Dự luật về Hong Kong: Bắc Kinh tức giận nhưng sắp "hết bài" trả đũa, Mỹ vẫn còn hơn 150 dự luật khủng để đấu với TQ

Thứ Năm, 21 Tháng Mười Một 20196:00 CH(Xem: 4117)
Dự luật về Hong Kong: Bắc Kinh tức giận nhưng sắp "hết bài" trả đũa, Mỹ vẫn còn hơn 150 dự luật khủng để đấu với TQ

Bước ngoặt mới trong Quốc hội Mỹ

Việc Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua dự luật ủng hộ Hong Kong để cảnh cáo Bắc Kinh đã khiến tập trung sự kỳ vọng của nhiều người vào động thái tiếp theo của Tổng thống Mỹ Donald Trump, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hong Kong) đưa tin.

Tuy nhiên, trong khi sự chú ý của dư luận tập trung vào "Dự luật về Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong", thì các nhà lập pháp Mỹ vẫn còn hơn 150 dự luật chống lại Trung Quốc trên nhiều mặt trận khác đang được Quốc hội Mỹ xem xét, và có thể sẽ được đặt trên bàn làm việc của Tổng thống Trump trong những ngày tới.

Số lượng dự luật chống lại Trung Quốc nhiều đến vậy đã cho thấy lưỡng đảng của Mỹ dành rất nhiều sự quan tâm tới vấn đề này. Đây là một trong số những vấn đề hiếm hoi có sự đồng thuận của lưỡng đảng và khiến các nghị sĩ đảng Cộng hòa sẵn sàng chỉ trích Tổng thống Trump - khi nhà lãnh đạo Mỹ đang nỗ lực đạt được thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh sau cuộc xung đột đã kéo dài hơn một năm trời.

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mỹ và là đồng minh quan trọng nhất của Tổng thống Trump trong Quốc hội Mỹ, đã thúc đẩy quyết định thông qua dự luật ủng hộ Hong Kong trong tuần này.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa James Risch, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, và nhiều thượng nghị sĩ khác đã đề nghị ông McConnell hợp tác với Thượng nghị sĩ Marco Rubio, để giúp dự luật được nhanh chóng thông qua.

Sau đó, ông McConnell cũng đã công khai kêu gọi Tổng thống Trump cần thẳng thắn "lên tiếng về vấn đề Hong Kong", đồng thời lên án hành động của Bắc Kinh mà Mỹ cáo buộc là đàn áp cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Tháng 9 vừa qua, Thượng viện Mỹ vừa thông qua một dự luật có tên là “Đạo luật Chính sách nhân quyền Duy Ngô Nhĩ 2019”, trong đó yêu cầu trừng phạt các quan chức Trung Quốc liên quan đến vấn đề Tân Cương. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong số nhiều dự luật khác nhằm vào Trung Quốc có thể sắp được trình lên Tổng thống Trump trong thời gian tới.

Ông Robert Sutter, Giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học George Washington cho biết,việc lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mỹ công khai lên tiếng ủng hộ dự luật Hong Kong đã đánh dấu sự chuyển biến mới trong nỗ lực chống lại Trung Quốc của lưỡng đảng Mỹ.

"Tuyên bố của ông McConnell về Trung Quốc, Hong Kong và người Duy Ngô Nhĩ là một sự thay đổi lớn, nhất là khi ông này trước đây thường ít khi chi trích Trung Quốc", Giáo sư Sutter bình luận.

Chỉ một ngày sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật ủng hộ Hong Kong, Hạ viện Mỹ cũng đã nhanh chóng thông qua dự luật này với 417 phiếu thuận và 1 phiếu chống, sau đó chính thức trình dự luật này lên Nhà Trắng. Ông Trump sẽ có 10 ngày để quyết định phê chuẩn hoặc phủ quyết dự luật này.

Dự luật về Hong Kong: Bắc Kinh tức giận nhưng sắp hết bài trả đũa, Mỹ vẫn còn hơn 150 dự luật khủng để đấu với TQ - Ảnh 2.

Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mỹ phát biểu hôm thứ 3 vừa qua. Ảnh: Reuters

Mỹ vẫn còn nhiều lựa chọn để gây sức ép với Trung Quốc

Thế nhưng, Quốc hội Mỹ vẫn còn hơn 150 dự luật được soạn thảo nhằm thẳng vào Trung Quốc, như dự luật Kiểm soát Chuyển giao công nghệ Trung Quốc, hoặc một số điều khoản liên quan, trong đó bao gồm luật ủy quyền quốc phòng cần được xét lại và thông qua hàng năm.

Ngoài Hong Kong và cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ, các dự luật trên còn bao quát nhiều lĩnh vực như an ninh mạng, fentanyl, các hoạt động gây ảnh hưởng chính trị, thương mại và đầu tư, vấn đề Đài Loan và Biển Đông.

Tương tự như Dự luật về Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ thương mại và kinh tế giữa Washington và đặc khu này, một số dự luật và đạo luật khác cũng có khả năng gây gián đoạn thương mại và đầu tư quốc tế.

Ví dụ, theo nội dung của dự luật Kiểm soát Chuyển giao công nghệ Trung Quốc, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Thương mại Mỹ sẽ thành lập một danh sách "các công nghệ quan trọng đối với lợi ích quốc gia" không được phép buôn bán hoặc chuyển giao cho Trung Quốc, và đạo luật này cũng cho phép việc trừng phạt bất kỳ ai vi phạm điều đó.

Bà Anna Ashton, giám đốc cấp cao về dịch vụ tư vấn kinh doanh và các vấn đề chính phủ tại Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung Quốc có trụ sở tại Washington, cho biết: "Vào thời điểm hiện tại, chúng ta chưa thể đánh giá khả năng dự luật này sẽ được thông qua là bao nhiêu".

"Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rõ rằng các vấn đề an ninh quốc gia sẽ tiếp tục là mối bận tâm lớn đối với Quốc hội Mỹ, và họ sẽ có các động thái tương ứng gây ảnh hưởng tới thương mại và các công ty của Mỹ đang làm ăn với Trung Quốc", bà Ashton nói.

Mặc dù vậy, một số học giả đã bác bỏ mối lo lắng rằng loạt dự luật của Quốc hội Mỹ sẽ có ảnh hưởng lâu dài.

Việc thông qua dự luật về Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong không đồng nghĩa với việc các đạo luật chống lại Trung Quốc khác cũng sẽ được thông qua dễ dàng như vậy, ông Arthur Kroeber, trưởng nhóm nghiên cứu tại công ty dịch vụ tài chính Gavekal Dragonomics, nhận định.

"Lý do dự luật [về Hong Kong] được Thượng viện Mỹ thông qua là bởi họ có thể dễ dàng làm điều đó mà không phải cân nhắc quá nhiều. Dự luật này về cơ bản chỉ là xét lại tình trạng của đặc khu Hong Kong, nó không phức tạp như các dự luật khác về đầu tư và nguồn vốn", ông Kroeber nói.

Theo nhà nghiên cứu này, thì "càng gần tới cuộc bầu cử năm 2020, các nhà lập pháp Mỹ sẽ càng khó tổ chức bỏ phiếu thông qua các dự luật khác trong danh sách chờ".

Trong khi đó, mục tiêu chính của Tổng thống Trump trước cuộc bầu cử năm tới là giành chiến thắng trong cuộc thương chiến với Trung Quốc.

Khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật ủng hộ Hong Kong, Bắc Kinh đã nhanh chóng buông lời đe dọa sẽ trả đũa nếu nó trở thành đạo luật.

Ngày hôm qua (2011), Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triệu Húc đã triệu tập quyền đại sứ Mỹ tại Trung Quốc William Klein để phản đối quyết định của Thượng viện Mỹ.

"Trung Quốc sẽ tung ra các biện pháp trả đũa mạnh mẽ, và Mỹ sẽ phải gánh chịu tất cả hậu quả", SCMP trích dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Tuy vậy, theo một bài phân tích mới đây của Bloomberg, hiện nay Trung Quốc đã gần cạn kiệt các lựa chọn hiệu quả để đáp trả Mỹ về mặt kinh tế, bởi hầu hết các vũ khí kinh tế đều đã được Bắc Kinh sử dụng trong cuộc thương chiến với Mỹ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn