Biểu tình Hong Kong: Lời kể của một sinh viên từng bị kẹt 5 ngày trong PolyU

Thứ Ba, 10 Tháng Mười Hai 20198:00 CH(Xem: 3830)
Biểu tình Hong Kong: Lời kể của một sinh viên từng bị kẹt 5 ngày trong PolyU
bbc.com

Câu chuyện của một sinh viên biểu tình Hong Kong

Thùy Linh BBC News Tiếng Việt

BBC News Tiếng Việt vừa có một cuộc phỏng vấn đặc biệt với một người biểu tình Hong Kong vào tháng 11. Bản quyền hình ảnh NICOLAS ASFOURI
Image caption BBC News Tiếng Việt vừa có một cuộc phỏng vấn đặc biệt với một sinh viên biểu tình Hong Kong.

Khi các cuộc biểu tình ở Hong Kong đạt đến đỉnh điểm của căng thẳng, BBC News tiếng Việt đã phỏng vấn được một sinh viên là nhân chứng sống chứng kiến những biến chuyển của thành phố suốt 5 tháng qua.

Khi phong trào biểu tình bắt đầu vào tháng 6, Elvis thậm chí còn không ở Hong Kong. Anh đang cách xa quê nhà hàng ngàn dặm, tận hưởng cuộc sống sinh viên vui vẻ của mình tại Úc.

"Lúc đầu, tôi không thực sự quan tâm đến [phong trào biểu tình] lắm," người biểu tình sinh viên 19 tuổi nói.


Nhưng mọi thứ đã thay đổi vào ngày 12 tháng Sáu.

"Tôi đang học bài thì nhận được một tin nhắn từ một người bạn nói rằng hãy bật TV lên" và điều anh nhìn thấy sau đó là hình ảnh cảnh sát Hong Kong xịt hơi cay trong tiếng la hét của những người biểu tình ôn hoà.

Elvis, sinh viên 19 tuổi, từ Úc trở về Hong Kong để tham gia phong trào biểu tình Bản quyền hình ảnh Elvis
Image caption Elvis, sinh viên 19 tuổi, từ Úc trở về Hong Kong để tham gia phong trào biểu tình

Phải mất hai ngày để thuyết phục bố mẹ, nhưng đến ngày thứ ba Elvis đã sẵn sàng ra phi trường trước sự ngỡ ngàng của bạn bè.

"Họ không hiểu tại sao tôi phải quay lại và rằng cuộc sống ở đó rất tốt và tôi không cần phải quan tâm đến những gì đang xảy ra ở Hong Kong. Họ thực sự đã làm tôi thất vọng."

'Tôi không ngờ nó sẽ trở nên bạo lực'

Khi Elvis bước ra đường phố Hong Kong tham gia biểu tình, phong trào vẫn ở trong thời kỳ đầu yên bình với thi thoảng những đợt bắn hơi cay.

"Vào thời điểm đó, mọi người chỉ ném trứng và chửi bới cảnh sát. Chúng tôi chưa ném Molotov cocktail (bom xăng)."

Anh đi cùng bạn bè, trong đó có cả ca sĩ kiêm nhà hoạt động nổi tiếng Denise Ho - một người bạn khá thân thiết, Elvis nói.

Anh hô khẩu hiệu, cầm biểu ngữ như hầu hết những người biểu tình khác.

"Lúc đầu, chúng tôi chỉ muốn nói lên ý kiến của mình một cách ôn hoà và thu hút sự chú ý của thế giới. Tôi không bao giờ tưởng tượng nó có thể trở nên bạo lực."

Elvis kể lại một ngày vào tháng 9, khi anh và bạn bè đang dựng rào chắn ở một con đường ở quận Mongkok, một vài chiếc xe cảnh sát bất ngờ xuất hiện và cảnh sát bắt đầu nã đạn hơi cay và đạn cao su.

"Tôi không nghĩ họ thực sự muốn bắt chúng tôi, họ cứ bắn và bắn và gọi chúng tôi là 'lũ bọ gián'".

Elvis bị trúng một viên đạn cao su ở cổ trong khi một người bạn của anh bị bắn vào chân. Họ chạy thoát nhưng tất nhiên không đến bệnh viện. Anh nói chính Denise Ho đưa anh đến một phòng khám tư để điều trị.

Vết thương do đạn cao su ở trên cổ Elvis sau khi đụng độ với cảnh sát ở Mong Kok hồi tháng 9 Bản quyền hình ảnh Elvis
Image caption Vết thương do đạn cao su ở trên cổ Elvis sau khi đụng độ với cảnh sát ở Mong Kok hồi tháng 9

Nhiều người biểu tình Hong Kong đã từ chối đến bệnh viện vì lo sợ cảnh sát có thể tìm ra tung tích và bắt giữ họ.

Elvis là con trai duy nhất của một gia đình đến từ Quảng Đông nhưng họ chuyển đến Hong Kong khi anh một tuổi và vì vậy Elvis luôn cho rằng mình là một người Hong Kong.

Anh nói anh may mắn vì cha mẹ đều ủng hộ phong trào dân chủ nhưng họ vẫn luôn lo lắng cho sự an toàn của anh.

Khi trở về nhà vào khoảng 4 giờ sáng với một vết thương trên cổ, bố mẹ Elvis đã cầu xin anh trở về Úc.

"Không có nghĩa lý gì cả! Chúng ta không phải sợ cảnh sát. Chúng ta phải sát cánh cùng nhau. Ồ, chẳng lẽ vì họ bắn chúng ta nên chúng ta nên ở nhà và không quan tâm đến điều gì khác sao?" Elvis nói như vậy với bố mẹ.

Ngày hôm sau, Elvis lại trở lại đường phố. "Tôi 19 tuổi rồi. Họ không thể kiểm soát tôi," anh bật cười.

'Một số cảnh sát là người tốt'

Nhưng khi hè chuyển sang thu, tình hình trở nên căng thẳng hơn. Một số vụ tự tử xảy ra, nhiều thi thể được tìm thấy dạt vào bờ biển và số vụ bắt giữ ngày càng gia tăng.

"Tôi đã rất tức giận, rất thất vọng. Tôi có thể thực sự làm gì để giúp họ đây? Tôi cảm thấy tôi chỉ là một nhân chứng. Không có bằng chứng họ đã bị cảnh sát giết chết. Và chúng tôi không thể đến đồn cảnh sát và tấn công họ."

Khi được hỏi anh nghĩ gì về việc một số người biểu tình phá hủy một số tài sản tư nhân và tấn công người thân của cảnh sát, Elvis trả lời:

"Tôi sẽ không nói hành vi của họ là đúng hay sai. Tôi không hoàn toàn đồng ý với hành vi của họ, ví dụ như tấn công người dân hoặc phá hoại các cơ sở của chính phủ. Tuy nhiên, tôi tin rằng họ không làm điều đó mà không có lý do.

Cảnh sát xịt hơi cay tại một khu vực ở Mong Kok Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Cảnh sát xịt hơi cay tại một khu vực ở Mong Kok

"Người ta chỉ thấy ông già bị thiêu sống nhưng họ không biết ông ta trước đó đã tấn công một số học sinh," Elvis nói về vụ việc một người đàn ông ủng hộ Bắc Kinh bị một người biểu tình hất dung dịch dễ cháy vào người và châm lửa vào ngày 11/11.

"Carrie Lam cho phép cảnh sát sử dụng vòi rồng, đạn cao su và thậm chí cả đạn thật để bắn chúng tôi. Vì vậy, những người biểu tình trẻ tuổi trở nên tức giận và cực đoan."

Liên quan đến vụ tấn công trực tuyến vào gia đình của một số sĩ quan cảnh sát, Elvis tiết lộ rằng chính một số người từ lực lượng cảnh sát đã cung cấp thông tin cho người biểu tình, và thậm chí cả lộ trình và lịch trình tuần tra.

"Họ làm vậy để chúng tôi không tấn công họ. Họ không muốn thông tin của họ bị đăng lên mạng nên thay vì thế họ cung cấp thông tin của đồng nghiệp."

"Tôi tin rằng vẫn còn một số người tốt trong lực lượng cảnh sát. Có lẽ họ không thực sự đồng ý với các cảnh sát khác. Họ chỉ cố gắng làm gì đó để giúp chúng tôi."

BBC không có điều kiện để kiểm chứng thông tin trên.

Elvis còn cho biết những cuộc đụng độ với những người ủng hộ chính phủ là không thể tránh khỏi. Anh nhớ có một lần một số người đã cố xé các mẩu giấy trên một bức tường Lennon.

"Những người khác bao gồm cả tôi đã cố gắng yêu cầu họ rời đi một cách ôn hoà nhưng đôi khi họ rút vũ khí hoặc cố gắng làm tổn thương người khác thì một số người biểu tình cực đoan bắt đầu đánh đập họ. Tôi có thể nói với chị rằng hầu hết mọi người xung quanh đều hô: 'Mạnh lên! Mạnh lên!' Sau một hoặc hai phút, chúng tôi yêu cầu họ dừng lại, nếu không người đó sẽ chết."

Vào hôm 6/10, khi một tài xế taxi lái xe vào đám đông người biểu tình và làm bị thương cả hai chân của một người phụ nữ, Elvis thực ra đang đứng ở ngay phía bên kia đường và chứng kiến tất cả.

Người biểu tình tấn công chiếc xe taxi đâm vào đoàn người biểu tình làm bị thương cả hai chân của một cô gái hôm 6/10. Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Người biểu tình tấn công chiếc xe taxi đâm vào đoàn người biểu tình làm bị thương cả hai chân của một cô gái hôm 6/10.

"Tôi đang đi cùng với bạn về phía Tsim Sha Tsui thì nghe thấy mọi người la hét và nói 'Hãy coi chừng!' May mắn thay, chúng tôi đã không bị thương."

Elvis nói anh không thể đến gần hiện trường vì hơn 100 người đang vây quanh tài xế và đánh ông ta.

Tuy nhiên, không phải là không hề có xung đột giữa những người biểu tình.

Elvis vẫn nhớ rất rõ một số người biểu tình cực đoan đã tức giận như thế nào khi anh và những người khác bảo họ ngừng đập phá một số tài sản.

Elvis và bạn bè anh cũng bị một nhóm thanh niên đeo mặt nạ, mặc quần áo đen tấn công - vốn được cho là một kiểu đồng phục của người biểu tình - khi đang đi bên trong Đại học Trung Văn Hong Kong.

Tuy nhiên, anh cho rằng họ cũng có thể là cảnh sát đóng giả người biểu tình.

Năm ngày trong PolyU

Một trong những bước ngoặt của phong trào biểu tình xảy ra vào giữa tháng 11 khi những người biểu tình bắt đầu bao vây các trường đại học khác nhau và Đại học Bách khoa (PolyU) là nơi chiếm đóng cuối cùng của người biểu tình.

Vào đêm 17/11, khi những người biểu tình khác đang ném bom xăng và ngăn chặn thành công một chiếc xe cảnh sát đang tìm cách lao vào cổng trường đại học, Elvis đang đứng ở ngay hàng tiền tuyến thứ hai, cầm những chiếc ô che chắn cho những người biểu tình khác.

Anh nói rằng anh chưa bao giờ ném bom xăng và chỉ làm nhiệm vụ che chắn cho người khác.

Sau đêm đó, anh tìm vào một lớp học và chỉ buông cơ thể kiệt sức xuống sàn nhà.

"Tất cả ghế và bàn đều được lấy ra để làm rào chắn nên mọi người ngủ trên sàn nhưng vẫn rất thoải mái vì chúng tôi đã quá mệt."

Đến 5 giờ sáng ngày 18/11, ngày thứ hai ở trong PolyU, cảnh sát bất ngờ tìm cách đột nhập vào trường đại học.

"Nhiều người đã bị bắt. Chúng tôi đã cố gắng trốn thoát ba lần nhưng thất bại vì cảnh sát liên tục bắn hơi cay và đạn cao su vào chúng tôi. Tôi không nghĩ họ muốn chúng tôi rời đi. Chúng tôi không tin vào lời của hiệu trưởng và cảnh sát."

"Đó là một cơn ác mộng. Máu ở khắp mọi nơi."

Vào ngày hôm đó, Elvis cho biết một số người đã lên xe cứu thương và rời khỏi khuôn viên trường. Anh nói anh đã quyết định không rời đi vì điều đó đồng nghĩa với đầu hàng.

Trong suốt thời gian bên trong PolyU, tất cả những gì anh và bạn bè làm là cố gắng tìm cách trốn thoát. Đồ ăn không phải là một vấn đề. Những người biểu tình tự nấu ăn và nguyên liệu được cung cấp bởi các phóng viên báo chí hoặc nhân viên y tế, vốn được phép ra vào, Elvis nói.

Tuy nhiên, nước uống là một chuyện khác.

"Hầu hết nước ở đó đều có mùi hơi cay. Đó là lý do tại sao chúng tôi phải uống nước đóng chai.

Vào ngày thứ tư, không còn chai nước mới nào, vì vậy chúng tôi đã phải uống từ những chai thừa bị bỏ lại."

p07v8xlh

Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem

Biểu tình Hong Kong: Trường ĐH Bách Khoa bị cảnh sát bao vây sau một cuối tuần bạo lực.

Elvis biết một số người biểu tình đã trốn thoát bằng cách trèo dây thừng xuống một cây cầu. Anh nói điều đó quá nguy hiểm và khi đó anh vẫn chưa muốn bỏ lại những người khác.

Một số người biểu tình đã có dấu hiệu suy sụp tinh thần khi ở trong PolyU.

Bên ngoài, cảnh sát, nếu không tấn công thân thể của những người biểu tình đang tìm cách thoát ra ngoài thì lại rút cạn tinh thần của những người còn lại ở bên trong bằng những câu nói nhạo báng - "Chúng mày sẽ không bao giờ có thể trốn thoát đâu, lũ bọ gián".

Một số người biểu tình thậm chí đã ghi lại những đoạn tin nhắn cuối cùng cho gia đình. Elvis thì không nhìn nhận tình hình ảm đạm đến mức như vậy. Anh biết rằng cả thế giới vẫn đang dõi theo.

Đến ngày thứ năm bị kẹt trong PolyU thì Elvis bắt đầu cảm thấy vô cùng lo lắng và mệt mỏi. Chân anh bị đau vì hôm 18/11 anh bị ngã trong khi tìm cách trốn thoát.

Một người bạn của Elvis thì bắt đầu khám phá ý tưởng trốn thoát qua đường cống ngầm.

"Nó rất hôi thối. Tôi nhìn vào bên trong và thấy khoảng 100 đến 200 con gián ở dưới đó," anh giải thích lý do từ chối rời khỏi bằng con đường này.

Nhưng người bạn tốt của anh, Denise Ho đã thuyết phục anh rời đi, Elvis nói.

Cuối cùng, Elvis được đưa ra khỏi trường đại học trên một chiếc giường cáng. Anh bị chụp ảnh và đánh dấu thông tin cá nhân trước khi được chuyển đến bệnh viện.

Sau vài giờ ở bệnh viện, Elvis trở về nhà và thấy bố mẹ mình ràn rụa trong nước mắt, cầu xin anh trở về Úc.

"Tôi không muốn nhìn thấy họ khóc. Tôi đi ăn tối và ngủ cho đến chiều ngày hôm sau. Họ hiểu tôi cảm thấy thế nào, họ không nói nhiều."

Một ngày sau đó, người bạn của Elvis đã trốn thoát thành công qua đường cống ngầm và điều duy nhất người bạn này chia sẻ là: "Mùi thật kinh khủng."

Lần đầu tiên tôi đi bỏ phiếu!

Vào ngày 24/11, Elvis đã thức dậy từ sớm để đứng vào một hàng dài những người đang chờ đợi trước một trạm bỏ phiếu. Đây là lần đầu tiên anh đi bầu.

"Nó thật sự rất thú vị. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng nhiều người sẽ đi bỏ phiếu như vậy. Điều này chưa từng xảy ra trước đây. Tôi thực sự rất trân trọng những người đã đi bỏ phiếu ngày hôm nay, để cho chính phủ Trung Quốc thấy rằng chúng tôi sẽ không từ bỏ phong trào."

Nhưng anh chỉ có một lựa chọn duy nhất.

"Thành thật mà nói, bạn không thể thực sự nghiên cứu các ứng cử viên. Điều thực sự quan trọng là phải bỏ phiếu cho các ứng cử viên dân chủ ngay cả khi bạn không thích họ. Không thể bỏ phiếu cho các ứng cử viên thân Bắc Kinh được."

Ngày 25/11 là ngày diễn ra kỳ bầu cử uỷ viên hội đồng quận ở Hong Kong. Dù chỉ là một cuộc bầu cử địa phương nhưng nó là kỳ bầu cử đầu tiên sau khi phong trào biểu tình xảy ra và được xem là một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức để đánh giá mức độ ủng hộ của người dân về phong trào biểu tình và chính quyền Bắc Kinh.

2,9 triệu người, tương đương 71% cử tri, đã tham gia bỏ phiếu - điều chưa từng xảy ra trước đây và đã đem lại một chiến thắng áp đảo cho phe ủng hộ dân chủ, khi họ chiếm gần 90% số ghế hội đồng quận.

Rất nhiều ứng cử viên nặng ký thân Bắc Kinh đã bị đánh bật bởi các ứng viên trẻ tuổi, nhiều người trong đó vẫn là sinh viên và thậm chí từng tham gia phong trào Dù Vàng 2014.

Sau đó, vào ngày 28/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt bút ký hai dự luật ủng hộ người biểu tình Hong Kong.


Elvis cho biết anh đánh giá cao điều đó nhưng cá nhân anh không tin tưởng Donald Trump.

"Ông ta chỉ là tổng thống của Hoa Kỳ. Ông ta là một tay thương nhân. Có lúc ông ta nói nước Mỹ sẽ sát cánh với Hong Kong, vài ngày sau ông ta lại uống trà với Tập [Cận Bình]," anh nói.

Vào tháng 8, ông Trump đã gọi các cuộc biểu tình Hong Kong là "bạo loạn" và nói Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, có thể "tự giải quyết" được.

Tuy nhiên, Elvis cho biết bạn bè và gia đình của anh rất tôn trọng Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi của đảng Dân chủ và thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio.

"Quan điểm của họ thực sự rõ ràng, đó là sát cánh với người dân Hong Kong và bảo vệ quyền con người của chúng tôi," anh nói.

Nhưng Elvis biết cuộc chiến còn lâu mới kết thúc. Anh nói sẽ ở lại Hong Kong cho đến khi năm học mới ở Úc bắt đầu.

"Tôi không tin rằng chính phủ Trung Quốc sẽ để yên mọi thứ và từ bỏ mong muốn kiểm soát Hong Kong. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục chiến đấu!"

Chiều 1/12, Elvis nhắn qua Telegram nói rằng anh và những người biểu tình đã trở lại đường phố Hong Kong.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn