Trung Quốc lôi kéo dư luận các nước đứng về mình như thế nào?

Thứ Tư, 28 Tháng Tám 20195:35 CH(Xem: 3334)
Trung Quốc lôi kéo dư luận các nước đứng về mình như thế nào?
voatiengviet.com

Trung Quốc lôi kéo dư luận các nước đứng về mình như thế nào?


Bắc Kinh đã lôi kéo các chính trị gia, định hướng truyền thông và sử dụng đầu tư để gây ảnh hưởng đến chính trị ở các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương như những gì mà họ đã làm ở Hong Kong, nhà báo Chris Horton phân tích trên tờ Atlantic.

Trong bài báo nhan đề ‘Cẩm nang của Trung Quốc ở Hong Kong cũng được áp dụng đối với châu Á-Thái Bình Dương’, nhà báo Horton đã phỏng vấn các nhà quan sát chính trị ở Campuchia Úc, New Zealand, Philippines và Đài Loan về các phương cách mà Bắc Kinh áp dụng để gây ảnh hưởng đến chính trị các nước này theo hướng có lợi cho họ.

Campuchia

Ít chính phủ nào ở châu Á - Thái Bình Dương ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiều như Campuchia. Chìa khóa để Bắc Kinh bảo đảm duy trì ảnh hưởng đối với vương quốc có vị trí chiến lược này là Thủ tướng Hun Sen, cựu sĩ quan Khmer Đỏ, người mà trong nhiều thập kỷ đã khéo léo duy trì quyền lực của mình bằng cách nhảy từ người bảo trợ này sang người bảo trợ khác.

Ban đầu phụ thuộc vào Việt Nam để nắm giữ quyền lực, ông Hun Sen và Đảng Nhân dân Campuchia của ông sau đó tìm tính hợp pháp từ sự hỗ trợ của các tổ chức viện trợ quốc tế và các chính phủ phương Tây, bao gồm cả Mỹ nhưng Washington và những nước khác một mực đòi Campuchia phải có bầu cử dân chủ và tạo không gian cho đảng đối lập hoạt động và thách thức đảng cầm quyền nếu muốn tiếp tục được nhận viện trợ. Cho đến trước cuộc tuyển cử hồi năm 2018, Hun Sen đã hoàn thành việc xoay trục sang Trung Quốc với việc Bắc Kinh hỗ trợ tổ chức bầu cử và lên tiếng ủng hộ ông sau khi ông cấm đảng đối lập CNRP ra tranh cử và đàn áp truyền thông địa phương. Không có đối thủ thách thức trên thực tế, ông Hun Sen đã giành được thêm một nhiệm kỳ khi Đảng CPP của ông chiếm toàn bộ 125 ghế trong Quốc hội.

Bà Mu Sochua, phó chủ tịch CNRP, nói rằng ông Hun Sen hiện đang gắn chặt vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. “Không có cách nào Hun Sen có thể nói không với Trung Quốc; ông ấy bị ám ảnh sẽ mất đi quyền lực,” bà nói. “Ông ấy không có cách nào để giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng.’

Campuchia trên thực tế đóng vai trò là lá phiếu ủy nhiệm của Trung Quốc trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bà nói. Thật vậy, kể từ năm 2012, chính phủ Hun Sen đã hai lần bỏ phiếu để ngăn chặn những ngôn từ chỉ trích Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông. Trong khi đó, thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một lượng lớn đầu tư đang chảy vào Campuchia, quốc gia đang có mức tăng trưởng GDP dự kiến vào khoảng 7% trong năm nay.

Tại thủ đô Phnom Penh, công trình xây dựng các chung cư cao cấp vốn được nhìn nhận rộng rãi là phương tiện rửa tiền của Trung Quốc, đang bùng nổ. Ở phía nam của đất nước, thành phố biển nhỏ bé Sihanoukville đã trở thành một trung tâm xây dựng của Trung Quốc với hơn 80 sòng bạc cùng với tệ nạn buôn bán ma túy và mại dâm. Chi phí sinh hoạt tăng vọt khiến hầu hết người Campuchia bản địa bị đẩy ra lề ở nơi từng là quê hương của họ.

Bà Mo Sochua, chính quyền Trump và những người khác đều tin rằng, cũng giống như ở Biển Đông, cảng biển được Trung Quốc xây dựng tại Sihanoukville cuối cùng cũng sẽ trở thành một cơ sở phục vụ cho Hải quân của Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc.

“Anh sẽ để mất những quyền căn bản của người dân nước anh,” bà Sochua cảnh báo các nước nhỏ khác đang xem xét mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh. “Anh sẽ mất lãnh thổ; anh sẽ mất chủ quyền.”

Australia

Hồi tuần trước, một bức tường khác có dán những mảnh giấy ghi thông điệp bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc biểu tình ở Hong Kong một lần nữa bị phá hủy tại Đại học Queensland, nơi nổi lên như một trong những điểm nóng đối đầu giữa những người Trung Quốc có tinh thần chủ nghĩa dân tộc với những người ủng hộ người biểu tình ở Hồng Kông mà đôi khi trở nên bạo loạn. Những sinh viên hành xử bạo lực đối với những ủng hộ viên Hong Kong ở Sydney, Melbourne và những nơi khác mới đây đã được Đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra khen ngợi.

“Có lẽ thành công lớn nhất của Trung Quốc trong việc gây ảnh hưởng đến dư luận của Úc là làm tê liệt nó,” ông Alex Alexke, một nhà phân tích tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, nhận định.

“Nhiều người Úc có ảnh hưởng, thậm chí là các nhà hoạch định chính sách, đã tin rằng quan hệ Úc-Trung nhạy cảm đến mức mọi cuộc thảo luận thẳng thắn về mối quan hệ này đều nguy hiểm.”

Hiện tại, người Úc nhận ra rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng độc đoán và tham vọng và tìm cách can thiệp vào chính trị và xã hội Úc, nhưng chính sách và hướng dẫn của chính phủ vẫn đưa vào đầy đủ nhận thức mới này, ông Joske nói.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành các chiến dịch gây ảnh hưởng thành công ở Úc nhằm tuyên truyền những luận điệu sai lệch về Trung Quốc và phần lớn việc này xảy ra thông qua công tác mặt trận thống nhất. Theo đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc tìm cách tạo ra hoặc lôi kéo các nhân vật đại diện: các lãnh đạo cộng đồng và lãnh đạo doanh nghiệp, giới tinh hoa chính trị, các tổ chức truyền thông và các tổ chức học thuật có ảnh hưởng.

Một ví dụ về việc này đồng thời cũng là một bước ngoặt lớn trong cuộc bàn luận của Úc về mối quan hệ với Trung Quốc, là sự từ chức của Thượng nghị sĩ Đảng Lao động Sam Dastyari hồi năm 2017 về mối quan hệ của ông với nhà tài trợ chính trị Trung Quốc Hoàng Hướng Mễ. Dastyari đã lặp lại lập trường của Bắc Kinh về các hoạt động của nước này trên Biển Đông.

Sau khi Úc thông qua các đạo luật rộng nhắm vào ảnh hưởng nước ngoài trong chính trị, vào tháng 6, trọng tâm đã chuyển sang các trường đại học, nơi số lượng sinh viên nước ngoài đông đảo nhất là đến từ Trung Quốc.

“Các trường đại học đã liên tục nhắm mắt làm ngơ trước ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc đối với các sinh viên đại lục. Điều này đã khiến nhiều người trong số này sống trong vòng cương tỏa tuyên truyền ngay cả khi họ ở nước ngoài,” ông Joske nói. “Sự thất bại trong việc đối phó ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc là nguyên nhân cốt lõi của những gì đang diễn ra tại Đại học Queensland, và không làm gì sẽ chỉ khiến mọi chuyện tồi tệ hơn.”

Ảnh hưởng nước ngoài trong chính trị địa phương sẽ vẫn là một phần của cuộc thảo luận về Trung Quốc của Úc trong tương lai gần. Hôm 26/8, ông Hoàng, người đã bị cấm quay trở lại Úc, đã xuất hiện trở lại trong các bản tin khi lời khai tại một cuộc điều tra về tham nhũng nói rằng nhà tỷ phú tày đã đích thân giao một túi hàng hóa mà bên trong có chứa 100.000 đô la Úc (68.000 đô la Mỹ) cho trụ sở của Đảng Lao động ở bang New South Wales hồi năm 2015.

New Zealand

New Zealand chậm hơn hai năm so với Úc trong việc tỉnh dậy trước các hoạt động gây ảnh hưởng của Bắc Kinh, bà Anne-Marie Brady, giáo sư Đại học Canterbury và là người đi đầu trong việc vạch trần tác động của điều mà bà gọi là ‘mối quan hệ đảng-nhà nước-quân đội và thị trường’ ở New Zealand.

Công trình của Brady hồi năm 2017 với tiêu đề ‘Vũ khí thần kỳ: Các hoạt động ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình’ là một bước ngoặt trong cuộc thảo luận về mối quan hệ của New Zealand với Bắc Kinh. Bà Brady nói rằng cách tiếp cận để gây ảnh hưởng lên các nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra trên nhiều phương hướng và là sự kết hợp điều mà họ gọi là ‘ngoại giao tổng hợp’ và ‘bão hòa’ để xem cách làm nào có hiệu quả trong bối cảnh cụ thể.

“Quốc gia càng cởi mở về chính trị hoặc kinh tế thì càng dễ bị tổn thương,” bà phân tích. “Các xã hội mở giống như đá vôi, và các chiến thuật của Đảng Cộng sản Trung Quốc giống như nước, cuối cùng nó sẽ tìm thấy các vết nứt, và mọi xã hội đều có rạn nứt.”

New Zealand, nơi cảm thấy bị thị trường chính là Anh quốc bỏ rơi về kinh tế cuối cùng đã chuyển sang Trung Quốc như một thị trường xuất khẩu mới đầy hứa hẹn gần hai thập kỷ trước. Nhưng Brady nói, mặc dù Trung Quốc là một thị trường có giá trị đối với nền kinh tế New Zealand, tầm quan trọng của nó đã bị cả Trung Quốc và truyền thông địa phương thổi phồng.

“Trung Quốc chiếm 24,5% thị trường xuất khẩu của chúng tôi, nhưng nếu bạn đọc báo ở đây, bạn sẽ nghĩ con số đó là 80%,” bà Brady nói, thêm rằng các khoản quyên góp cho các chiến dịch vận động của các cá nhân có liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc và việc Bắc Kinh lôi kéo các kênh truyền thông Hoa ngữ bản địa cũng đã phục vụ các lợi ích của chính phủ Trung Quốc.

Sự rụt rè trước đây của New Zealand trong việc chất vấn mối quan hệ với Trung Quốc đang thay đổi. Một chỉ dấu: cuộc điều tra hiện tại của Ủy ban Tư pháp về sự can thiệp của nước ngoài mà bà Brady đã đệ trình một bài viết nêu lên các phương pháp gây ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng như các khuyến nghị cho một chiến lược đi về phía trước.

Philippines

Vào năm 2016, Philippines là quốc gia Đông Nam Á duy nhất sẵn sàng lên tiếng chống lại sự hiện diện ngày càng hùng hổ của Trung Quốc trong khu vực. Vào thời điểm đó, chính quyền của Tổng thống Benigno Aquino đã thách thức yêu sách của Trung Quốc đối với tài nguyên trong cái gọi là đường chín đoạn trên Biển Đông.

Vào tháng 7 năm 2016, tòa án của Liên Hợp Quốc ra phán quyết có lợi cho Philippines và đem đến cơ hội lớn cho các nước Đông Nam Á cùng nhau cất lên tiếng nói chống lại yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, một tháng trước khi có phán quyết, ông Rodrigo Duterte đã lên nhận chức tổng thống Philippines, và ông nhanh chóng nói rõ rằng ông không hứng thú đến việc đứng lên chống lại Trung Quốc. Sự thỏa hiệp của ông Duterte thực sự là một món quà trao cho Bắc Kinh khi Manila làm chủ tịch ASEAN vào năm 2017.

“Philippines đã phung phí những đòn bẩy họ có thể có đối với Trung Quốc bằng cách gạt sang một bên phán quyết của Tòa trọng tài trong thời gian làm chủ tịch ASEAN,” ông Jay Batongbacal, giám đốc Viện các vấn đề về Biển và Luật Biển tại Đại học Philippines, nói. “Nếu Philippines không quan tâm đến việc đưa phán quyết vào trong nghị trình thảo luận của ASEAN, không một quốc gia nào khác trong hoặc ngoài khu vực có thẩm quyền đạo đức để đề cập đến phán quyết.’

Bắc Kinh ngoài hỗ trợ cuộc chiến chống ma túy tàn khốc của ông Duterte và đào tạo nhân viên truyền thông chính phủ Philippines về việc dẫn dắt dư luận, đang thách thức sự kiểm soát của Philippines đối với các hòn đảo mà nước này đã nắm giữ qua nhiều thế hệ. Trên thực tế, Philippines không thể thực thi quyền đối với nguồn tài nguyên của mình vì sợ gây ra phản ứng bất lợi.

Với cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo vào năm 2022, ông Batongbacal không hy vọng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Philippines sẽ chuyển thành các vấn đề chính trị cho ông Duterte – người vẫn có tỷ lệ ủng hộ cao đối với người dân Philippines.

“Vẫn chưa có nhà lãnh đạo thực sự lôi cuốn trong phe đối lập để có thể thách thức ông ta, mà giành quyền lãnh đạo đất nước,” ông cho biết.

Đài Loan

Không giống như các quốc gia khác trong khu vực, Đài Loan phải đối mặt với mối đe dọa về sự tồn tại của họ từ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bắc Kinh luôn tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhòm ngó Đài Loan trong 70 năm qua. Quan hệ kinh tế giữa hai bờ eo biển chặt chẽ hơn đã cho phép Bắc Kinh thâm nhập vào các cơ quan truyền thông có trụ sở tại Đài Loan. Tờ Financial Times hãng tin và Reuters gần đây đã phát hiện ra sự tham gia trực tiếp của Bắc Kinh trong việc biên tập ở các nhà xuất bản và đài truyền hình lớn của Đài Loan.

Truyền thông thân Trung Quốc có vai trò quan trọng đối với sự vươn lên của ông Hàn Quốc Du, ứng cử viên tổng thống của Quốc dân Đảng đối lập thân Trung Quốc. Với cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp của Đài Loan dự kiến diễn ra vào đầu tháng 1, cuộc chiến tranh giành dư luận đã bắt đầu. Trung Quốc đã cấm dân đại lục du lịch đến Đài Loan với tư cách cá nhân vào tháng trước. Bất chấp tăng trưởng GDP và tiền lương tăng, truyền thông thân Trung Quốc ở hòn đảo này đã thành công trong việc thúc đẩy luận điệu rằng chính quyền của Tổng thống Thái Anh Văn đã làm tổn thương sinh kế của người dân bằng cách cự tuyệt các đề nghị thống nhất của Bắc Kinh.

Ông Austin Wang, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Nevada ở Las Vegas, nói rằng mặc dù hầu hết người Đài Loan cảnh giác với tin tức giả mạo, nhưng hiệu ứng ngăn cách của các kênh mạng xã hội phổ biến ở đây, bao gồm Facebook và Line, có nghĩa là ‘mọi người vẫn sống trong căn buồng tin tức của riêng của họ’.

Một vấn đề nữa, ông Wang nói, là đối với những người đã chán ngấy với các chính đảng chính ở Đài Loan, Đảng Cộng sản Trung Quốc đem đến một lựa chọn thay thế mà nhiều người không hiểu đầy đủ. Điều này phần lớn là do các phương tiện truyền thông chịu ảnh hưởng của Trung Quốc tránh thảo luận về quyền con người và các vấn đề khác ở Trung Quốc trong khi tập trung vào nền kinh tế.

Các cử tri Đài Loan, ông cho biết, hiếm khi xem xét trách nhiệm mà họ phải gánh vác khi sống trong một nền dân chủ. Thay vì tham gia trực tiếp chính trị khi không hài lòng với những người nắm quyền lực, thay vào đó một số người dân Đài Loan nghĩ đến Đảng Cộng sản Trung Quốc như một lựa chọn khả thi khác. “Trong các nền dân chủ bình thường,” ông nói, “không có lựa chọn nào như vậy.”

(Theo The Atlantic)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn