Lật tẩy Trung Quốc

Thứ Hai, 30 Tháng Bảy 20184:00 CH(Xem: 6069)
Lật tẩy Trung Quốc

Thứ Sáu tuần qua, chính phủ New Zealand, trong nỗ lực nhằm cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại quan trọng nhất của họ, và với hai đồng minh truyền thống là Úc và Hoa Kỳ đã quyết định nghiêng hẳn sang hai đồng minh, sau khi đưa ra tuyên bố về ngân sách mới cho quốc phòng và bản báo cáo chiến lược dùng những lời lẽ có phần nào nhắm chỉ trích Trung Quốc.

lat-tay-trung-quoc2
Trung Quốc chỉ là những “mảnh ghép” dễ vỡ – nguồn GettyImages

Trong phần bình luận về Trung Quốc trong Bản báo cáo Chính sách Chiến lược của Bộ Quốc phòng New Zealand đưa ra hôm 6 Tháng 7 trước đó được mô tả là tương đối nhẹ nhàng và cũng đưa vào đó một vài điểm nhận định tích cực về vai trò quốc tế của Trung Quốc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, điểm đặc biệt gây chú ý trong bản báo cáo là sự đoạn tuyệt trong chính sách ngoại giao trước đó của chính quyền Wellington là thường rất cẩn trọng để tránh không làm mất lòng chính quyền Trung Quốc, lần này họ đã không còn xem Bắc Kinh như là một “đối tác chiến lược quan trọng.”

Hôm mùng 9 Tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Ron Mark tuyên bố New Zealand sẽ mua bốn máy bay tuần tra của Boeing loại P-8A Poseidon có khả năng săn tàu ngầm trị giá $1.6 tỷ. Một trong những lý do chính Mark đưa ra cho việc mua bán trên là vì loại máy bay này có khả năng hoạt động trong những sứ mệnh chung với những quốc gia đồng minh như Úc, Hoa Kỳ và Canada.

Kể từ đầu năm nay, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Winston Peters cũng đã nhiều lần bắn tín hiệu cho biết New Zealand cần phải đưa ra  một chính sách mới cho phù hợp với tình hình thay đổi quá nhanh trong vấn đề an ninh khu vực.

Trong mấy năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố và nhận chủ quyền trong nhiều địa điểm ở khu vực Thái Bình Dương đã làm cho sự căng thẳng về ngoại giao ngày càng tăng cao với các quốc gia láng giềng cũng như với Hoa Kỳ, và một số hành động của họ đã đưa đến những thách đố đối với trật tự thế giới hiện nay.

Bản báo cáo quốc phòng của New Zealand cũng đã nhắc đến điểm này và nói rõ: “Trung Quốc đã bành trướng sự hiện hữu quân sự và tuần tra của họ trong những khu vực biển đang có tranh chấp ở Á châu. Trung Quốc cũng đã ngang nhiên xác định rằng họ sẽ không tuân thủ phán quyết của Toà án Trọng tài Quốc tế về pháp lý trong việc công nhận chủ quyền.”

lat-tay-trung-quoc
Những đảo quốc Nam Thái Bình Dương nhận viện trợ từ Trung Quốc – nguồn Viện Lowy

Bản báo cáo trên được đưa ra chỉ sáu tuần sau khi Winston Peters thăm Trung Quốc và tuyên bố về một thoả thuận tự do thương mại giữa hai quốc gia. Kể từ khi hai nước ký kết thoả thuận tự do thương mại vào năm 2008, Trung Quốc đã thay thế Úc để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của New Zealand và việc xuất cảng qua Trung Quốc mỗi năm của New Zealand đã tăng gấp sáu lần với trị giá lên đến $8.3 tỷ. Trong khi đó thì các nhà đầu tư Trung Quốc ngày càng đổ thêm tiền để mua nhà cũng như đất nông nghiệp của New Zealand làm dấy lên nỗi lo ngại về sự ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc không chỉ trong các giới chức chính quyền mà ngay cả người dân New Zealand cũng thế.

Năm ngoái nổ ra một cuộc tranh luận trong nội tình chính trị New Zealand đã có lúc trở nên dữ dội về một nhân vật có tên Dương Kiện (Jian Yang), một dân biểu trong Đảng Quốc gia thuộc cánh trung hữu đang cầm quyền lúc đó. Dương Kiện từng làm việc 10 năm cho cơ quan gián điệp của quân đội Trung Quốc trước khi rời nước trong thập niên 1990 và sau đó trở thành công dân New Zealand năm 2004. Y bị cáo buộc là đã tìm cách vận động các bộ trưởng cho hủy bỏ phần điều tra an ninh cá nhân trong một đơn xin việc cho bộ quốc phòng New Zealand.

Dương Kiện nằm trong số khoảng 60 triệu công dân và những người có gốc gác Trung Quốc đang sống rải rác khắp thế giới. Kể từ khi Trung Quốc cho tiến hành cuộc cải cách kinh tế năm 1978, một số đông công dân của họ đã di dân tới nhiều quốc gia như Canada, Úc, New Zealand và Âu châu, thường là nhập cư theo diện sinh viên và nhà đầu tư. Nói chung, đa phần họ là những người chăm chú làm ăn và tìm cách hội nhập vào xã hội mới, tuy nhiên có một số không nhỏ vẫn bày tỏ lập trường ủng hộ Đảng Cộng sản và chính quyền Trung Quốc. Một thí dụ là các đại học ở Úc đã từng phải đối diện với áp lực từ các nhóm sinh viên Trung Quốc về một tấm bản đồ đã không công nhận đường lưỡi bò và một số vị trí khác mà Trung Quốc tự nhận chủ quyền, các nhóm sinh viên này cho đó là sự xúc phạm đến quê mẹ của họ.

Những cáo buộc về nhân vật Dương Kiện đã gây nên phản ứng sửng sốt trong dư luận vượt ra ngoài biên giới New Zealand. Hiện đang có quan ngại cho rằng một số tin tức bí mật được chia sẻ theo một thoả ước về liên minh tình báo giữa năm quốc gia – Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada, Úc và New Zealand – có thể đã bị rò rỉ và trao cho tình báo Trung Quốc.

Một sự kiện không hẳn là ngẫu nhiên là vào đầu Tháng 6 vừa qua, 12 thượng nghị sĩ của Hoa Kỳ đã gửi một lá thư tới các giới chức cao cấp trong chính phủ của Tổng thống Donald Trump, kêu gọi Washington cần phải đưa ra một chiến lược cần thiết để đối phó với sự ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng lớn mạnh tại nhiều quốc gia Tây phương. Lá thư nêu ra một số nỗ lực từ phía chính quyền Trung Quốc để tìm cách gây ảnh hưởng lên một số chính trị gia ở các nước thuộc Liên Âu, cũng như sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nhiều quốc gia nhỏ khác mà ngày càng bị lệ thuộc vào những món tiền cho vay và đầu tư quan trọng từ Trung Quốc.

lat-tay-trung-quoc1
Tranh hí họa ảnh hưởng của Trung Quốc lên chính trường Úc – nguồn The Economist

Trong số những người ký vào lá thư trên có Thượng nghị sĩ Marco Rubio, một trong những tiếng nói chỉ trích Trung Quốc mạnh nhất, đã kêu gọi các viện đại học ở Mỹ hãy chấm dứt những chương trình hợp tác được sự bảo trợ của Bộ Giáo dục Trung Quốc. Một trong những chương trình hợp tác đó là cho thành lập những Viện Khổng Tử ngay trong khuôn viên của đại học mà theo Rubio thì đây chỉ là những cơ sở gián điệp trá hình được sử dụng làm nơi để đánh giá và nhận diện những sinh viên nào có tiềm năng có thể trở thành “những nhân tố tạo ảnh hưởng cho Trung Quốc” và cảnh báo rằng việc thành lập những viện này nằm trong một phần chiến lược bành trướng ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Một sự trùng hợp là cuối Tháng 6 vừa qua, quốc hội Úc đã ban hành một đạo luật về an ninh quốc gia cấm chỉ sự can dự của nước ngoài vào nội tình chính trị Úc, và đưa việc làm gián điệp công nghệ cho nước ngoài vào trong danh sách thuộc về tội hình sự và sẽ bị trừng trị nặng nề nếu bị buộc tội.

Theo một phúc trình của cơ quan truyền thông độc lập, trong khoảng thời gian từ 2013 đến 2015, nhiều công ty Trung Quốc đã quyên góp khoảng $4.2 triệu cho các đảng chính trị lớn của Úc, và đã đưa Trung Quốc lên thành quốc gia tài trợ mạnh nhất trong các sinh hoạt chính trị ở Úc.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc vẫn thường đưa món mồi viện trợ kinh tế để thuyết phục các đảo quốc nhỏ nằm trong khu vực Nam Thái Bình Dương chịu liên minh và ủng hộ họ khi có những tranh chấp ngoại giao quốc tế.

Theo Viện nghiên cứu Lowy của Úc, trong khi Úc và Nhật Bản mở vòng tay hào hiệp viện trợ miễn phí cho những đảo quốc này thì Trung Quốc cho họ vay tiền với phân lời. Những đảo quốc với ngân sách hạn hẹp như Samoa, Vanuatu và Tonga sau khi mượn thoả thích mới nhận ra rằng những món tiền trả nợ sau đó đã trở thành gánh nặng cho ngân sách quốc gia – và nếu như không trả nổi thì bắt buộc phải nhượng bộ cho những đòi hỏi khác của Bắc Kinh.

Một ví dụ điển hình là vào đầu năm nay, quốc gia Sri Lanka đã phải nhượng lại phần sở hữu bến cảng Hambantota của họ cho Trung Quốc trong 99 năm – y như hình thức một đặc khu kinh tế – vì không trả được nợ. Nhiều người còn nghi ngờ Trung Quốc có thể tìm cách thành lập căn cứ quân sự ở đây.

Tính ra mỗi năm có khoảng 60,000 tàu chở hàng đi qua khu vực Ấn Độ Dương, nhưng cho tới nay trung bình chỉ có một tàu ghé vào bến cảng này mỗi ngày. Với một bến cảng lớn như Hambantota thì chắc chắn chi phí hoạt động phải cao mà mỗi ngày chỉ đón có một tàu chở hàng thì chỉ lỗ nặng. Nhiều người thắc mắc tại sao chính phủ Sri Lanka vẫn mượn tiền nếu biết trước là khó có thể trả được nợ? Phải chăng là do tham nhũng? Hơn nữa, nếu biết trước cho vay mà không thể lấy lại được vốn lẫn lời thì không một nhà đầu tư nào lại chịu làm một việc bất trắc như thế, vậy tại sao các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn làm?

Hỏi nghĩa là đã có câu trả lời: đối với Trung Quốc, tiền không phải là điều họ quan tâm nếu đạt được mục đích trong mưu đồ bá quyền của họ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chủ Nhật, 13 Tháng Giêng 20196:00 SA