Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ và nỗi lo của lão Hâm

Thứ Bảy, 18 Tháng Tám 20188:00 CH(Xem: 5463)
Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ và nỗi lo của lão Hâm

Phan Chi

Tác giả bài viết tự nhận là “lão Hâm”, nhưng tôi nhận thấy ông hoàn toàn tỉnh táo và nhạy bén; hơn nữa, có lẽ còn là người đã có thâm niên nghiên cứu Trung Quốc?

Là người từng có chút điều kiện và thời gian tiếp cận vấn đề Trung Quốc, tôi rất đồng tình ý kiến của tác giả. Tôi cũng thấy TQ nhiều thứ khác biệt với thế giới bên ngoài, nhất là về tư duy chính trị của những người nắm quyền ở TQ xưa nay. Với cái bệnh thâm căn truyền đời là luôn đề cao ý tưởng ‘trị quốc, bình thiên hạ’, họ có những hành xử nghe ra thật kì quặc, có vẻ khó hiểu. Ví dụ, họ luôn sử dụng bài bản “chọc ra bên ngoài để yên bên trong”. Nghĩa là, khi trong nước xuất hiện cơn khủng hoảng gần như đổ vỡ đến nơi thì trước hết, họ không bao giờ lo tìm nguyên nhân nội tại để cố gắng giải quyết, khắc phục… Trái lại, họ liền tìm cớ gây ra một cuộc xung đột vũ trang ở một điểm nào đó trên biên giới, hoặc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải với một nước láng giềng. Thế rồi họ la làng la nước ầm ỹ lên, họ kêu gọi toàn dân tập trung tinh thần “căm thù giặc ngoại xâm, chung sức bảo vệ Tổ quốc”… Họ làm cho dân nước họ quên đi nỗi đau, nỗi khổ do những sai lầm, thất bại trong chính sách đối nội sinh ra đang như quả núi đè lên đầu mình. Họ đổ hết lỗi cho “giặc ngoại xâm”…

Lãnh đạo TQ còn luôn sử dụng bài bản chiến tranh kiểu đó như người làm xiếc ảo thuật để đạt những mục tiêu “bất khả cáo nhân” khác nữa. Nhiều thủ thuật chính trị ly kỳ Made in China ngày nay vẫn có thể đọc vị ra từ trong sách vở lâu đời của TQ như Binh pháp Tôn Tử, Tam quốc chí, Thủy hử, Đông Chu liệt quốc…  đã được lưu truyền rộng rãi từ lâu ở TQ và thế giới. Để phán đoán được các động thái của cầm quyền TQ, rất nên tìm hiểu kĩ các sách vở cổ truyền đó (Bản thân tôi đã hơn một lần kêu gọi các vị “chưa lú hẳn” trong lãnh đạo Việt Nam đọc các sách đó để thêm hiểu về đối tượng của mình, chẳng biết họ có chịu nghe không?).

Vì nhận thức về TQ như trên, nên tôi cho rằng sự lo ngại của “lão Hâm” là có thật. Vấn đề là lãnh đạo Việt Nam có nhận thấy thế hay không? Nếu đã thấy thì hóa giải nguy cơ bằng cách nào? Còn cách nào khác là “gan góc đứng về phe đồng minh” như khi xưa Việt Nam ta đã từng đứng về phe đồng minh chống phát xít? Và còn cách nào khác cao hơn nữa là đứng hẳn về phía Nhân dân để phát huy sức mạnh của truyền thống yêu nước!

Nguyễn Nguyên Bình

Trước hết phải nói rằng hơn ai hết, chúng ta không muốn thế giới có chiến tranh, chiến tranh quân sự hay thương mại gì cũng đều là chiến tranh. Trâu bò húc nhau thắng hay thua đều sứt đầu mẻ trán. Gà vịt chó mèo cũng có cơ bị vạ lây.


Chúng ta mong mỗi đất nước đều thịnh vượng, dân chúng sung túc và tự do. Mỗi nước là một miếng da trên cơ thể loài người, từng miếng da mạnh khoẻ thì cả cơ thể khoẻ đẹp.

Một số bạn tỏ ra phấn khởi thấy Mỹ đang tiến hành cuộc chiến thương mại chống Trung Quốc. Tôi lại hơi lo lo.

Nước Mỹ lại một lần nữa thức tỉnh, giống như đã thức tỉnh vào cuối cuộc chiến tranh Việt Nam (theo cách gọi của Mỹ) rằng cuộc chiến đó là vô vọng đối với Mỹ. Để đối phó với CNCS còn có những phương sách ít tốn kém hơn, trong đó có việc chia rẽ Liên xô và Trung Quốc bằng cách Mỹ lôi kéo hữu hảo với Trung Quốc.

Lần thức tỉnh mới này, ngược lại, Mỹ nhận ra rằng Trung Quốc chỉ lợi dụng thị trường và công nghệ hiện đại của Mỹ để phát triển kinh tế XHCN màu sắc Trung Quốc, chứ không hề phát triển kinh tế thị trường tự do theo mô hình mà Mỹ mong muốn. Hơn thế nữa, Trung Quốc trực tiếp đe doạ soán ngôi nền kinh tế lớn mạnh nhất thế giới của Mỹ, đồng thời phế truất Mỹ khỏi “nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội loài người”. Nói một cách khác, nếu không kịp thời ngăn chặn chủ nghĩa bá quyền Trung Hoa thì nước Mỹ sẽ sớm tụt xuống vị trí thứ yếu trên bản đồ địa chính trị thế giới.

Chính quyền Trump đã chính thức coi Trung Quốc là kẻ thù.

(Ngày 1/8, Thượng viện Mỹ thông qua Luật Ủy quyền Quốc phòng Mỹ, viết tắt là NDAA. Trong dự luật này, ngân sách Mỹ chi cho quân sự Mỹ năm 2019 là 719 tỉ USD, nhiều hơn các năm trước.

Nội dung là số tiền ngân sách năm tới dành cho chi tiêu quốc phòng của nước Mỹ và tên các khu vực trên thế giới mà nước Mỹ quan tâm tăng cường hoạt động quân sự hay những vấn đề liên quan đến hoạt động quân sự, trong đó chính thức coi TQ là kẻ thù.

Quốc hội Mỹ tuyên bố các hoạt động của Bắc Kinh trên Biển Đông thậm chí “đe dọa tới các lợi ích cốt lõi” của Washington.

“Quốc hội Mỹ nhận thấy rằng tốc độ và quá trình quân sự hóa do chính quyền Trung Quốc thực hiện liên quan tới các hoạt động bồi đắp trên Biển Đông đang gây bất ổn cho an ninh của các đồng minh cũng như các đối tác của Mỹ”.)

Có thể kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc, thị trường chứng khoán lao dốc. Các phe phái trong nội bộ Đảng CSTQ sẽ lục đục, chính trị Trung Quốc chao đảo. Song để suy yếu thì còn lâu, để hết ý đồ chiếm lĩnh Biển Đông cũng còn rất lâu.

Lão Hâm tôi e ngại:

– Lịch sử cho thấy hễ mỗi khi nội bộ Trung Quốc có vấn đề họ thường tháo van áp lực bằng cách gây chiến tranh biên giới với các nước láng giềng.

– Trung Quốc càng tìm mọi cách khống chế đường lối chính trị và ngoại giao của Việt Nam, quốc gia còn nhiều điểm tương đồng hệ thống chính trị.

Tóm lại nếu không tỉnh táo và khôn ngoan lường trước thì chúng ta sẽ rất bị động.

Muốn viết một cuốn sách “Trung Mỹ đánh nhau và nhiệm vụ của chúng ta” nhưng không đủ sức!

(Bài viết này không có ý chống lại các bạn đang vỗ tay hoan hô Mỹ gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc).

FB Phan Chi

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn