Bước đi vượt kỳ vọng khi "Bức tường Berlin mới" đang dần hình thành bao vây Trung Quốc

Chủ Nhật, 16 Tháng Sáu 20193:00 SA(Xem: 3933)
Bước đi vượt kỳ vọng khi "Bức tường Berlin mới" đang dần hình thành bao vây Trung Quốc

Bước đi vượt kỳ vọng của Trung Quốc

Trong khi tâm điểm của cuộc chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung đang là việc xây dựng mạng 5G, ngày 6/6, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã cấp giấy phép thương mại mạng cung cấp dịch vụ thông tin di động kỹ thuật số thế hệ thứ 5 (5G) cho 4 doanh nghiệp viễn thông trong nước, gồm: China Telecom, China Mobile, China Unicom và China Broadcasting Network Corporation.

Như vậy, tiếp theo Hàn Quốc, Mỹ và Anh, Trung Quốc đã chính thức gia nhập câu lạc bộ những nước cung cấp dịch vụ 5G thương mại. Đây được coi là một động thái quan trọng của Trung Quốc trong nỗ lực hướng tới việc trở thành quốc gia dẫn đầu về mạng di động 5G trước sự cạnh tranh quyết liệt từ Mỹ.

Bước đi vượt kỳ vọng khi Bức tường Berlin mới đang dần hình thành bao vây Trung Quốc - Ảnh 1.

Tập đoàn viễn thông Huawei, doanh nghiệp đi đầu trên thế giới về phát triển mạng 5G của Trung Quốc, bị Mỹ phong tỏa. Ảnh: Asia Nikkei

Dư luận cho rằng sự kiện tập đoàn viễn thông Huawei, doanh nghiệp đi đầu trên thế giới về phát triển mạng 5G của Trung Quốc, bị Mỹ phong tỏa sẽ ảnh hưởng tới tiến trình xây dựng mạng 5G của Trung Quốc. Nhưng xem xét lần cấp giấy phép này, người ta thấy có 3 điểm vượt dự báo.

Thứ nhất, tiết tấu vượt dự báo. Trước đó, đa phần thị trường dự báo giữa năm nay Trung Quốc sẽ cấp giấy phép thử nghiệm mạng 5G rồi trong 6 tháng cuối năm mới cấp giấy phép thương mại chính thức.

Thứ hai, mức độ vượt dự báo. Trước đó, đa phần thị trường dự báo đầu tiên Trung Quốc sẽ cấp giấy phép tạm thời, trong năm 2019 sẽ cấp giấy phép thử nghiệm mạng 5G. Nhưng lần này, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã cấp luôn giấy phép chính thức, khiến việc sử dụng thương mại dịch vụ 5G đi trước thời hạn. Hơn nữa, việc cấp giấy phép thương mại mạng 5G đã rút ngắn được khoảng 2 năm so với mạng 3G/4G.

Thứ ba, hình thức vượt dự báo. Nếu trở lại xem xét việc cấp giấy phép thương mại mạng 3G/4G sẽ thấy việc này ít được truyền thông Trung Quốc quan tâm. Nhưng lần này, truyền thông Trung Quốc đưa tin rầm rộ, cho thấy nước này rất coi trọng phát triển mạng 5G.

Cùng với việc Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ xây dựng mạng 5G, tin rằng các doanh nghiệp vận hành, kinh doanh sẽ tăng cường rót vốn, chuỗi ngành nghề mạng 5G sẽ ngày càng phát triển. Việc xây dựng và hoàn thiện mạng 5G sẽ trở thành động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Theo báo cáo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Thông tin, viễn thông Trung Quốc (CAICT), dự kiến trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2025, tổng giá trị kinh tế được thúc đẩy trực tiếp từ việc sử dụng thương mại mạng 5G sẽ đạt 10.600 tỷ Nhân dân tệ (tương đương hơn 1.533,7 tỷ USD) còn giá trị kinh tế gia tăng mà việc sử dụng thương mại mạng 5G trực tiếp tạo ra đạt 3.300 tỷ nhân dân tệ (gần 477,7 tỷ USD).

Cũng có nghiên cứu chỉ ra rằng mạng 5G sẽ tạo ra khoảng 3 triệu việc làm ở Trung Quốc. Nếu biết rằng hiện nay Trung Quốc đã đặt ổn định việc làm ở vị trí đầu tiên trong các mặt công tác cần ổn định khi chiến tranh thương mại với Mỹ ngày một leo thang căng thẳng, những đóng góp của mạng 5G trong lĩnh vực tạo việc làm càng có ý nghĩa.

Nguy cơ thế giới chia thành 2 khối

Ngày 17/3/2013, tại cuộc gặp gỡ báo chí trong, ngoài nước sau khi kỳ họp thứ nhất nhân Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) khóa 12 của Trung Quốc, Thủ tướng nước này Lý Khắc Cường, bày tỏ mong muốn xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới với Mỹ, chỉ cần hai bên tôn trọng mối quan tâm lớn của nhau, quản lý tốt bất đồng thì có thể khiến lợi ích chung vượt qua bất đồng.

Nhưng tới nay, quan hệ hai nước đã trượt dốc tới mức tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc đã phải sử dụng trở lại câu nói hiếm thấy, đó là "Đừng trách chúng tôi không cảnh báo trước".

Trong khi đó, Mỹ giờ đây đã coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược chủ yếu. Mỹ cũng đã thành lập Ủy ban Ứng phó với mối đe dọa từ Trung Quốc. Nói cách khác, Mỹ đã từ bỏ mong muốn thay đổi Trung Quốc khi hỗ trợ quốc gia đông dân nhất thế giới này gia nhập hệ thống và trật tự quốc tế do phương Tây xây dựng.

Nguyên nhân là do sự trỗi dậy và phát triển của Trung Quốc hiện nay khiến người Mỹ thất vọng. Một trong những hệ quả là chính quyền Donald Trump đã phát động một cuộc chiến thương mại nhằm vào Trung Quốc, giờ đây đang mở rộng sang lĩnh vực khoa học công nghệ.

Trung Quốc cũng đã thay đổi thái độ, chuyển sang phản kháng, tăng cường tuyên truyền chống Mỹ. Hành động của các bên cho thấy "thế giới chia rẽ" đang nhanh chóng hình thành.

Một là đối với mạng 5G, sau khi Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cấp giấy phép thương mại cho 4 doanh nghiệp viễn thông nước này, Huawei cho biết sẽ ủng hộ hoàn toàn các doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc xây dựng mạng 5G.

Trong khi đó, Mỹ đang phong tỏa Huawei và kêu gọi đồng minh không sử dụng thiết bị của Huawei. Việc này khiến thế giới tương lai sẽ bị chia thành hai khối: Khối sử dụng thiết bị 5G của Huawei và khối không sử dụng thiết bị 5G của Huawei.

Hai là không chỉ mạng 5G, việc Mỹ Mỹ bắt tay với EU, Anh, Nhật Bản phong tỏa các công nghệ cao khác đối với Trung Quốc có thể còn kéo dài. Nếu phía Trung Quốc không thể đột phá để chủ động vẽ lại bản đồ công nghệ thế giới, chắc chắn thế giới sẽ chia thành 2 khối với các thông số, tiêu chuẩn và trình độ kỹ thuật khác nhau. Việc này có thể phần nào thấy được từ việc Trung Quốc tuyên bố tự mình nghiên cứu phát triển, tự lực cánh sinh từ con chíp, phần mềm tới các linh kiện then chốt.

Ba là về mặt chiến lược, việc quốc tế cảnh giác, chối bỏ hoặc hoan nghênh Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Trung Quốc khởi xướng, chấp nhận hoặc từ chối nguồn vốn cùng quy tắc vận hành của Trung Quốc, đã khiến thế giới đang hình thành 2 khối.

Nói tóm lại, có thể một "Bức tường Berlin mới" đang dần hình thành bao vây Trung Quốc. Tình hình giống như sắp xảy ra "Chiến tranh Lạnh mới" và ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy trái đất bị chia cắt thành 2 thế giới khác nhau. Mỹ và châu Âu tuy vượt xa về công nghệ, nhưng cũng khó thống trị thế giới còn Trung Quốc có thể sẽ trở thành "dê đầu đàn" trong khu vực của mình.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn