"Tái ông thất mã": Nếu Hạ viện Mỹ rơi vào tay Đảng Dân chủ, ông Trump càng dễ tái đắc cử?

Thứ Hai, 05 Tháng Mười Một 20185:23 SA(Xem: 6155)
"Tái ông thất mã": Nếu Hạ viện Mỹ rơi vào tay Đảng Dân chủ, ông Trump càng dễ tái đắc cử?

Kết quả được dự đoán trước

Chỉ còn vài ngày nữa là tới cuộc bầu cử năm 2018 - mà có khả năng rất cao là Đảng Cộng hòa sẽ mất Hạ viện vào tay Đảng Dân chủ. Điều kì lạ là tổng thống Trump dường như không mấy quan tâm tới chuyện đó. Chiến lược hiện tại của ông Trump là xây dựng nền móng cho cuộc đua vào Thượng Nghị viện ở những bang then chốt thiên về Đảng Cộng hòa.

Khi được hỏi về việc mất Hạ viện vào tay Đảng Dân chủ, ông Trump nói: "Điều đó có thể xảy ra. Và mọi người biết phải làm gì không? Cả cuộc đời tôi, tôi đã nói gì nhỉ? 'Đừng lo lắng về chuyện đó, rồi tôi sẽ nghĩ ra cách'. Hợp lí đúng không? Rồi tôi sẽ nghĩ ra cách".

Một chuyên gia bầu cử có thể nhận định rằng ông Trump đang "buông" Hạ viện.

Nhưng một chiến lược gia có thể nói rằng có những ích lợi - ít nhất về mặt cá nhân ông Trump - khi Đảng Cộng hòa mất Hạ viện.

Tái ông thất mã: Nếu Hạ viện Mỹ rơi vào tay Đảng Dân chủ, ông Trump càng dễ tái đắc cử? - Ảnh 1.

Một chuyên gia bầu cử có thể nhận định rằng ông Trump đang "buông" Hạ viện. Ảnh minh họa: Gustavo Caballero/Getty Images

Trước hết, không thể phủ nhận những điểm bất lợi rõ ràng khi Đảng Cộng hòa không còn kiểm soát Hạ viện. Nổi bật nhất trong số đó là Đảng Dân chủ có thể bắt đầu quá trình luận tội ông Trump, điều tra những tài liệu thuế "bí mật" và công bố trên những tờ báo như New York Times về việc gian lận thuế của tổng thống Mỹ.

Ông Trump cũng sẽ mất khả năng thông qua các điều luật mà không cần quan tâm tới phiếu bầu của Đảng Dân chủ. Đây từng là lợi thế ông Trump có và được tận dụng triệt để trong dự luật về cắt giảm thuế và nhiều thành tựu khác.

Lợi thế bất ngờ

Nhưng nếu nhìn một cách tổng thể từ những tham vọng của ông Trump - đặc biệt nếu liên quan tới kì bầu cử năm 2020 - thì không thể loại trừ khả năng rằng một Hạ viện nằm trong tay Đảng Dân chủ có thể là một điều tốt đối với tổng thống Mỹ đương nhiệm.

Đầu tiên, có thể thấy rằng các cử tri thường "thích" chia đôi chính phủ. Trong 6 vị tổng thống tái đắc cử tính từ sau Thế Chiến II, chỉ có một người có quyền điều hành hoàn toàn Quốc hội - đó là ông George W. Bush vào năm 2004.

Trong những năm 1996, 1988, 1980, 1972, 1968 và 1956, một đảng kiểm soát toàn Quốc hội, nhưng cử tri lại bỏ phiếu cho đảng còn lại trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Thứ hai, khi Đảng Dân chủ thắng kì bầu cử giữa kì, ông Trump sẽ xác định được đối thủ của mình trong chiến dịch bầu cử năm 2020, kể cả khi đại diện từ phía Đảng Dân chủ không phải là nhân vật quá xuất sắc.

Ngoài ra, ông Trump cũng có thể đổ lỗi cho Hạ viện của Đảng Dân chủ vì liên tục khiến ông Trump thất vọng. Ông Trump đã từng làm điều này ở mức độ nhất định, kể cả khi Đảng Dân chủ không điều hành bất kì nhánh nào của chính phủ.

Ông Trump đã hoàn thành nhiều lời hứa tranh cử, nhưng những cam kết quan trọng và một số khoản "xa vời" như xây tường biên giới (chưa kể còn buộc Mexico thanh toán khoản tiền này) vẫn chưa thành hiện thực dù Đảng Cộng hòa nắm giữ cả Thượng viện và Hạ viện.

Khi rơi vào bế tắc, ông Trump cần có một ai đó không cùng đảng để đổ lỗi.

Tất nhiên, tất cả những điều này chỉ là phỏng đoán.

Có thể vị tổng thống Mỹ đang đầu tư quá nhiều cho các ứng cử viện Thượng viện bởi cả ông Trump và những cộng sự đều nhận ra rằng ông Trump là người truyền cảm hứng tốt hơn những người khác.

Việc vận động Thượng viện đem lại nhiều ích lợi hơn cho kì bầu cử là vận động Hạ viện.

Nhưng cũng cần phải nói, ông Trump là vị tổng thống quan tâm tới những dự định của bản thân hơn là đảng chính trị. Việc ông Trump có để ý tới quyền kiểm soát của đảng mình trong chính quyền hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, kể cả khi ông Trump không chú tâm, ông vẫn sẽ có những lợi thế không nhỏ trong cuộc đua lần thứ hai vào Nhà Trắng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn