TẢN MẠN TÂY, TÀU VÀ TA

Thứ Năm, 23 Tháng Tám 20184:00 SA(Xem: 5620)
TẢN MẠN TÂY, TÀU VÀ TA

Chưa bao giờ thế giới lại có nhiều chuyển động bất ngờ đến chóng mặt như ngày nay sau thời kỳ Chiến Tranh lạnh. Quy mô và tính chất của những thay đổi mới này mang tính thế giới, liên quan đến vận mệnh của nhiều dân tộc trên nhiều đại lục, liên quan đến sự triệt tiêu của các lý thuyết chính trị từng làm đổ máu cả loài người trong hai thế kỷ. Và tất cả dường như đang xảy ra quá nhanh, quá bất ngờ với các tín điều dường như đã được xác tín qua một tầng lớp chính trị tại phương Đông, nơi từng đã xuất phát những tham vọng toàn cầu vì ngỡ rằng gió đã đổi chiều và phương Đông sẽ là trung tâm của thế giới.

Việt nam cũng đang bị cuốn vào cơn lốc thay đổi đó và những điều tưởng đã chắc chắn bỗng chốc sụp đổ tan tành, dẫu rằng sự sụp đổ về văn hóa, về các giá trị nhân văn cơ bản nhất của cả dân tộc đã sụp đổ kể từ khi chủ nghĩa CS được du nhập vào đất nước này từ thế kỷ trước. Không ai – tất cả những người VN – có một hiểu biết bình thường và còn một lương tâm mà không đau lòng trước những thảm trạng, những bất công xảy ra hàng ngày trên một đất nước về thực chất đã không còn chủ quyền. Tất cả những điều đã hay đang xảy ra ở VN chúng ta đều đã biết rõ rồi, xin khỏi nêu lên thêm nữa về tình cảnh của ngư dân VN đang làm ăn trên ngư trường truyền thống của cha ông từ bao đời nay, khỏi nói thêm nữa về Formosa và các vùng biển VN nhiễm độc nghiêm trọng, về các nhà máy nhiệt điện xuất xứ từ Trung Cộng đang bức tử hàng ngày nhiều thế hệ người VN trên chính quê hương của mình. Khỏi nói thêm về các hoạt động khai thác dầu khí giữa VN và những đối tác nước ngoài bị hủy bỏ do sức ép – hay nói rõ hơn – do những chỉ thị từ Bắc Kinh. Lại càng không cần phải nói thêm về cơ cấu lập pháp hay hành pháp của VN, về vô số chuyện không thể nào tưởng tượng nổi đang và đã xảy ra hàng ngày trên mọi lãnh vực trong xã hội. Chúng ta, những người VN còn sống cho đến nay đều đã thấy, đã biết và có thể phải quyết liệt chọn một thái độ trước sự tồn vong của dân tộc mình.

Các cuộc biểu tình trên quy mô lớn xảy ra trong tháng 6 trên toàn quốc như một phản ứng tất nhiên phải xảy ra trước những nguy cơ mất nước cụ thể và rõ ràng qua việc các Đặc Khu được nhà cầm quyền đồng thuận cho mướn với thời hạn 99 năm, toàn ở những vị trí xung yếu của đất nước. Phản ứng dữ dội của toàn dân đã bị đáp trả bằng bạo lực, một thứ bạo lực có hệ thống và có tổ chức. Tuy nhiên, khi “ lùi một để tiến hai “ , nhà nước VN lại chuẩn bị dự luật An ninh mạng sẽ được thực hiện vào năm sau, cùng thời điểm với thời gian để “ xem xét “ cho mướn các đặc khu này. Dự Luật An Ninh mạng, thực chất chỉ để dập tắt các tiếng nói đối lập, bịt mắt bịt tai dân chúng và tăng cường sự giám sát về thông tin sẽ được Quốc Hội thông qua đầu năm sau. Cơ cấu Lập Pháp của VN trên thực tế chỉ là cánh tay nối dài của Đảng CS nên việc “ xem xét “ này chỉ là vấn đề hình thức. Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa, cùng một số các bãi đá đang được bồi lấp, cửa ngõ của nước ta bị Tàu Cộng chiếm đang từng bước được quân sự hóa. Hệ thống chính quyền đang bị khống chế mạnh mẽ bởi áp lực của Tàu Cộng không nhúc nhích gì được. Mọi giá trị xã hội bị đảo lộn, quân tướng rối beng, tham nhũng trở thành quốc nạn. Thời gian thực hiện Hiệp Ước Thành Đô đang tới rất gần. Mất nước là điều chắc chắn !

TÂY…

Vào thời điểm mà ông Donald Trump tranh cử Tổng Thống Mỹ, người viết bài này đã nghĩ rằng một anh trọc phú như Trump làm sao có thể là một đối thủ với một người trưởng thành và lão luyện trong môi trường chính trị như Tập Cận Bình ? Các đời TT Mỹ trước đây, đặc biệt là từ Clinton cho đến Obama đã quá “ lỏng tay “ với Tàu Cộng và đã để cho họ có một thời gian rất dài để củng cố vững chắc sức mạnh của mình. Chưa bao giờ trong suốt lịch sử của mình, người TQ công khai tham vọng bá chủ thế giới của mình như lúc này. Vụ Thiên An Môn đẫm máu ở Trung Quốc dưới thời kỳ Giang Trạch Dân đã được các quốc gia thành viên thuộc Hội Đồng Nhân Quyền của thế giới giải quyết như thế nào ? Các biện pháp trừng phạt hay chế tài đã được thực hiện ra sao đối với TQ trong kế hoạch đường Chín Đoạn trên biển Đông của họ bằng các tuyên bố chủ quyền không có cơ sở pháp lý hay lịch sử ? Tất cả chỉ là con số không. Trung Quốc đã quá mạnh – ít nhất là dưới mắt của Bill Clinton hay Barack Obama – để có thể khống chế. Trong nhiều năm gần đây, TQ liên tục gây sức ép trên biển Đông với những quốc gia đang có tranh chấp và với VN , nhà cầm quyền đã chọn thái độ thần phục hoàn toàn.

Mọi chuyện đã thay đổi rất nhanh sau khi ông D. Trump trở thành TT Mỹ. Vùng Đông Bắc Á, 5 giờ sau cuộc họp thượng đỉnh Mỹ Triều tại Singapore đã kết thúc bằng việc ký kết một văn bản phi hạt nhân toàn diện trên bán đảo Triều Tiên. Sau gần một thế kỷ thù địch với Mỹ kể từ năm 1953 ngày ký kết Hiệp Ước Đình Chiến Bàn Môn Điếm, trong lễ ký văn bản phi hạt nhân với TT Trump, ông Kim Young Un, Chủ Tịch Triều Tiên đã tuyên bố : “ Hôm nay, chúng tôi ( Kim và Trump ) đã có một cuộc gặp gỡ lịch sử, bỏ qua quá khứ và hướng tới một khởi đầu mới. Chúng tôi ký một thỏa thuận lịch sử và thế giới sẽ thấy một thay đổi lớn lao. Tôi muốn tỏ lòng biết ơn đến TT Trump vì đã khiến nó trở thành hiện thực “

Điều gì đã biến một Kim hiếu chiến quay ngoắt 180 độ, người đã dốc toàn bộ tài lực của đất nước mình để chế tạo vũ khí hạch tâm mặc cho dân đói khổ trong nhiều thập kỷ, cai trị Bắc Triều bằng một chế độ đẫm máu qua rất nhiều vụ xử tử các quan chức cao cấp cả quân đội và dân sự, người đã làm cả thế giới phải nín thở qua nhiều cuộc thử tên lửa tầm xa bắn qua biển Nhật Bản, người đã bất chấp tất cả các hứa hẹn cũng như các hăm dọa của TQ dù kinh tế hoàn toàn lệ thuộc vào nước CS có chung đường biên giới này ? Phải thành thực thừa nhận rằng TQ chưa bao giờ lũng đoạn được Bắc Triều Tiên cho dù cái đất nước man rợ này nằm sát nách TQ và cùng chung chế độ CS. Vậy thì điều gì xảy ra cho Bắc Triều Tiên khi đột nhiên Kim thay đổi thái độ và chính sách đối ngoại một cách triệt để bằng cam kết chấm dứt các hoạt động hạt nhân vì mục đích quân sự của mình ? Lý giải điều này ra sao ? Thế là đột nhiên, về quân sự, TQ mất đi một vùng đệm và một đồng minh tin cậy , một loại “ đầu gấu “ có thể dùng để đe dọa các quốc gia khác nếu cần thiết. TQ cũng chưa bao giờ chi phối được chính phủ Bắc Triều, càng không có chuyện cài cắm người vào bộ máy này. Nói cách khác, TQ tuyệt đối không chi phối được nhà nước và chính phủ của Kim. Thế còn ở VN ? Những cái đầu VN già dặn lọc lõi có đủ cách thức để luồn cúi và để tham nhũng, trộm cắp của đất nước cho riêng mình thì nem nép sợ Tàu một phép. TQ nuôi dưỡng chế độ này nhưng trong bụng họ thì khinh. Khinh quá đi chứ,bảo gì nghe đó cấm có dám cãi, làm sao bén gót chú Kim được ? Ra vậy, bây giờ mới rõ mặt hào kiệt. Ẩn nhẫn ăn đói mặc rách, ăn cỏ cũng được, miễn là đất nước đủ mạnh để không ai còn bắt nạt được rồi sẽ “ cởi trói “ cho dân chúng làm ăn, để ngẩng mặt với thế giới. Bây giờ ai mà còn dám coi thường Kim nữa ? Có ai trong hàng ngũ lãnh đạo của VN từ trước đến nay dám so sánh với Kim không vậy ? Trong tháng bảy vừa qua Bắc Triều đã trao trả 55 hài cốt của lính Mỹ và cũng đã đồng ý trao cho Mỹ khoảng 200 bộ hài cốt lính Mỹ còn lại đã tử trận trong chiến tranh Nam Bắc Triều Tiên thế kỷ trước. Xin chúc mừng cho họ.

Trong cuộc họp giữa TT Nga Putin tại Helsinsky ( Phần Lan ) ngày 16/7 vừa qua, TT Mỹ Trump đã cùng với ông Putin trao đổi một số vấn đề, nhưng chỉ là những tương nhượng nhỏ như vấn đề Crimea thuộc Ukraine trước đây. Trên thực tế, Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 và hành động này đã khiến cho mối quan hệ giữa Nga và phương Tây rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi chấm dứt thời kỳ chiến tranh lạnh. Trên thực tế, Nga không có tham vọng lãnh thổ vì vùng Crimea thuộc lãnh thổ của Liên Bang Sô Viết cũ. Mỹ lại càng không. Putin chưa từng bao giờ dùng đủ mọi thủ đoạn như kiểu TQ đang làm để xâm chiếm từng phần đất đai và tài nguyên của quốc gia khác. Nói cách khác, Putin hiện nay không có gì để phải bảo vệ hay che chắn cho Tập. Quyền lợi chung không có mà cũng không lớn. Chế độ chính trị của hai bên cũng đã khác. Ngài Tổng Thống có máu quân phiệt gốc KGB này giữ vững được cái ghế Tổng Thống ở Nga vào những năm tháng sắp tới e cũng đã khó. Mới đây, Raoul Castro, em của Fidel Castro tại Cuba cũng đã công khai từ bỏ học thuyết Mác Xít.Trên quy mô toàn thế giới, Tàu Cộng với dã tâm của mình tuyệt đối không có bất cứ một đồng minh nào, trước đông đảo các quốc gia khác đã liên kết lại với nhau để chống lại các dã tâm chính trị của Tàu Cộng. Kết cục ra sao không cần phải bàn thêm nữa.

TÀU…

Qua hai đời Tổng Thống Bill Clinton và Obama, TQ đã có một thời gian “ vàng “ để rảnh tay củng cố một số các thế mạnh của mình. Bằng các thủ đoạn sao chép các phát minh kỹ thuật mới của các nước tiên tiến cùng các phương pháp “ bá đạo “ khác, TQ dần nổi lên như một thế lực đáng gờm ở phía Đông, cả về kinh tế lẫn sức mạnh quân sự. Tung tiền đầu tư khắp thế giới, đặc biệt ở các nước nghèo đói thuộc Châu Phi mà hầu như không kèm theo các điều kiện đặc biệt nào thuộc về nhân quyền, TQ dần dần trở thành một nhân tố không thể thiếu tại những quốc gia kém phát triển. Cùng với các nhà máy của mình, lực lượng lao động TQ cũng đã tỏa khắp thế giới, hình thành các khu riêng biệt tại các quốc gia sở tại mà chính quyền địa phương không có cách nào để kiểm soát một cách hiệu quả. Như hàng ngàn năm trước,các nhà nước TQ luôn nghĩ về cái lợi của họ trước nhất. Không một quốc gia nào nhận được một số “ ưu ái “ của TQ mà không kèm theo các điều kiện chết người khác. Các “ đặc khu “ ở VN, nếu đối tượng không là người TQ thì là ai ? Cái điều mà họ thực sự muốn ở các “ đặc khu “ đó đâu phải chỉ là những xấp đô la do công việc làm ăn mang lại mà là những điều khủng khiếp hơn nhiều. Chẳng có cơ sở nào họ cũng đã chiếm biển Đông của chúng ta và ở lì nơi đó, nói gì tới việc mở các “ đặc khu “ rồi mời Phượng Hoàng vào làm tổ như cách nói của bọn bán nước ! Cái giàn lâu la cấp nhà nước ăn theo mở hết công suất các bộ phận tuyên truyền cho các chương trình này để chuẩn bị cho năm 2020, năm mà Hiệp Ước Thành Đô chính thức có hiệu lực. Nếu có sự chống đối nào từ phía dân VN, người viết bài này tin rằng bọn Việt gian sẽ không ngần ngại gì lặp lại một Thiên An Môn ngay tại VN để dập tắt sự đối kháng có sự bảo kê của Tàu Cộng. Ngay cả những cái ghế quyền lực mà các quan chức VN đang ngồi, nếu TQ không “ gật “ thì không bao giờ họ ngồi vào được cả. Nói cách khác, TQ chi phối một cách triệt để chính trường tại VN. Nhưng mọi việc đã đổi khác từ khi cuộc chiến tranh thương mại Trung Mỹ bắt đầu.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên nhậm chức Tổng Thống của ông D. Trump, ngày 6/7 năm nay, Mỹ công bố gói thuế đầu tiên là 25% trên cámặt hàng nhập khẩu từ TQ có giá trị 50 tỷ. TQ đáp trả bằng cách nâng thuế suất tương tự trên một số các hàng hóa từ Mỹ nhập vào TQ có giá trị tương đương.

Đến đầu tháng 8 năm nay, TT Trump lại yêu cầu xem xét việc tăng thuế từ 10% đến 25% đối với số hàng hóa trị giá 200 tỷ từ TQ nhập vào Mỹ , bao gồm một số hàng nông sản và hàng gia dụng. Cũng sắp tới đây, ngày 23/8 năm nay, có thêm 279 mặt hàng có tổng giá trị là 16 tỷ đô từ TQ nhập khẩu vào Mỹ cũng sẽ chịu thuế áp tương tự, nghĩa là 25%. Tổng giá trị hàng hóa giao dịch thương mại và dịch vụ giữa Mỹ và TQ là khoảng 650 tỷ đô một năm, – được xem là quan hệ thương mại song phương lớn nhất thế giới – tuy nhiên thâm hụt mậu dịch giữa nhập siêu và xuất siêu của 2 nước cách nhau rất xa. Thâm hụt mậu dịch xảy ra khi kim ngạch nhập khẩu cao hơn xuất khẩu. Theo số liệu của Ủy Ban Nghiên Cứu Kinh Tế Chiến Lược Mỹ- Trung thì năm 2016, mức thâm hụt mậu dịch của Mỹ với TQ là 347 tỉ. Năm 2017 tăng lên thành 375.2 tỉ. Cán cân thương mại ( Trade balance ) nghiêng hẳn về phía TQ, nguyên tắc vàng “ Win- Win “ ( đôi bên cùng có lợi ) đã bị lệch một cách đáng kể. Cho đến nay,thị trường khổng lồ TQ không có chổ cho các công ty công nghệ cao của Mỹ như Facebook hoặc Google. Các hãng xe hơi như Ford, General Motors phải hoạt động ở TQ dưới dạng liên doanh. Thêm vào các sự chèn ép này, các vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, sức ép chuyển giao công nghệ sản xuất hoặc các ưu đãi quá mức mà TQ dành cho các doanh nghiệp bản địa làm cho các đối tác thương mại của họ bất bình. Chính sự cạnh tranh rất không lành mạnh này, cái tư duy thương mại “ ao làng “ này mà TQ sẽ không được công nhận là một nền kinh tế thị trường và tất nhiên, sẽ không có sự ưu đãi nào trong cuộc cạnh tranh thương mại bình đẳng. Kết quả nhãn tiền là sự đầu tư của các doanh nghiệp TQ vào thị trường quốc tế sẽ khó khăn hơn, chưa tính đến một nhà nước CSTQ lúc nào cũng tung điệp viên rình mò ăn cắp các công nghệ tiên tiến và các bí mật thuộc về quốc phòng. Nếu cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và TQ tiếp diễn, bên tổn thất chắc chắn sẽ là TQ Trong khi lượng hàng hóa Mỹ xuất sang TQ chỉ chiếm không đầy 1% GDP Mỹ và khoảng 8% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Mỹ trên toàn thế giới thì xuất khẩu của TQ sang Mỹ chiếm đến 40% GDP TQ và lên đến 20 % tổng giá trị xuất khẩu của quốc gia này ( Theo các số liệu của Ủy Ban Nghiên cứu kinh tế chiến lược Mỹ Trung ) Rất rõ, TQ cần thị trường của Mỹ cho nền kinh tế của mình nhiều lần hơn là Mỹ cần đến TQ. Chỉ riêng mặt hàng sắt thép, khi chính phủ của ông Trump loại bỏ các nước EU, Hàn, Úc, Nhật, Mexico khỏi danh sách các nước bị áp thuế trong mặt hàng này, số lượng nhôm và thép có xuất xứ từ TQ ( kể cả thép Formosa đi đường vòng ) chỉ chiếm 2% tổng mức tiêu thụ ở Mỹ. Sự sụt giảm giá chứng khoán những ngày đầu tiên áp thuế của chính phủ Trump với các công ty sản xuất mặt hàng này ở các nước EU, Nhật , Úc, Hàn v.v. chỉ là phản ứng nhất thời của thị trường và họ sẽ dễ dàng phục hồi các giá trị tài chính cũ, thậm chí có thể gia tăng sau khi các đối tượng này không còn trong danh sách bị áp thuế hay thay đổi sự áp thuế bằng các tương nhượng kinh tế linh hoạt khác giữa các “ bạn hàng “ truyền thống có những lợi ích chung : Chống lại sự xâm lược mềm của TQ. Không xuất khẩu được do bị áp thuế cao, hàng hóa đình đốn dẫn đến tê liệt sản xuất và kéo theo sự tê liệt xã hội. Tương lai kinh tế ảm đạm của TQ đang ngày càng rõ và trước mắt chưa thấy có điểm dừng lại – chỉ riêng về kinh tế thôi – từ phía ông Trump. Nhưng thực sự ông Trump đang hướng tới cái gì ? Chỉ là sự công bằng về thương mại cho các bên có liên quan thôi sao ? Chắc chắn không phải chỉ có thế. Người viết bài này có cùng một nhận định như rất nhiều các cá nhân và tổ chức khác nhau : Mục tiêu tối hậu của Tổng Thống Donald Trump là đánh sập một Táu Cộng ôm giấc mộng bá chủ thế giới và giấc mơ đó sẽ thành hiện thực không bao lâu nữa nếu không ngăn ngừa kịp thời. Vào đầu tháng Tám năm nay, luật Ủy Quyền Quốc Phòng NDAA của Mỹ được được Quốc Hội thông qua. Con số 716 tỷ đô la được QH Mỹ chuẩn chi cho các hoạt động quốc phòng với các nội dung cứng rắn nhất của Hoa Kỳ từ trước đến nay với TQ. Quỹ NDAA cung cấp tài chính cho các hoạt động quân sự bao quát hầu hết các vấn đề khu vực và quốc tế, các diễn tập phòng thủ tên lửa tại khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, tập trận và hợp tác quân sự với các quốc gia thuộc “ Tứ Giác Kim Cương “ ( Mỹ Nhật Ấn Úc ) đồng thời không cho phép TQ tham dự vào các cuộc diễn tập Hải Quân lớn nhất thế giới Rimpac ( Rim of Pacific ) cho đến khi nào TQ từ bỏ các hoạt động quân sự hóa biển Đông và di chuyển vũ khí ra khỏi các đảo nhân tạo mà TQ bồi đắp trái phép. Tất cả những sự kiện này không khác mấy với hành vi tuyên chiến trực tiếp của Mỹ đối với TQ. Hiện nay, cùng với những hoạt động quân sự hung hăng o ép bất chấp luật lệ quốc tế trên biển Đông của TQ và những âm mưu chính trị đội lốt kinh tế ở Châu Phi và nhiều quốc gia khác, thủ đoạn dùng bẫy nợ để chiếm đoạt đất đai như ở Sri Lanka của Bắc Kinh đã làm chân dung một kẻ xâm lược dần dần hiện rõ. Thế giới đang đứng trước những nguy cơ chiến tranh làm đảo lộn trật tự quốc tế và sự an toàn của nhân loại. Đất nước và con người văn hóa nhiều ngàn năm của TQ đã bị phá nát vào cái ngày Mao Trạch Đông long trọng tuyên bố với toàn thế giới rằng Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949, nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên ở phương Đông.

…VÀ TA

Sau khi CS Liên Sô sụp đổ vào năm 1991, CSVN hoàn toàn không còn chổ dựa. Chủ trương thân Nga của họ đã bị phá sản và trước nguy cơ sụp đổ toàn diện, họ buộc phải có một thế lực chính trị để dựa dẫm hầu bảo đảm cho sự tồn tại của mình. Còn ai khác ngoài TQ ? Cho dẫu phải dựa vào TQ cho cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam của mình, cho dù TQ không tiếc nhân lực và tài lực để giúp đỡ cho CS ( đồng thời cũng là cho chính mình ) nhưng trong hàng ngũ lãnh đạo cao nhất miền Bắc thời bấy giờ đều hiểu rằng về lâu về dài, qua các bài học lịch sử để lại thì bao giờ TQ cũng là mối nguy gan ruột của đất nước. Ngoài mặt thì hòa hoãn nhưng bên trong họ đã chọn phương pháp “ viễn giao cận công “, duy trì mối quan hệ hữu hảo với CS Liên Sô để ngấm ngầm đối kháng sự chi phối của TQ. Sau 1975, hàng núi tiền vàng, hàng núi hàng hóa tiêu dùng, hàng núi nông sản thực phẩm , hàng núi chiến lợi phẩm đã dùng vào việc trả nợ cho TQ trong việc TQ đã viện trợ CSBV đánh chiếm miền Nam. Nhưng trả làm sao cho đủ với sự tham lam vô độ của TQ ? Chính sách đối ngoại thân Nga của CSVN làm Đặng Tiểu Bình điên tiết nguyền rủa lũ “ phản bội “ và đem quân tấn công 6 tỉnh miền Bắc. Phía biên giới Tây nam, Đặng dùng lực lượng Pol Pot để phá rối. Áp dụng kế “ Vây Ngụy cứu Triệu “, Nga lập tức điều quân đến phần biên giới giáp ranh với TQ và sự gia tăng áp lực quân sự này buộc Đặng phải từ bỏ ý đồ “ dạy cho VN một bài học “. Nhưng cũng từ đó, các vấn đề nội bộ của CS Liên Xô bắt đầu xuất hiện. Sự phân hóa trong hàng ngũ CS Liên Sô cùng với ý chí thoát ly của những dân tộc bị sáp nhập vào liên bang Sô viết sau Đệ Nhị Thế Chiến, sự thối nát và bất tài trong lãnh vực điều hành đất nước theo kiểu Mác Xít và nhiều yếu tố khác, kể cả các tác động của phương Tây trong thời chiến tranh lạnh đã dẫn đến sự sụp đổ toàn diện của Liên Sô. Một loạt các nước trong cộng đồng Liên bang Sô viết tuyên bố độc lập, bản đồ địa chính trị thế giới đã thay đổi một cách triệt để. Nhà nước CSTQ kế thừa những kinh nghiệm trong việc sụp đổ của liên bang Xô Viết trở nên tinh vi hơn, sắt máu hơn trong việc cai trị một đất nước mênh mông hơn một tỷ dân này. Các thành tựu đáng kể về kinh tế lẫn quân sự làm cho vị trí của họ chắc chắn hơn dưới mắt của cộng đồng quốc tế dẫu rằng phương tây thừa biết gan ruột của tên Đại Hán này, do đó trong các tương quan chính trị chồng chéo vẫn một mực “ “ kính nhi viễn chi “. Các thời Tổng Thống tiền nhiệm trước ông Trump được thừa hưởng cái không khí yên bình giả tạo có phần công rất lớn của Tổng Thống Ronald Reagan trong việc Liên Bang Xô Viết sụp đổ. Các TT Mỹ gần đây như Bill Clinton, Barack Obama đã bỏ ra một thời gian rất dài cưỡi ngựa xem hoa trong nhiệm kỳ của mình và TQ đã tận dụng thời cơ này. Sự trỗi dậy của con rồng đỏ phương Đông với các hành vi tung hoành như chốn không người trên biển Đông đã làm cho quốc tế giật mình. Vị tân TT của nước Mỹ , ông Donald Trump khi mới vửa đắc cử hẳn đã làm Tập Cận Bình hả hê. Xuất thân là một doanh nhân, không hề có kinh nghiệm về chính trị mà đấu đá với Tập thì cầm bằng như chết không kịp ngáp, hẳn Tập đã nghĩ thế. Nhưng mọi việc diễn ra theo cách mà không một cái đầu lỗi lạc nào, dù từ phương Đông hay phương Tây có thể hình dung ra : Triều Tiên ký kết một văn bản giải trừ vũ khí hạch tâm với Mỹ, một việc mà bao đời TT Mỹ trước đây nằm mơ cũng không thấy nổi. Tất nhiên, việc này xảy ra do nhiều yếu tố tác động liên hoàn đến nhau, kể cả yếu tố quyết định nhất từ ông Kim Young Un. Dẫu vậy, việc TT Mỹ Donald Trump trong thời gian đầy các biến động cực kỳ nguy hiểm này đã hóa giải một cách nhẹ nhàng, không tốn kém gì trong năm đầu của nhiệm kỳ là một điều làm cho cả thế giới sửng sốt. Ông nhẹ nhàng khóa tay anh Đại Hán, giảm thiểu các mối nguy hiểm có thật mà anh này đang gây ra cho cả thế giới một cách ung dung. Con gấu Nga thì đang bằng lòng với cái chuồng của mình, chẳng muốn cắn ai cho sinh chuyện. Chẳng ai đoán được ông Trump sẽ làm gì tiếp theo. Trong lúc này thì ở VN đang diễn ra kế hoạch cho mướn 3 đặc khu ở các vùng quan yếu mang tính chiến lược trên đất nước. Cho dẫu một đứa con nít cũng không tin là có một nước nào khác không phải là Tàu Cộng vào mướn các nơi này, việc này khỏi bàn thêm. Kế hoạch xong rồi, kể cả các kế hoạch thật và ảo để che mắt dân chúng. Sang năm thì cấm luôn các mạng xã hội khác như Google, còn Facebook sẽ chịu sự kiểm soát chặt chẽ từ phía nhà nước. Coi như dân VN mù mắt, điếc tai và cả bị câm nữa. Chẳng ai biết điều gì đang xảy ra, không nghe gì, không thấy gì. Chỉ còn chờ anh bạn vàng rót tiền vào “ đầu tư “, còn tiền mà “ anh ấy “ dấm dúi cho riêng thì đã gửi nhà băng an toàn rồi. Đất đai đã mua, chỉ chờ cho anh bạn “ phe ta “ đền bù với giá ngất ngưỡng so với mấy đồng bạc quèn vứt cho bọn “ quản chế “ để cướp đất của dân. Thế nhưng họa vô đơn chí, anh bạn vàng nọ lại đột nhiên lâm vào cảnh đại biến, trên đấu trường chính trị quốc tế anh ta đang bị đòn túi bụi, mở mắt ra còn không xong lấy đâu mà nhìn thấy thằng em đang há hốc mồm kinh ngạc vì té ra ông anh tưởng ngon lành đến thế mà mới lãnh vài quả đấm của lão lái buôn đã xiểng niểng. Lão lái buôn thì đang ung dung ra đòn, chẳng có chút dấu hiệu mệt mỏi nào lại đang được chung quanh reo hò cổ vũ tiếp sức. Xem ra vào lúc này, tương lai của ông anh bạn vàng bốn tốt đang ảm đạm quá đỗi.

… Tương lai ông anh rõ là đang ảm đạm lắm lắm. Những kế hoạch cùng nhau bàn tính chia chác e không xong rồi, người tính không bằng trời tính. Chưa chừng cái mạng còn không giữ được. Nhưng cái khó nhất, quyết định nhất lại không có hướng giải quyết. Rồi anh em nhà nó dắt nhau chạy đi đâu đây ? Mà giả định như chúng nó chạy được thì ai chứa chúng nó ? Ông anh mà ngã thì chắc chắn thằng em ngã theo. Mà chưa chừng thằng em lại là người đá ông anh trước, nó vốn là thằng trước sau bất nhất, nói một đàng làm một nẻo, nó đá ông anh nó trong lúc sa cơ để ra cái điều với bàn dân thiên hạ rằng nó trước đây bị o ép, nay có thời cơ thì nó…vùng lên chống lại. Đến nông nỗi thế này thì chết mất ! Mọi chuyện đâm ra hỏng bét không làm sao sửa chữa được nữa.

Xin được mượn hai câu thơ của cụ Nguyễn để kết bài viết:
“ Trót rằng tay đã nhúng chàm

Dại rồi còn biết khôn làm sao đây ? “

Như Không
Tháng 8, 2018
http://nguoivietboston.com/?p=41719

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn