Con đường tơ lụa bị trắc trở

Thứ Sáu, 19 Tháng Tư 20196:00 SA(Xem: 4133)
Con đường tơ lụa bị trắc trở

Theo sau thượng đỉnh “Một vành đai, Một con đường” đầu tiên, được tổ chức hai năm trước tại một trung tâm sang trọng nằm ở vùng đồi phía Bắc của thành phố Bắc Kinh, một thượng đỉnh thứ nhì sẽ được tổ chức vào cuối tháng này – cũng cùng địa điểm trên. Chính phủ Trung Quốc gọi đây là sự kiện ngoại giao quan trọng nhất trong năm của họ.

con-duong-to-lua3
Con đường tơ lụa. premium.bon-cloud.net

Năm 2017 Hoa Kỳ đã gửi ông Matt Pottinger, giám đốc đặc trách các vấn đề Á châu của Hội đồng An ninh Quốc gia, đến tham dự thượng đỉnh. Lần này Washington cho biết họ sẽ không gửi một giới chức cao cấp đến họp hội nghị, lý do là vì Hoa Kỳ đang có nhiều quan ngại về đề án này. Tuy nhiên, có nguồn tin cho biết một vài nhân viên cấp thấp, có thể là từ Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, sẽ được gửi đến để quan sát và ghi nhận.

Mặc dù chỉ còn vài tuần nữa là đến thượng đỉnh, chính phủ Trung Quốc hiện đang gặp nhiều khó khăn để làm giảm bớt sự lo ngại về dự án xây dựng một con đường tơ lụa mới. Đặc biệt là những quốc gia phương Tây đang rất cảnh giác và nghi ngờ về những món nợ lớn trong các hợp đồng, sự minh bạch trong tiến trình xây dựng cũng như ảnh hưởng của Trung Quốc tại quốc gia của họ khi con đường này được xây xong.

Trong khi Trung Quốc vừa đạt được một chiến thắng quan trọng sau khi thuyết phục được chính phủ Ý trở thành quốc gia thuộc khối G7 đầu tiên chính thức ký vào hợp đồng để tham gia đề án trong Tháng 3 vừa qua trong chuyến viếng thăm Rome của Tập Cận Bình, những quốc gia phương Tây khác ngược lại không tỏ ra nhiệt tình về kế hoạch xây dựng đại quy mô này.

Đề án “Một vành đai, Một con đường”, như tên chính thức của nó, là nhằm xây dựng một mạng lưới hạ tầng cơ sở rộng lớn nối liền Trung Quốc tới các khu vực Trung Á, Đông Nam Á, Âu châu và xa hơn nữa, giống như con đường tơ lụa thời xưa khi mà các thương lái ở khắp nơi đã đi trên con đường này tới buôn bán và trao đổi hàng hoá với dân tộc Trung Hoa.

con-duong-to-lua2
Bẫy nợ của Đề án Một vành đai Một con đường. nguồn Centre for Global Development

Ban tổ chức cho biết có khoảng gần 40 lãnh tụ trên thế giới sẽ tới dự thượng đỉnh, nhưng họ lại không chịu tiết lộ đầy đủ danh sách đó là những ai. Tuy nhiên, một vài lãnh tụ thân cận với Bắc Kinh đã xác nhận là họ sẽ tới tham dự, trong đó có Tổng thống Vladimir Putin của Nga và Thủ tướng Imran Khan của Pakistan.

Theo các nhà quan sát quốc tế, một trong những mục tiêu chính của thượng đỉnh lần này của chính phủ Trung Quốc là muốn cố gắng chứng minh cho thế giới thấy rằng Đề án “Một vành đai, Một con đường” vẫn đang được sự ủng hộ mạnh mẽ, mặc dù trong thời gian qua có nhiều dấu hiệu cho thấy một số quốc gia đã tham gia vào dự án bắt đầu nghi ngờ về hiệu quả kinh tế của nó.

Mới tháng trước, Ủy viên Quốc vụ Vương Nghị (Wang Yi), trong một hội nghị, đã lên tiếng khoe về sự thành công của dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) trị giá $62 tỷ. Đây là dự án giữ một vị trí quan trọng của Đề án Một vành đai Một con đường.

Đề án Một vành đai Một con đường, theo sự hứa hẹn của Trung Quốc, đáng lẽ ra sẽ tạo nên sự bùng phát kinh tế cho Pakistan và mang lại nhiều lợi ích cho cả hai quốc gia. Thế nhưng thực tế thì ngược lại, Pakistan hiện đang bị nhận chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế, đã quyết định cho ngưng một số kế hoạch xây dựng, và cho đến nay, sau bốn năm thoả thuận được ký kết, mới có ít hơn một nửa số công trình là đã được thực hiện. Cả một hệ thống hạ tầng cơ sở đồ sộ này, tất cả được xây cất bởi các công ty của nhà nước Trung Quốc, đòi hỏi chính phủ Pakistan phải bảo đảm hoàn trả lại tất cả các món nợ cho Bắc Kinh.

Theo nhật báo Wall Street Journal, chính phủ mới lên cầm quyền tại Pakistan đang gặp rất nhiều vấn đề nhức đầu của dự án xây dựng này, trong đó nghiêm trọng nhất là một núi nợ mà Pakistan cần phải thanh toán trong nhiều năm tới.

con-duong-to-lua1
Bến cảng Gwadar vắng hoe. nguồn thenews.com

Hạ tầng cơ sở mới ở Pakistan được cho là giúp giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông và năng lượng, tạo điều kiện nâng nền kinh tế Pakistan lên. Thay vì vậy, nay Pakistan đang phải đối diện với những khốn đốn kinh tế. Các công trình xây dựng đáng lẽ ra sẽ mang đến sự kích thích kinh tế và giúp đẩy mức tăng trưởng lên khoảng 5.8% trong năm ngoái. Nhưng theo công ty định mức tín dụng Standard & Poors, trong khi một số công trình xây dựng đang sắp sửa hoàn tất, mức tăng trưởng trung bình cho tới hết năm 2022 chỉ ở mức 3.6%. Con số này chỉ bằng một nửa mức tăng trưởng cần thiết đủ để cung cấp cho những người lao động trẻ mới gia nhập vào thị trường việc làm và thấp hơn nhiều so với những quốc gia khác ở châu Á.

Trung tâm của dự án CPEC là bến cảng mới toanh Gwadar, theo lời chính phủ Pakistan, hiện công việc xây cất đang bị trễ nải. Bến cảng lại nằm cách khá xa nhiều con đường giao thông chính, có lưu lượng vận chuyển không đáng kể, các đường nối vào vẫn chưa hoàn thành, khu công nghiệp của nó thì trống rỗng, trong khi sân bay và nhà máy điện hứa hẹn từ trước thì đến nay vẫn chưa được xây dựng.

Vì quá nhiều khó khăn chồng chất, tân chính phủ của Thủ tướng Imran Khan đã âm thầm cho ngưng thực hiện nhiều dự án CPEC còn lại. Cho đến nay, mới chỉ có $19 tỷ trong tổng số các dự án xây cất đường sá, nhà máy điện và bến cảng là đã được bắt đầu hoặc đã hoàn tất. Số còn lại đang được chính phủ Pakistan điều đình lại với Trung Quốc.

Theo lời một giới chức trong chính phủ Pakistan, quốc gia này sẽ phải trả cho Trung Quốc $40 tỷ trong vòng 20 năm tới chỉ với những dự án xây cất đã được thực hiện cho tới thời điểm này. Thế nên có người đã gọi Đề án “Một vành đai, Một con đường” là “chiếc bẫy nợ” quả thật không ngoa ngôn chút nào.

Mà Pakistan cũng không hẳn là quốc gia duy nhất thất bại trong việc biến các khoản cho vay và công trình xây dựng khổng lồ do các công ty nhà nước Trung Quốc thực hiện thành một lực đẩy kinh tế tự nó. Hơn nữa, những thất bại này đang là đề tài chống Trung Quốc tại một số quốc gia, đặc biệt là những quốc gia ở châu Á. Các tân chính phủ mới lên cầm quyền ở Malaysia, Sri Lanka và Maldives đang than phiền về những mức nợ vô lý và những bí ẩn chung quanh các thoả thuận xây dựng được ký kết với Trung Quốc bởi những chính phủ tiền nhiệm.

con-duong-to-lua
Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia không còn mặn mà với Trung Quốc. nguồn Xinhua

Trong cuộc tranh cử tổng thống đang diễn ra tại Indonesia, mối quan hệ mật thiết giữa đương kim Tổng thống Joko Widodo với Bắc Kinh đang là đề tài bị phe đối lập của cựu tướng Prabowo Subianto đả kích. Dưới quyền Widodo, Indonesia đã tham gia vào Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Á châu của Trung Quốc cũng như Đề án “Một vành đai, Một con đường” của Tập Cận Bình. Đề án này trong mấy tháng qua đang ngày càng bị chỉ trích nhiều, cho rằng nó sẽ buộc Indonesia với những món nợ không thể trả được và các dự án xem chừng có lợi cho Bắc Kinh hơn là cho chính quốc gia chủ nhà.

Quốc gia láng giềng của Indonesia là Malaysia cũng vậy. Kể từ khi trở lại nắm quyền thủ tướng sau cuộc tranh cử thắng lợi bất ngờ vào Tháng 5 năm ngoái, Thủ tướng Mahathir Mohamad đã thực hiện lời hứa sẽ cứng rắn hơn với Bắc Kinh, cho duyệt xét lại thoả thuận xây dựng hạ tầng cơ sở với Trung Quốc, đặc biệt là cho ngưng xây dựng hệ thống đường xe lửa với chi phí lên tới $20 tỷ, vì cho rằng Malaysia không đủ khả năng trả nợ và hơn nữa là dự án không cần thiết.

Những quốc gia khác, như Miến Điện, cũng đã quyết định thu nhỏ lại các dự án trong khi ngày càng quan ngại có thể trong tương lai không trả được các món nợ của họ với Trung Quốc.

Bên ngoài khu vực châu Á, chính phủ của Kenya đang gặp sự chỉ trích cho rằng bến cảng Mombasa của họ đang nằm trong nguy cơ có thể bị Bắc Kinh chiếm lấy vì các món nợ đã đến kỳ hạn nhưng chưa trả. Cơn bão chỉ trích này được châm ngòi từ vụ việc Trung Quốc tiếp quản bến cảng Hambantota của Sri Lanka vào năm ngoái sau khi quốc gia này đã không trả nổi nhiều tỷ Mỹ kim mượn của Bắc Kinh.

Đề án “Một vành đai, Một con đường” chính là tham vọng để Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ và vươn lên thành siêu cường số một trên thế giới. Nhưng cũng chính tham vọng này làm cho nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu nghi ngờ Trung Quốc chính là một anh khổng lồ không mấy tử tế, và Đề án “Một vành đai, Một con đường” chỉ là âm mưu mượn đầu heo nấu cháo của Bắc Kinh.

VH

Arlington, TX
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Bảy, 29 Tháng Tám 202010:06 SA