Thương chiến với Mỹ khiến TQ "mất hết bằng hữu", khơi dậy làn sóng thù địch ở Washington

Thứ Hai, 03 Tháng Sáu 20197:17 CH(Xem: 3071)
Thương chiến với Mỹ khiến TQ "mất hết bằng hữu", khơi dậy làn sóng thù địch ở Washington

Cải thiện quan hệ với Trung Quốc từng là một vấn đề được cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Washington ủng hộ.

Kể từ chuyến thăm lịch sử của Richard Nixon tới Bắc Kinh năm 1972, các chính quyền kế nhiệm - từ cả hai đảng - đều nỗ lực để cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.

Tổng thống Jimmy Carter (Đảng Dân chủ) đã chính thức công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Tổng thống George H.W. Bush (Đảng Cộng hòa) thì duy trì đối thoại với các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong nhiều năm sau sự kiện Thiên An Môn, còn Bill Clinton (Đảng Dân chủ) thì ủng hộ tư cách thành viên của Trung Quốc trong tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001.

Cảm giác ổn định và đáng tin cậy ấy bắt đầu phai nhạt dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuần này, ông đã có động thái cứng rắn nhằm vào người khổng lồ viễn thông Huawei của Trung Quốc, trong khi cuộc chiến tranh thương mại với Bắc Kinh đang gây khó khăn cho cả hai bên.

Mặc dù có nhiều vấn đề ông Trump đi ngược lại số đông, thậm chí bất đồng với quan điểm của một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa, chứ chưa nói tới Đảng Dân chủ thì vấn đề kể trên cũng không nằm trong số ấy.

Cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ đều có lập trường gay gắt nhằm vào Bắc Kinh trong những năm gần đây, thậm chí một số nghị sĩ đối lập ở Washington còn kêu gọi ông Trump thể hiện một quan điểm cứng rắn hơn.

"Có một làn sóng thù địch lớn nhằm vào Trung Quốc ở cả cánh tả, cánh hữu và phe trung lập", Patrick Lozada, chuyên gia về Trung Quốc của công ty tư vấn chiến lược Albright Stonebridge Group (ASG) nói.

"Vấn đề với sự đồng tâm nhất trí này nằm ở chỗ, trong trường hợp thiếu lập luận phản biện mang tính thuyết phục thì những thực tế hiển hiện đôi lúc có thể bị mất đi khi mà người ta cố cạnh tranh để xem ai cứng rắn hơn".

Chiến tranh thương mại bùng nổ

Năm ngoái, khi ông Trump công bố các mức thuế mới đối với Trung Quốc, có những luồng chỉ trích từ nhiều nghị sĩ Đảng Dân chủ - rằng ông đã không đi đủ xa.

"Mỹ phải có các hành động mạnh mẽ, thông minh và mang tính chiến lược để chống lại các chính sách thương mại bất công của Trung Quốc", Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thuộc Đảng Dân chủ cho biết. "Lần áp đặt thuế quan này mới chỉ là khởi đầu, và chính quyền Trump cần làm nhiều hơn để đấu tranh cho người lao động và sản phẩm của Mỹ."

Thương chiến với Mỹ khiến TQ mất hết bằng hữu, khơi dậy làn sóng thù địch ở Washington - Ảnh 1.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Ảnh: Reuters

Ngay cả cho đến bây giờ, khi các mức thuế bắt đầu tác động tới người tiêu dùng và nhà sản xuất trong nước, thì làn sóng chỉ trích từ giới lãnh đạo đảng cũng nhằm vào chính quyền Tổng thống Mỹ, chứ không phải mục tiêu của ông.

"Chúng ta không nên tiến hành một cuộc chiến đa mặt trận về thuế quan", Thượng nghị sĩ Chuck Schumer nói, "Tôi sẽ tập trung mọi thứ vào Trung Quốc. Đưa châu Âu, Canada và Mexico về phía ta và tập trung vào Trung Quốc. Bởi họ là mối nguy hiểm lớn".

Về phía Đảng Cộng hòa, luồng quan điểm chỉ trích thỏa thuận của Trump không mạnh mẽ bằng những nghị sĩ muốn chính sách nhằm vào Trung Quốc cứng rắn hơn - thậm chí nhiều người còn muốn tăng thuế với các đồng minh châu Âu.

"Tổng thống đúng khi duy trì áp lực nhằm vào Trung Quốc", Thượng nghị sĩ John Barrasso nói, "Họ sẽ không đàm phán nếu không phải vì những gì Tổng thống đã làm. Ông ấy có lộ trình riêng của mình. Tôi ủng hộ những gì ông ấy đang làm".

Ông Lozada nhận xét: "Bắc Kinh đã không nắm bắt được cục diện thay đổi chính trị của Mỹ. Khi ông Trump nhậm chức, họ coi ông như một doanh nhân đơn thuần, chứ không coi trọng các phát ngôn của ông về thương mại trong giai đoạn tranh cử, cũng như sự hoài nghi ngày càng lớn về vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu ở mọi mức độ".

Chiến tranh Lạnh đang thành hình?

Bất chấp thái độ hoài nghi và thù địch với Trung Quốc đang lan rộng ở Washington, những mối quan hệ tốt đẹp trong quá khứ đã đem lại lợi ích cho đôi bên. Nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ sau khi nước này gia nhập WTO năm 2000, và Mỹ lâu nay đã hưởng lợi nhờ các chi phí thấp trong ngành sản xuất ở Trung Quốc.

Khả năng quan hệ hai bên đi đến giới hạn và biến thành một cuộc xung đột công khai là nhỏ nhưng rất thực tế. Quan chức quân sự Mỹ đã cảnh báo về động thái của Trung Quốc ở Biển Đông và đối với Đài Loan. Washington cũng tăng cường hiện diện ở khu vực, một hành động mà Bắc Kinh cho là khiêu khích.

Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù nhiều khả năng quan hệ sẽ không giảm sút tới mức rơi vào xung đột nhưng có nguy cơ hình thành một cuộc Chiến tranh Lạnh, mà các quốc gia khác buộc phải chọn phe.

Tình trạng này có thể tạo thành một khối liên minh chống Washington. Như nhà bình luận Henry Luce đã nhận định, sự cải thiện trong quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Nixon đã tác động tới sự rạn nứt giữa Trung Quốc và Liên Xô, một trong những yếu tố khiến Liên Xô sụp đổ sau đó.

"Ông Trump đang châm ngòi cho một 'Nixon đảo ngược", Luce đánh giá, "Nhiều thập kỷ hội tụ sắp đảo ngược. Chuyện này đang diễn ra với tốc độ mà ngay cả người Mỹ cũng phải ngạc nhiên".

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn