Chiến tranh thuế quan Mỹ-Trung: Bên nào sẽ xuống nước?

Thứ Tư, 04 Tháng Chín 201910:00 SA(Xem: 3547)
Chiến tranh thuế quan Mỹ-Trung: Bên nào sẽ xuống nước?
voatiengviet.com

Chiến tranh thuế quan Mỹ-Trung: Bên nào sẽ xuống nước?

Ngọc Lễ

Cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang đến cường độ mới, đẩy cả hai nước vào tình trạng khó khăn và gia tăng áp lực khiến hai bên phải tìm lối thoát. Tuy nhiên, Trung Quốc gặp nhiều áp lực hơn Mỹ, một chuyên gia kinh tế nhận định với VOA.

Cuối tháng Tám, ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế lên 75 tỷ đô la giá trị hàng hóa Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump loan báo sẽ đẩy thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc lên thêm một mức nữa: từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ đô la giá trị hàng đã đánh thuế từ trước, và từ 10% lên 15% đối với 300 tỷ đô la giá trị hàng sẽ đánh thuế bắt đầu từ tháng 9.

Không những thế, ông Trump còn ra lời ‘hiệu triệu’ các hãng xưởng Mỹ hiện đang làm ăn ở Trung Quốc quay trở về Mỹ - một động thái mà nếu thật sự xảy ra sẽ khiến Trung Quốc điêu đứng.

‘Bước leo thang nghiêm trọng’

Trao đổi với VOA, Tiến sỹ Đinh Trường Hinh, cựu kinh tế gia của Ngân hàng Thế giới hiện đang sống ở tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, nhận định rằng quyết định tăng thuế của Tổng thống Trump hồi cuối tháng Tám ‘cho thấy ông Trump đánh giá việc Trung Quốc đánh thuế là rất nghiêm trọng’.

“Cho đến nay Mỹ chỉ đánh thuế vào hàng trung gian (nguyên liệu, thiết bị dùng để sản xuất) của Trung Quốc nhưng vòng đánh thuế mới nhất vào ngày 23/8 sẽ ảnh hưởng đến các mặt hàng bán lẻ, từ điện thoại, điện tử cho đến hàng may mặc,” ông Hinh giải thích và cho rằng lâu nay ông Trump ‘ngại ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của người dân Mỹ’ nhưng hành động của Trung Quốc khiến ông thay đổi thái độ.

Khi được hỏi khi Bắc Kinh tung đòn thuế vào 75 tỷ đô la hàng hóa thì họ có dự trù phản ứng trả đũa của ông Trump và do đó đã có sẵn sự chuẩn bị hay không, ông Hinh nói 'ông không nghĩ rằng Trung Quốc đoán trước ông Trump đi đến mức làm tới như vậy’.

Trung Quốc ‘trong rối, ngoài cương’

Nhà kinh tế này nói rằng nếu cuộc chiến tranh thương mại này tiếp tục với mức độ như vậy thì ‘Trung Quốc sẽ là bên thiệt hại nhiều hơn’.

Ông đưa ra các dẫn chứng là đồng nhân dân tệ Trung Quốc đã xuống giá qua mức 7 (hơn 7 nhân dân tệ đổi 1 đô la Mỹ) – điều này sẽ khiến người dân Trung Quốc chuyển tiền ra nước ngoài, tăng trưởng GDP của Trung Quốc ‘đã hạ xuống 3%’ (mặc dù con số công bố chính thức là 6%), đầu tư tài sản cố định trong 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 3% so với mức 30% trong các năm 2010 và 2011, và trong quý vừa rồi Trung Quốc phải ‘tung ra gói kích thích kinh tế 300 tỷ đô la’.

Ông Hinh cũng cho rằng các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ cố gắng gánh chịu một phần thuế quan chứ không để các nhà nhập khẩu Mỹ và nhất là người tiêu dùng Mỹ gánh hết.

“Trên thế giới lúc này không có nước nào thay thế được Mỹ trong việc tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc,” ông giải thích. “Nếu hàng hóa Trung Quốc mà tăng giá thì người tiêu dùng Mỹ ngoài việc phải trả tiền cao hơn thì họ có thể giảm bớt tiêu dùng. Số hàng Trung Quốc còn lại sẽ bán ở đâu? Ngay cả các nước OECD cũng không có nước nào tăng trưởng cao hơn (để giúp tiêu thụ bớt số hàng Trung Quốc dôi ra).”

Do đó, ông cho rằng các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ cố gắng để người tiêu dùng Mỹ không bị thiệt hại nhiều vì họ sẽ bị mất thị phần.

“Trung Quốc đang gặp khó khăn mặc dù bên ngoài giữ thái độ cứng rắn (đấu đến cùng) nhưng về lâu dài để giữ vững thành quả kinh tế thì Trung Quốc rồi cũng sẽ êm,” ông nói.

Ông cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhiều áp lực nếu kinh tế không tăng trưởng, người dân mất công ăn việc làm. Khi đó, lãnh đạo ‘sẽ bị lật bằng cách này hay cách khác’.

Trump: bầu cử và suy thoái

Về vấn đề đánh thuế tăng cường như vậy sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức mua của người dân Mỹ - vốn là trụ cột của nền kinh tế Mỹ - ông Hinh nói rằng con số 540 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc ‘dù rất lớn nhưng không là gì (khoảng 3%) so với 20.000 tỷ đô la quy mô kinh tế Mỹ’ (để so sánh, con số gần 120 tỷ đô la hàng hóa Mỹ mà Trung Quốc mua cũng chiếm phần rất nhỏ, tương đương 1%, trong hơn GDP hơn 12.000 tỷ đô la của Trung Quốc).

“Dù không giao dịch mua bán gì với Trung Quốc thì Mỹ vẫn sống,” ông Hinh nhắc lại lời ông Donald Trump.

Tuy nhiên, về khả năng người dân Mỹ thắt chặt chi tiêu nói chung chứ không phải chỉ riêng đối với hàng Trung Quốc do tâm lý lo ngại lạm phát, ông Hinh cho rằng điều này sẽ xảy ra khi kinh tế Mỹ đi vào suy thoái.

Ông giải thích rằng kinh tế Mỹ sau gần 10 năm tăng trưởng với tốc độ cao sắp sửa bước vào suy thoái theo chu kỳ và cuộc chiến thương mại ‘sẽ đẩy suy thoái đến sớm hơn’.

“Thuế quan có thể làm cho lạm phát tăng hơn vì giá cả hàng hóa mọi thứ sẽ tăng bên cạnh các công ty sẽ giảm đầu tư mở rộng sản xuất làm cho suy thoái đến nhanh hơn.”

Về tác động của cuộc chiến thương mại đối với cơ hội của ông Trump trong kỳ bầu cử Tổng thống sắp tới, nhất là nếu cho đến khi đó Trung Quốc vẫn không có bất kỳ nhượng bộ gì đối với các yêu sách chủ chốt, ông Hinh cho rằng ‘không ảnh hưởng gì nhiều’.

“Ông Trump có những người ủng hộ đi theo rất trung thành, nông dân ở Mỹ (đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất bởi thuế quan của Trung Quốc) vẫn ủng hộ ông,” ông cho biết. “Nếu ông Trump có thất cử thì không phải là do chiến tranh thương mại mà có thể là những bất mãn khác.”

Thời gian đứng về phía ai?

Khi được hỏi với áp lực kinh tế suy thoái và thời gian tranh cử gần kề như thế mà vẫn chưa có được thỏa thuận thương mại thì có phải thời gian đang không đứng về phía chính quyền của ông Trump hay không, ông Hinh cho rằng cả hai phía Mỹ-Trung mỗi bên đều có áp lực riêng.

“Ông Trump bị áp lực bầu cử chính vì vậy ông mới liên tục yêu cầu Quỹ Dự trữ Liên bang FED giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng và kéo kinh tế Mỹ khỏi nguy cơ suy thoái. Ông cũng thể tung ra gói kích thích bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng,” ông phân tích.

“Nếu làm được như vậy thì có thể giúp Mỹ đẩy lùi suy thoái trong vòng 1, 2 năm nữa. Khi đó Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nhiều hơn,” ông cho biết.

Nhiều nhà quan sát nhận định rằng Trung Quốc đang chơi chiến thuật câu giờ nhằm đợi cho đến kỳ bầu cử năm 2020 cho nên họ không tích cực đàm phán tìm giải pháp cho cuộc chiến thương mại.

Tuy nhiên, ông Hinh cho rằng Trung Quốc ‘cần cân nhắc lợi hại’ khi áp dụng chiến thuật ‘wait out’ (tức là chờ đợi) này. “Có thể sẽ có người khác tốt hơn (ông Trump) để đàm phán, nhưng nếu ông Trump tái đắc cử thì mọi việc sẽ khó khăn hơn đối với họ,” ông nói.

Trong nỗ lực áp lực Trung Quốc đàm phán đạt thỏa thuận, mới đây nhất, hôm 3/9, ông Trump đã cảnh báo trên Twitter rằng Trung Quốc ‘không nên kéo dài đàm phán’ với hy vọng chờ cho ông thất cử.

Khả năng đạt được thỏa thuận

Ông Hinh cũng thừa nhận là khả năng hai nước đạt được thỏa thuận là ‘không cao’.

“Lãnh đạo Trung Quốc có thể nghĩ là người dân nước họ đã chịu đựng khổ cực quen rồi nên để chịu đựng thêm một chút nữa (cho đến sau bầu cử Tổng thống Mỹ) cũng không sao,” ông phân tích. “Còn người Mỹ không thể làm được. Xưa nay người Mỹ vẫn quen sống sung sướng rồi (nên không thể chịu đựng lâu dài được).”

Trong khi đó, mặc dù xét về tổng thể sức mạnh thì Mỹ có ưu thế hơn Trung Quốc để ít bị ảnh hưởng hơn trong cuộc chiến thương mại này, ông Hinh nói, nhưng ‘Trung Quốc hơn Mỹ về thủ đoạn, biện pháp’.

“Họ có thể dùng cách tuyên truyền để trên dưới người dân Trung Quốc một lòng chịu đựng trong khi ở Mỹ có nhiều ý kiến khác nhau,” ông giải thích.

Tuy nhiên, vào lúc này, để Mỹ có cái gì đó trong tay, ông Hinh cho rằng thỏa thuận mà hai phía có thể đàm phán ‘không nhất thiết phải đáp ứng toàn bộ’ những yêu cầu của Mỹ đưa ra, bao gồm giảm thâm hụt thương mại, giảm trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.

“Tôi chắc là Mỹ không thể đòi Trung Quốc đáp ứng tất cả các yêu cầu của họ,” ông giải thích và cho rằng nếu không thể đòi Bắc Kinh đáp ứng được hoàn toàn thì Mỹ có thể giảm yêu cầu một nửa hoặc là ‘chỉ cần có tiến triển’ trên ba vấn đề trên.

Tuy nhiên, ông cũng nói ông không nghĩ từ nay cho đến bầu cử vào năm 2020 ‘Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ thái độ cứng rắn như vậy’.

“Vừa qua họ đã không nói gì đến đánh thuế đáp lại Trump sau ngày 23/8 vừa qua,” ông chỉ ra. “Họ bắt đầu biết là không thể cứng rắn mãi được.”

Khi được hỏi thuế quan có phải là cách làm hay vì sau một năm qua biện pháp này không đạt được mục tiêu như ông Trump mong muốn là ép Trung Quốc nhượng bộ, ông Hinh nói: “Cái khó là Mỹ không có cách nào để ép buộc Trung Quốc ngoài cách tăng thuế. Dù sao thì thuế quan vẫn tốt hơn các cách làm khác như quota (hạn ngạch), vẫn tốt hơn là không làm gì hết vì khi đó mỗi năm Mỹ càng mất tiền cho Trung Quốc.”

Liệu ông Trump có tiếp tục leo thang cuộc chiến thương mại để ép buộc Trung Quốc đàm phán thật sự hay không? Tiến sĩ Hinh cho rằng ‘khả năng đó thấp’.

Thay vào đó, ông nói, nếu Bắc Kinh vẫn không nhượng bộ thì ông Trump sẽ vẫn giữ vững cường độ như hiện nay, nhưng cũng sẽ không thoái lui bất chấp cuộc bầu cử đang tới gần.

Ngoài ra, ông Trump có thể sử dụng các công cụ khác ngoài thuế quan như áp dụng các biện pháp trừng phạt giống như với Iran, ví dụ loại các ngân hàng Trung Quốc ra khỏi hệ thống thanh toán bằng đô la Mỹ hay đóng băng tài sản các công ty nhà nước..v..v.

“Khi đó Trung Quốc không có cách nào khác là chấp nhận các yêu sách của Mỹ,” Tiến sĩ Hinh nói và lưu ý rằng mặc dù Trung Quốc có thể thắt chặt việc các công ty Mỹ kinh doanh tại Trung Quốc nhưng ‘không thể bán trái phiếu Mỹ’ mà họ đang nắm giữ để trả đũa.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn