Cao Huy Huân - Tội quá golf ơi!

Thứ Sáu, 22 Tháng Mười Hai 20171:30 SA(Xem: 7273)
Cao Huy Huân - Tội quá golf ơi!

Cao Huy Huân

Tuần qua, dư luận lại một lần sóng gió khi ông Thiều Kim Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty điện lực miền Bắc, bị tố cáo bỏ việc đi chơi golf vào giờ hàng chính trong nhiều năm liền một cách có tổ chức và có hệ thống. Tôi thấy dư luận đa phần sôi sục, nhất là trong bối cảnh ngành điện nhiều năm qua liên tục có những bê bối trong sản xuất và làm ăn, đặc biệt trong việc tính toán giá điện và hiệu quả hoạt động.

golf
Ảnh minh họa

Sao đưa tin lại xóa đi?

Thông tin nghi án bê bối về giờ làm việc của ông Quỳnh được báo Người Lao Động đăng từ rất sớm. Có lẽ đây cũng là tờ báo “lề phải” hiếm hoi đăng tin này, và cũng đúng như dự báo của nhiều người, bài báo nhanh chóng được gỡ xuống mà không có một lời giải thích nào (cho thỏa đáng) với độc giả. Không chỉ báo Người Lao Động, mà dường như rất nhiều tờ báo khác cũng gỡ bài nhanh xoành xoạch, khiến nhiều dân cư mạng bức xúc, lục lọi, tìm kiếm lại nguyên tin trên các tờ báo không nằm dưới sự quản lý của cơ quan chủ quản nhà nước. Đọc lại nội dung, có người bật cười tặc lưỡi, có người lắc đầu nguầy nguậy. Trông có vẻ biểu lộ cảm xúc khác nhau, nhưng thật sự họ cũng buồn bã, xót xa như nhau.

Việc báo chí đưa tin rồi gỡ tin là chuyện...thường ngày ở nhà mình. Chẳng biết giới làm báo có cảm giác thế nào khi những tin tức vốn được dư luận quan tâm, góp phần đấu tranh xử lý nạn lạm quyền, lợi dụng chức vụ, tiêu cực trong làm việc...bị gỡ bỏ. Riêng bạn đọc, họ càng thấy mất niềm tin về giới báo chí chính thống nước nhà. Nếu tin đăng sai và gỡ thì tờ báo phải có lời xin lỗi, hay thậm chí phải đính chính, chịu phạt theo luật báo chí nước nhà quy định. Nhưng đằng này, các tờ báo gỡ bỏ tin bài không đưa ra một lời giải thích nào, khiến thiên hạ có quyền nghĩ đến một kịch bản “tác động chính trị” vì vị thế người bị tố cáo là rất lớn và có quyền lực. Như vậy, báo chí có còn khách quan, có còn tính chiến đấu, có còn “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” hay không? Hay báo chí đơn thuần chỉ là những “cái máy phát thanh”, dẫn lại âm thanh của một nhóm người nào đó không vì mục tiêu chung của xã hội này?

Ở Mỹ và nhiều nước phương Tây, việc báo chí phản ánh những tố cáo những tham quan, người vô kỷ luật... là chuyện bình thường. Bất kể là tổng thống hay quan chức cấp cao, hễ sai phạm thì báo chí hoàn toàn có thể bêu tên và giám sát quá trình xem xét, xử lý nghi phạm hay người bị tố cáo. Những ngòi bút ngoài khả năng khai thác thông tin tốt, còn có khả năng độc lập, được bảo vệ và n đấu tranh gìn giữ thông tin. Thế nên dân tin báo chí, chứ chẳng phải như ở nhà mình vẫn cứ đồn rằng “nhà báo nói láo... ăn tiền”.

Chờ người có thẩm quyền xử lý

Quay trở lại nội dung vụ việc, bài đăng trên báo Người Lao Động dẫn lại nguồn tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết ông Quỳnh bị tố cáo “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật lao động, bỏ việc đi chơi golf một cách có hệ thống trong nhiều năm”. Nội dung tố cáo còn đính kèm bản sao nhật ký sân golf nơi ông Quỳnh bỏ việc đến chơi trong giờ hành chính (sân Vân Trì, Đông Anh, Hà Nội). Sau đó cũng đã có báo cáo xác minh đơn thư tố cáo gửi Bộ Công Thương đối với ông Thiều Kim Quỳnh về vấn đề này.

Điều khiến người ta “cười ra nước mắt” chính là phong thái ung dung, lập lờ, lấp liếm của nghi phạm bị tố cáo. Giải trình trước EVN, ông Quỳnh nhận có “thỉnh thoảng” đến chơi golf trong giờ hành chính. Theo bài báo, vì EVN không đủ thẩm quyền kiểm tra, xác minh tính pháp lý của bản photocopy nhật ký sân golf Vân Trì nên EVN kết luận: Nội dung đơn tố cáo đúng một phần và chưa đủ cơ sở để kết luận rằng ông Quỳnh bỏ giờ làm việc đi chơi golf một cách có hệ thống trong nhiều năm.

Thật chẳng hiểu được kết luận của EVN. Thứ nhất, với một tập đoàn như EVN mà việc kiểm tra nhân viên đi làm đúng giờ, đúng lượng thời gian quy định hay không mà cũng cần phải đi xác minh những tờ giấy photocopy? Phải chăng hệ thống kiểm tra hiện diện nhân viên của EVN (bằng dấu vân tay? Bằng camera? Bằng hình thức điện tử khác?) là hoàn toàn có vấn đề? Hay EVN không đủ tiền trang bị những công nghệ quản lý nhân sự? Hay thậm chí có hệ thống giám sát thì cũng như không vì việc đi làm của “sếp phó” không chịu sự quản lý của bất kỳ ai hay bất kỳ phương tiện giám sát nào?

Thiết nghĩ bản sao nhật ký sân golf cũng chỉ là những minh chứng, người tố cáo không có nghĩa vụ phải làm rõ các minh chứng, trong khi EVN phải có trách nhiệm kiểm tra sự hiện diện của ông Quỳnh bằng hệ thống quản lý nhân sự; và “nghi can” hay người bị tố cáo (chính là ông Quỳnh) phải có trách nhiệm phải chứng minh mình ngoại phạm. Còn nếu EVN vẫn cứ đổ hết cho ban quản lý cấp trên, hay các cơ quan chức năng khác điều tra thì rõ ràng năng lực quản lý nhân sự của một tập đoàn lớn hàng đầu dùng vốn Nhà nước (suy cho cùng là tiền cảu dân) đang rất có vấn đề, trong đó giám đốc EVN cũng phải liên đới chịu trách nhiệm.

Ai cũng sợ golf

Chẳng đâu như nhà mình, môn golf vốn là một môn thể thao đầy tính giải trí và hấp dẫn, thu hút nhiều người tham gia, nhưng nhắc tới golf ở nước mình thì nhiều người dân ai cũng sợ. Họ sợ vì từ nhiều năm trước đến nay, hàng loạt dự án golf nặng mùi “bánh vẽ” – tức chỉ có trên giấy tờ để thu hút tiền, đất đai, nguồn lực và sự ưu tiên của nhà nước nhằm trục lợi cho một số ít người giàu – khiến nhiều người dân bị mất đất “lãng xẹt” mà chẳng lợi lộc gì.

Dân mình sợ cảnh những sân golf rộng hàng chục hecta vốn là đồng xôi ruộng mật, nay thành những dự án treo chỉ để cắt cỏ cho bò không hơn không kém. Dân thì thiếu đất làm nông, còn golf thì chiếm đất chẳng để làm gì. “Lạm phát sân golf” ám ảnh người dân đến cùng cực.

May mắn lắm thì có vài ba sân golf đi vào hoạt động, nhưng xin thưa dân nghèo thì lấy đâu tiền để có thể vào giải khuây. Ở Việt Nam, golf là môn thể thao thời thượng mà có khi suốt cả cuộc đời khổ nhọc, những người làm nông hay làm công ăn lượng ba cọc ba đồng có mơ cũng chẳng được đến gần, nói chi là vào giải trí. Giới nhà giàu đua nhau đến golf – xin khẳng định là sẽ chẳng có gì sai nếu họ dùng thời gian, tiền bạc của chính họ. Chứ không phải hưởng lương trăm triệu của nhà nước (là của dân) để rồi tắc trách, đến golf chơi vào giờ hành chính như cái vấn nạn đi nhậu trong giờ làm việc mà dân chúng đã la ó suốt những năm qua.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn