Tình thế khó khăn của cả Mỹ và Trung Quốc trong đàm phán thương mại

Thứ Hai, 05 Tháng Tám 20192:00 SA(Xem: 2826)
Tình thế khó khăn của cả Mỹ và Trung Quốc trong đàm phán thương mại
Các nhà phân tích đều nhận định rằng Trung Quốc và Mỹ đang rơi vào tình thế rất khó khăn trong việc đi đến tiếng nói chung trong lĩnh vực đàm phán thương mại.
image1
Tình thế khó khăn của cả Mỹ và Trung Quốc trong đàm phán thương mại

Ngày 30/7/2019, Tổng thống Mỹ, Donald Trump cảnh báo Trung Quốc không nên đợi nhiệm kỳ đầu tiên của ông kết thúc mới ký bất kỳ thỏa thuận thương mại nào.

Ông Donald Trump cũng chỉ trích Trung Quốc luôn thay đổi thỏa thuận vào phút cuối để đạt được lợi ích của mình.

Lời cảnh báo của ông Donald Trump được đưa ra trong bối cảnh trước đó cùng ngày, các quan chức thương mại cấp cao của Mỹ đã tới thành phố Thượng Hải để nối lại đàm phán với giới chức Trung Quốc nhằm tìm cách chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài một năm qua giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Các nhà phân tích đều nhận định rằng cả Trung Quốc và Mỹ đang rơi vào tình thế rất khó khăn trong việc đi đến tiếng nói chung trong lĩnh vực đàm phán thương mại.

Ở Trung Quốc, tác động tiêu cực đối với kinh tế và việc làm do việc áp thuế bổ sung của Mỹ gây nên nổi bật hơn.

Sự đổ vỡ trong các cuộc đàm phán thương mại vào tháng 5/2019 của phía Trung Quốc được cho là chịu sức ép của phe cứng rắn.

Chủ tịch Tập Cận Bình hiện đang đối mặt với môi trường bên ngoài rất khó khăn và bản thân ông đang đứng giữa sự giằng co của các phe phái.

Một bên là phe cứng rắn lấy chủ nghĩa dân tộc, chủ quyền quốc gia để gây sức ép, họ hoài nghi năng lực lãnh đạo của nhà lãnh đạo, nếu chấp nhận thỏa thuận thì sẽ không xứng đáng ở vị trí này. Văn hóa của Trung Quốc coi trọng thể diện, tác động tương đối lớn đến quyết sách của người lãnh đạo.

Bên cạnh đó, văn bản, phương thức diễn đạt của văn bản thỏa thuận cần phải được sự chấp nhận của người dân Trung Quốc. Thực tế, đây là nội dung phe cứng rắn có thể sử dụng để gây sức ép một cách rõ ràng.

Nếu những vấn đề như thế này mang lại cho công chúng ấn tượng đánh mất chủ quyền hoặc là thỏa thuận không bình thường thì sẽ vấp phải sự phản đối kịch liệt, chủ nghĩa dân tộc dân túy ở trong nước sẽ trỗi dậy mạnh mẽ.

Một bộ phận khác là những người phụ trách kinh tế trên thực tế.

Họ cho rằng áp lực suy giảm kinh tế Trung Quốc ngày càng lớn, đất nước ngày càng khó khăn nên hy vọng nhanh chóng kết thúc cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Đây là những người tương đối thực tế và họ có địa vị rất quan trọng trong công tác kinh tế.

Do ý thức hệ chỉ là ngôn từ nên vấn đề nguy hiểm thực sự vẫn là huyết mạch kinh tế. Có thể thấy cam kết của Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Diễn đàn Davos tổ chức tại Đại Liên mới đây, ở một mức độ nhất định đã đại diện cho ý kiến của phe chủ hòa, quan chức phụ trách kinh tế ở trong nước.

Tại sự kiện này, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc sẽ hủy bỏ hạn chế về tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực tài chính trước năm 2020.

Ông còn nhấn mạnh Trung Quốc cũng sẽ giảm các hạn chế trong việc tiếp cận thị trường của vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực viễn thông và giao thông vận tải.

Có phân tích cho rằng mặc dù đàm phán thương mại Mỹ-Trung quay trở lại đúng quỹ đạo nhưng đại diện đàm phán của hai bên đều đối diện với một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đó chính là xoa dịu phe cứng rắn không chịu nhượng bộ với các chủ trương trong nội bộ chính phủ.

Tổng thống Mỹ, Donald Trump đang đối diện với áp lực tranh cử của cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.

Ngoài việc phải đối diện với áp lực tranh cử của Đảng Dân chủ, ông còn phải ứng phó với sự không hài lòng của những cử tri ủng hộ thuộc giới doanh nhân và ở các bang nông nghiệp của Mỹ bị ảnh hưởng bởi thuế quan.

Một số Nghị sỹ của Đảng Cộng hòa và Dân chủ lo ngại Tổng thống Trump sẽ đưa ra quá nhiều nhượng bộ trong đàm phán do nhu cầu tranh cử.

Trong quá trình hội đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20 ở Osaka, nhiều người không hài lòng đối với những nhượng bộ mà Tổng thống Donald Trump dành cho Bắc Kinh.

Tổng thống Donald Trump đang đối mặt với sức ép của cuộc bầu cử và đây là áp lực rất thực tế. Nếu thời gian tới, cử tri ở các bang được xem là kho phiếu và bang nông nghiệp đều dao động thì Tổng thống Donald Trump sẽ không thể tái đắc cử. Ông nhất định sẽ áp dụng mọi biện pháp.

Ở Mỹ, có nhiều người chủ trương tách rời kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Một trong những vai trò của chiến tranh thuế quan do Mỹ khởi xướng là sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính vì thế, một số doanh nghiệp Mỹ đã bắt đầu dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Nhiều nhà phân tích cho rằng dù Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận nhưng liệu thỏa thuận có được thực hiện hay không lại là một vấn đề khác.

Ngoài ra, mâu thuẫn nội tại giữa mô hình kinh tế hoàn toàn khác nhau của hai nước cũng sẽ dẫn đến sự va chạm thương mại Mỹ-Trung không ngừng diễn ra.

Tài liệu tham khảo:

1. //www.scmp.com/economy/china-economy/article/3016255/trade-war-us-and-china-agree-tentative-truce-g20-summit

2. //www.japantimes.co.jp/news/2019/06/27/business/trump-says-trade-deal-osaka-g20-xi-possible-proposed-tariffs-may-cut-10/#.XRV9TT8zbIU

3. //www.vietnamplus.vn/tong-thong-my-chi-trich-trung-quoc-luon-thay-doi-thoa-thuan-thuong-mai/586304.vnp

Thanh Bình

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn