Bộ ba Trump-Bolton-Pompeo: Mỹ tuy bế tắc, nhưng Syria chắc chắn sẽ biến động lớn!

Thứ Năm, 10 Tháng Giêng 201911:37 CH(Xem: 5568)
Bộ ba Trump-Bolton-Pompeo: Mỹ tuy bế tắc, nhưng Syria chắc chắn sẽ biến động lớn!

Những chuyến đi quan trọng

Cả Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo lẫn Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton của Mỹ đều cùng công du dài ngày ở nhiều quốc gia trong khu vực Trung Đông và vùng Vịnh.

Những chuyển biến mới trong thời gian vừa qua ở khu vực và liên quan đến khu vực đã làm cho chuyến đi của cả hai người này trở nên cần thiết và quan trọng đối với Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định rút quân đội Mỹ ra khỏi Syria, lúc đầu dự định ngay và luôn nhưng rồi có trì hoãn. 

Quyết sách này của ông Trump không chỉ khiến cho các đồng minh quân sự của Mỹ trong khu vực này bất ngờ và lo ngại mà còn làm cho chính những cộng sự thân cận của ông Trump như hai người kia ngỡ ngàng.

Cả hai, cũng như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, đều không muốn và không khuyến nghị rút quân đội Mỹ ra khỏi Syria.

Sau chuyện nhà báo Jamal Khoshaggi bị sát hại, chính quyền Ả rập Xê út không thể không bắt đầu phải trù tính đến khả năng không còn duy trì được vị trí hiện tại trong chiến lược và chính sách của Mỹ nữa nên đang tìm cách tập hợp lực lượng mới ở khu vực.

Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục triển khai xe tăng, phương tiện quân sự tới sát biên giới Syria

Ở Israel, thủ tướng Benjamin Netanyahu đã phải mạo hiểm để có thể tiếp tục cầm quyền bằng cách tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn.

Sau tuyên bố của ông Trump triệt thoái quân đội Mỹ ra khỏi Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đang xúc tiến những công việc chuẩn bị cho chiến dịch quân sự mới nhằm vào lực lượng vũ trang YPG của người Kurd ở vùng lãnh thổ miền bắc của Syria trong khi YPG xưa nay là đối tác chính và duy nhất của Mỹ ở Syria, được Mỹ hậu thuẫn về chính trị, quân sự và thương mại.

Mỹ rút quân khỏi Syria không chỉ làm thay đổi tương quan lực lượng và cục diện tình hình chính trị an ninh ở Syria mà còn cả ở khu vực này. Các đồng minh và đối tác của Mỹ lo ngại và những đối thủ của Mỹ muốn tận dụng thời cơ mới chính vì thế.

Trong bối cảnh tình hình ấy, phái bộ ngoại giao kia của Mỹ thực hiện chuyến đi đặc biệt này để trấn an các đồng minh và đối tác của Mỹ, đồng thời bố trí chiến lược cho cuộc chơi mới ở khu vực.

Mỹ muốn thể hiện sự hậu thuẫn ông Netanyahu ở Israel, củng cố liên quân chống Iran với vai trò tiên phong của Ả rập Xê út và dàn xếp với Thổ Nhĩ Kỳ để nước này không tấn công người Kurd ở Syria.

Thế trận mới mà Mỹ đang muốn dàn dựng sau khi rút quân khỏi Syria là vẫn hiện diện quân sự ở Iraq, vẫn duy trì khả năng không kích từ xa vào Syria, để cho Israel tự do thoải mái tiến hành những hoạt động quân sự nhằm vào Syria và dành ưu tiên hàng đầu cho việc đối địch Iran.

Thế khó của Mỹ

Đoạn video nói về quyết định rút lính Mỹ khỏi chiến trường Syria của ông Trump.

Trong năm 2019 này, đúng vào năm kỷ niệm 40 năm thành công của cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran, Mỹ muốn tập trung vào xử lý quan hệ với Iran sau khi Mỹ rút ra khỏi thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran và khôi phục những biện pháp trừng phạt Iran như ở thời trước khi có được thoả thuận kia.

Cái khó nhất đối với Mỹ nhưng lại là mấu chốt nhất ở thế trận mới này của Mỹ ở khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ. Một khi quân đội Mỹ rút khỏi Syria thì Thổ Nhĩ Kỳ không còn ngại ngần gì nữa với việc thực hiện ý định tấn công để tiêu diệt hoặc chí ít thì cũng vô hiệu hoá YPG.

Ông Trump tuyên bố rút quân Mỹ ra khỏi Syria một cách vô điều kiện trong khi hai cộng sự kia lại đặt điều kiện tiên quyết. Ông Pompeo không đặt ra thời gian cụ thể cho việc hoàn tất chuyện rút quân, còn ông Bolton lại gắn việc rút quân với cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ là đàm bảo an toàn cho người Kurd ở Syria.

Cho tới thời điểm hiện tại, cả hai người kia chưa thành công với việc dàn trận mới bởi không thuyết phục được Thổ Nhĩ Kỳ về phe mình cùng chơi cuộc chơi mới.

Trái lại, họ lại còn làm cho Thổ Nhĩ Kỳ bực bội khi bộc lộ thầy trò bất nhất và áp đặt điều kiện tiên quyết cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyến công du của hai người này vì thế không thể được coi là thành công ở mục tiêu quan trọng nhất.

Nhưng nó đồng thời cũng còn cho thấy 3 điều quan trọng đối với triển vọng tới đây ở khu vực về chính trị an ninh.

Thứ nhất là không có sự thống nhất quan điểm giữa ông Trump và cộng sự về Syria và khu vực.

Thứ hai, Mỹ hiện không những chỉ bối rối mà còn cả bế tắc về chiến lược cho khu vực này và càng ngày càng thêm khó xoay sở ở khu vực.

Và thứ ba, khu vực này đang ở trước những biến động mạnh mẽ và cơ bản mới về chính trị an ninh, quân sự và quan hệ giữa các bên liên quan.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn