'Làm việc bằng ngoại ngữ lợi thế hơn tiếng mẹ đẻ'

Chủ Nhật, 01 Tháng Bảy 20185:00 CH(Xem: 6466)
'Làm việc bằng ngoại ngữ lợi thế hơn tiếng mẹ đẻ'
bbc.com
José Luis Peñarredonda BBC Capital

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Mới đây tôi đã có bốn tháng làm việc cho BBC ở London, và tiếng Anh lúc nào cũng có vẻ hay hơn, trơn tru hơn khi nó nằm trong đầu tôi so với khi tôi nói ra miệng.

Tôi thường xuyên quên từ vựng, phạm lỗi ngữ pháp và không có được sự chính xác thông thường như tiếng Tây Ban Nha mẹ đẻ của tôi. Cảm giác giống như là tôi đang cố gắng dùng nĩa để ăn súp vậy.


Khi tôi viết những dòng này, tôi có một cuốn từ điển mở ra trước mặt tôi bởi vì tôi đã học được kinh nghiệm là không tin vào sự hiểu biết có sẵn của mình đối với ngữ nghĩa của một số từ vựng.

'Khoảng cách tâm lý'

Nhưng cũng có một tia hy vọng cho những ai làm việc trong ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ của họ. Các nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng những người có thể nói ngoại ngữ nhiều khả năng có đầu óc phân tích cao hơn. Những nghiên cứu khác cho thấy những người song ngữ đưa ra quyết định khác với những người chỉ nói được một ngôn ngữ.

Nghiên cứu này cho thấy bên cạnh việc cho bạn thêm một lợi thế xét theo bạn có thể làm việc ở đâu và làm việc với ai, ngoại ngữ cũng có thể giúp bạn trở thành một người nhân viên khác. Nhưng câu hỏi thật sự là - liệu nó có khiến cho bạn trở thành một nhân viên tốt hơn hay không?

Theo nghiên cứu của Albert Costa, giáo sư tâm lý tại Đại học Pompeu Fabra ở Barcelona, Tây Ban Nha, khi người ta làm những bài kiểm tra suy luận trong một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, họ có xu hướng phạm ít lỗi hơn so với những người làm bài kiểm tra tương tự bằng tiếng mẹ đẻ của họ.

"Trong ngoại ngữ, mọi người dường như có khoảng cách tâm lý nhiều hơn khi đánh giá các rủi ro," Costa giải thích. "Họ sẽ có ít tác động tâm lý hơn và sẽ kích hoạt quá trình tư duy mang tính phân tích nhiều hơn."

'Hiệu ứng ngoại ngữ'

Costa và các cộng sự của ông phỏng đoán rằng 'hiệu ứng ngoại ngữ' này, như là cách họ gọi, gắn kết với khoảng cách tình cảm mà một số người cảm nhận khi nói ngoại ngữ. Lý do chưa biết rõ, nhưng có lẽ có liên quan đến bối cảnh họ dùng ngoại ngữ. Chẳng hạn như, "nếu bạn nói ngoại ngữ với bạn bè trong các tình huống thích hợp thì bạn sẽ có sự gắn bó cảm xúc nhiều hơn với nó," Costa giải thích.

Cũng có thể là nếu bạn học ngoại ngữ từ rất sớm, thì bạn sẽ có sự 'gắn bó về mặt tình cảm' nhiều hơn, ông nói thêm. Hay chỉ đơn giản là não bộ của bạn phải làm việc căng thẳng hơn khi bạn sử dụng ngoại ngữ?

Theo nhà tâm lý học Daniel Kahneman, người đoạt giải Nobel Kinh tế hồi năm 2002, trong cuốn sách 'Thinking Fast and Slow' của ông, những căng thẳng về nhận thức sẽ khiến cho chúng ta trở nên có độ phân tích cao hơn. Do đó, hiệu ứng ngoại ngữ có thể giải thích là thực hiện những công việc bằng ngoại ngữ đòi hỏi quá trình tư duy nhiều hơn.

Sẽ khách quan hơn?

Nhưng Costa cũng cho rằng khi không có yếu tố tình cảm trong một quyết định nào đó thì hiệu ứng ngoại ngữ dường như biến mất. "Nó sẽ chỉ diễn ra nếu như bối cảnh mà bạn ra quyết định gây nên phản ứng tình cảm ở bạn," ông giải thích.

Các nhà tâm lý khác đã nhận thấy việc nói ngoại ngữ dẫn đến những khác biệt trong cách mọi người suy nghĩ và phản ứng.

Ceri Ellis, nhà nghiên cứu tâm lý học tại Đại học Manchester, nói rằng mọi người sẽ khách quan hơn khi sử dụng ngoại ngữ vì họ sẽ làm tốt hơn việc chỉnh hướng những chỉ trích sai về nền văn hóa của họ nếu những chỉ trích đó được diễn đạt bằng ngoại ngữ.

"Ngoại ngữ càng cách xa tiếng mẹ đẻ chừng nào thì tác động càng lớn chừng đó," Ellis cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Vậy nên, sự vụng về của chính bản thân tôi khi làm việc bằng tiếng Anh có lẽ được đền bù bằng cách tư duy chính xác hơn. Lợi ích nhỏ này, dĩ nhiên, sẽ không còn nữa nếu tôi phát triển một mối quan hệ chặt chẽ hơn và thiên về tình cảm hơn với ngoại ngữ.

Có óc phân tích hơn

Nhưng vậy còn có khả năng phân tích hơn có nghĩa là sao? Giả sử có 600.000 người mắc một chứng bệnh và họ sẽ chết nếu không được chữa trị. Bạn được đưa cho hai khả năng: hoặc là đưa cho họ một loại thuốc mà sẽ giết chết 400.000 người trong số họ, hoặc là một loại thuốc khác chỉ có 33,3% cơ hội cứu sống toàn bộ 600.000 người, nhưng có đến 66,6% cơ hội là không cứu được ai. Bạn sẽ làm sao?


Nếu bạn chọn loại thuốc sẽ giết chết 400.000 bệnh nhân thì đó là lựa chọn đúng - đó là kịch bản an toàn nhất. Nhưng đó cũng là lựa chọn mà đa số mọi người sẽ không chọn, bởi vì nó được thể hiện bằng một cách gây phản cảm.

Điều thú vị là, nếu mọi người được đưa cho kịch bản tương tự nhưng thay vì thế họ sẽ được cho biết rằng họ sẽ cứu 200.000 người thì đa số sẽ chọn kịch bản đó. Cách tính toán trong hai trường hợp là như nhau, nhưng cách thức đặt vấn đề khác nhau và ảnh hưởng cách mọi người trả lời.

Những người đưa ra lựa chọn đúng trong dạng thí nghiệm tâm lý này luôn là thiểu số, và họ được xem là có đầu óc phân tích hơn bởi vì họ không bị mắc bẫy thiên lệch hay những lối tắt dẫn đến sai lầm trong lập luận. Trong môi trường công việc, việc có khả năng tránh những chỗ sụp hầm trong lập luận có thể sẽ có lợi ích vô cùng lớn nếu như bạn đang cần đưa ra những quyết định hệ trọng.

Lợi thế trong đàm phán

Tương tự, giữ khoảng cách với tình huống cũng thật sự có ích. Nó có thể giúp cho những tình huống chi phối nhiều tình cảm trở nên có khả năng chịu đựng được nhiều hơn. Điều này đặc biệt có ích trong những cuộc đàm phán hệ trọng.

Mặc dù nhìn sơ qua thì đàm phán bằng một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ có thể là một bất lợi, nó cũng có thể khiến cho bạn trở thành người có cái đầu lạnh nhất trong phòng đàm phán.

"Nhiều người cảm thấy bị xúc phạm trong lúc đang đàm phán," Costa giải thích. "Nếu chúng ta có cách làm thoải mái hơn thì mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn. Nói ngoại ngữ giúp cho bạn câu giờ trong một cuộc đàm phán. Bạn có thể ứng xử như thể bạn không hiểu để có thời gian suy nghĩ câu trả lời."

Đây chính là chiêu mà các chuyên gia đàm phán quốc tế như nhà ngoại giao và các doanh nhân thường sử dụng. Việc không thể nói lưu loát một ngôn ngữ cũng có thể là một chiến lược hữu ích để che giấu khả năng của mình và tỏ ra vẻ ít thông minh hơn khả năng thực sự của bạn. Đây là một động thái có thể khiến cho đối thủ không dùng hết mọi 'lá bài' của họ và đem đến cho bạn lợi thế không ngờ.

Do đó, nếu lần tới mà bạn biết rằng cần phải có một cuộc nói chuyện khó khăn với một đồng nghiệp thì sẽ tốt hơn nếu bạn dùng ngoại ngữ.

Một số nghiên cứu thậm chí còn cho rằng những từ ngữ hung hăng sẽ ít gây tổn thương hơn nếu như chúng không được phát ra bằng tiếng mẹ đẻ. Cho nên cho dù bạn có nói gì đi nữa thì lời nói của bạn cũng ít có khả năng gây căng thẳng mãi mãi cho một mối quan hệ trong công việc - điều này sẽ là một lợi thế quan trọng nếu bạn vẫn cần gặp mặt và nói chuyện với người đó ở công ty mỗi ngày.

Lòng tự tôn làm cho mù quáng

Mặc dù trên lý thuyết thì việc sử dụng ngoại ngữ dường như giúp chúng ta đánh giá tình huống khách quan hơn, trên thực tế nó phức tạp hơn thế.


Nghiên cứu của Ellis cho thấy dường như ngoại ngữ bảo vệ chúng ta khỏi những lời trách mắng sai và có thể là có ác ý. Nhưng bà cũng nhận ra là lòng tự tôn có thể khiến cho việc này trở thành vô tác dụng. Bà cảnh báo rằng việc này có thể xảy ra trong môi trường làm việc có rất nhiều xung đột - có nghĩa là người ta có khả năng mù quáng trước những lời phê bình đúng nếu nó phát ra từ miệng của một người mà họ xem là thù địch.

Cho đến nay không có nghiên cứu xác nhận điều này, tuy nhiên bất cứ ai từng làm việc với nhóm đối đầu có thể hiểu những gì mà Ellis nói. Hiệu ứng ngoại ngữ dường như không đủ để đẩy lùi lòng tự tôn.

Natalia Vivas, một doanh nhân Colombia hiện đang sống ở London, nhớ lại bà đã dễ dàng như thế nào để trung gian một hợp đồng có lợi với một khách hàng Thụy Điển bằng tiếng Anh. "Tôi không ngại nói với ông ấy 'đây là cái giá phải trả'," bà nói.

Tuy nhiên hiệu ứng ngoại ngữ có lẽ không phải là lý do duy nhất khiến bà có thể thẳng thừng với khách hàng. Là người ngoại quốc, nhiều khả năng họ sẽ không gặp lại nhau nữa.

"Với những khách hàng bản địa nói tiếng Tây Ban Nha, nhất là với những khách hàng lớn thì cuộc đàm phán sẽ diễn ra chậm hơn nhiều và tôi cảm thấy bất an hơn nhiều," bà giải thích.

Đối với một số người, vốn từ vựng ngoại ngữ hạn chế của họ có lẽ là lý do khiến họ nói chuyện súc tích và có lý trí.

"Tôi sẽ dễ dàng giải thích với nhóm của tôi là tôi muốn gì từ họ hơn là bày tỏ với họ cảm xúc gắn với những gì tôi muốn," Maria Paz Castaneda, một kỹ sư Colombia làm việc ở một nhà máy lọc dầu ở Rotterdam, Hà Lan, nói. "Trong tiếng Tây Ban Nha, tôi có thể tìm ra năm cách khác nhau để diễn đạt cùng một điều, nhưng trong tiếng Hà Lan thì tôi chỉ có thể nghĩ tới một cách mà thôi.'

Cũng có cả sự thách thức khó khăn trong việc hiểu được một nền văn hóa khác biệt và nắm được những quy ước xử sự.

"Tôi cảm thấy hồi hộp căng thẳng về cách thức mọi người viết email, cách họ chào mở đầu và kết thúc thư," Vivas nói về công việc hiện thời của mình tại London.

Toàn bộ những điều này kết hợp với nhau, khiến cho nhiều người có tiếng mẹ đẻ khác với ngôn ngữ họ làm việc phải sử dụng trí não nhiều hơn so với các đồng nghiệp khác. Bởi, như Vivas nói, "trong tiếng Anh, tôi phải mất thời gian để nghĩ."

Là người song ngữ và làm việc bằng ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ khiến bạn trở thành một nhân viên khác, không phải là tốt hơn hay kém hơn. Nếu công việc cần bạn phải suy nghĩ, phản ứng nhanh và cần trao đổi chính xác, thì làm việc bằng ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ đa phần sẽ khiến bạn thấy khó khăn hơn. Nhưng nếu bạn làm công việc mang tính chất chậm rãi, cần phân tích và tư duy độc lập, thì việc dùng tiếng nước ngoài sẽ đem lại cho bạn lợi thế.

Khổ nỗi là công việc của tôi ở London lại đòi hỏi cả hai kỹ năng trên.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn