Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Nam sẽ bắt kịp Trung Quốc?

Thứ Tư, 25 Tháng Chín 20196:24 CH(Xem: 4934)
  • Tác giả :
Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Nam sẽ bắt kịp Trung Quốc?
Tuần qua, truyền thông quốc tế nêu câu hỏi với sự hoài nghi, rằng liệu Việt Nam có bắt kịp Trung Quốc hay không. Thật ra, việc so sánh đó thiếu phần chính xác và nhìn trong dài hạn, Việt Nam vẫn có thể là một Hàn quốc nếu biết tự chuẩn bị. Diễn đàn Kinh tế sẽ giải thích tại sao…
fcf27de6-35b0-4677-828f-6ba99ee89140
Ảnh minh họa:Việt Nam sẽ là một tiểu Trung Quốc?
Việt Nam: Tiểu Trung Quốc?
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, trong bối cảnh của trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhiều trung tâm nghiên cứu đã nói tới trường hợp Việt Nam với câu hỏi rằng Việt Nam có khai thác được lợi thế để sẽ là một “Tiểu Trung Quốc” hay không? Ông nghĩ sao về câu hỏi đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Có lẽ chúng ta nên nhìn từ ngắn hạn tới dài hạn, may ra sẽ thấy được câu trả lời cho trường kỳ.
- Về ngắn hạn, trận thương chiến giữa hai nền kinh tế có sản lượng cao nhất thế giới từ hai bờ Đông-Tây của Thái Bình Dương không thể chấm dứt và sẽ chi phối các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
- Khối Đông Nam Á bị hai tai họa là Mỹ kim lên giá và số cầu sút giảm nên ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu. Nhìn rộng ra ngoài, những bất trắc với vụ Vương quốc Anh ra khỏi Liên hiệp Âu Châu, sự suy sụp của Liên Âu, trận thương chiến giữa Nhật Bản và Hàn quốc, nạn sụt giá thương phẩm và các vật liệu bán dẫn cũng gây vấn đề cho các nước Đông Nam Á.
- Vì vậy, tổ chức OECD có trụ sở tại Paris vừa cảnh báo rằng đà tăng trưởng toàn cầu có thể giảm 0,3% và chỉ còn là 2,9% trong năm nay. Tổ chức Thương mại Thế giới WTO thì dự báo rằng lượng hàng hóa giao dịch toàn cầu từ 4,7% vào năm 2017 sẽ chỉ còn 2,6% vào năm nay. Hậu quả là đà tăng trưởng của các thị trường đang phát triển tại Á Châu sẽ sụt từ số 6,5% trong năm 2018 xuống 6,2% vào khoảng thời gian 2019-2020. Việt Nam nằm giữa chỗ trũng đó.
Nguyên Lam: Thưa ông, một cách cụ thể thì Việt Nam sẽ bị những gì và được những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nằm trong chuỗi cung ứng hàng hóa từ Trung Quốc khi kinh tế xứ này đã mất vai trò “công xưởng toàn cầu” từ năm năm trước và nay lại lao vào trận thương chiến nên Việt Nam có một số lợi thế nhất định. Ngân hàng Thế giới ước tính là trong 33 doanh nghiệp triệt thoái khỏi thị trường Trung Quốc vì vụ thương chiến thì 23 doanh nghiệp đã hạ cánh tại Việt Nam. Nhưng sự yếu kém của hạ tầng vật chất và luật lệ tại Việt Nam đã giới hạn ưu thế này.
- Nếu nhìn vào tiềm năng lâu dài hơn thì Việt Nam vẫn còn nhiều lợi thế khi đã ký kết Hiệp ước TPP với 10 quốc gia Á Châu Thái Bình Dương và Hiệp định Tự do Mậu dịch với Âu Châu và sẽ thực thi kể từ cuối năm nay. Chính là triển vọng đó mới khiến giới đầu tư quốc tế nhìn vào Việt Nam, nhưng bài toán là lãnh đạo Hà Nội có kịp thời cải cách cơ chế của mình hay không?
Nguyên Lam: Trở lại câu hỏi là liệu Việt Nam có trở thành một “Tiểu Trung Quốc hay không?” thì ông nghĩ sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng đây là một sự so sánh khập khiễng giữa một quốc gia gần trăm triệu dân với Trung Quốc có gần một tỷ 400 triệu người. Riêng tỉnh Quảng Đông là một trung tâm chế biến của xứ láng giềng này thì đã có một lực lượng lao động gần 13 triệu so với hơn chín triệu của Việt Nam. Vì vậy, nói về lượng thì Việt Nam chưa thể cạnh tranh được. Nhưng cũng vì thế mà Việt Nam nên nhìn vào phẩm trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Chúng ta không nên quên một nhược điểm của Trung Quốc là có khoảng 30% thanh niên chưa hoàn tất bậc trung học cho nên về dài thì tiềm năng sẽ còn sa sút. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể làm gì?
Nguyên Lam: Đúng là Việt Nam có thể làm gì, ông nghĩ sao về câu hỏi đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ tới chuỗi cung ứng toàn cầu hay global supply chain mà Việt Nam đã hội nhập được một phần, ở cấp thấp, với giá trị đóng góp còn hạn chế. Nay sẽ làm gì để bước lên một cấp cao hơn hầu gia tăng được lợi tức hay thu nhập cho người dân?
- Khi ấy, người ta nói tới thuật lý, technology hay chuyển giao công nghệ mà mình phải học. Điều ấy có nghĩa là phải đầu tư vào nguồn vốn then chốt là con người qua giáo dục và đào tạo tay nghề để từ khả năng sản xuất loại hàng hóa hạ đẳng như dệt may, áo quần giày dép và đồ gỗ mà bước lên trình độ chế biến các sản phẩm tinh vi và có giá trị hơn. Khi ấy, Việt Nam nên học kinh nghiệm của Hàn quốc từ gần nửa thế kỷ trước.
Học hỏi kinh nghiệm
 
Nguyên Lam: Thưa ông, kinh nghiệm đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hàn quốc hay Nam Hàn là một xứ thiếu tài nguyên, chủ yếu sống nhờ nông nghiệp sau mấy năm bị Chiến tranh Cao Ly tàn phá. Lãnh đạo xứ này không chấp nhận số phận tầm thường đó mà muốn vươn lên. Họ tiếp thu kinh nghiệm của một nước cừu thù là Nhật Bản để chủ động công nghiệp hóa qua từng bước cải cách kể từ những năm 1965-66. Ban đầu, họ đề ra các ngành kỹ nghệ hay công nghiệp phôi thai non yếu mà chính quyền cần nâng đỡ trong năm năm đầu. Tôi xin nhấn mạnh là nâng đỡ chứ không trực tiếp can thiệp và quản lý. Những ngành đó là ráp chế điện tử, đóng tầu, sản xuất phân bón cùng sắt thép.
- Song song, lãnh đạo xứ này cũng lần lượt đề ra là trong 10 năm, 15 năm và 20 năm tới thì sẽ làm những gì để có sức cạnh tranh cao hơn, từ áo quần giày dép tới đóng tầu và sản xuất thép, chế tạo xe hơi, hay thiết bị công nghiệp, vv… Nhờ vậy mà họ bắt kịp và còn vượt qua Nhật Bản trong một số lĩnh vực và ngày nay là thầy, là chủ của Việt Nam. Hàn quốc đã tính chuyện này từ nửa thế kỷ trước, khi chưa giàu bằng Việt Nam vào cùng giai đoạn ấy khi Việt Nam còn lao vào một trận chiến tương tàn.
 
Nguyên Lam: Ông có nhấn mạnh là Nam Hàn đã nâng đỡ chứ không trực tiếp can thiệp hay quản lý các ngành công nghiệp mà họ coi là chiến lược. Việt Nam có nên học điều ấy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, họ coi tư doanh là quan trọng và cần khuyến khích chứ không nên trực tiếp quản lý theo kiểu quốc doanh của Việt Nam như các tai họa của Vinachin hay Vinalines mà chúng ta đã thấy từ 10 năm trước và nay vẫn còn. Thứ hai, vì thị trường quá nhỏ mà muốn sản xuất cho nhiều và rẻ thì phải xuất khẩu, nên Hàn quốc chú trọng tới hiệu năng và sức cạnh tranh với hàng hóa tương tự của Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Âu Châu. Chính quyền Hàn quốc nâng đỡ khả năng cạnh tranh chứ không tung tiền trợ cấp như trường hợp Trung Quốc.
- Ngoài ra, có lẽ Việt Nam cũng nên học tấm gương xã hội của Đài Loan. Ngày xưa, Quốc dân đảng Trung Hoa đã theo xã hội chủ nghĩa kiểu Xô viết nhưng sớm từ bỏ và tiến dần tới kinh tế tự do và chính trị dân chủ. Họ không có các tập đoàn doanh nghiệp hay tài phiệt như các “chaebols” Nam Hàn nhưng chú trọng tới các doanh nghiệp loại nhỏ và vừa của tư nhân. Quan trọng hơn cả, họ đảm bảo yếu tố công bằng xã hội mà các nước tự xưng là xã hội chủ nghĩa lại chưa hề có. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Nam Hàn và Đài Loan đã từ trình độ chậm tiến hay “đang phát triển” mà bước lên thành phần tiên tiến trong có mấy thập niên, hơn hẳn các nước Đông Nam Á.
Nguyên Lam: Phải chăng ông muốn nói Việt Nam không nên học Trung Quốc mà nên theo tấm gương của Nam Hàn hay Đài Loan?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Mỗi quốc gia lại có hoàn cảnh riêng cho nên nếu có muốn học thì cũng học những gì nên tránh!
- Ngoài yếu tố xã hội chính trị của một xứ độc tài và bất công, thuần về kinh tế thì Trung Quốc cũng đang mắc phải cái bệnh của khu vực chế biến tại Hoa Kỳ vào mấy chục năm trước mà chưa phát triển được khu vực dịch vụ và tài chính như nước Mỹ. Việt Nam nên nhìn xa hơn nước Tầu và tránh là một phiên bản nghèo của Trung Quốc và cố gắng cải tiến khả năng hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu ở một mức cao hơn. Kinh nghiệm của Nam Hàn hay Đài Loan là những gì mình nên nghiên cứu và học hỏi sau khi nhớ lại rằng Việt Nam vẫn nằm dưới mức trung bình về tự do kinh tế và xã hội mà chỉ hơn nhiều nước về tham nhũng.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích tuần này.
(RFA)
Ý kiến bạn đọc
Thứ Sáu, 27 Tháng Chín 20193:59 SA
Khách
Thấy câu phỏng vấn khá hấp dẫn nên vào xem để rồi thất vọng, vì ngoài những con số thống kê thì không có gì ăn nhập tới chủ đề: "Việt Nam sẽ bắt kịp Trung Quốc?". Mặc dù những câu hỏi rất cụ thể nhưng được dân giải lòng vòng, hấp dẫn lôi cuốn nhưng...cuối cùng huề vốn. Tuy rất ngưỡng mộ kinh tế gia Nguyễn xuân Nghĩa về phương thuật dẫn dụ người nghe như giải ảo, nhưng nhiều người thích ngăn gọn, không thích câu giờ vô bổ.
"Việt Nam sẽ bắt kịp Trung Quốc?". Vẫn tưởng câu hỏi phải bao gồm: quân sự, chính trị và kinh tế. Nhưng tới cuối, vẫn nằm trong lành vực thương mại kinh tế. Nếu chỉ có thế thì câu trả lời dứt khoát và chính xác là: "Việt Nam sẽ không bao giờ bắt kịp Trung quốc, khi còn đảng Cộng Sản Việt Nam". Lý do dể hiểu vì Việt Nam là cái đuôi của Trung Cộng, luôn chạy theo sau Trung cộng về mọi mặt thì làm sao chạy ngang hay vượt mặt được. Cộng sản VN coi Trung Cộng như là mẫu mực để bắt chước, leo đẽo theo sau học hỏi, khi Trung Cộng ngừng thi cũng ngừng, khi Trung Cộng lui cũng vội lui (không lùi nó đạp dập mật), thì lấy gì qua mặt đàn anh.
Khi ông Nghĩa phán: "đây là một sự so sánh khập khiễng giữa một quốc gia gần trăm triệu dân với Trung Quốc có gần một tỷ 400 triệu người" xem ra ông lỗi thời quá rồi. Các quốc gia thịnh vượng ngày nay không còn lệ thuộc vào số đông nhân lực nữa. Căn bản thịnh vương kinh tế lệ thuộc sự đáp ứng cung cầu dựa trên 3 yếu tố : Tài nguyên - Nhân sự - Kỹ thuật. Các quốc gia Trung Đông dân số ít nhưng giàu có vì tài nguyên dầu hỏa tràn trề. So với Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, nhân sự ít , tài nguyên kém, nhưng kỹ thuật vượt trội, mức sản xuất của họ cao, bởi họ xử dụng công nghệ cao: Một chú (máy ) robot có năng xuất bằng trăm người thợ, chế biến tài nguyên nhập từ nước ngoài tái xuất làm giàu. Kinh tế Trung Cộng vượt lên tranh giành hàng thứ hai với Nhật Bản là do: đánh cắp kỹ thuật sáng kiến từ nước ngoài, có tài nguyên (đất hiếm cho công nghệ cao), số nhân công trong các lãnh vực robot không thể thay thế hay nguy hiểm nhận lương bổng thấp.
Việt Nam hiện tại có dư tài nguyên và khả năng kỹ thuật (trong và ngoài nước) để vượt lên đồng hành với Đài Loan, Nam Hàn hay Nhật Bản nếu như chính quyền Cộng Sản Việt Nam sụp đổ hay loại bỏ tư tưởng tôn sùng Tàu Cộng của ông Hồ, áp dụng kinh tế tư bản tự do.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn