Vỡ

Thứ Hai, 05 Tháng Tám 20196:00 SA(Xem: 5524)
Vỡ

Thọ Nguyễn

Nhờ giao tiếp với bạn đọc mà tôi vỡ ra nhiều điều. Hóa ra các bạn trẻ 17-18 tuổi không biết rằng, chỉ cách đây vài năm, hô khẩu hiệu “Hoàng Sa, Trường Sa – Việt Nam” là ăn đòn, mặc quần áo, đội mũ có dòng chữ HS-TS-VN là gặp rắc rối.

H1-15
Cô Trịnh Kim Tiến (trái) và Bùi Hằng (phải) cầm biểu ngữ dẫn đầu đoàn biểu tình, vinh danh những người lính tử trận ở Hoàng Sa và Trường Sa ở Hà Nội năm 2011. Ảnh: Nguyễn Lân Thắng

Hồi năm 2011, có mấy người ban đêm đi kẻ chữ HS-TS-VN lên tường, sáng ra dân phòng phát hiện là mang vôi đến xóa ngay. Khái niệm “Bọn Hoàng Sa, Trường Sa” từng được gán cho lũ chống phá, bọn xấu. Có những người đưa bằng chứng về việc đục bỏ chữ “Trung Quốc” trên các bia nhắc nhở tội ác của quân đội Trung Quốc. Có những trang sách sử chỉ nói về giặc xâm lăng “phương bắc” nào đó.

H2-10
Bia tưởng niệm chống quân TQ xâm lược đã bị đục bỏ chữ “quân Trung Quốc”. Ảnh trên mạng

Khi tôi viết về Nelson Mandela để nhắc nhở người Việt hãy học cách người thắng cuộc và kẻ bại trận ở Nam Phi đối xử với nhau, tôi mới vỡ ra rằng, có người Việt vẫn coi việc đưa hàng trăm ngàn đồng bào mình đi “cải tạo”, bắt hàng triệu gia đình họ lên kinh tế mới sau 1975 là cần thiết để “trả nợ máu”.

Bạn đọc này còn coi đó chính là thành tícch của hòa giải dân tộc, vì không xử bắn ai. Một số bạn đọc khác tranh luận với anh này rất lâu và coi anh ta là Dư luận viên. Tôi nghĩ rằng anh thành tâm nói ra điều đó. Vì từ hàng chục năm qua, anh sống trong sự giáo dục: Mỹ-Ngụy gây ra chiến tranh và tội ác chỉ do phía đó gây ra. Do vậy tôi chỉ trả lời anh: Nhận thức là một quá trình, cần thời gian.

Quả vậy, cách tuyên truyền lâu nay ở Việt Nam đã để lại nhiều di chứng. Truyền thông tự do như dòng nước nhỏ đang lách dần vào vào các khe đá khô cằn lâu nay. Tuy không thể tưới hết mọi vùng bị hạn, nhưng nó đã làm cho nhận thức xã hội thay đổi. Các khái niệm “Đa nguyên”, “Xã hội dân sự”, “Tam quyền phân lập”, “Tự do báo chí” v.v… tuy chưa được báo chí nói đến một cách thường xuyên, nhưng không còn là từ cấm kị, là lý do để đi tù như xưa nữa.

Nhận thức của bộ phận lớn người Việt đang cần thời gian để theo kịp thời đại. Không sao cả, người Nga, người Đông Đức cũng vậy, họ thay đổi nhận thức theo thể chế. Nhanh hay chậm tùy theo hiểu biết của từng người.

Nhưng nhận thức về tổ quốc, về dân tộc thì không thể như vậy. Người Nga thời Sa Hoàng, thời Xô viết hay thời Putin lúc nào cũng coi sự toàn vẹn lãnh thổ là hàng đầu. Khi cả thế giới lên án Nga chiếm Crimea, cả nước Nga ôm nhau trong nước mắt. Khi đôi bóng đá Tây Đức giành giải vô địch thế giới 1954 và 1972, dân Đông Đức tự hào hô vang “Nước Đức vô địch” (Deutschland Weltmeister!)

Do vậy, khi các bạn Đức hỏi tôi về những bức ảnh người biểu tình chống Trung Quốc chiếm biển đảo bị chính quyền đàn áp đánh đập, tôi rất xấu hổ. Bên cạnh câu hỏi: Giống người gì mà ác với nhau thế? Họ sẽ nghi ngờ mọi đòi hỏi về chủ quyền của Việt Nam.

Người Việt có thể bị bưng bít về các vấn đề nhân quyền, dân chủ, tự do ngôn luận, quyền sở hữu đất đai, v.v…, vì có những người Việt khác không muốn thế.

Nhưng người Việt không thể bưng bít nhau hoặc bịt miệng nhau về những gì xảy ra ở Biển Đông hôm nay. Trung Quốc đã đưa 80 chiếc tàu các loại đến bãi Tư Chính và lớn tiếng lên án Việt Nam vi phạm vùng chủ quyền kinh tế của họ. Trong khi đó người Việt nào còn quan tâm chỉ biết đi mò tin của nước ngoài để xem Chính phủ phản ứng ra sao.

Khi con thuyền bị thủng trên biển lớn, giữa giông bão, thì việc bịt tin tức với ý đồ giữ vững vai trò chèo lái của mình, phỏng có ích gì nữa? Hay đợi thuyền đắm mới vỡ ra được?

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn