Bỏ công việc ngàn đô làm nhân viên tập sự ở tuổi 30

Chủ Nhật, 22 Tháng Chín 20193:00 SA(Xem: 3588)
Bỏ công việc ngàn đô làm nhân viên tập sự ở tuổi 30

Bỏ công việc ngàn đô làm nhân viên tập sự ở tuổi 30

Anna Pazos BBC Worklife

Other Bản quyền hình ảnh Other

Ở tuổi 29, Alejandro Cavazo phụ trách một nhóm có trên 25 nhân viên làm việc ở công ty đa quốc gia sản xuất thiết bị hàn tại Mexico.

Anh lái xe vòng quanh Moterrey bằng xe hơi của công ty, bay hạng thương gia và tận hưởng tất cả phúc lợi có được từ vị trí công việc thuận lợi trong tập đoàn lớn.


Nhớ lại những ngày đó, anh cười nhẹ: "Giờ đây tôi chẳng có gì như vậy nữa," anh kể. "Và tôi chẳng nhớ chúng chút nào."

Hiện ở tuổi 32, Cavazos đã quay trở lại điểm xuất phát của sự nghiệp. Là nhân viên thực tập tại một công ty công nghệ ở Barcelona, anh kiếm được 500 euro mỗi tháng - chưa bằng một nửa so với mức lương tối thiểu. Thay vì lái xe hơi công ty cấp, anh trượt patin đi làm, dù sao thì tiền lương cho công việc bán thời gian của anh cũng không đủ để đi lại bằng giao thông công cộng.

Đổi lại, anh được tham gia vào những dự án có liên quan đến thiết kế đô thị hiện đại và có thể định hình bản thân là một nhân tố tạo ra thay đổi, thay vì chỉ là công cụ trong một tập đoàn khổng lồ.

Cavazos sẵn lòng trở thành một "thực tập sinh vào giữa sự nghiệp", trong tiếng Anh gọi là 'mintern' - viết tắt của cụm từ 'middle-career intern'.

Anh không phải là người duy nhất.

Tỷ lệ không hài lòng với việc làm trong thế hệ thiên niên kỷ (sinh ra vào khoảng thời gian từ 1981-1996) khá cao: Theo khảo sát toàn cầu năm 2019 của tập đoàn Deloitte tiến hành trên 13.000 người, 49% người trẻ thuộc thế hệ thiên niên kỷ sẽ bỏ việc trong hai năm tới.

Khoảng một phần tư trong số họ đã nghỉ việc trong vòng 24 tháng trước. Rất nhiều người trẻ thế hệ này, vốn bắt đầu sự nghiệp trong những ngành truyền thống và thăng tiến dần theo nấc thang sự nghiệp, đã bắt đầu coi thực tập sinh là cơ hội để thay đổi sự nghiệp, hay chuyển đổi chuyên môn sang ngành khác trước khi quá muộn.

Một số người, như Cavazo, đã từ bỏ vị trí quản lý được trả lương cao để đổi lấy cơ hội thoả mãn khát vọng cá nhân. Là kỹ sư công nghiệp, Cavazos thiếu cảm giác sống có mục đích, sự khó chịu này ngày càng sâu sắc mỗi khi anh bị kẹt xe ở Monterrey hoặc đọc số liệu về tình trạng ô nhiễm tăng cao và những ca chết người vì tông xe.

"Tôi tự hỏi, tôi đã đem điều gì đến cho thế giới?" anh nói. "Làm sao tôi có thể để lại dấu ấn trong đời? Tôi có thể làm được điều gì khác?"

Ngay khi bước vào tuổi 30, anh nghỉ việc và đăng ký học thạc sĩ ở Đại học Barcelona. Kỳ thực tập là một phần trong chương trình cao học của anh. Với anh, quá trình chuyển đổi diễn ra khá tự nhiên.

'Tôi chưa bao giờ nghĩ hạnh phúc có thể là như thế này'

Tác giả và nhà nhân khẩu học tên là Neil Howe, người đã nghĩ ra tên gọi 'thế hệ thiên niên kỷ' ('millennial generation'), trong tác phẩm xuất bản vào năm 1991 coi tập sự vào giữa sự nghiệp là biểu hiện của giá trị cốt lõi và hành vi của thế hệ này - đó là cởi mở trước thay đổi, và khao khát được thử thách.


"Một người thuộc thế hệ X (sinh ra vào khoảng từ 1965 đến 1980) vào thập niên 1990 sẽ cảm thấy như bị sỉ nhục khi bị gọi là thực tập sinh," Howe nói, "trong khi đó những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ lại tìm thấy giá trị trong việc có người hướng dẫn chỉ dạy cho họ kỹ năng mới."

Tuy nhiên, Howe nói tình trạng làm thực tập sinh khi đã vào giai đoạn ở giữa sự nghiệp có thể đã tăng, bởi việc này được coi là rất bình thường trong vài năm qua, đặc biệt là do nền kinh tế có nhiều chuyển đổi dẫn đến thị trường lao động bất ổn hơn.

Các công ty đơn giản là để giảm thiểu rủi ro cho công ty nên không muốn chi trả nhiều tiền cho người lao động, và dùng thực tập sinh thường rẻ hơn so với việc thuê mướn nhân viên chính thức.

Khi 34 tuổi, Namuli Katuma nhận việc thực tập tại một công ty chuyên về quan hệ công chúng ở London. Ban đầu, cô không tiết lộ tuổi thật với những quản lý trẻ tuổi hơn cô nhiều.

"Tôi không muốn họ cảm thấy không thoải mái hay khó xử," cô nói. "Và tôi có cảm giác bất cập, dù thực tế là tôi từng làm việc với các giao dịch ký hợp đồng hàng triệu đô la với những thương hiệu lớn."

Trong nhiều năm, cô từng giữ chức vụ quản lý khách hàng trong một công ty công nghệ tin học lớn, một vị trí quyền lực với nhiều phúc lợi, trong đó có rất nhiều tiền hoa hồng hàng tháng và địa vị hào nhoáng.

Sau khi một công ty lớn hơn mua lại công ty cô đang làm việc, cô bắt đầu suy nghĩ về mục đích sống. Cô thấy mình không thực sự yêu thích công việc. "Tôi đã dành phần lớn cuộc đời mình trong văn phòng, và tôi bắt đầu ngẫm nghĩ lại," Katumba nói. "Tôi đã trở thành bánh răng trong một cỗ máy lớn hơn. Và liệu tôi kiếm được gì từ nó, ngoài tiền?"

Katumba xin nghỉ việc trước khi nghĩ ra nên làm gì kế tiếp. Ngay sau đó cô bắt đầu một kỳ tập sự giữa sự nghiệp khi bạn cô cho rằng kỹ năng của cô có thể phù hợp với môi trường phát triển quan hệ công chúng.

Về mặt tài chính, giai đoạn chuyển đổi của cô khá vất vả. Thay vì hưởng mức lương quản lý, cô chỉ nhận được mức lương tối thiếu, và cô phải chuyển từ căn hộ xa hoa ngay gần trung tâm tài chính của thành phố về một căn hộ thuê chung với người khác ở khu phố Hackney đông đúc. Phải học cách cùng sống với hai người bạn thuê chung căn hộ sau khi từng sống một mình, Katumba nói, là "việc lớn hơn thay đổi nghề nghiệp".

Nhưng giống như Cavazos, Katumba tin rằng thay đổi từ "tâm lý chỉ vì tiền thành tâm lý tìm kiếm hạnh phúc" là một trong những quyết định sáng suốt nhất trong đời cô.

Từ kỳ thực tập giữa sự nghiệp, giờ đây cô làm việc tại một công ty khởi nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn công nghệ thông tin cho nhiều công ty khác.

Cô vẫn ở chung căn hộ với hai người khác, nhưng giờ đây cô đã quen và thấy yêu thích cuộc sống như vậy - cũng như cô bắt đầu thích những quán bar thời thượng nhưng không phô trương ở khu phố cô mới chuyển đến ở này.

"Là một thế hệ, ta không nên sợ phải bày tỏ rằng 'Tôi không hạnh phúc và tôi muốn làm gì đó để giải quyết điều đó'," Katumba nói. "Tôi từng nghĩ rằng tôi luôn phải suy nghĩ về bước đi tài chính kế tiếp, rằng tôi sẽ phải thưởng thức những thức uống đắt tiền với một số người nào đó để họ nhận ra tôi là người quan trọng. Tôi chưa bao giờ nghĩ hạnh phúc có thể chỉ như vầy."

'Tôi không phải thực tập sinh về mặt cảm xúc'

Việc chọn làm thực tập sinh giữa sự nghiệp có thể là điều kỳ quặc, nhưng nó không khiến bạn phải nghi ngờ bản thân về kinh nghiệm công tác.

Jena Booher nghỉ việc khỏi vị trí nhà môi giới tài chính tại tập đoàn JP Morgan Chase sau khi bị trầm cảm sau sinh, và cô đăng ký học thạc sĩ trong ngành tư vấn sức khỏe. Cô nhớ lại "trải nghiệm khiêm tốn" khi đột nhiên được những người bạn trẻ ở tuổi 20 đối xử như người đồng trang lứa.

Từ khu Wall Street ở Manhattan, nơi xung quanh cô là những người "trong nhóm 1%" [dẫn đầu], Booher đến khu quận Bronx của New York để làm công việc tập sự.

Ở đó, cô dành nhiều tháng giúp đỡ chăm sóc người bị vấn đề bệnh lý tâm thần nặng, và cô là người lớn tuổi nhất trong nhóm nhân viên. Vị trí "thực tập sinh" của cô có vẻ khiến nhiều đồng nghiệp cô "bối rối", đặc biệt là trước đây cô từng điều hành chương trình thực tập sinh của JP Morgan.

Nhưng cô không gặp phải những lo lắng thông thường của người mới đi làm khi trở thành nhân viên tập sự. "Về mặt cảm xúc, tôi không phải là nhân viên tập sự," cô nói. "Tôi không lo lắng liệu mình có chứng tỏ được giá trị không, hay liệu mọi người nghĩ gì về tôi."

Juan Irogyen, chuyên về thể thao ở một tờ báo tiếng Tây Ban Nha, tờ El Pais, nhớ lại trải nghiệm tương tự sau kỳ tập sự giữa sự nghiệp của anh. "Khi bạn ở độ tuổi 30… bạn hiểu hoàn thành công việc và phát triển ở một công ty nghĩa là gì."

Trước khi bắt đầu tập sự ở tờ báo này, Irigoyen từng là giám đốc xuất khẩu ở công ty sản xuất thịt của các anh chị em ruột tại Argentina. Anh tình cờ được đặt vào vị trí này mà chẳng cần phải chủ động xin việc, và cuối cùng làm khá giỏi công việc đó. Doanh nghiệp đang mở rộng, anh có nhiều nhân viên và có một cuộc sống mà anh cho là "khá ngọt ngào" ở Bueno Aires.

Tuy nhiên, khi tuổi 30 gần kề, anh bắt đầu nghĩ đến tất cả những con đường sự nghiệp khác mà lẽ ra anh đã theo đuổi. "Tôi nhận ra mình không còn ở tuổi 20 nữa, nhưng vẫn chưa tới 40 tuổi," Irigoyen nói. "Đó là đúng thời điểm để tôi làm mới cuộc sống của mình."

Hồi mới ngoài 20 tuổi, anh đã làm trợ giảng và yêu thích cảm giác hiểu biết mọi thứ, giải thích cho mọi người hiểu. Anh yêu thích việc kể chuyện, nhưng trong công việc hiện thời thì không cần dùng chút nào tới khả năng đó. Anh quyết định đăng ký học thạc sĩ báo chí ở Barcelona.

Sau khi làm quản lý nhiều năm, quay trở lại thích nghi với đời sống sinh viên quả là điều thử thách. Hầu hết bạn cùng lớp đều ở tuổi ngoài 20, và anh phải làm quen với việc không có thu nhập ổn định.

Sau kỳ thực tập giữa sự nghiệp Irigoyen nhận hợp đồng dài hạn cho ban thể thao, nơi mà sau bảy năm làm việc, hàng ngày anh vẫn viết những câu chuyện.

"Tôi chỉ khao khát được thỏa mãn," anh chia sẻ trong cuộc điện thoại từ Rio de Janeiro, nơi anh được cử đến để tường thuật về giải bóng đá Copa America. "Và tôi đã tìm thấy khoảnh khắc hạnh phúc."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Worklife.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn