Hội nghị Trung ương 4 ĐCSTQ có thể sẽ có biến động về nhân sự

Thứ Sáu, 01 Tháng Mười Một 20191:00 SA(Xem: 3772)
Hội nghị Trung ương 4 ĐCSTQ có thể sẽ có biến động về nhân sự

Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hôm 24/10 đã tổ chức một cuộc họp, xác định Hội nghị toàn thể lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ sẽ diễn ra từ ngày 28 – 31/10. Trước và sau thời điểm này, liên quan đến Hội nghị Trung ương 4 sẽ tiếp tục là một cao trào mới của đấu đá quyền lực tại Trung Nam Hải, các tin đồn và phân tích liên tiếp được lan truyền. Thông tin liên quan cho biết, cái gọi là người kế nhiệm của Tập Cận Bình có khả năng sẽ xuất hiện tại hội nghị lần này, cùng với đó, Thường ủy Bộ Chính trị có thể sẽ tăng thêm 2 người thành cơ cấu gồm 9 thành viên. 

Tập Cận Bình
Giới quan sát cho rằng, khi ông Tập Cận Bình đọc Báo cáo tại Đại hội 19 nhiều quan to thầm thì rỉ tai nhau (Ảnh: Feng Li/Getty Images)

ADVERTISEMENT

Hội nghị Trung ương 4 đã xác định thời gian cụ thể

Hôm 24/10, Tân Hoa Xã của ĐCSTQ đưa tin, Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ đã tổ chức cuộc họp vào ngày 24, nghiên cứu cái gọi là “nghiên cứu việc kiên trì và hoàn thiện chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy hệ thống quản lý đất nước và hiện đại hóa năng lực quản lý.” Ông Tập Cận Bình chủ trì hội nghị.

Hội nghị này cũng đã quyết định, Hội nghị toàn thể lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 19 (gọi tắt là Hội nghị Trung ương 4) sẽ khai mạc từ ngày 28 – 31/10 tại Bắc Kinh.

Theo đó, trong hội nghị này, Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ đã nghe báo cáo tình hình về việc trưng cầu ý kiến trong, ngoài Đảng, quyết định căn cứ vào những ý kiến thảo luận trong Hội nghị lần này để đệ trình văn kiện nêu trên lên Hội nghị Trung ương 4 xem xét, thông qua.

Bản tin còn cho biết, hội nghị còn nghiên cứu các vấn đề khác. Tuy nhiên, cái gọi là “những vấn đề khác” xưa nay là chi tiết để cho giới quan sát có không gian liên tưởng, tức không nói cụ thể là gì.

Trước đó, ngày 30/8, Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ đã quyết định Hội nghị Trung ương 4 khóa 19 sẽ diễn ra vào tháng 10. Đây là hội nghị phá lệ trì hoãn hơn 1 năm chưa mà vẫn chưa khai mạc được. Do chính quyền ĐCSTQ không chiểu theo thông lệ để công bố thời gian khai mạc hội nghị, nên cũng khiến giới quan sát có không ít đồn đoán.

Người kế nhiệm Tập Cận Bình có thể sẽ xuất hiện

Tờ Minh Báo tại Hồng Kông đưa tin, Hội nghị Trung ương 4 khóa 19 ĐCSTQ quyết định những chính sách quan trọng của ĐCSTQ, người kế nhiệm ông Tập Cận Bình có thể sẽ xuất hiện.

Bản tin nói, trước lúc khai mạc Hội nghị Trung ương 4, chính giới Bắc Kinh lưu truyền tin đồn nói người kế nhiệm Chủ tịch Tập Cận Bình đã xuất hiện. Giới quan sát tập trung tiêu điểm vào Thường ủy Bộ Chính trị kiêm Bí thư thành ủy Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ  (59 tuổi) và Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Hồ Xuân Hoa (56 tuổi).

Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) đưa tin, theo các tin đồn từ chính đàn Bắc Kinh, Hội nghị Trung ương 4 lần này sẽ có biến động tương đối lớn, có lẽ sẽ liên quan đến nhân sự, hoặc liên quan đến khung tổ chức đảng, cũng có khả năng để liên quan đến cả 2 vấn đề nhân sự, tổ chức đảng. Các tin đồn hiện tại không thể nào kiểm chứng được.

Bản tin còn trích dẫn truyền thông bên ngoài Trung Quốc cho biết, Hội nghị Trung ương 4 lần này có khả năng sẽ khôi phục lại số lượng Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị là 9 người như trước Đại hội 18 được tổ chức vào tháng 11/2012; 2 người được thêm vào là Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Hồ Xuân Hoa và Bí thư thành ủy Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ.

Hôm 22/10, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, nhà bình luận độc lập Ngô Cường trả lời phỏng vấn của đài đã nói, Hội nghị Trung ương 4 khai mạc vào tháng 10 sẽ thảo luận về cái gọi là “trị quốc lý chính” (theo tựa đề một cuốn sách của ông Tập Cận Bình, tên tiếng Anh là The Governance of China), thực tế là làm bước chuẩn bị cho ứng cử viên Thường ủy Bộ Chính trị khóa tiếp theo. Do đó, đấu đá nội bộ về phương diện sắp xếp nhân sự tại Hội nghị Trung ương 4 sẽ là chủ đề vô cùng quan trọng. Ví dụ như ông Trần Mẫn Nhĩ liệu có thay thế cho Thường ủy nào đó hay không? Thường ủy nào phải rút lui, ai lên thay? Điều này đã trở thành vấn đề quan trọng theo ý nghĩa của phiên họp lần này.

Hồi Đại hội 19 của ĐCSTQ diễn ra vào tháng 10/2017, ông Trần Mẫn Nhĩ và ông Hồ Xuân Hoa đều được dự đoán là sẽ trở thành người kế nhiệm thế hệ lãnh đạo tiếp theo trong Thường ủy Bộ Chính trị. Nhưng cuối cùng cả hai không vào được Ban thường vụ.

Cũng tại Đại hội 19, ông Tập Cận Bình đã không chỉ rõ “người kế nhiệm” theo lệ cũ của ĐCSTQ. Giới quan sát khi đó cho rằng, điều này có thể là bước trải đường để ông Tập tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3. Tại kỳ “lưỡng hội” năm 2018, ĐCSTQ đã thông qua “Hiến pháp sửa đổi”, chính thức hủy bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức vụ Chủ tịch nước. Dư luận khi đó cũng có nhiều đồn đoán rằng có lẽ ông Tập sẽ trở thành lãnh đạo trọn đời, không bị giới trong 2 nhiệm kỳ.

Tin đồn về người kế nhiệm không thể kiểm chứng được, theo thông tin từ Minh Báo, cũng có người phản bác nói, trong tình huống ông Tập Cận Bình thông qua sửa đổi hiến pháp để kéo dài thời gian chấp chính, liệu có cần thiết phải giới thiệu người kế nhiệm trong lần Hội nghị Trung ương 4 này không? Ngoài ra, vì sao tại Đại hội 19, không để cho ông Trần Mẫn Nhĩ, Hồ Xuân Hoa vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị, mà sau đó 2 năm mới đột nhiên cho 2 người này vào? Thực tế khó có thể nhìn được tính cấp thiết của việc này. Nếu nói ông Tập Cận Bình dự tính tại Đại hội 20 diễn ra vào năm 2022 sẽ chuyển giao quyền lực, hiện nay mới bắt đầu bồi dưỡng người kế nhiệm thì e là có chút muộn màng. Huống hồ năm ngoái mới sửa đổi Hiến pháp xong, đã hủy bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức danh Chủ tịch nước, vì sao ông Tập lại vội vã chuyển giao quyền lực?

Về vấn đề này, Minh Báo chỉ ra: Chế độ người kế nhiệm cũng thuộc một phần của “hệ thống quản lý quốc gia và năng lực quản trị quốc gia”, cũng phù hợp với chủ đề của Hội nghị toàn thể Trung ương năm nay. Còn “ông Tập Cận Bình có thể thông qua giới thiệu người kế nhiệm để biểu thị rằng, bản thân không có ý chấp chính trọn đời”, hơn nữa, “Thời Cách mạng Văn hóa, khi ông Mao Trạch Đông chỉ định Lâm Bưu làm người kế nhiệm, cũng không có ai tin rằng Mao sẽ mất quyền lực.”

Hội nghị Trung ương 4 là cuộc chiến bảo vệ quyền lực của Tập Cận Bình

Tờ Apple Daily tại Hồng Kông hôm 23/10 đưa tin, tại Hội nghị Trung ương 4, ông Tập có thể sẽ mượn cơ hội bắt đầu một cuộc tranh đấu quyền lực để bảo vệ địa vị. Về nội dung thảo luận tại hội nghị lần này, ông Tập có thể sẽ mượn Hội nghị Trung ương 4 “củng cố cải cách cơ cấu đảng chính phủ từ trên xuống dưới với quy mô và lực độ lớn nhất trong lịch sử mà ông thúc đẩy từ năm ngoái đến nay”; cũng có phân tích nói, hội nghị sẽ nhắc lại phương châm “đảng lãnh đạo tất cả”, là mỏ neo tái định “trị quốc lý chính” của ông Tập.

Nhà bình luận thời sự Lưu Nhuệ Thiệu nói với Apple Daily rằng, Hội nghị Trung ương 4 khai mạc trong lúc ĐCSTQ đang đối mặt với khó khăn cả trong lẫn ngoài, ông Tập Cận Bình ắt phải có hành động gì đó thì mới có thể ổn định được quyền lực, để loại bỏ can nhiễu nội bộ.

Ông Tập Cận Bình gần đây liên tiếp có những phát biểu mang tính hằn học. Ngày 13/10, trong thời gian thăm Nepal, ông đã có lời cảnh cáo hiếm thấy đối với những người có ý đồ chia sẽ Trung Quốc, rằng những người này sẽ bị “thịt nát xương tan”. Trong tháng này, Tạp chí Cầu Thị của ĐCSTQ cũng đăng bài phát biểu cũ của ông Tập Cận Bình, kêu gọi toàn đảng “ngăn chặn hiểm họa từ bên trong”. Đầu tháng 9, phát biểu tại lễ khai mạc lớp bồi dưỡng cán bộ của Trường đảng Trung ương, ông Tập đã nhắc đến hơn 50 lần từ “đấu tranh”.

Ông Hồ Bình, Chủ biên danh dự của Tạp chí Mùa xuân Bắc Kinh chia sẻ với VOA rằng, nguy hiểm lớn nhất mà ĐCSTQ đối mặt là đến từ nội bộ đảng, đến từ thượng tầng của nội bộ ĐCSTQ. Ông Tập Cận Bình lo lắng, chính là họ sẽ lợi dụng thời cơ Hội nghị Trung ương 4, tập trung lại để gây rối loạn, điều này sẽ tạo thành mối đe dọa đến người thống trị. Cho nên ông ấy mới thốt ra những lời hằn học như vậy, chính là ngăn chặn trước những ý kiến phản đối và nghi ngờ.

Ông nói, như vậy, Hội nghị Trung ương 4 lần này, không nghi ngờ gì, chính là khủng hoảng quyền lực lớn nhất mà ông Tập Cận Bình đối mặt kể từ khi nắm quyền.

Nhà bình luận Trần Phá Không phân tích, Hội nghị Trung ương 4 là cuộc chiến bảo vệ quyền lực của ông Tập Cận Bình, nếu ông Tập thất bại, “đường lối” của ĐCSTQ sẽ thất bại; nếu ông Tập thắng, có khả năng sẽ dấy lên một đợt thanh trừng trong nội bộ đảng.

Trí Đạt

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn