Quan chức ĐCSTQ lập “Miếu Mao Trạch Đông” để tự bảo vệ mình

Chủ Nhật, 27 Tháng Mười 20191:00 SA(Xem: 4216)
Quan chức ĐCSTQ lập “Miếu Mao Trạch Đông” để tự bảo vệ mình

Trong lúc chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dỡ bỏ và phá hủy tượng tôn giáo cùng chùa chiền không kiêng nể gì thì “Miếu Mao Trạch Đông” lại được xây dựng tại nhiều khu vực một cách lạ thường. Có quan chức ĐCSTQ tiết lộ, do ông Tập Cận Bình phát động phong trào sùng bái Mao Trạch Đông, nên quan chức các nơi liên tiếp học theo, không ít đạo quán chùa chiền tại các địa phương đã đã lập tượng Mao Trạch Đông. 

Tập Cận Bình
Ngày 30/9, ông Tập Cận Bình đã dẫn một nhóm quan chức đến Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông, cúi người trước tượng Mao. (Ảnh cắt từ video)

Tạp chí Bitter Winter đưa tin, nhiều khu vực ở Trung Quốc Đại Lục một mặt cưỡng chế dỡ bỏ các tượng tôn giáo và chùa chiền, một mặt lại xuất hiện không ít “Miếu Mao Trạch Đông”. Thánh địa Đạo giáo Liên Hoa Sơn tại huyện Giáp tỉnh Hà Nam, ngoài xây dựng “Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông”, còn xây một ngôi “Miếu Mao Trạch Đông”.

Một người dân địa phương nói một cách mỉa mai rằng, hiện nay rất nhiều chùa chiền có chứng nhận đều bị niêm phong, dỡ bỏ, nhưng hai ngôi “Miếu Mao Trạch Đông” không có chứng nhận lại có thể đứng vững bên dưới Liên Hoa Sơn.

Thành phố Thương Khâu tỉnh Hà Nam có một đạo quán nhiều lần bị chính quyền cấm đốt hương cúng bái, nhưng sau khi đạo quán này dựng tượng Mao Trạch Đông, quan chức không còn đến quấy nhiễu nữa. Do đó, nhiều chùa chiền khác cũng bắt đầu dựng tượng Mao Trạch Đông để “tự bảo vệ mình”.

Bản tin trích dẫn cách nói của quan chức trong nội bộ ĐCSTQ rằng, do lãnh đạo đương nhiệm sùng bái Mao Trạch Đông, nên không ít quan chức cũng bắt chước bái Mao.

Ngoài ra, theo Bitter Winter đưa tin ngày 11/5, một ngôi chùa ở thôn Trương Pha, Ký Liệu thành phố Nhữ Châu tỉnh Hà Nam, do không cách nào để có giấy phép hoạt động tôn giáo, nên họ bỗng nghĩ ra cách thờ tượng Mao Trạch Đông, Chu Đức, Chu Ân Lai, cũng vì thế mà được chính quyền địa phương liệt vào cái gọi là “Cơ sở giáo dục chủ nghĩa yêu nước đỏ”.

Miếu thờ Mao Trạch Đông
Một ngôi chùa ở thôn Trương Pha, Ký Liệu, thành phố Nhữ Châu tỉnh Hà Nam, do không cách nào để có giấy phép hoạt động tôn giáo, nên họ bỗng nghĩ ra cách thờ tượng Mao. Trong ảnh, Mao Trạch Đông (giữa), Chu Đức (trái), Chu Ân Lai (phải). (Ảnh từ Bitter Winter)

Tuy nhiên, sau khi thông tin này tiết lộ ra ngoài, tự viện đã bị dư luận bàn tán châm chọc. Chính quyền địa phương lập tức huy động hàng trăm cảnh sát và 2 máy xúc để phá dỡ “Miếu Mao Trạch Đông” trong đêm.

Theo người nắm rõ tình hình tiết lộ, nguyên nhân chủ yếu của việc phá hủy ngôi miếu này là ĐCSTQ là kẻ vô thần, hiện nay lại coi Mao Trạch Đông như “thần” để cung phụng, “Điều này được phơi bày chẳng khác nào ĐCSTQ tự vả vào mặt mình, cho nên chính quyền mới ra lệnh gấp rút gỡ bỏ, đây là vì để che giấu sự xấu hổ.”

Việc Tập Cận Bình có xu hướng thân Mao gây nhiều bàn tán

Mao Trạch Đông bị coi là một trong 3 “ma đầu sát nhân” trên thế giới. Trong thời gian ông ta chấp chính đã phát động nhiều cuộc vận động chính trị, từ vận động trấn phản, cải cách ruộng đất thời kỳ xây dựng chính quyền đến cuộc vận động phản hữu, nạn đói, Cách mạng Văn hóa. Theo ước tính của người trong và ngoài thể chế ĐCSTQ, cùng với học giả nước ngoài, số người chết dưới chính sách độc tài của Mao Trạch Đông đều là con số trên “nghìn vạn”. Người ít thì cũng 20 – 30 triệu, người nhiều thì lên đến 70 – 80 triệu.

Tuy nhiên, người đứng đầu ĐCSTQ hiện nay là Tập Cận Bình trong những năm gần đây chuyển hướng tả, sùng bái Mao Trạch Đông rõ ràng, gần đây liên tiếp có hành động thân Mao.

Ngày 12/9, Tập Cận Bình đến Công viên Hương Sơn ở ngoại ô phía Tây thành phố Bắc Kinh, đầu tiên là đến khu biệt thự Song Thanh để thăm nơi ở cũ của Mao, sau đó đến Nhà tưởng niệm cách mạng Hương Sơn để tham quan triển lãm. Ngày 25/3/1949, Trung ương ĐCSTQ và Mao Trạch Đông đến trú tại Hương Sơn ở Bắc Kinh, tại đây, Mao Trạch Đông và Chu Đức đã công bố mệnh lệnh tiến quân trên toàn quốc.

Truyền thông nhà nước ĐCSTQ đưa tin, về việc này, ông Tập Cận Bình “cảm xúc lẫn lộn”. Tập Cận Bình nhắc lại “thuyết đấu tranh” mà ông đã phát biểu tại Trường đảng Trung ương vào ngày 3/9, hôm đó, tại lễ khai giảng lớp học của Trường đảng Trung ương, ông đã phát biểu liên tiếp hàng chục lần từ “đấu tranh”.

Người sáng lập tổ chức nhân quyền “Sức mạnh công dân” Dương Kiến Lợi đã phân tích về vấn đề này và cho biết, phát biểu liên quan đến “đấu tranh” của ông Tập Cận Bình cho thấy, triết học đấu tranh của Mao Trạch Đông đã trở thành tư tưởng chỉ đạo chính của Tập Cận Bình.

Ngày 30/9, ông Tập Cận Bình dẫn dắt toàn thể Thường ủy Bộ Chính trị đến Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông để lễ bái. Lần này ông Tập Cận Bình đã phá vỡ cấm kỵ. Sau “cải cách mở cửa” của Đặng Tiểu Bình, các nhiệm kỳ lãnh đạo ĐCSTQ đều không đến tế bái Mao trong dịp kỷ niệm xây dựng chính quyền, mà chỉ tổ chức lễ tế vào ngày kỷ niệm thập niên ngày sinh của Mao. Đây cũng là lần thứ 2 ông Tập đến bái Mao kể từ khi ông lên nắm quyền.

Truyền thông ĐCSTQ đưa tin đã không nói đến việc ông Tập có phát biểu gì trong hoạt động này không. Dư luận cho rằng, cao tầng của ĐCSTQ mượn cơ hội lễ bái Mao này là xuất phát từ nhu cầu chính trị cần phải đưa ra hành động nào đó.

Tờ New York Times đưa tin, Tập Cận Bình dẫn đầu cúi người trước di thể đã được xử lý chống phân hủy của kẻ “đồ tể” đứng đầu thế giới – Mao Trạch Đông.

Trong ngày duyệt binh 1/10, Tập Cận Bình để cho đội ngũ diễu hành ở Thiên An Môn cùng ca tụng Mao bằng cách vang lên ca khúc “Màu đỏ phương Đông”. Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) đưa tin, điều này có thể khiến cho tim không ít người Trung Quốc phải đập thình thình: “Sao lại đi ngược lại trở lại [thời Mao] chứ?” Trong hoạt động chúc mừng buổi tối cùng ngày, “Màu đỏ phương Đông” lại tiếp tục được vang lên.

Gần đây Nhân đại ĐCSTQ đưa ra dự thảo luật xử lý công chức, lần đầu tiên đưa điều lệ quy phạm đảng viên ĐCSTQ mở rộng ra toàn thể công chức, hễ phát biểu ngôn luận phản đối lãnh đạo ĐCSTQ, phản đối chế độ Xã hội Chủ nghĩa, phản đối cải cách mở cửa đều sẽ bị khai trừ.

Thêm nữa, chính quyền ĐCSTQ cũng lần đầu tiên yêu cầu những người làm trong ngành báo chí phải tham gia cuộc thi trực tuyến mang tính toàn quốc, để kiểm tra mức độ trung thành với nguyên tắc quản lý báo chí của đảng và mức độ trung thành với ông Tập Cận Bình. Những ai không tham gia thi hoặc thi không đạt sẽ không thể đổi thẻ phóng viên mới.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ nhận định, từ khi ông Tập Cận Bình nắm quyền đến nay, nhất là sau khi bước vào thời đại gọi là Thời đại mới Tập Cận Bình, ĐCSTQ thu hẹp cải cách mở cửa đến nay đã có sự nới lỏng trong kiểm soát tư tưởng, mô thức ĐCSTQ quản lý tất cả, thống nhất tư tưởng thời đại Mao Trạch Đông đang dần quay trở lại.

Trí Đạt

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn