Anh lại bầu cử nhưng Nữ hoàng không bỏ phiếu

Thứ Bảy, 02 Tháng Mười Một 20198:00 CH(Xem: 4167)
Anh lại bầu cử nhưng Nữ hoàng không bỏ phiếu

Anh lại bầu cử nhưng Nữ hoàng không bỏ phiếu

Nguyễn Giang BBC News Tiếng Việt

Anh Quốc sẽ lại bầu cử Quốc hội ngày 12/12 năm nay nhằm tháo gỡ bế tắc Brexit nhưng Nữ hoàng Elizabeth II không làm cử tri.

The Queen Bản quyền hình ảnh Getty Images

Nhà báo Nguyễn Giang chia sẻ câu chuyện làm 'thần dân' của Nữ hoàng Elizabeth II, và các thể lệ bầu bán nhiều điều lạ.

Nhưng chuyện không thể tránh không nói là Brexit:

Tin rằng đảng Lao động Anh c̃ủa ông Jeremy Corbyn ủng hộ đề xuất thủ tướng Boris Johnson (đảng Bảo thủ) để Anh sẽ lại bầu cử vào tháng 12 này, không khiến dư luận ngạc nhiên.

Tôi thấy người Anh rất thực tiễn. Bế tắc mãi ở nghị trường không xong thì để dân chọn Nghị viện khác.

Các dân biểu, mới làm "ông nghị, bà nghị" từ tháng 6/2017, phải "tự sai thải" để cử tri chọn lại chính họ hoặc người đại diện mới.

Mùa Giáng Sinh tới hẳn có vị cắt miếng gà Tây nướng giòn trong tiệc Christmas Dinner mà miệng đắng ngắt vì chỉ còn danh "cựu nghị sỹ".

Người thắng cử - tên tuổi công bố sáng 13/12 - thì nâng ly 'mulled wine' thơm nóng vì chưa biết "cục gân gà Brexit" dai tới đâu.

Ba bốn lần đẩy luật Brexit và các nghị trình khác qua Nghị viện không xong, khiến ông Boris Johnson phải cho bầu cử sớm, trước hạn.

Ông nhận hạn Brexit mới EU "ban cho" đến hết 01/2020 sau khi thề "hy sinh dưới chiến hào" không chấp nhận quá hạn 31/10.


Sóng Brexit cũng tràn qua mấy nhiệm kỳ, công danh của các vị khác.

Chủ tịch Hạ viện John Bercow, còn gọi là 'ông Trật tự' - Mr Order - vì ưa hô 'Order, order' trong nghị trường lúc hỗn loạn, ra đi ngày 31/10.

Bên kia eo biển, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk, quê Gdansk, Ba Lan ngậm ngùi hết nhiệm kỳ mà Brexit vẫn chưa xong.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jean-Claude Junker, người Luxemburg, về nghỉ mà cuộc đàm phán Brexit ông hùng hồn diễn giải 'luân xa chiến' bằng tiếng Anh, Pháp và Đức đều giỏi như nhau...vẫn còn tiếp.

Thậm chí nhiều người nay tin rằng Brexit sẽ được gia hạn nữa, sau tháng 1/2020.

Khó có kết cục rõ rệt (clear-cut) một phần vì Anh vừa vận thành theo luật, vừa theo lệ, và nhiều quy định bất thành văn cổ xưa.

Điện Westminster Bản quyền hình ảnh Press Association
Image caption Lễ khai mạc Quốc hội Anh một nhiệm kỳ mới còn gọi là State Opening of Parliament, luôn do Nữ hoàng chủ trì trong Điện Westminster ở London

Nước Anh với ít luật, nhiều lệ

Tôi nhớ sự rối rắm này ngay từ hôm tuyên thệ nhập tịch Anh Quốc, cũng đã 15 năm trước.

Nhập tịch là để thành công dân Anh - British citizens nhưng lễ trong một cơ quan dân chính Civic Centre ở Kent lại có ảnh Nữ hoàng Elizabeth II trang trọng giữa phòng, với quốc kỳ Union Jack.

Bản tuyên thệ yêu cầu chúng tôi trung thành với Nữ hoàng, tôn trọng các quyền tự do của nước Anh, không hề nhắc đến chính phủ nào cả.

Không chỉ thế, chẳng cần biết bạn theo đạo gì hay không, lời tuyên thệ ghi rõ:

"Tôi thề trước Chúa Trời Toàn năng (Almighty God), sẽ tuân thủ hoàn toàn và trung thành với Nữ hoàng Elizabeth II, các người kế vị và nối ngôi bà theo luật. Tôi sẽ trung thành với các quyền của nước Anh và quyền tự do."

Tôi cảm thấy ngay rằng vấn đề quốc tịch, thứ bậc quyền lực tại Anh khác hẳn Việt Nam và khác cả các nước theo thể chế cộng hòa.

Ở các nước kia, quốc gia, dân tộc, tổ quốc, chính quyền - những khái niệm trừu tượng - thường chiếm vị trí cao nhất.

Ở đây thì không. Một phụ nữ cụ thể, có tên tuổi là Nữ hoàng là vị nguyên thủ quốc gia, vị có chủ quyền (sovereign power), trên cả chính phủ, và hiển nhiên là trên các đảng phái nay hợp mai tan.

Trung thành với Nữ hoàng thì 'alright', với Thái tử Charles, rồi Hoàng tử William, cũng không sao.

Nhưng bắt tôi trung thành với cả Hoàng tử bé George, sinh năm 2013 thì có phải là chuyện chỉ mang tính hình thức không nhỉ?

Không chỉ thế, Vương quốc Anh còn nhiều tục lệ lạ hơn nữa mà có thể bạn chưa biết.

Nào, bạn hẳn từng thấy ảnh các tổng thống, thủ tướng nước khác tự hào đi bỏ phiếu để chứng họ họ rất tôn trọng nền dân chủ.

Nhưng đố bạn tìm thấy ảnh Nữ hoàng Elizabeth II ở phòng phiếu.

Vì bà không bỏ phiếu trong bất cứ cuộc bầu cử nào cả.

Điện Buckingham giải thích:

"Nữ hoàng không bỏ phiếu trong bầu cử vì bà phải hoàn toàn trung lập với các vấn đề chính trị nên không thể bỏ phiếu hoặc ra tranh cử."

Chuyện bà không ra tranh cử thì quá rõ. Giữ vị trí uy quyền nhất nước và nắm ngai vàng Anh trọn đời thì không cần tranh chức với ai

Tuy thế, theo Ủy ban bầu cử Anh (Electoral Commission) chẳng có luật nào cấm Nữ hoàng làm cử tri, mà đây chỉ là "thông lệ lịch sử".

Không chỉ có vậy, Nữ hoàng Elizabeth II còn là người Anh duy nhất không có hộ chiếu và không cần hộ chiếu.

Điều này được giải thích là "Hộ chiếu Anh được cấp cho mọi công dân nhân danh Nữ hoàng và do uỷ quyền của bà. Vì thế, để chính bà phải có hộ chiếu sẽ là điều không cần thiết (superfluous)."

Văn bản tiếng Anh gọi việc này là "superfluous" - dư thừa, vô dụng.

Từ đó chúng ta suy ra, Nữ hoàng Anh qua mọi biên giới chẳng cần hộ chiếu.

Về cá nhân của Nữ hoàng là như vậy, nhưng tước vị Nữ hoàng Anh vẫn là một phần của bộ máy lập pháp.

Theo quy định, cụm từ 'Queen in Parliament' hàm ý khi ba ngôi vị: Nữ vương, Viện Nguyên lão (House of Lords), và Viện Thứ dân (House of Commons - Hạ viện) đang hoạt động cùng một lúc.

Ba cơ quan này hợp làm một và gọi chung là Viện Lập pháp Anh (British Legislature).

Khi Nữ hoàng có mặt trong tòa nhà Quốc hội ở Westminster thì Viện Lập pháp Anh mới công bố các văn bản pháp lý quan trọng nhất.

Ví dụ The Queen's Speech hàng năm không phải là bài diễn văn mà là luật ngân sách chính phủ đương quyền để Nữ hoàng đọc.

Còn việc ra luật hàng ngày, hàng tuần của Hạ viện thì bà không tham gia.

Bút chì, thú yêu và 'ba say chưa chai'

Nhân đây kể thêm đôi ba chuyện lạ nữa về bầu cử ở Anh.

Đầu tiên là các lá phiếu đều đánh dấu bằng bút chì.

Lần đầu đi bỏ phiếu tôi tự hỏi bút chì có sợ bị ai đó tẩy xóa, đánh dấu lại lá phiếu hay không?

Có vẻ văn hóa bầu cử Anh vẫn khoẻ mạnh và tin tuyệt đối vào các công dân ngồi canh hòm phiếu.

Ủy ban Bầu cử giải thích bút chì tốt hơn bút bi, bút mực vì lá phiếu không bị nhoè, hoặc dính màu mực khi được gấp và vận chuyển.

Horse at polling station Bản quyền hình ảnh PA
Image caption Dắt ngựa đến phòng phiếu ở Bramshill, Hampshire

Đơn giản vậy thôi.

Bước vào phòng bỏ phiếu, đặt trong trường tiểu học ở gần nhà, tôi được nhắc là "không ai được chụp hình" trong phòng phiếu.

Chẳng có luật nào cấm chụp hình.

Để đảm bảo quy tắc bỏ phiếu kín, bạn không nên chụp bản thân (selfie) hay chụp lá phiếu của bất cứ ai.

Bị cấm chụp hình nhưng bạn có mang thú cưng như chó, mèo, ngựa đến phòng phiếu thì lại được hoan nghênh.

Người Anh rất khoái hình ảnh đi bỏ phiếu - chuyện hệ trọng - nhưng với dáng vẻ đi chơi.

Ừ, trên đường dắt cún đi dạo thì tạt vào phòng phiếu bầu cho cái đảng mình rất ghét nhưng... đảng kia còn đáng ghét hơn.

Mang dáng vẻ nông dân (thực ra là quý tộc) cưỡi ngựa ra thăm đồng rồi rẽ vào bỏ phiếu... trắng, vừa hoàn thành nghĩa vụ công dân, vừa phản đối tất cả các chính trị gia địa phương. Được chưa?

Cả 650 khu vực cử tri trên toàn Vương quốc Anh và Bắc Ireland mở cửa từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối.

Sao lại phải mở muộn vậy?

Về nguyên tắc, ngày bỏ phiếu, vào Thứ Năm trong tuần, là ngày làm việc, không có trống kèn ầm ĩ gì cả.

Anh Quốc là cha đẻ của nền dân chủ đại nghị, việc gì phải rộn như các chú bé 'dân chủ' sinh sau đẻ muộn?

Phòng phiếu mở tận đêm đầu tiên là để người đi làm về vẫn bỏ phiếu được.

Nhưng tôi còn đọc ở đâu không chính thức rằng phòng phiếu mở tới tận 10 giờ đêm để đón cả dân đi nhậu, đi pub về nhà.

Sau khi làm vài vại ale cho sảng khoái người ta mới khề khà tới phòng phiếu.

Tiện hơn là uống bia rồi bỏ phiếu ngay trong pub.

Các pub chẳng phải là nơi tranh luận chính trị đó sao?

A pub that is also a poliing station Bản quyền hình ảnh Mike Hewitt
Image caption Điểm bỏ phiếu ngay trong quán bia ở Anh

Không chỉ quán bia biến thành điểm bỏ phiếu, mà nhà thờ, trạm xe, tiệm giặt, câu lạc bộ, sân bóng...đều được "huy động".

Ban tổ chức bầu cử Anh thậm chí không có quyền đuổi người say đi.

Luật và lệ của Anh nói nếu cử tri say rõ rệt, tới mức không nói được tên mình là ai, không bỏ nổi lá phiếu vào hòm (mình hiểu là dạng drunkard bò lăn ra đất, đứng lên chẳng nổi), thì ban tổ chức phải hỏi xem cử tri đó thực sự "còn năng lực" (capacity) bỏ phiếu không.

Nếu không thì mời cử tri say khướt đi về để lúc nào tỉnh thì quay lại, nếu kịp.

Nhưng ai mặc áo T-shirt chính trị, có hình, khẩu hiệu cho đảng của họ lại không được vào phòng phiếu, để không "đe dọa" cử tri khác.

Các bạn thấy đó, làm thần dân của Nữ hoàng là niềm vui, nhưng thực hiện nghĩa vụ công dân của một cử tri ở Anh lại chẳng hề đơn giản.

Chúc các bạn cử tri gốc Việt ở Anh một mùa bầu cử nhiều điều thú vị!

Dog Bản quyền hình ảnh TWITTER/NANNA_SALLY
Image caption Dắt cún đi bỏ phiếu là phong tục rất Anh
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn