Giá thực phẩm tăng vọt: Trung Quốc đối mặt với khủng hoảng lương thực

Thứ Bảy, 06 Tháng Bảy 20191:00 SA(Xem: 4099)
Giá thực phẩm tăng vọt: Trung Quốc đối mặt với khủng hoảng lương thực

Trong 5 tháng đầu năm nay, nhập khẩu hàng hóa và sản xuất nông sản của Trung Quốc đều có xu hướng giảm, trong khi giá thực phẩm lại tăng đáng kể. Hiện tượng kinh tế bất thường này khiến không ít chuyên gia lo ngại.

thuc-pham
(Ảnh minh hoạ từ CNA)

Các chuyên gia tin rằng nền kinh tế Trung Quốc hiện tại rất gần với lạm phát, điều ảnh hưởng trực tiếp tới tiêu dùng thực phẩm. Nếu chiến tranh thương mại tiếp diễn, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sẽ cạn kiệt và quốc gia này có nguy cơ phải đối diện với khủng hoảng lương thực.

Theo dữ liệu từ Cục hải quan, Trung Quốc đã mua 7,362 triệu tấn đậu tương trong tháng 5, mức nhập khẩu thấp nhất kể từ tháng 5/2015. Trong 5 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc ở mức 31,75 triệu tấn, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước.

Đậu tương, loại nông sản mà Trung Quốc luôn nhập khẩu lượng lớn, đã suy giảm đáng kể. Điều này cho thấy nhu cầu thực phẩm cũng có xu hướng thu hẹp, giá  của các nguyên liệu thô khác nhau liên quan đến đậu tương (như bột đậu tương) cũng mất tính tăng trưởng. Tuy nhiên, một thực tế nghiêm trọng hơn phải nhìn nhận, chính là việc  sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc không ngừng tục thu hẹp và tình trạng bỏ hoang vẫn tiếp diễn.

Theo cơ quan Tình báo Doanh nghiệp Trung Quốc, từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2019, sản lượng thuốc trừ sâu hóa học đưa vào sử dụng trên toàn quốc là 866.000 tấn, giảm 21,9% so với mức 1,109 triệu tấn cùng kỳ năm 2018.

Thông thường, nông dân Trung Quốc có xu hướng lạm dụng thuốc trừ sâu và việc sản xuất thuốc trừ sâu giảm mạnh chỉ có thể là do diện tích canh tác nông nghiệp bị thu hẹp. Ngoài ra, sản lượng máy kéo nhỏ (chủ yếu được sử dụng trong nông nghiệp) đưa vào sử dụng từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay  là 134.000 chiếc, giảm 33,7% so với 202.000 chiếc của cùng kỳ năm 2018. Điều này cho thấy sự đình trệ toàn diện của cơ giới hóa nông nghiệp và sản xuất thâm canh.

Giá thực phẩm tăng 7,7%

Điều đáng chú ý là trong khi nhập khẩu và sản xuất thực phẩm giảm xuống, thì giá tiêu dùng thực phẩm lại có dấu hiệu tăng đáng kể.

Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tháng 5/2019 tăng 2,7% so với năm trước. Trong đó, ở thành phố tăng 2,7%, nông thôn tăng 2,8%. Giá lương thực tăng 7,7% (trong khi mức tăng 4% có thể được coi là lạm phát), giá mặt hàng phi thực phẩm cũng tăng 1,6%.

Bốn loại thực phẩm có mức tăng lớn nhất phải kể đến giá hoa quả tươi tăng 26,7%, giá rau quả tươi tăng 13,3%; giá thịt gia súc tăng 12,5% (giá thịt lợn tăng 18,2% ảnh hưởng đến CPI khoảng 0,38%), giá trứng tăng 8,7%, giá thịt gia cầm tăng 6,4%, giá thực phẩm tăng 0,5%… Nhiều thực phẩm phổ biến khác được sử dụng trong các bữa ăn cũng đều tăng giá khá mạnh.

Nếu như nhập khẩu và sản xuất thực phẩm cùng đồng thời thu hẹp, điều này đồng nghĩa với nhu cầu giảm thấp xuống, thì về lý thuyết giá thực phẩm sẽ không tăng cao. Vậy mà hiện nay, người dân cả ở thành thị và nông thôn đều bị ảnh hưởng bởi giá lương thực tăng cao.

Không ít chuyên gia lo ngại rằng, chiêu trò tăng giá để duy trì lợi nhuận như hiện nay thường xảy ra trong giai đoạn tiền khủng hoảng.

Trung Quốc rất gần với lạm phát

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Epoch Times, nhà kinh tế độc lập Trung Quốc Lãnh Sơn nói rằng lạm phát Trung Quốc đã bắt đầu tăng tốc và tăng trưởng kinh tế cũng đang giảm nhanh. Vẫn chưa thể nói rằng đó là lạm phát (vật giá leo thang, nhưng nền kinh tế trì trệ), nhưng về mặt ý nghĩa thì cũng không khác nhau nhiều.

Theo phân tích của ông Lãnh Sơn, diện tích sử dụng nông nghiệp và đất nông nghiệp của Trung Quốc đang không ngừng thu hẹp lại. Điều này cho thấy toàn bộ nền nông nghiệp đang có xu thế thu hẹp lại. Việc giảm nhập khẩu thực phẩm, dẫn đến giảm nguồn cung cấp thực phẩm và thực phẩm thượng nguồn; thêm vào đó là chi phí đội lên từ vận chuyển, lưu trữ, chế biến… sẽ dẫn đến giá thực phẩm cuối cùng khi đến tay người sử dụng tăng cao hơn lên. 

Thêm nữa, cùng với xu thế hạn chế tài chính và giảm dòng chảy quỹ của các ngân hàng ngầm vào bất động sản, nhà đất đang dần mất đi giá trị đầu tư và đầu cơ. Mức tiền siêu phát này cùng với tiền tệ mới được phát hành đã tràn vào thị trường lương thực thực phẩm, khiến giá cả nhiều hàng hóa tăng, trong đó đáng kể nhất là thực phẩm.

Ông Lãnh Sơn nói rằng thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán vẫn hoạt động như các “hồ chứa tiền” trong gần một thập kỷ qua. Được đảm bảo bởi dòng vốn nước ngoài và thế chấp trái phiếu, ngân hàng trung ương đã phát hành một số lượng tiền lớn. Và hầu hết số tiền này chảy vào bất động sản và chứng khoán.

Ông nói: “Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã nhiều phen chao đảo. Thị trường bất động sản cũng để lộ nhiều điểm bất ổn. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là mất đầu tư và đầu cơ vào bất động sản, dòng vốn rút ra sẽ tạo hiệu ứng xấu. Nếu làn sóng này xuất hiện, thị trường ngoại hối và lạm phát lương thực của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.”

Trung Quốc đối mặt với khủng hoảng lương thực

Từ năm 2008, Trung Quốc đã trở thành quốc gia nhập khẩu thực phẩm ròng. Truyền thông Đại Lục đưa tin, do nhu cầu tiêu dùng của 1,4 tỷ người Trung Quốc, lũy kế đến 2018, Trung Quốc nhập khẩu ròng lương thực lên đến 108 triệu tấn. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, đến năm 2020, tình trạng thiếu lương thực của Trung Quốc sẽ tăng lên hơn 100 triệu tấn.

Năm nay là năm kỷ niệm 60 năm “thảm họa thiên nhiên” kéo dài ba năm và các vấn đề an ninh lương thực cũng nhận được nhiều sự quan tâm. Đặc biệt là hồi tháng 1 đầu năm, dịch sâu keo mùa thu lan rộng trên khoảng 8.500 ha diện tích sản xuất ngũ cốc ảnh hưởng đến 6 tỉnh, chủ yếu ở miền Nam Trung Quốc. Loại sâu này còn có thể ảnh hưởng đến sản lượng của các cây lương thực chủ lực như ngô, lúa, lúa mì và cao lương cũng như những loại cây trồng khác, bao gồm đậu nành và bông, ở Trung Quốc. 

Về vấn đề này, ông Lãnh Sơn nói rằng Trung Quốc phải đảm bảo duy trì nhập khẩu khoảng 20% ​​thực phẩm, thì mới có thể khiến giá thực phẩm ổn định trở lại. Tuy nhiên, để duy trì nhập khẩu thực phẩm, một điều kiện tiên quyết và cần thiết là phải có đủ ngoại hối. Một khi dự trữ ngoại tệ cạn kiệt, đó sẽ là thời điểm khủng hoảng lương thực của Trung Quốc.

Ông Lãnh Sơn nhấn mạnh: “Nếu Hoa Kỳ tiếp tục chiến tranh thương mại như hiện nay, thặng dư thương mại của Trung Quốc sẽ giảm mạnh, và nhiều khoản nợ nước ngoài khác nhau sẽ tháo chạy cùng vốn nước ngoài. Điều này khiến dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc nhanh chóng cạn kiệt, và sớm muộn cũng dẫn đến khủng hoảng lương thực.”

Minh Ngọc

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn