủng hộ Iran nhằm làm điêu đứng Hoa Kỳ và phương Tây, thông qua các hành động như cung cấp công nghệ, thiết bị, vật liệu cho chương trình vũ khí hạt nhân của Tehran một cách trực tiếp hoặc qua các ủy nhiệm”.

Mới đây ngày 31/12, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif cũng đã đến Bắc Kinh để gặp gỡ người đồng cấp Vương Nghị lần thứ 4 trong năm, nhấn mạnh mối quan hệ thân thiết của họ. 

Bắc Kinh hy vọng “sẽ tăng cường hợp tác thực tế, và thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Teheran”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói hôm 31/12.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, ngoài những hành động khoa trương thì chính quyền Trung Quốc khó có thể đáp trả cuộc không kích của Mỹ bằng động thái cụ thể.

“Ông Trump vừa mới động tới một đồng minh của Trung Quốc nhưng quốc gia này cũng chẳng thể đáp trả gì nhiều. Do đó, [lãnh đạo Trung Quốc] Tập Cận Bình chắc hẳn đang cảm thấy bất lực bởi Hoa Kỳ đã loại bỏ một ‘quân bài’ của Trung Quốc”, ông Chang nói.

Huy Hoàng (Theo The Epoch Times)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn