Thương chiến tàn khốc, doanh nghiệp TQ ‘tháo chạy’ khỏi sân nhà

Thứ Ba, 13 Tháng Tám 20196:16 SA(Xem: 3953)
Thương chiến tàn khốc, doanh nghiệp TQ ‘tháo chạy’ khỏi sân nhà

Các công ty Trung Quốc đang tiếp bước đối tác nước ngoài ra khỏi đất nước tìm kiếm các cơ sở sản xuất thay thế để giảm thiểu tác động của cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ.

Kể từ tháng 6 năm ngoái, 33 công ty niêm yết đã thông báo cho hai sàn giao dịch chứng khoán của Trung Quốc về kế hoạch thiết lập hoặc mở rộng sản xuất ra nước ngoài, theo dữ liệu được Nikkei Asian Review tổng hợp.

Cũng như các nhà sản xuất nước ngoài, nhiều đợt thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump, kết hợp với tiền lương tăng và các chi phí khác, đang thúc đẩy các công ty Trung Quốc rời khỏi đất nước.

Các điểm đếm ưa thích của các doanh nghiệp này bao gồm Campuchia, Ấn Độ, Malaysia, Mexico, Serbia, Thái Lan và Việt Nam. 

Ồ ạt di dời giữa chiến tranh thương mại

Trong số các công ty đó có Jinhua Chunguang, một nhà sản xuất sản phẩm cao su, đã công bố đầu tư 4,35 triệu USD vào ngày 19/7 để thành lập một cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc, bên cạnh ba nhà máy hiện tại ở Malaysia và Trung Quốc. Công ty có trụ sở tại tỉnh Chiết Giang, gần Thượng Hải.

Doanh nghiệp cho biết khoản đầu tư này là phản ứng đối với "những thay đổi trong môi trường quốc tế", cũng như một phần của kế hoạch mở rộng toàn cầu.

Thuong chien tan khoc, doanh nghiep TQ ‘thao chay’ khoi san nha hinh anh 1
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến nhiều doanh nghiệp tìm các nơi đầu tư sản xuất khác ngoài Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Jinhua sản xuất vòi cao su được sử dụng trong máy hút bụi, đối tượng trong đợt trừng phạt thuế quan nhập khẩu thứ ba của Tổng thống Donald Trump đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD trong nửa cuối năm 2018, với lý do thực hành thương mại không công bằng. 

Theo số liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế, mức lương chính thức của Trung Quốc đã tăng 44% lên 6.193 nhân dân tệ mỗi tháng trong năm năm, tính đến năm 2017. Đó là con số lớn so với mức tăng của các điểm đến tiềm năng như mức tăng 28% của Malaysia và 11% của Mexico trong cùng thời kỳ.

Các nhà phân tích cho biết chi phí tăng đã khuyến khích các công ty di chuyển ra nước ngoài ngay cả trước cuộc chiến thương mại. Trung Quốc có chính sách "di dời" khuyến khích những động thái như vậy kể từ năm 2001, nhưng rất ít công ty cảm thấy cần thiết phải theo đuổi nó do thị trường khổng lồ tại quê nhà.

Darren Tay, nhà phân tích rủi ro tại Fitch Solutions nhận định rằng những gì cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm là đẩy nhanh xu hướng này trong ngắn hạn, có khả năng mang lại lợi ích cho các nước như Malaysia, Thái Lan...

Nhiều yếu tố thu hút nhà đầu tư

Mức lương cạnh tranh không phải là điều duy nhất thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến các quốc gia này. "Một lực lượng lao động lành nghề, được đào tạo tốt, cơ sở hạ tầng tốt và mạng lưới các hiệp định thương mại tự do mạnh mẽ, bao gồm việc là một phần của Khu vực Thương mại Tự do ASEAN và FTA EU-Việt Nam" cũng là những yếu tố góp phần, theo Rajiv Biswas, nhà kinh tế tại IHS Markit ở Singapore.

Trong khi hầu hết quốc gia hoan nghênh đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc như từ bất kỳ quốc gia nào khác, họ cũng cảnh giác về việc bị lợi dụng để tránh thuế quan trừng phạt của ông Trump. Tổng thống Mỹ gần đây đã đe dọa sẽ áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu trị giá 300 tỷ USD còn lại từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/9.

Ở các quốc gia khác, sự thay đổi sản xuất và đầu tư đi kèm đang được áp dụng sau khi việc tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng liên kết Vành đai và Con đường gây ra phản ứng dữ dội.

Thuong chien tan khoc, doanh nghiep TQ ‘thao chay’ khoi san nha hinh anh 2
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tham dự buổi lễ chào mừng tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 20/8/2018. Ảnh: AP.

Jiangsu Xinquan Automotive Trim công bố vào tháng 5 rằng họ đang đầu tư 64,4 triệu ringgit (15 triệu USD) vào Malaysia. Khoản đầu tư này sẽ hỗ trợ khách hàng chính của họ, Zhejiang Geely Holding, công ty sản xuất xe hợp tác với nhà sản xuất ôtô quốc gia Malaysia Proton Holdings để bán tại thị trường Đông Nam Á.

"Malaysia hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc đi kèm với chuyển giao công nghệ, sử dụng nhân tài địa phương và chắc chắn không phải là sự di cư ồ ạt của lao động Trung Quốc", một quan chức của văn phòng thương mại cho biết.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad chỉ trích mạnh mẽ các khoản đầu tư của Trung Quốc được người tiền nhiệm chấp thuận. Ông Mahathir nói với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh vào tháng 8 năm ngoái rằng Malaysia sẽ không cho phép "phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân", đề cập đến các dự án cơ sở hạ tầng tốn kém do các công ty Trung Quốc thi công tại Malaysia.

Các dự án này là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, chương trình bị chỉ trích vì khiến một số nước đang phát triển chìm sâu trong nợ nần. 

Một số công ty tham gia các dự án ở Malaysia đã khiến ông Mahathir phẫn nộ bằng cách nhập khẩu thiết bị và lao động từ Trung Quốc, thay vì sử dụng lao động và tài nguyên địa phương.

Việc đa dạng hóa đầu tư của Trung Quốc từ việc tập trung vào các nguồn lực và cơ sở hạ tầng sang sản xuất sẽ được nhiều nước đang phát triển hoan nghênh, ông Biswas của IHS cho biết.

"Nhiều nước đang phát triển vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa và chính phủ của họ đặt ưu tiên chính sách trong việc xây dựng các lĩnh vực sản xuất để đa dạng hóa nền kinh tế và tạo việc làm mới", ông nói.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn