Việt cộng cố ‘kìm’ Internet sau 20 năm đã ‘mở’

Thứ Bảy, 09 Tháng Mười Hai 201710:00 SA(Xem: 6624)
Việt cộng cố ‘kìm’ Internet sau 20 năm đã ‘mở’
voatiengviet.com
VOA Tiếng Việt

Các chuyên gia nhận định rằng việc Việt Nam mở cửa cho Internet trong 20 năm là một bước đột phá ‘đầy ấn tượng,’ nhưng chính quyền không ngừng tăng cường những ‘rào cản nghiêm ngặt’ cùng với sự ‘kiểm duyệt nặng nề.’

Từ Hà Nội, nhà hoạt động nhân quyền – blogger Nguyễn Chí Tuyến nhận định về hoạt động Internet tại Việt Nam.

“Tôi nghĩ rằng đó là một bước tiến trong việc tiếp thu tiến bộ của thế giới để đưa vào Việt Nam. Nếu như 20 năm trước mà họ vẫn cứ muốn đóng cửa Internet thì trình trạng của Việt Nam bị cách xa thế giới cũng chẳng khác gì Triều Tiên như bây giờ.”

Nếu như 20 năm trước mà họ vẫn cứ muốn đóng cửa Internet thì trình trạng của Việt Nam bị cách xa thế giới cũng chẳng khác gì Triều Tiên như bây giờ.

Báo New York Times hôm 30/11 có bài nói rằng chính phủ Việt Nam lấy lý do vì ngày càng có nhiều mối quan ngại gia tăng về an ninh mạng và tin tức giả tạo để mạnh tay kiểm soát mạng xã hội, nơi các nhà hoạt động chính trị dùng làm diễn đàn để tố cáo các vi phạm tham nhũng và sai trái của quan chức nhà nước.

Báo này cũng nêu trường hợp dự luật An ninh mạng do Bộ Công an soạn thảo và đã trình cho quốc hội thông qua, trong đó yêu cầu các trang mạng xã hội như Google, Facebook và Skype phải đặt văn phòng và máy chủ tại Việt Nam, đã bị nhiều đại biểu quốc hội và Phòng Thương mại và Công nghiệp phản đối.

Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn về Khoa học Công nghệ và Khoa học Quản lý hôm đầu tháng 11 phát biểu với truyền thông quốc tế rằng dự luật này là một sự “thiệt thòi” và “không giống ai.”

Dự luật này làm dấy lên nỗi sợ trong cộng đồng doanh nghiệp, người dùng Internet và thậm chí ngay cả một số giới chức lãnh đạo, nên sau đó đã bị lùi lại cho đến khi diễn ra kỳ họp quốc hội tiếp theo vào giữa năm 2018.

Mặc dù vậy, tờ New York Times cũng khen ngơi những thành tựu của Internet Việt Nam trong 20 năm khi tỷ lệ sử dụng mạng xã hội cao nhất trong số các nước có thu nhập bình quân đầu người tương đương, với khoảng 52 triệu tài khoản Facebook đang hoạt động, với số dân khoảng 96 triệu.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Trương Minh Tuấn tuần rồi cũng nhận định rằng sau 20 năm hòa mạng toàn cầu, Internet Việt Nam đã có những bước tiến thật sự “ấn tượng,” cụ thể là Internet đã len lỏi vào khắp các ngõ ngách của cuộc sống, làm thay đổi thói quen, cuộc sống của mọi người.

Ông Tuấn đã ca ngợi thành tựu của Internet Việt Nam như trên hôm 22/11, nhân sự kiện Internet Day 2017 và lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam tại Hà Nội.

Theo truyền thông trong nước, Việt Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới, nằm trong top những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại châu Á.

Facebook và YouTube là mạng xã hội phổ biến nhất Việt Nam với 51% người dùng Internet sử dụng hai mạng xã hội này.

Theo báo cáo của We are Social, một công ty chuyên về chiến lược tiếp thị và quảng cáo điện tử, Việt Nam cũng đứng thứ 7 trong danh sách những nước có người dùng đông nhất trên Facebook.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Freedom House năm 2017, Việt Nam là nước kiểm duyệt Internet nặng nề nhất khu vực Đông Nam Á. Trong 20 năm qua, chính phủ Việt Nam đã ban hành, sửa đổi hàng loạt luật, nghị định và thông tư để kiểm soát Internet tại Việt Nam.

Việt Nam là nước kiểm duyệt Internet nặng nề nhất khu vực Đông Nam Á.

Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến nói rằng cho đến nay các lãnh đạo Hà Nội vẫn lo sợ rằng tự do trên Internet sẽ nguy hại đến việc cầm quyền của họ:

“Hai mươi năm trước, trước khi mở cửa cho Internet để cho người dân tiếp cận với thế giới và vén bức màng nhung bưng bít, ngay cả những người cầm quyền Việt Nam cũng từng rất lo sợ rằng Internet sẽ gây hại đến việc cầm quyền của họ.”

Các lý do mà chính quyền Việt Nam nêu ra khi cần thiết phải có sự kiểm soát Internet và quản lý không gian mạng là “chống xâm phạm an ninh quốc gia, tiến hành tấn công, khủng bố mạng, phá hoại tư tưởng, kích động biểu tình, hoạt động gián điệp mạng, chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật nhà nước.”

Xét về mặt kiểm duyệt Internet, Việt Nam cũng không kém gì Trung Quốc. Báo New York Times nói vào năm 2009, Việt Nam cũng đã cố gắng chặn Facebook, nhưng không dám thiết lập một bức tường lửa hoàn toàn vì sợ rẽ đánh mất ngành thương mại điện tử và kinh doanh internet.

Trong khi ngay từ đầu Trung Quốc đã kiểm soát Internet trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng trực tuyến, thì cách tiếp cận nhẹ nhàng của Việt Nam đã tạo ra một cơ sở hạ tầng giúp thích ứng nhanh về khả năng điều chỉnh và kiểm soát của chính phủ.

Nhưng với tốc độ phát triển mạng xã hội như hiện nay, và không có mạng nội địa như Weibo hay Wechat của nước đàn anh, thì việc Việt Nam đến nay mới kiểm soát mạng xã hội đã quá trễ, báo New York Times nhận định.

Luật sư Trịnh Hữu Long viết trên trang Khoaluat.org rằng: “Dự luật An ninh mạng của Việt Nam, không biết do vô tình hay cố ý, giống Luật An ninh mạng của Trung Quốc một cách đáng kinh ngạc,” khi ông phân tích có đến 7 điểm tương đồng “như hai giọt nước.”

Nhìn chung, rõ ràng là Việt Nam thiếu sự kiểm soát Internet rộng lớn như quốc gia hàng xóm phương bắc. Tuy nhiên, điều này đã không ngăn Hà Nội trong viêc bịt miệng các nhà bất đồng chính kiến.

Việt Nam thường xuyên bị quốc tế chỉ trích vì vi phạm về nhân quyền, đặc biệt là tự do ngôn luận – khi mà nhà nước kiểm soát chặt chẽ báo chí, phát thanh và truyền hình, và cả những người viết blog.

Blogger Nguyễn Chí Tuyến nói nếu dự luật An ninh mạng được thông qua thì chắc chắn uy tín của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, do các quy định trong luật vi phạm các công ước thương mại quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

“Ở Việt Nam thì lập pháp, hành pháp, hay tư pháp đều dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản. Rất nực cười là dự luật này do Bộ Công an soạn thảo ra. Những điều kiện trong dự luật khó có thể thực thi về mặt kỹ thuật, tài chính, cũng như các định chế về mặt pháp lý mà Việt Nam đã tham gia sẽ có những xáo trộn, tác động xấu đến nền kinh tế. Nếu như vẫn giữ nguyên các qui định trong dự luật thì khó thể thông qua. Còn nếu như nó vẫn được thông qua thì hệ lụy rất nguy hiểm cho nền kinh tế Việt Nam.”

Ở Việt Nam thì lập pháp, hành pháp, hay tư pháp đều dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản. Rất nực cười là dự luật này do Bộ Công an soạn thảo ra.

Việc chặn các nền tảng mạng xã hội phổ biến giờ đây có vẻ như là một bước di thụt lùi - và đã qua rồi cái thời kiểm soát Internet đầy đủ, tờ New York Times nhận định.

Các nhà quan sát nhận định rằng chính quyền Hà Nội xem Internet là nguồn gây mất ổn định xã hội, nhưng kiểm soát Internet một cách quá nghiêm ngặt cũng có thể là một nguồn gây bất ổn - thậm chí sẽ bất ổn hơn ở một quốc gia độc tài như Việt Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn