'Cơn đau tim' tại nhà máy lọc dầu Arab Saudi ( Ai, Thời nào cũng vậy: Gieo nhân gặt quả )

Thứ Hai, 16 Tháng Chín 20196:30 SA(Xem: 3825)
'Cơn đau tim' tại nhà máy lọc dầu Arab Saudi ( Ai, Thời nào cũng vậy: Gieo nhân gặt quả )

Giá dầu tăng và Trump dọa hành động quân sự với thủ phạm sau khi hai nhà máy lọc dầu quan trọng của Arab Saudi bị tấn công.

Hai nhà máy ở Abqaiq và Khurais của công ty dầu khí nhà nước Arab Saudi Aramco ngày 14/9 bị tấn công bằng máy bay không người lái, khiến họ tổn thất gần 6 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương 50% tổng sản lượng sản xuất toàn quốc, làm sụt giảm 5% lượng cung dầu mỏ toàn cầu.

Mặc dù Aramco cho biết họ sẽ sử dụng kho dự trữ để bù đắp sản lượng bị mất và Mỹ đã đề xuất mở kho dự trữ dầu chiến lược, thị trường dầu ngày 15/9 vẫn có phản ứng trước diễn biến này. Dầu thô của Mỹ tăng 5,61 USD/ thùng, tương đương 10,2% lên 60,46 USD/ thùng trong giao dịch điện tử trên Sàn Giao dịch hàng hóa New York. Dầu thô Brent tăng 7,84 USD/thùng, tương đương 13%, lên 68,06 USD/thùng.

Khói bốc lên từ nhà máy của Aramco ở Abqaiq sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái ngày 14/9. Ảnh: Reuters.

Khói bốc lên từ nhà máy của Aramco ở Abqaiq sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái ngày 14/9. Ảnh: Reuters.

Việc công ty có lợi nhuận hàng đầu thế giới bị tấn công bởi máy bay không người cấp thấp làm nổi bật lỗ hổng của cơ sở hạ tầng dầu mỏ Arab Saudi, nước vốn chi hàng tỷ USD để mua thiết bị phòng thủ tinh vi. Không giống như các nhà cung cấp dầu lớn khác như Mỹ và Nga - những nước có nhiều nhà sản xuất trải rộng trên các khu vực địa lý rộng lớn, việc sản xuất dầu của Arab Saudi phụ thuộc vào một thực thể duy nhất là Aramco.

Điều này khiến Arab Saudi dễ bị tổn thương hơn trong trường hợp bị tấn công. Nhà máy Abqaiq - được coi là "viên ngọc quý" với công suất hơn 7 triệu thùng mỗi ngày là cơ sở "dễ bị tổn thương nhất", theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington.

"Abqaiq là trái tim của hệ thống và họ vừa trải qua cơ đau tim", Roger Diwan, chuyên gia năng lượng tại công ty tư vấn IHS Markit, viết.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng đây khó có thể là cú sốc nghiêm trọng đối với thị trường năng lượng và nền kinh tế thế giới. Cuộc tấn công xảy ra khi lượng dự trữ dầu toàn cầu đang ở mức cao, các cơ sở dầu mỏ của Mỹ nhìn chung không hề hấn sau mùa bão. Ngoài ra, tình hình kinh tế toàn cầu có xu hướng chững lại cũng khiến nhu cầu năng lượng không lớn.

"Trường hợp xấu nhất để đẩy giá dầu tăng cao là sự cố khiến Arab Saudi mất lượng lớn sản lượng. Nhưng nếu họ có thể nối lại sản xuất nhanh chóng hoặc ít nhất là đảm bảo với thị trường rằng họ có thể làm vậy, giá dầu sẽ không tăng đột biến", chuyên gia năng lượng Robert Rapier nói.

Nhưng thiệt hại đối với các nhà máy và thời gian cần để sửa chữa vẫn chưa rõ ràng. Chính quyền Arab Saudi thường giữ kín thông tin và họ không cho phép các phóng viên đến gần các nhà máy kể từ sau cuộc tấn công. Giới phân tích cảnh báo rằng việc thiếu thông tin có thể khiến thương nhân đầu cơ.

Tìm cách xoa dịu những lo âu trên thị trường, Amin Nasser, CEO của Aramco cho biết "họ đang tiến hành các biện pháp để bù lại sản lượng đã mất". Aramco dự kiến khởi động lại hầu hết các hoạt động "trong vòng vài ngày".

"Arab Saudi có rất nhiều dầu dự trữ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và xin đừng nghĩ rằng Aramco sẽ lao đao vì vụ này. Họ đâu phải công ty 'chạy ăn từng bữa", Ellen Wald, tác giả một cuốn sách về ngành dầu của Arab Saudi, nói.

Arab Saudi được biết đến là có kho chứa dưới lòng đất với sức chứa hàng chục triệu thùng các sản phẩm dầu mỏ tinh chế khác nhau có thể được sử dụng trong thời kỳ khủng hoảng. "Tất cả cơ sở quan trọng trên thế giới đều có nguy cơ đối mặt với khủng bố. Vì vậy, mối quan tâm của các nhà đầu tư sẽ là đánh giá tốc độ phục hồi của Aramco sau các cuộc tấn công như vậy", Ali Shihabi, người sáng lập trung tâm nghiên cứu Arabia Foundation, nói. "Họ chắc chắn đã dự phòng cho những sự kiện như vậy trong nhiều thập kỷ".

Cuộc tấn công là một phép thử đối với tân Bộ trưởng Năng lượng, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman vì nó có thể làm giảm niềm tin của nhà đầu tư và tác động đến việc định giá khi Aramco sắp chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng (IPO). IPO của Aramco từng được lên kế hoạch diễn ra vào năm 2018 nhưng liên tiếp trì hoãn vì chưa đạt được mức định giá hai nghìn tỷ USD mà giới lãnh đạo Arab Saudi mong muốn.

"Thái tử Mohammad bin Salman sẽ thúc đẩy để công ty chứng minh rằng họ có thể giải quyết hiệu quả thách thức từ khủng bố hoặc chiến tranh", nhà phân tích Ayham Kamel của Eurasia Group nói. "Nhưng các cuộc tấn công có thể làm phức tạp kế hoạch IPO của Aramco do rủi ro an ninh gia tăng và tác động tiềm tàng đối với việc định giá".

Hiện chưa rõ bên nào thực hiện vụ tấn công. Phiến quân Houthi tại Yemen đã nhận trách nhiệm nhưng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo quy trách nhiệm trực tiếp cho Iran, nước bị cáo buộc hậu thuẫn phiến quân Houthi. Trong khi đó, Iran bác bỏ điều này.

Nếu Tehran đúng là bên thực hiện vụ tấn công, đó sẽ là nỗi đau đầu về an ninh quốc gia lớn đối với Trump và có khả năng sẽ làm thay đổi lập trường có vẻ mềm mỏng hiện tại của Mỹ đối với Iran. Hồi tháng 6, Trump đã hủy kế hoạch tấn công Iran và trong vài tuần gần đây, ông cho rằng giới lãnh đạo Iran muốn đối thoại, làm dấy lên đồn đoán Mỹ - Iran có thể gặp thượng đỉnh tại hội nghị sắp tới của Liên Hợp Quốc.

Trump ngày 15/9 viết trên Twitter rằng Mỹ sẵn sàng "khóa mục tiêu và lên nòng" để đáp trả, ám chỉ khả năng Mỹ có phản ứng quân sự. Giới phân tích cảnh báo rằng Mỹ có thể hiện lên là "mềm yếu" nếu không có phản ứng mạnh mẽ. Tuy nhiên, Trump ít khả năng sử dụng biện pháp quân sự để gây leo thang chảo lửa ở Trung Đông vì ông có thể đánh mất cử tri trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Cuộc tấn công cũng sẽ làm leo thang căng thẳng giữa Arab Saudi và Iran, vốn đã là đối thủ trong hàng thập kỷ, cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực. Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman tuyên bố nước này "sẵn sàng và có thể" đáp trả "hành vi xâm lược khủng bố".

Tuy nhiên, James Dorsey, chuyên gia về Trung Đông tại trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho rằng ít khả năng Arab Saudi sẽ tung ra đòn trả đũa trực tiếp vì "Arab Saudi không muốn có một cuộc xung đột công khai với Iran".

"Arab Saudi chỉ muốn những người bên khác thay mình chiến đấu trong cuộc xung đột đó nhưng những bên khác thì miễn cưỡng", ông nói.

Nếu phiến quân Houthi phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công thì có khả năng vụ này sẽ là "bước lùi" cho nỗ lực đàm phán mà Washington xác nhận hồi đầu tháng này, được khởi động nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 5 năm ở Yemen.

"Nhiều sự chú ý sẽ đổ dồn vào cuộc chiến ở Yemen", Dorsey nói. Thay vì là "sân sau tại một nơi ít người quan tâm ở Vùng Vịnh, cuộc chiến đang "bắt đầu liên quan đến các tài sản quan trọng".

Phương Vũ (Theo AFP/AP
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn