VÌ SAO ĐCS KHÔNG SỤP ĐỔ – THE DICTATOR’S DILEMMA

Thứ Năm, 08 Tháng Tám 20196:00 SA(Xem: 5278)
VÌ SAO ĐCS KHÔNG SỤP ĐỔ – THE DICTATOR’S DILEMMA
Sau khi Liên Xô sụp đổ vào  đầu thập niên 1990, ai cũng nghĩ rằng điều tương tự sẽ được lập lại ở Trung Quốc và Việt Nam. Ai cũng tự tin kỳ vọng rằng trước sức ép của nền kinh tế thị trường và những vấn đề nội địa, ĐCS sẽ giải thể để vì đó là điều tất yếu. Nhưng năm tháng trôi qua, bất chấp các vấn đề về mọi mặt, tổ chức cai trị vẫn tiếp tục. Cho tới bây giờ, gần như không có một dấu hiệu nào có thấy sẽ có sự sụp đổ tương tự như ở Đông Âu xảy ra.

Nhưng vì sao, bằng động cơ nào hay nhờ điều gì mà tập thể độc tài đó vẫn tiếp tục phát triển và tồn tại? Trong cuốn The Dictator’s Dilemma: The Chinese Communist Party’s Strategy for Survival (Tình Huống Khó Xử Của Nhà Độc Tài: Chiến lược sinh tồn của ĐCS Trung Quốc), học giả Bruce Dickson đã đưa ra những lý do nhằm giải thích những nghịch lý trên. Nó không chỉ hợp lý đối với Trung Quốc mà còn đối với Việt Nam.

Vì sao ĐCSTQ và ĐCSVN lại không sụp đổ mà còn phát triển và tồn tại?

1 – TÁI ĐỊNH HƯỚNG CHÍNH SÁCH, BỎ CNXH ĐỂ THEO TƯ BẢN: Đây là một điều làm nhiều người bất ngờ và khó hiểu. Trong tâm trí và tư duy của đa số người, ĐCS là một tổ chức theo chủ nghĩa tập trung tập thể theo học thuyết chính trị của Karl Marx, nơi nhà nước nắm toàn quyền và tài sản. Điều đó chỉ đúng với với trước thập niên 1990 thôi, khi tổ chức cầm quyền vẫn cấm kinh tế tư nhân và hoạch định đất nước một cách tập trung, dẫn đến nạn đói và thất bại của toàn quốc.

Nhưng sau khi khối Liên Xô sụp đổ thì ĐCSTQ và ĐCSVN đã từng bước một từ bỏ những chính sách bao cấp và sử dụng nền kinh tế thị trường để làm giàu và bảo vệ tổ chức. Dưới danh nghĩa ‘Chủ Nghĩa Xã Hội đặc sắc Trung Quốc’ và ‘Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,’ họ biến đổi thể chế và chính sách nhưng vẫn giữ tên tổ chức. Người dân được quyền làm ăn buôn bán, công ty tư nhân được hoạt động, doanh nghiệp quốc tế được vào sản xuất và luật pháp được sửa để dân có một chút tư hữu tài sản.

Bằng cách giải quyết nhu cầu kinh tế, họ không để người dân phải đói khổ như khối Liên Xô. Nó đã gián tiếp tiêu diệt động cơ để chống đói chính quyền trong lòng người dân. Từ những nhà độc tài, họ từng bước một trở thành những nhà lãnh đạo tử tế trong mắt người dân. ĐCS không còn là tổ chức chính trị nữa mà dần trở thành nhóm lợi ích. Người ta muốn vào không phải vì lý tưởng mà để tiến thân trong sự nghiệp và xây dựng mối quan hệ.

2 – CHO MỘT CHÚT TỰ DO NHƯNG KIỂM DUYỆT NGÔN LUẬN: Trong giai đoạn thực hiện CNXH, tổ chức đã ép người dân phải từ bỏ tất cả những thứ họ cho rằng là đồi truỵ và phản cách mạng. Từ âm nhạc Tây Phương cho tới thời trang, từ văn hoá truyền thống cho tới ý kiến cá nhân – tất cả đều bị kiểm soát.

Nhưng khi thừa hiểu đây là điều bất khả thi thì họ đã từ bỏ và thả lỏng dân chúng. Từ việc kiểm duyệt toàn bộ, họ cho người dân chút tự do nhưng vẫn trong khuôn khổ giới hạn. Giới trẻ được tự do du lịch, khám phá, sáng tạo, viết nhạc, khởi nghiệp và giao lưu nhưng tuyệt đối không được phản tổ chức.

Nhà cầm quyền Bắc Kinh tách ly người dân Trung Quốc khỏi không gian mạng internet thế giới để kiểm soát thông tin và tư tưởng. Họ hỗ trợ những doanh nghiệp nội địa để thay thế những Facebook và Google. Đa số người dân cảm thấy hài lòng về điều này. Thế hệ trẻ hậu cuộc thảm sát Thiên An Môn lớn lên với một không gian riêng và không hề thấy phiền. Họ đã rơi và trạng thái an phận, điều nhà hoạch định mong muốn.

Khác với Bắc Kinh, chính quyền Hà Nội thì thừa nhận rằng Việt Nam không dủ dân số và sức mạnh kinh tế để có thể làm điều tương tự. Cho nên họ vẫn cho dân tiếp cận thông tin bên ngoài, Facebook và Google vẫn hoạt động nhưng với sự kiểm soát. Thay vì dựng bức tường lửa như Trung Quốc, họ thành lập lực lượng truyền thông để phản bác những thông tin tiêu cực.

Người dân Việt Nam hiện nay đa số cảm thấy hài lòng. Họ có thể lên internet phàn nàn về đất nước nhưng rồi thôi, chẳng có thể và không làm gì khác. Nếu người anh em phía Bắc ở trong trạng thái an phận thì người Việt Nam đang ở trong khuôn khổ hài lòng.

3 – TUYÊN TRUYỀN: Nếu kiểm duyệt ngôn luận là cách để dẹp bỏ những thông tin tiêu cực về tổ chức thì Tuyên Truyền (Truyền Thông) là cách họ củng cố sự tồn tại của mình ở trong và ngoài nước. Khác với những tấm hình, bài hát và khẩu hiệu ca ngợi lãnh tụ trước đây thì bây giờ tổ chức cầm quyền đã tận dụng truyền thông, mạng xã hội và triết học để điều khiển tư duy dân chúng.

Trên TV thì họ bỏ tiền phát triển những show về tình yêu, âm nhạc và hài. Bạn sẽ khó mà tìm được nội dung về xã hội chính trị nào vì tất cả đã bị hạn chế. Ngoài đời thì ĐCSTQ quảng bá tư tưởng Khổng Giáo để gieo vào đầu người dân những tư tưởng về thành kính lãnh đạo, sống yên ổn và giữ gìn ôn hoà xã hội.

Cách này rất hiệu quả. Giới trẻ thì chìm đắm trong thế giới ngôn tình, người lớn thì bị giam cầm trong tư duy ổn định xã hội và người nước ngoài khi nhìn vào thì cứ nghĩ người dân đang hài lòng với thực trạng.

Chiến thuật tương tự cũng đang được thực hiện ở Việt Nam. Mở TV thì tràn ngập các show hài nhảm, trên Facebook thì toàn những fanpage troll và Youtube thì được thống trị bởi những kênh về tình yêu và âm nhạc. Giới trẻ Việt Nam lớn lên chỉ biết ăn chơi, biết tên ca sĩ hay người mẫu và biết những chủ đề nào đang hot như ai đó đang lộ clip riêng tư. Còn hỏi họ về xã hội hay kinh tế thì mù tịt. Đó là kết quả của chiến thuật tuyên truyền hiện đại.

4 – LỢI DỤNG LÒNG YÊU NƯỚC, YÊU NƯỚC LÀ YÊU ĐẢNG: Không có ai tận dụng mọi phương tiện và sự kiện để nguỵ biện về lòng yêu nước như ĐCSTQ và ĐCSVN. Bằng cách đánh đồng với ‘yêu nước’ và ‘yêu tổ chức’ họ đã nuôi dưỡng một thế hệ không thể trách rời hai khái niệm đó.

Nếu một vận động viên chiến thắng thì đó là thành tích của tổ chức cầm quyền. Khi một doanh nhân muốn phát triển đất nước bằng tài năng của mình, quan chức sẽ ngay lập tức bắt tay ca ngợi và biến anh ta thành biểu tượng. Nếu ai đó đang nói xấu về tổ chức thì sẽ bị quy là phản đất nước. Bằng cách núp sau danh nghĩa yêu nước, ĐCSTQ và ĐCSVN đã bảo vệ mình cho cả chục thế hệ sau.

KẾT LUẬN: ĐCSTQ gần như không thể sụp đổ hoặc cực kỳ khó, ĐCSVN cũng tương tự. Họ cứu mình, tồn tại và phát triển không phải vì họ tài giỏi mà vì họ biết tận dụng tình thế và biến đổi mình khi cần thiết, miễn sao có lợi cho bản thân. Người dân không chống đối ở quy mô lớn không phải vì họ yêu thích tổ chức cầm quyền, mà vị họ đã rơi vào trạng thái hài lòng và khuôn khổ ổn định. Họ không chết đói, họ chỉ cần đi làm là có ăn dù xã hội xung quanh họ có vô số vấn đề.

Ngộ nhận sai lầm chết người nhất là vẫn nghĩ rằng hai tổ chức chính trị kia vẫn còn theo CNXH, tư tưởng đó chỉ còn trên danh nghĩa thôi. Họ đã khôn ngoan và dẹp bỏ chính sách thất bại rồi. Họ biết dùng tư bản để làm ăn, biết quan hệ với quốc tế và biết dắt mũi dân chung. Cho nên họ sẽ tồn tại lâu dài.

Ku Búa @ Cafe Ku Búa

dcs

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn