Thân phận người phụ nữ Bắc Triều Tiên

Thứ Bảy, 23 Tháng Mười Hai 20171:30 SA(Xem: 7198)
Thân phận người phụ nữ Bắc Triều Tiên

Một phụ nữ trốn thoát chế độ cộng sản Bắc Triều Tiên tố cáo các hành động khủng khiếp cô đã chứng kiến ​​trong các trại giam – xác tù nhân bị chết đói làm mồi cho đàn chó.

Trong số 31.000 người trốn thoát sang Hàn Quốc từ ngày chiến tranh kết thúc, thì 70% là phụ nữ. Con số ngày càng gia tăng, lên đến 80% trong năm 2014-2016, năm 2017 là hơn 85% theo thống kê Bộ Thống nhất đất nước Hàn Quốc đưa ra.

Con đường dẫn đến tự do, thường là vượt qua sông Áp Lục (Yalu) giữa biên giới Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Sau khi vào được Trung Quốc, người chạy trốn chế độ cộng sản Bắc Triều Tiên được môi giới đưa qua Việt Nam, Lào, Thái lan và sau cùng đến vùng đất Hàn Quốc tự do.

image3-1-e1513695598768

Phụ nữ Bắc Triều Tiên ít bị chú ý khi làm việc ở Trung Quốc, trong nhà máy hoặc các quán ăn, họ kiếm tiền và gởi về quê nhà. Phụ nữ luôn bị coi khinh so với nam giới ở Bắc Triều Tiên. Họ không chiếm nhiều vai trò trong guồng máy của chính phủ, nhưng rất giỏi trong buôn bán lậu, vì vậy quen biết nhiều thành phần môi giới vượt biên.

Yếu tố chính của việc di dân sang Trung Quốc phát sinh từ như cầu của kỹ nghệ tình dục và hôn nhân sắp đặt, mua cô dâu từ Bắc Triều Tiên, tương tự như những việc đã xảy ra ở Việt Nam. Chủ yếu là vì số nam giới Trung Quốc hơn nữ giới lên đến 33 triệu.

Các thiếu nữ trốn qua Trung Quốc, lấy chồng bản xứ một thứ nô lệ tình dục, họ được ăn no hơn so với khi Bắc Triều Tiên, nhưng phải làm việc cực nhọc trả giá cho chút ít no đủ đó ở Hoa lục.

Phụ nữ lớn tuổi, bị bán cho các nhà thổ, họ phải tiếp khách liên tục mới được cho ăn, rồi dần dà cũng chết trong bệnh tật đau đớn.

Gái còn trinh có giá trị cao hơn, được gạ bán cho dân Trung Quốc có tiền muốn cưới vợ trẻ, vừa thỏa mãn tình dục, vừa có người sinh con và làm việc nhà. Nỗi lo sợ lớn nhất của họ là bị cảnh sát Trung Quốc bắt và giao trả về Bắc Triều Tiên.

Hôm thứ hai vừa qua, Ji Hyeon-A điều trần trước Hội đồng Bảo an LHQ về những gì cô chứng kiến khi bị cầm tù.

Năm 1998, gia đình Ji trốn sang Trung Quốc, nhưng bị bắt và giao trả trở lại. Chị của cô bị bán cho một người già, mẹ cô bị đánh đập và cha cô mất tích. Ji trốn thoát sang Trung Quốc lần nữa, lại bị bắt và trả về Bắc Triều Tiên, lần này có bị giam ở trại tù chính trị.

Phụ nữ có thai từ Trung Quốc về, bị buộc phải làm các công việc lao động nặng suốt ngày, đây là cách làm cho họ sẩy thai. Bắc Triều Tiên muốn sự thuần chủng, không muốn có trẻ em lai (Tàu). Một tù nhân, tuy không bị sẩy thai như nhiều người khác, bà này sinh hạ em bé. Khi được được 8 tháng, vào một đêm lính gác ra lệnh bà mẹ trấn nước chết em bé, bà mẹ van nài cho đứa nhỏ được sống, nhưng sau cũng đành khuất phục trước bạo lực và phải tự tay dìm chết đứa bé.

Đó là lần đầu tiên cô chứng kiến khi bị giam trong trại tù, Ji Hyeon A nói: “Hình ảnh đứa nhỏ bị trấn nước ám ảnh tôi suốt 20 năm”.

image2Ji Hyeon A phát biểu tại LHQ hôm thứ Hai vừa qua

Lương thực trong trại tù rất hiếm hoi, các tù nhân phải ăn sống châu chấu (cào cào), lá bắp cải hư, chuột hay ếch còn nguyên da. Tù nhân chết vì kiệt sức, cơ thể mất nước và tiêu chảy không được chữa trị.

Ji kết bạn với Younghee, một thiếu nữ mồ côi, cha mẹ bị bắn chết trong lần vượt biên. Cả hai cùng hứa tìm cách trốn thoát sang Hàn Quốc. Trong khi ra đồng làm việc, họ lén ăn cỏ cho đỡ đói và bị bọn gác bắt gặp, chúng buộc cả hai ăn luôn cả rễ còn dính đất. Younghee, sau đó bị tiêu chảy và chết vì kiệt sức. Xác tù chết vì cơ thể mất nước, được quấn bao nhựa và làm mồi cho đàn chó của bọn lính gác, Younghee chịu cùng số phận. Cô từng bị tra tấn gãy sương sườn chỉ vì mang theo quyển Kinh Thánh.

Lần thứ ba trốn thoát, Ji bị bắt lúc đang có mang ba tháng, cô bị buộc phá thai ngay trong đồn cảnh sát Bắc Triều Tiên, chúng bỏ mặc cô không cho thuốc men. Cô đau đớn nói: “Con tôi chết đi chưa kịp nhìn thấy cuộc đời, tôi cũng không có thời giờ tạ lỗi với nó”.

Năm 2007, lần thứ tư trốn thoát thành công, cô đoàn tụ với mẹ, anh chị em ở Hàn Quốc, tuy nhiên cô vẫn không biết số phận cha cô ra sao.

Bây giờ cô hoạt động và viết sách, báo chống vi phạm nhân quyền ở Bắc Triều Tiên. Theo Ji: “Bắc Triều Tiên là trại tù khủng khiếp, tàn bạo hơn cả Đức quốc xã. Ít có hy vọng sống sót sau khi đã vào đây”.

Đề cập việc binh sĩ Bắc Triều Tiên chạy trốn qua biên giới và bị bắn vừa qua, cô cho hay: “Trốn thoát tìm tự do là ước vọng của hơn 25 triệu dân Bắc Triều Tiên”. Cô kêu gọi Bắc Kinh ngưng giao trả dân tỵ nạn cộng sản Bắc Triều Tiên, họ sẽ bị hành hạ, giam giữ và giết chết. Cô cũng yêu cầu cộng đồng quốc tế điều tra tội ác vô nhân đạo trong các trại giam Bắc Triều Tiên.

Ủy ban điều tra tội phạm chiến tranh thuộc Hiệp hội Luật sư Quốc tế (War Crimes Committee/International Bar Association) cũng đưa ra tường trình rất tượng hình về tình trạng dã man của các trại giam Bắc Triều Tiên.

image1Người ty nạn biểu tình lên án Trung Quốc tiếp tay nuôi dưỡng Bắc Triều Tiên

Cựu thẩm phán Tòa án tội phạm quốc tế, Thomas Buergenthal, một trong tác giả của bản tường trình nói trên. Chính ông cũng là đứa trẻ từng sống sót trong trại tập trung Auschwitz của Đức quốc xã, ông đã cho tờ Washington Post biết: “Tình trạng ở Bắc Hàn khiếp đảm và tồi tệ hơn trại tù tôi đã từng bị giam giữ và trải qua thời niên thiếu.” Báo cáo nói trên có đủ bằng chứng truy tố Kim Jong-Un trước Tòa án vì sự tàn ác đối với nhân loại.

Ji điều trần trước Hội đồng Bảo an LHQ ngày 11/12/2017 gồm các thành viên Úc, Canada, Pháp, Nhật, Anh, Nam Hàn và Hoa Kỳ với đề tài mang tên: “Những kinh nghiệm kinh hoàng của phụ nữ bị cưỡng bức trở về Bắc Triều Tiên”.

Hôm sau, 12/12/2017 Ji trình bày cùng đề tài trước Uỷ ban Ngoại giao Quốc hội Mỹ (Capitol Hill).

__________

Tham khảo:
https://globalnews.ca/news/3911993/north-korea-defector-says-prisoners-fed-to-dogs-women-forced-to-have-abortions/?utm_source=Article&utm_medium=Outbrain&utm_campaign=2015
http://mb.ntd.tv/2017/12/13/north-korean-defector-describes-how-mother-was-forced-to-drown-own-child/
https://www.usatoday.com/story/news/world/2017/12/10/most-defectors-north-korea-women/923072001/

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn