Câu chuyện sổ điểm "học dốt" của cô Di Li

Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Hai 20179:00 SA(Xem: 6959)
Câu chuyện sổ điểm "học dốt" của cô Di Li

Nguyễn Diệu Linh

24785362_10155260899352689_3744683183854631625_o

Chỉ mới thi học kỳ I mà thấy các cháu học thêm khổ quá và bố mẹ các cháu căng lên như dây đàn nên cô Di Li post toàn bộ sổ điểm của cô lên để khích lệ các bậc phụ huynh rằng ngày xưa đi học cô... dốt đều các môn. Nếu sợ sổ điểm của cô làm giả... dốt thì sẽ có toàn thể bạn học cũ của cô trên FB đây làm chứng. Bởi nếu bố mẹ các cháu vẫn khăng khăng rằng bài kiểm tra Vật lý của các cháu hôm nay điểm kém, điểm TB môn giáo dục CD, văn, địa lý, hóa học... của các cháu thấp làm các cháu đứng cuối sổ, đồng nghĩa với việc sau này các cháu sẽ là đồ bỏ đi, là lũ vô tích sự, sẽ trượt đại học khiến cho bố mẹ cháu xấu hổ thì đấy là một kết luận hết sức sai lầm từ một giả định thức sai lầm. Trừ phi bố mẹ muốn sau này các cháu thành đạt theo cách nào đó, còn nếu cũng chỉ cần ở mức trung bình như cô Di Li, nghĩa là kiếm đủ tiền để đảm bảo cho con cô đi học tử tế, đủ kiến thức để con hỏi gì cô giải thích được, đủ khả năng phụng dưỡng bố mẹ già, đủ khái niệm để biết sống một cuộc đời hạnh phúc, đủ tính cách để có những người bạn nhân cách, đủ để đi ra ngoài ai hỏi gì cô trả lời trôi chảy không đến nỗi lắp bắp bị chê đần khiến bố mẹ cô phải xấu hổ... thì các cháu cứ yên tâm bảo bố mẹ mình rằng điểm số trung bình của một môn học, hay tất cả các môn học của lớp 2, lớp 6, lớp 10 hoặc lớp nào đi chăng nữa đều không phải kim chỉ nam dẫn đến một cuộc đời bỏ đi.

Quan niệm điểm số thấp là đồng nghĩa sẽ trượt dài ở đại học cũng là một đáp số sai lệch. Hồi học lớp 9, thầy giáo ở lớp luyện thi nào cũng đồng lòng nhất trí cô sẽ trượt oạch ở cấp 3. Hồi học lớp 12, mọi thầy giáo đều không nghĩ ra phương án nào có thể khả dĩ hơn cho cô là trượt đại học. Sau đó cô chưa thất bại ở kỳ thi nào (3 trường ĐH đều đỗ cả). Cái điểm số thấp đồng đều ở phổ thông, đặc biệt là môn văn (rồi đây có lẽ cô sẽ được bình bầu là người có điểm văn thấp nhất trong số tất cả các nhà văn VN) chỉ đơn giản ở chỗ một số môn cô không hề có năng khiếu như hóa học và vật lý (và người nào yêu cầu các cháu phải có năng khiếu ở tất cả các môn, dù là toán học hay giáo dục CD, dù là lịch sử hay thể dục thì cô đề xuất được gặp để phỏng vấn làm bài báo Tết), còn môn văn, lý do chủ quan hơn là cô không thể phân tích cho hay một tác phẩm được in trong SGK trong khi cô không hề thấy nó hay gì cả (ngay cả bây giờ cô cũng không thể khen 1 người là thú vị trong khi người ta tẻ ngắt, dù là khen ảo trên FB). Cô cũng không thể có một sổ điểm full 10 như các bạn cùng lớp vì để đạt được cái sổ điểm ấy, cô sẽ không còn thời gian để học nghệ thuật, tập thể thao, đọc sách, du lịch, thêu thùa, đan lát và kết bạn, những điều cô cho rằng cũng quan trọng không kém so với việc giải thành công một phương trình. Và vì là người có tính mục tiêu cao, cô tự phân tích những gì cần phải học để có thể vượt qua được kỳ thi đại học, cũng như những kiến thức cần phải biết để phục vụ cho cuộc sống, cô đọc nó trong hàng ngàn cuốn sách thay vì ngồi học thuộc lòng một bài trong SGK để hôm sau kiếm điểm 9. Vì vậy, cái mà bố mẹ các cháu cần, là xây dựng cho các cháu những ước mơ, trí tưởng tượng, sự sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, lòng đam mê hiểu biết và tính mục tiêu cao để đạt đến đích, đó mới là những chỉ số cần phải cao, thay vì chỉ đánh giá năng lực các cháu qua điểm số, các kỳ thi học sinh giỏi cấp trường, cấp quận và tần suất đi học thêm.

Tuy nhiên, ngay cả khi các cháu trượt đại học (mà đôi khi có thể do một sự thiếu may mắn, hoặc các cháu có khả năng cao ở những lĩnh vực khác như khéo tay làm thủ công, nấu ăn, thể thao, khiêu vũ, kinh doanh... hơn là ở chuyên ngành lựa chọn) thì đấy cũng chẳng có gì là bi kịch, là cuộc đời đã tận từ đây. Bởi cô có một số ví dụ, cô không lấy ví dụ bác Bill Gates hay Steve Jobs bỏ đại học, không bố mẹ các cháu lại bảo các bác ấy limited version bản hiếm nói làm gì, mà cô cũng có rất nhiều bạn bè trượt đại học, giờ cũng vẫn thành đạt, giàu có, xuất hiện nhiều trên tivi, có một gia đình hạnh phúc và là niềm ngưỡng mộ của nhiều người. Và ngược lại, nếu bố mẹ cháu cứ so sánh các cháu với một bạn nào đấy đã mang lại niềm hạnh phúc cho cha mẹ chỉ vì cái sổ điểm full 10 từ lớp 1 đến lớp 12 thì cô cũng sẽ chỉ cho các cháu xem rất nhiều cô chú đã từng đi thi giải quốc tế mà bây giờ họ làm gì. Vừa rồi kết quả khảo sát PISA 2015 (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế do OECD khởi xướng) cho thấy học sinh VN đứng thứ 8/65 quốc gia về khoa học vượt qua cả Anh, Mỹ, Đức, Úc, Thụy Sỹ... (Mỹ đứng tận thứ 25). Nhưng chúng ta đều biết, HDI của ta đang đứng ở thứ hạng nào so với thế giới và vị trí của Mỹ hiện nằm ở đâu.

Cô hoàn toàn không có ý nói rằng hễ cứ học dốt thì sẽ nên người, còn thành tích học tập cao thì cuộc đời không như ý. Mà chỉ muốn nói: Không phải cứ điểm số thấp thì con người ta sẽ bỏ đi và điểm số cao thì sẽ thành đạt. Trong các cuộc thi maraton, người ta chỉ tính điểm về đích, và bố mẹ các cháu (những người bắt các cháu học ngày học đêm đến bạc nhược cả người, đêm thì ngủ vài tiếng còn ít hơn cụ già, cuối tuần bố mẹ được xem tivi, ngồi FB trong khi các cháu vẫn phải học như đang sắp bảo vệ luận án tiến sĩ) cần phải hiểu “đích” ở đây là gì.

Đức Phật nói rằng thứ quý giá nhất của con người là niềm vui. Niềm vui mới chính là đích đến của đời người. Và điều gì sẽ tạo nên niềm vui trên cõi trần gian vỏn vẹn có vài chục năm này?

Ngay cả khi các cháu đã trưởng thành, một người bạn nào đấy của các cháu thành đạt, giàu có và danh tiếng, dù nhờ điểm số cao hay thấp, thì điều đó cũng chưa nói lên rằng họ đã về đích. Bởi những người thành đạt nhất mà chúng ta đã từng biết là các ngôi sao sống ở Beverly Hills như Lee Thompson Young, Robin Williams, Kurt Cobain, Heath Ledger và cả vài chục sao Hàn nữa là Lee Eun Joo, Choi Jin Sil, Park Yong Ha, Lee Hye Ryeon, Ahn Jae Hwan... , họ đã tự kết thúc cuộc đời mình khi đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp và tuổi trẻ (thậm chí ngay khi vừa nhận giải Oscar), khi đang tận hưởng sự viên mãn nhất của danh tiếng, tiền bạc, sắc đẹp, họ sống trong những ngôi nhà mà dùng từ lâu đài thì chính xác hơn, và vài viên kim cương to bản chẳng là vấn đề trong một cuộc mua sắm cuối tuần. Có cả triệu người ngưỡng mộ họ, thèm muốn được như họ, thậm chí đố kỵ với họ. Vậy lý do gì họ tự tử? Chỉ đơn giản thôi, họ bế tắc, họ không có niềm vui, họ thấy cái chết có thể còn vui hơn sống.

Nếu người nào đó bảo các cháu rằng chỉ cần có nhan sắc, danh tiếng, chức vụ, tiền bạc và đông đúc fan hâm mộ là có đầy đủ niềm vui, bình yên và hạnh phúc thì cô lại đề xuất được gặp để phỏng vấn cho số báo Tân niên.

Và vì vậy, điểm số thấp chưa chắc đã trượt đại học, trượt đại học chưa chắc đã không thành đạt, và không thành đạt (thành đạt theo chuẩn mực của quảng cáo dầu gội Romano và Samsung Galaxy trên tivi) cũng chưa chắc đã là không hạnh phúc. Và người làm cha mẹ, liệu có phải chỉ cần con cái được hạnh phúc hay còn muốn điều gì cao hơn hạnh phúc nữa? Hạnh phúc và niềm vui luôn được tạo ra bởi những ước mơ, đam mê cháy bỏng và con đường đi tới ước mơ đó. Hạnh phúc và niềm vui là tìm thấy cuộc sống phù hợp với mình và được chia sẻ mỗi ngày. Các cháu hãy cứ trả lời thật thà với cha mẹ nếu áp lực điểm số, học thêm túi bụi hoàn toàn không phải ước mơ của các cháu.

Và niềm tự hào của cô về con gái mình lại hoàn toàn không phải là điểm số, mà vì em ấy là người nhân hậu, chưa bao giờ biết nói dối, rất hài hước và luôn có khả năng bẻ gãy mọi luận điểm của mẹ trong hầu hết các cuộc tranh luận.

Là một người làm công tác giáo dục 18 năm, 16 năm ngồi trên ghế nhà trường, và làm luận văn thạc sĩ cũng ngành quản lý giáo dục, nhưng chưa một lần nào cô dùng từ “học bài đi con” với con gái, chủ yếu là “đi ngủ đi con, muộn rồi”. Và con gái cô đang sắp thi cấp 3, nhưng từ tiểu học đến giờ chưa một ngày nào đi học thêm, trừ học thêm múa bụng, piano, bơi, dancesport, mỹ thuật (P/S là em ấy học ngoại khóa cái gì cũng bị thầy trả về nên cô cũng không ép vì thấy con mình quả là không đam mê nghệ thuật và thể thao).

Nếu các cháu tin vào những điều này thì tag bố mẹ vào nhé hoặc share cho bố mẹ đọc.

P/S: Con gái cô giỏi nhất môn sử, cô nói đùa: Bộ GD người ta đang định bỏ môn lịch sử ra khỏi SGK mà con lại cứ full 10 là sao. Nhưng thấy em ấy có vẻ thích môn sử nên mỗi lần hai mẹ con đi dạo bằng xe máy vòng quanh hồ Tây, cô lại dựa vào các cảnh quan xung quanh mà tranh thủ kể một vài câu chuyện lịch sử nào đó các đời Lê, Trần, Nguyễn hoặc sơ lược về lịch sử thế giới. Giờ, học lịch sử ra có thể thất nghiệp, nhưng cô quan niệm: Con người ta đam mê thứ gì, dù chỉ là đan rổ rá hay thổi bong bóng xà phòng, nhưng quyết đi theo tới cùng con đường mình đã chọn thì rồi ra đều có thể trở thành bậc thầy trong thế giới do chính mình tạo dựng nên.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn