Luật dẫn độ : Trung Quốc đang đẩy Hồng Kông đến bờ vực thẳm

Thứ Ba, 11 Tháng Sáu 20198:00 CH(Xem: 3658)
Luật dẫn độ : Trung Quốc đang đẩy Hồng Kông đến bờ vực thẳm
mediaĐường phố không còn chỗ chen chân, trong cuộc biểu tình của 1,03 triệu người Hồng Kông hôm Chủ nhật 09/06/2019 chống lại dự luật dẫn độ sang Trung Quốc.REUTERS/Thomas Peter

« Nếu nghĩ rằng dự luật này chỉ liên quan đến người Hồng Kông thì bạn đã lầm. Đạo luật nhắm đến tất cả mọi người : dân địa phương, người nước ngoài thường trú tại Hồng Kông, và cả du khách thậm chí chỉ quá cảnh qua đây, nếu nằm trong danh sách đen của Trung Quốc ».

Tình trạng quá tải ở khoa cấp cứu các bệnh viện được các báo Pháp hôm nay 11/06/2019 rất chú ý. Le Figaro chạy tựa « Cuộc khủng hoảng cấp cứu đặt chính phủ dưới áp lực » ; Libération đăng ảnh nhân viên y tế biểu tình với dòng tít lớn « Bệnh viện : Khẩn cấp ». Nhật báo kinh tế Les Echos nói về sự lục đục giữa Renault và Nissan. La Croix quan tâm đến Brexit,đăng ảnh một chiếc tàu bay giấy mang màu cờ Anh với dòng tựa « Anh quốc bập bềnh trôi ».

Ở trang trong, tất cả các nhật báo lớn của Pháp ra ngày hôm nay đều có bài viết về cuộc biểu tình đại quy mô của người dân Hồng Kông chống lại dự luật dẫn độ sang Trung Quốc.

Phóng sự trên trang web của Le Monde ghi nhận những biểu ngữ mang dòng chữ màu đen trên nền đỏ « Không dẫn độ sang Trung Quốc » là phổ biến nhất, trong dòng sông áo trắng bất tận của những người biểu tình.

Dòng người kéo dài nhiều cây số trên Hennessy Road, đại lộ chạy dài từ đông sang tây của khu vực bắc Hồng Kông. Đoàn biểu tình phải xuất phát sớm nửa giờ theo yêu cầu của cảnh sát, vì người người còn kéo đến từ khắp lối, hệ thống xe điện ngầm bị quá tải.

Sau cuộc biểu tình lớn nhất từ khi Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Quốc, với 1 triệu trong tổng số 7 triệu dân của Hồng Kông xuống đường hôm Chủ nhật 09/06/2019, trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) vẫn tỏ ra cứng rắn. Bắc Kinh tuyên bố « kiên quyết ủng hộ dự luật », tố cáo phương Tây xúi giục.

Trong bài « Một triệu người Hồng Kông thách thức Trung Hoa lục địa », La Croix dẫn lời dân biểu đối lập Mao Mạnh Tĩnh (Claudia Mo), cho rằng Trung Quốc « đang đẩy Hồng Kông đến bờ vực thẳm ». Bà kêu gọi tiếp tục biểu tình vào ngày thứ Tư 12/6, khi Quốc Hội thảo luận. Dự luật này cho phép dẫn độ đến tất cả các nước có hiệp định song phương, kể cả Trung Quốc, và đây chính là vấn đề.

Vicky Liu, thuộc hiệp hội Luật sư Cấp tiến (HKPLG), giải thích : « Nếu nghĩ rằng dự luật này chỉ liên quan đến người Hồng Kông thì bạn đã lầm. Đạo luật nhắm đến tất cả mọi người : dân địa phương, người nước ngoài thường trú tại Hồng Kông, và cả du khách thậm chí chỉ quá cảnh qua đây, nếu nằm trong danh sách đen của Trung Quốc ».

Trên thực tế, bất kỳ ai trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến một hoạt động bị Trung Quốc cho là tội phạm (một khái niệm hết sức rộng trong « luật pháp » Trung Quốc) - từ nhà báo, nhân viên xã hội cho đến tổ chức phi chính phủ, doanh nhân, linh mục, mục sư, cư dân, khách du lịch - đều có thể bị bắt, bị thẩm vấn, dẫn độ và xét xử tại Hoa lục ; theo các quy định lố bịch, và án tử hình vẫn được áp dụng.

Trên 70 tổ chức phi chính phủ (NGO) địa phương lẫn quốc tế (Pen Hong Kong, Amnesty International, Human Rights Watch…) đã viết một lá thư dài cho bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga yêu cầu rút lại dự luật. Nhà chính trị học Thành Danh (Dixon Sing) cho rằng « Trước mắt, chính quyền Hồng Kông của bà Lâm sẽ bị khủng hoảng về tính chính danh, và ngày càng ít được tin tưởng ».

Trước đó vài tuần, một nữ luật sư giấu tên nói với La Croix : « Sau khi kiểm soát được về chính trị và đe dọa truyền thông đặc khu khiến họ phải tự kiểm duyệt, Trung Quốc cộng sản của Tập Cận Bình lần này tấn công vào cột trụ cuối cùng của Nhà nước pháp quyền Hồng Kông, đó là tư pháp ». Đối với luật sư Lý Trụ Minh (Martin Lee), một khuôn mặt uy tín của phong trào dân chủ Hồng Kông, « một khi luật dẫn độ được thông qua, không thể nào bảo đảm được an ninh cho tất cả những ai sống, làm việc hoặc du hành đến Hồng Kông ».

Nga bắt nhà báo điều tra, xã hội dân sự nổi sóng

Cũng về nhân quyền, nhưng tại Nga, Libération cho biết « Nước Nga sững sờ sau vụ dàn dựng để bắt một nhà báo ». Việc Ivan Golounov, nhà báo điều tra cho tờ báo độc lập Meduza bị bắt giữ tại Matxcơva với cái cớ « mưu toan buôn ma túy », đã làm dậy lên một làn sóng phản kháng chưa từng thấy của xã hội dân sự.

« Tôi/Chúng ta là Ivan Golounov ». Cả ba tờ báo kinh tế lớn của Nga là Kommersant, Vedomosti RBK hôm qua đã đồng loạt xuất bản với cùng một hàng tựa trang nhất. Cả ba nhật báo trong một thông cáo chung nhấn mạnh nghi vấn việc bắt nhà báo Golounov có liên quan đến hoạt động chuyên môn.

Hôm 6/6, nhà báo can đảm 36 tuổi chuyên điều tra những vụ chính khách tham nhũng, cảnh sát ăn hối lộ, mafia…đã bị hai người mặc thường phục bắt về đồn, và cảnh sát thông báo trong túi ba lô của anh có 4 gam méphédrone. Cũng theo cảnh sát, khi khám nhà đã phát hiện « một lượng ma túy quan trọng », nhưng vài giờ sau chính quyền đã phải thú nhận số ma túy này không phải đã tịch thu được trong căn hộ của Golounov. Các xét nghiệm không cho thấy một dấu vết ma túy nào trong máu hay trên tay của nhà báo.

Từ thứ Sáu tuần trước đến nay, cả một làn sóng ủng hộ đã nổi lên trên các mạng xã hội và ngoài đường phố. Hàng trăm người cắm trại trước tòa án, các kênh truyền hình nhà nước lâu nay chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền đã loan tin rộng rãi. Các nhân vật nổi tiếng đều đứng về phía nhà báo độc lập, từ các đạo diễn, nhà văn, ca sĩ vốn ít khi phản biện, cũng như các nghệ sĩ thường tránh những chủ đề nhạy cảm. Một cuộc « tuần hành đòi trả tự do cho Ivan Golounov » sẽ diễn ra ngày mai tại trung tâm Matxcơva.

Hàng không mẫu hạm Pháp tuần du châu Á

Tại Biển Đông, phóng sự trên Le Figaro mang tên « Khi hàng không mẫu hạm Charles-de-Gaulles được triển khai tại châu Á », cụ thể là ở eo biển Malacca,ca ngợi sự ưu việt của công cụ chiến lược ngoại hạng Pháp, pha trộn giữa công nghệ tối tân và kỹ năng hoàn hảo.

Chỉ có Hải quân Pháp và Mỹ sở hữu hàng không mẫu hạm nguyên tử có các phi đạo đặc biệt giúp các phi cơ mang đầy đủ thiết bị cất cánh nhanh chóng, thực hiện được nhiều nhiệm vụ khác nhau. Các phi công luyện tập thường xuyên, họ cho biết sau 15 ngày không cất cánh sẽ bắt đầu mất đi sự chính xác cần thiết.

Hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt để sang Mỹ

Phụ trang kinh tế Le Figaro có một bài ngắn cho biết « Việt Nam tố cáo hàng giả của Trung Quốc ». Tờ báo cho rằng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung liên tục gây ra những tác động tiêu cực, mà nạn nhân bị liên lụy mới nhất là Việt Nam. Hà Nội hôm qua phải lên tiếng tố cáo hiện tượng nhiều loại hàng Trung Quốc giả dạng « Made in Vietnam » để tránh né hàng rào thuế quan Mỹ.

Chính quyền Việt Nam hứa hẹn « tăng cường trừng phạt » việc núp bóng khiến một số công ty Trung Quốc đặc biệt là trong ngành dệt may, tránh được mức thuế hải quan 25% của Mỹ. Khoảng mấy chục trường hợp hàng hóa mang nhãn « Made in Vietnam » nhưng sản xuất tại Trung Quốc đã được hải quan Việt Nam phát hiện, nhưng có rất nhiều chuyến hàng khác đã lọt lưới. Chính quyền Việt Nam dự định kiểm tra chặt chẽ hơn hàng xuất khẩu, không chỉ sang Mỹ mà cả châu Âu, Nhật Bản. Hà Nội có nguy cơ bị Washington trừng phạt nặng nề nếu không ngăn chận được hiện tượng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt.

Hàn Quốc, đất nước của những chú chó sinh sản vô tính

Cũng tại châu Á, nhưng trên lãnh vực khoa học, La Croix viết về « Đất nước của những chú chó sinh sản vô tính ». Ở Hàn Quốc, có đến 80% chó nghiệp vụ ở các sân bay được sinh sản vô tính, và kỹ thuật này đang lan tràn để cung cấp cho cảnh sát hay với mục đích thương mại.

Tờ báo mô tả phi trường quốc tế Incheon : nhà ga mới toanh với các robot hướng dẫn hành khách, các bảng chỉ dẫn khổng lồ và…những chú chó sinh sản vô tính. Yonhap tiết lộ, tại các sân bay Hàn Quốc, có đến 80% những chú chó đánh hơi hành lý tìm hàng cấm, là những bản sao gien di truyền của những chú chó khác. Theo các chuyên gia được hãng tin Hàn Quốc trích dẫn, thì chi phí huấn luyện một con chó sinh sản vô tính rẻ bằng phân nửa chó bình thường. Do ADN của chúng được lấy từ những con chó nghiệp vụ giỏi, người dạy thú mất ít thời gian hơn.

Hiện có 42 con chó sinh sản vô tính được cơ quan kiểm dịch Hàn Quốc sử dụng, toàn bộ đều so Sooam Biotech sản xuất. Dưỡng đường tư do giáo sư tai tiếng Hwang Woo Suk thành lập là một trong những cơ sở hiếm hoi trên thế giới nhận sinh sản vô tính chó với mục đích thương mại. Những khách hàng giàu có muốn một bản sao của thú cưng đã chết, với cái giá 75.000 euro. Ngoài cơ quan kiểm dịch, cảnh sát quốc gia cũng đặt hàng vài chục chú chó sinh sản vô tính, bất chấp sự phản đối của các hiệp hội bảo vệ súc vật.

Pháp : Khoa cấp cứu các bệnh viện quá tải trầm trọng

Quay lại với nước Pháp trước tình trạng khoa cấp cứu của các bệnh viện bị quá tải, bài xã luận của Le Figaro than thở « Kiệt lực », còn Libération cho rằng tình hình là « Đáng tuyệt vọng ».

Le Figaro nêu ra một con số duy nhất để giải thích : trong vòng 20 năm qua, số bệnh nhân vào khoa cấp cứu đã tăng gấp đôi, với 22 triệu trường hợp trong năm ngoái. Bệnh viện phải đón tiếp cả những người chỉ bị bệnh nhẹ lẫn những ca nặng, chưa kể đến số người nước ngoài cư trú bất hợp pháp ngày càng tăng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí từ năm 2000.

Libération chỉ trích chính phủ : không thể nói phong trào đình công của ngành y tế là bất ngờ. Nếu nhà nước không nhanh chóng cung cấp phương tiện bổ sung, và các y bác sĩ không liên đới hỗ trợ lẫn nhau, thì khó thể thoát khỏi ngõ cụt hiện nay. Tờ báo lo ngại tình trạng sẽ tệ hại hơn khi xảy ra nạn dịch hoặc một đợt nóng. Nhưng theo Le Figaro, bài toán không đơn giản, vì với 200 tỉ euro, Pháp đã là một trong những nước thuộc khối OCDE chi nhiều nhất cho y tế.

Kịch bản nào cho Brexit ?

Còn về nước láng giềng Anh quốc đang đau đầu với Brexit, xã luận của La Croix ví von « Màn kịch cuối cùng ».

Brexit, màn 2, hồi…thứ bao nhiêu không rõ. Cũng như phong trào Áo Vàng, các nhà viết kịch bản giỏi nhất rốt cuộc cũng mất đi « sợi chỉ đỏ » xuyên suốt. Không có gì chắc chắn là đến ngày 31/10/2019, tấm màn nhung sẽ khép lại hẳn. Các diễn viên chính đang muốn thay chân bà Theresa May vẫn đang tích cực hoạt động trong hậu trường.

Thỏa thuận hay không thỏa thuận ? Câu hỏi đặt ra từ ba năm qua vẫn còn đó. Theo tờ báo, châu Âu một lần nữa phải chứng tỏ sự bình tĩnh, không bán rẻ các lợi ích của mình, không sợ hãi trước mối đe dọa một Brexit « cứng » - Luân Đôn ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu mà không có thỏa thuận nào.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn