'Khả năng sớm có thỏa thuận Mỹ-Trung không phải khó, mà là không thể'

Thứ Tư, 28 Tháng Tám 20196:01 SA(Xem: 3229)
'Khả năng sớm có thỏa thuận Mỹ-Trung không phải khó, mà là không thể'

Sau hội nghị G7 ở Pháp, Tổng thống Mỹ Donald Trump hạ giọng đối với Trung Quốc. Nhưng ông cũng cảnh báo sẽ không từ bỏ các hành động cứng rắn đã có. Thương chiến vẫn sẽ kéo dài.

Trước đó, tại hội nghị G7, lãnh đạo nhóm 7 nước phát triển đã kêu gọi tổng thống Mỹ giảm căng thẳng với Trung Quốc.

Sau hội nghị, ông tuyên bố trưởng đoàn đàm phán của Bắc Kinh đã hạ giọng, và coi đó là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn đạt thỏa thuận. Tất cả diễn ra chỉ vài ngày sau khi hai nước tăng thuế nặng nề đáp trả lẫn nhau ngày 23/8.

Nhưng trước mắt, ông Trump cho biết sẽ không bỏ cuộc trong việc gây áp lực, buộc Trung Quốc phải đồng ý một thỏa thuận thương mại theo ý ông, dù các thị trường cổ phiếu vẫn chao đảo và tăng trưởng toàn cầu chững lại do những bất trắc.

“Đó là cách tôi thương lượng. Rất hiệu quả trong nhiều năm rồi. Và cũng sẽ tốt cho nước Mỹ”, ông Trump nói với các phóng viên.

'Kha nang som co thoa thuan My-Trung khong phai kho, ma la khong the' hinh anh 1
Ông Trump cho biết sẽ không bỏ cuộc trong việc gây áp lực, buộc Trung Quốc phải đồng ý một thỏa thuận thương mại theo ý mình. Ảnh: AP.

Ông Trump giữ nguyên chiến lược, thỏa thuận ngày càng xa

Thị trường cổ phiếu khởi sắc ngày 26/8 sau tín hiệu tích cực này từ ông Trump. Tuy nhiên, rủi ro lớn hơn cho kinh tế toàn cầu vẫn còn đó. Ông Trump vẫn giữ nguyên sách lược của mình, dù cho ông vẫn chưa đạt được nhiều tiến triển trong giải quyết các mâu thuẫn thương mại, sau hai năm theo sách lược đó (tăng thuế, leo thang dần dần để gây sức ép).

Mùa hè của Mỹ sắp chính thức kết thúc với ngày nghỉ lễ Lao động (Labor Day) đầu tháng 9, nhưng khả năng giải quyết chiến tranh thương mại vẫn xa vời, xa hơn nhiều so với khi bắt đầu mùa hè (thường được tính từ ngày Memorial Day tưởng niệm cựu chiến binh Mỹ vào cuối tháng 5).

“Khả năng đạt được một thỏa thuận bền vững đã là khó chỉ một tuần trước”, Jude Blanchette, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, nói với Bloomberg. “Còn bây giờ (sau các lệnh đánh thuế mới), cơ hội đi đến thỏa thuận gần như không thể”.

Những người nắm tình hình nói các cuộc đàm phán đã tiến triển rất ít trong những tuần qua, và mọi tiến triển mà ông Trump đang nói tới có lẽ liên quan nhiều tới tâm trạng của ông hơn là những gì đang diễn ra. Chính quyền của ông vẫn chưa có kế hoạch về những gì sẽ làm sắp tới.

Hai bên dự kiến tiếp tục đối thoại vào tháng 9 ở Washington, nhưng phía Trung Quốc vẫn chưa ấn định cụ thể, và một số quan chức Mỹ không muốn đàm phán thêm nếu cho rằng sẽ không đạt được gì thực chất.

Trung Quốc dường như cũng không muốn bàn về bản nháp thỏa thuận dài 150 trang đã không được hai bên đồng ý vào tháng 5, những người nắm tình hình nói với Bloomberg.

“Vẫn chưa có gì thực chất”, Derek Scissors, chuyên gia về Trung Quốc ở Viện Doanh nghiệp Mỹ, từng cố vấn cho chính quyền, nói với Bloomberg. “Họ có thể gọi điện, nói chuyện vui vẻ với nhau thoải mái, nhưng cuối cùng thì vẫn phải có kết quả cụ thể”.

'Kha nang som co thoa thuan My-Trung khong phai kho, ma la khong the' hinh anh 2
Cuộc hội đàm giữa lãnh đạo Mỹ - Trung tại Argentina cuối 2018. Hai bên dự kiến tiếp tục đối thoại vào tháng 9 ở Washington, nhưng phía Trung Quốc vẫn chưa ấn định cụ thể về các cuộc gặp. Ảnh: AP.

Ông Trump hiểu sai thông điệp của Bắc Kinh

Ông Trump cũng dường như đang hiểu sai các thông điệp từ Trung Quốc. Trong một buổi họp báo ngày 26/8, tổng thống Mỹ tập trung vào một bài diễn văn của Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, trưởng đoàn đàm phán thương mại của Bắc Kinh, mà ông coi là bày tỏ ý định hòa giải.

Trong diễn văn khai mạc một hội chợ ở thành phố Trùng Khánh, ông Lưu nói Trung Quốc “sẵn sàng giải quyết vấn đề thông qua trao đổi và hợp tác với thái độ bình tĩnh”, theo truyền thông Trung Quốc. “Chúng tôi cương quyết phản đối leo thang cuộc chiến thương mại”, ông Lưu nói.

Một số người biết chuyện nói ông Trump có vẻ thực sự tin Trung Quốc đang hạ giọng. Nhưng các chuyên gia về Trung Quốc lại nói diễn văn trên vẫn là ngôn từ lặp đi lặp lại mà các quan chức Trung Quốc luôn dùng để kêu gọi chấm dứt thuế quan và miêu tả chính họ là bên bình tĩnh, phải chăng hơn trong cuộc thương chiến.

“Đây không phải là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sắp xuống nước”, Jude Blanchette, chuyên gia từ CSIS, nói với Bloomberg.

Thậm chí, ông Trump còn tưởng ông Lưu là quan chức quyền lực thứ hai ở Trung Quốc. Tổng thống Mỹ gọi ông Lưu là “phó chủ tịch” tại buổi họp báo và nói ông chỉ đứng thứ hai sau Chủ tịch Tập Cận Bình trong giới lãnh đạo Trung Quốc.

“Phó chủ tịch Trung Quốc - lên cao hơn nữa chỉ có Chủ tịch Tập thôi. Phó tổng thống - à không, phó chủ tịch - ừ thì cũng giống phó tổng thống Mỹ vậy”, ông Trump vừa nói, vừa sửa sai trước các phóng viên. “Diễn văn của phó chủ tịch cho thấy ông ấy muốn một thỏa thuận, và ông ấy muốn không khí trở nên bình tĩnh hơn”.

Nhưng trên thực tế, dù ông Lưu thuộc Bộ Chính trị và Quốc vụ Viện Trung Quốc, ông là một trong bốn phó thủ tướng dưới quyền Thủ tướng Lý Khắc Cường, và ông Lý mới được coi là cấp dưới của ông Tập.

Các lãnh đạo G7 vận động thành công

Sự hân hoan của ông Trump ngày 26/8 có được sau chiến dịch “tổng lực” của các lãnh đạo G7 thuyết phục tổng thống Mỹ hòa hoãn với Trung Quốc.

Các lãnh đạo G7 đã gặp riêng trước hội nghị để phối hợp, thống nhất các thông điệp. Họ có chung quan điểm là phải cố thuyết phục ông Trump giảm căng thẳng, và chú ý nhiều hơn đến vấn đề quan tâm số 1 của họ: chiến tranh thương mại.

'Kha nang som co thoa thuan My-Trung khong phai kho, ma la khong the' hinh anh 3
Các lãnh đạo G7 đã gặp riêng trước hội nghị để phối hợp, thống nhất thông điệp thuyết phục ông Trump giảm căng thẳng thương mại với Trung Quốc. Ảnh: New York Times.

Họ tìm mọi cách để thuyết phục, nhưng vẫn “rào trước đón sau” để không mếch lòng Tổng thống Trump. Chẳng hạn, ông Johnson đã nêu lo ngại về chiến tranh thương mại theo cách nhẹ nhàng, tế nhị nhất có thể.

“Chúng tôi có chỉ muốn nêu ra thêm một điểm nhỏ, nhẹ nhàng, về cuộc chiến thương mại - là chúng tôi mong sự ổn định tổng thể và giảm căng thẳng thương mại, nếu có thể”, thủ tướng Anh phát biểu, với sự cẩn trọng đáng kể trong ngôn từ.

Nhưng không khó để thấy cách biệt lớn vẫn tồn tại giữa ông Trump và các lãnh đạo G7 khác, theo Bloomberg.

Họp báo bên cạnh ông Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói cả Mỹ và Trung Quốc đều không “ngây thơ”, và “phải có một thỏa thuận cân bằng, tốt cho tất cả”.

Nhưng vài phút sau, ông Trump lại lên tiếng chỉ trích ông Tập vì đã trả đũa lệnh đánh thuế của ông. “Bây giờ, cứ khi tôi tăng thuế, ông ấy cũng tăng thuế, cứ như vậy, không ai theo kịp ai”, ông nói.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn