Lợi thế của 'làm đầu gà còn hơn đuôi phượng'

Thứ Sáu, 07 Tháng Chín 20186:03 SA(Xem: 6411)
Lợi thế của 'làm đầu gà còn hơn đuôi phượng'
bbc.com
David Robson BBC Capital

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Theo dõi những màn trình diễn thể thao kịch tính trong mùa hè này, bạn có lẽ khó nhận thấy liệu chúng có gì tương đồng với sự nghiệp của mình.

Liệu giáo viên, luật sư hay kỹ sư có thể học gì từ những ngôi sao thể thao hàng đầu như Raheem Stirling hay Simona Halep?


Một số nhà khoa học nghiên cứu về tổ chức tin rằng sự nổi tiếng của một số vận động viên nào đó - như các cầu thủ bóng đá chẳng hạn - có thể giúp mọi người có thêm chiến lược để thành công, ví dụ như hiện tượng điển hình thường được ví von là "hiệu ứng cá to trong hồ nhỏ", mà trong tiếng Việt có câu thành ngữ tương ứng là "thà làm đầu gà còn hơn đuôi phượng".

Nói đơn giản, lý thuyết này kiểm chứng cách thức chúng ta phát triển tiềm năng bản thân dựa vào những người xung quanh ta.

Chẳng hạn, liệu có tốt khi bạn vào làm ở một công ty có rất nhiều người tài giỏi, trong đó có cả những đồng nghiệp tài giỏi đến đáng sợ? Hay bạn nên an vị ở một công ty khiêm tốn hơn, nơi bạn có thể làm vua giữa một bầy cá con?

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Cầu thủ Lionel Messi được giới chuyên gia nhìn nhận là một vận động viên chứng minh hiệu ứng cá to trong hồ nhỏ có hiệu quả

Trận đấu đẹp mắt hóa ra lại là môi trường lý tưởng để ta có thể kiểm chứng ý tưởng này. "Chúng tôi tin rằng bóng đá là phòng thí nghiệm hoàn hảo để kiểm chứng rất nhiều câu hỏi liên quan đến sự nghiệp," Jie Gong từ Đại học Quốc gia Singapore, người vừa tiến hành một nghiên cứu về hiệu ứng cá to trong hồ nhỏ qua giải Bóng đá Ngoại hạng Anh, nói. "Vì chúng ta có thể theo dõi toàn bộ lịch sử sự nghiệp của từng cầu thủ."

Khi bạn là kẻ dẫn đầu

Hiệu ứng cá to trong hồ nhỏ ban đầu được hình thành qua quan sát các chương trình giáo dục chọn lọc, nơi trẻ em được vào học những chương trình khác nhau tùy theo khả năng.

Ở Anh chẳng hạn, rất nhiều em vẫn tham dự kỳ thi 11+, một kỳ thi mà nếu đạt điểm, các em sẽ được vào học ở trường tốt hơn không, dựa trên khả năng học tập của mình.

Bạn có thể hy vọng rằng thành công này có thể tạo cảm hứng cho những em thông minh hơn có thể dành nhiều công sức hơn cho việc học.

Không may thay, con người lại là giống loài đầy tị hiềm và có thói quen rất xấu là so sánh khả năng của bản thân với những người ngay bên cạnh họ.

Điều này có nghĩa là một đứa trẻ học trong các lớp chuyên (như cá nhỏ trong hồ to) thường xuyên cảm thấy thiếu tự tin về khả năng học tập, so với những em có khả năng tương đương nhưng không có nhiều người giỏi xung quanh (như cá to trong hồ nhỏ).

Ngoài việc không thể tăng tự tin lên, học trường giỏi thực ra có thể khiến bạn cảm thấy mình ngu ngốc hơn, bị dập tắt động lực và giảm cơ hội thành công.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Kỳ thi 11+ là kỳ thi ở Anh Quốc để quyết định xem các em học sinh có thể vào trường giỏi hay không - và bài kiểm tra này có thể phản tác dụng, các chuyên gia nói

Tác giả Malcom Gladwell từng nổi tiếng khi công bố nghiên cứu này trong quyển sách bán chạy của ông có tên "David và Goliath", nhưng mãi đến gần đây các nhà khoa học mới ghi nhận bằng chứng rõ ràng cho thấy hậu quả lâu dài của những kiểu tự nhận thức này.


"Nghiên cứu trước đó không theo dõi các quyết định thực sự trong công việc của mọi người," Benjamin Elsner từ Đại học Dublin, Ireland cho biết.

Lấy cảm hứng từ quyển sách của Gladwell, Elsner giờ đây đang nghiên cứu để lấp đầy khoảng trống tri thức của chúng ta về hiện tượng này

Ông đã chứng minh được rằng thứ hạng của học sinh trong trường trung học (so với những sinh viên khác) có thể giúp ta dự đoán được là các em sẽ quyết định ra sao trong việc tiếp tục theo học, vào đại học, và những mong muốn về sự nghiệp.

Hãy xem xét hai đứa trẻ có độ thông minh như nhau, một em có vẻ khá bình thường trong trường học cạnh tranh cao, và một em đạt điểm số cao hơn trung bình ở một trường ít cạnh tranh hơn. Nghiên cứu của Elsner cho thấy đứa trẻ thứ hai sẽ có khả năng theo đuổi tiếp việc học tập hơn, đúng như hiệu ứng cá to trong hồ nhỏ nêu ra.

Thông qua các bảng câu hỏi sâu, nhóm nghiên cứu của Elsner nhận thấy những quyết định trên liên quan trực tiếp tới sự trông đợi được xếp hạng cao hơn hay thấp hơn. "Nếu một người bị xếp hạng thấp, họ sẽ nghĩ sự nghiệp học tập của họ sẽ chẳng đi tới đâu cả, và có thể họ sẽ chọn không vào đại học."

Cảm giác này cũng có thể xuất hiện trong hoạt động ngoại khóa của đứa trẻ: Nghiên cứu của Elsner cho thấy những học sinh bị xếp hạng thấp có xu hướng hút thuốc, uống rượu và quan hệ tình dục không an toàn, và thường chơi chung với những em nổi loạn khác.

Trong khi đó, ở một lớp học khác ít tính cạnh tranh hơn, một học sinh có khả năng trung bình sẽ ít có xu hướng tham gia vào các hoạt động có nguy cơ cao như trên.

"Nếu bạn cho rằng mình thông minh thì việc tham gia vào các hành vi rủi ro sẽ khiến bạn phải trả "chi phí cơ hội" cao hơn," Elsnernói. "Thế còn nếu bạn nghĩ dù sao thì mình cũng bình thường thôi, thì bạn sẽ nghĩ rằng thế nào cũng được, không thành vấn đề."

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Khoảng một nửa dân số Mỹ đến từ các thành phố có chưa tới 500.000 dân, và nghiên cứu cho thấy các thành phố này cung cấp đến 87% số cầu thủ chơi trong giải hockey quốc gia NHL

Thành công ở thị trấn nhỏ

Tuy nghiên cứu của Gong về Giải bóng đá Anh mới là một trong những nghiên cứu đầu tiên cho thấy rõ ràng về hiệu ứng cá to trong hồ nhỏ, nhưng từ lâu đã có nhiều thứ cho thấy điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng bạn trở thành vận động viên hàng đầu.


Hãy xem xét một nghiên cứu của Hoa Kỳ và Canada phân tích quê hương và thời gian sinh của 2.240 vận động viên chuyên nghiệp từ Liên đoàn Khúc côn cầu Quốc gia (NHL), Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia (NBA), Liên đoàn Bóng chày Quốc gia (MLB), và Hiệp hội chơi Golf chuyên nghiệp (PGA).

Trong mỗi trường hợp, các nhà nghiên cứu nhận thấy các vận động viên chuyên nghiệp đa số đến từ những thành phố khá nhỏ - nơi họ có cơ hội tốt hơn để vươn lên dẫn đầu trong những liên đoàn nhỏ hơn - so với ở thành phố lớn.

Chẳng hạn, khoảng một nửa dân số Hoa Kỳ sống ở những thành phố nhỏ, có chưa tới 500.000 ngàn dân, nhưng các nhà nghiên cứu lại nhận thấy những thành phố này cung cấp một con số rất lớn, tới 87% các vận động viên cho giải đấu NLH.

Con số tương tự cũng xuất hiện ở MLB và PGA.

Sự hiện diện của các gương mặt xuất thân từ các thành phố nhỏ như vậy là quá nhiều.

Ở Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia NBA thì tỷ lệ này cân bằng hơn một chút, tuy không phải là có sự khác biệt đáng kể: nhìn chung, khoảng 71% vận động viên đến từ các thành phố nhỏ.

Cũng có một số bằng chứng cho thấy những vận động viên tennis hàng đầu thường đến từ những nơi ít dân cư hơn. (Hai ví dụ: Rafael Nadal đến từ Manacor - một thị trấn có chưa tới 40.000 dân, và Sloane Stephens sinh trưởng ở Fresno, California, vốn chỉ có khoảng 500.000 dân).

Rất nhiều yếu tố có thể giải thích vì sao thành phố nhỏ lại nuôi dưỡng tài năng hiệu quả hơn.

Có lẽ vì các nơi đó có nhiều không gian cho trẻ em chơi đùa an toàn hơn, so với những thành phố lớn có tỷ lệ tội phạm cao.

Nhưng ít nhất một số lợi ích có thể đến từ hiệu ứng cá to trong hồ nhỏ, và những cơ hội khác có thể đến từ việc bắt đầu trở thành vận động viên hàng đầu trong một giải đấu nhỏ.

Ưu thế xuống hạng

Một trong những bằng chứng hùng hồn nhất của hiệu ứng này trong thể thao lại đến từ nghiên cứu của Gong trong bóng đá Anh.

Nghiên cứu trong câu hỏi so sánh các đội khó khăn lắm mới có thể trụ lại trong giải Ngoại hạng Anh, với những đội bị tụt hạng xuống Giải Hạng Nhất - cho thấy việc bị buộc phải chuyển từ hồ to sang hồ nhỏ.

Theo trực giác, có thể chúng ta sẽ dự đoán bị xuống hạng sẽ phủ bóng mờ lên sự tự tin vào bản thân cũng như uy tín của các cầu thủ - tương tự như cách chúng ta dự đoán khi thi rớt kỳ thi 11+ sẽ làm thành tích học tập của đứa bé bị suy sụp.

Nhưng đó lại không phải là những gì nhóm của Gong phát hiện ra.

Dù việc bị xuống hạng không tránh khỏi việc cả đội sẽ mất một số cầu thủ giỏi nhất (và đắt tiền nhất), và kết quả là những cầu thủ còn lại trong đội sẽ có xu hướng được thi đấu nhiều hơn 12% thời gian, cho phép họ có cơ hội tập luyện kỹ năng tốt hơn.

"Trước đó họ chỉ ngồi ghế dự bị, giờ thì họ có thể thực sự chơi ở những vị trí nổi trội," Gong cho biết. Và điều này giúp tăng kinh nghiệm nghề nghiệp đi cùng với lợi ích lâu dài cho sự nghiệp của họ. "Năm đến bảy năm sau khi bị xuống hạng, họ chơi trong các câu lạc bộ tốt hơn và kiếm nhiều tiền hơn."

Gong nhấn mạnh rằng những ích lợi trên hầu hết dành cho các cầu thủ trẻ (18-24 tuổi). "Nếu họ là những cầu thủ lớn tuổi và chơi lâu hơn, họ không thấy được ưu thế này - tuy chúng tôi cũng không nhận thấy họ vấp phải bất kỳ điều gì bất lợi."

Bà nói rằng Andy Carroll, người bắt đầu sự nghiệp ở vị trí tiền vệ trong đội Newcastle United năm 2006, là ví dụ điển hình tốt nhất cho nghiên cứu này.

"Cậu ấy hầu như chỉ làm cầu thủ thay thế - ngồi trên ghế dự bị. Sau đó câu lạc bộ bị xuống hạng, và vì những tiền vệ hàng đầu của đội bỏ đi, Carroll được thăng vị trí vào tuổi 20."

Năm 2011, anh chuyển qua Liverpool với phí chuyển nhượng cực lớn 35 triệu bảng Anh - khiến anh trở thành một trong những cầu thủ đắt giá nhất tính đến thời điểm đó.

Kinh nghiệm chiến trường

Không may là, việc theo dõi công việc của mọi người đến mức chi tiết như vậy hầu như rất khó khăn, nghĩa là chúng ta có rất ít bằng chứng cho thấy điều này trong những ngành công nghiệp khác. "Các ngành nghề khác - họ không thực sự có dữ liệu hay tài liệu với mô hình như vậy," Gong cho biết.

Nhưng nhóm của bà tin tưởng mạnh mẽ rằng hiệu ứng cá to trong hồ nhỏ có thể nhận thấy ở rất nhiều ngành nghề khác, đặc biệt trong những ngành có sự cạnh tranh khốc liệt - như mảng luật pháp hay tư vấn quản trị - nơi bạn liên tục tranh đua với đồng nghiệp để giành cơ hội tốt nhất thể hiện tài năng.

"Chúng tôi nghĩ hiệu ứng này áp dụng trong các ngành công nghiệp nơi kinh nghiệm chiến trường là quan trọng - và nơi các cơ hội tích lũy kinh nghiệm bị giới hạn trong phạm vi công ty," bà cho biết. "Trong mảng tư vấn quản trị, những vụ việc đắt giá nhất thường được giành cho tư vấn viên giỏi nhất. Và nếu bạn làm việc ở một công ty hàng đầu nhưng chỉ là một nhân viên bình thường, bạn sẽ ít có cơ hội tương tác với những khách hàng quan trọng."

Như nghiên cứu của Gong về các cầu thủ ở giải Ngoại hạng Anh cho chúng ta thấy, hiệu ứng cá to trong hồ nhỏ sẽ đặc biệt quan trọng trong giai đoạn bạn mới bắt đầu sự nghiệp - nghĩa là những người mới tốt nghiệp nên lưu ý điều này.

Được thực tập tại một công ty nổi tiếng hơn có vẻ như là bước quan trọng đầu tiên, nhưng về lâu dài, bạn có thể được lợi hơn khi mài giũa kỹ năng của mình trong vùng nước cạn hơn.

David Robson là cây viết chuyên về mảng khoa học, làm việc tại London, Anh Quốc.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn