Tưởng tượng một gia đình Bắc Hàn...

Thứ Ba, 19 Tháng Sáu 20185:00 CH(Xem: 5879)
Tưởng tượng một gia đình Bắc Hàn...
bbc.com
By Andreas Illmer BBC News

Drawing of a North Korean family Bản quyền hình ảnh Hajung Lim

Sau cuộc gặp gỡ lịch sử với lãnh đạo Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ xét việc gỡ bỏ lệnh cấm vận với Bắc Hàn, khi nước này đạt được tiến bộ về từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Nhưng lợi ích của sự thay đổi kinh tế này sẽ ảnh hưởng đến những người bình thường ở đất nước nghèo khó bị cô lập với thế giới bên ngoài như thế nào? Điều đó có nghĩa gì đối với một gia đình tiêu biểu ở Bắc Hàn?

Với sự giúp đỡ của một số chuyên gia, BBC đã cố gắng phác ra những nét chính về cuộc sống một gia đình giả định của Bắc Hàn. Gia đình họ Lee. Đây là câu chuyện của họ.

Cha liều chết đi đánh cá

Trước hết, phải nói là rất khó để nói về một gia đình "trung bình" ở Bắc Hàn. Có nhiều tầng lớp xã hội và khác biệt địa phương - và đơn giản là chúng ta không biết nhiều về cuộc sống trong đất nước bị cô lập này.

Nhưng cha của gia đình, ông Lee, giống như nhiều người Bắc Hàn khác, trên nguyên tắc, dựa vào ngành công nghiệp khai thác mỏ để kiếm việc làm.

Khai thác mỏ là một trụ cột quan trọng trong lĩnh vực xuất khẩu của Bắc Hàn và là một nguồn ngoại tệ đáng tin cậy cho chính phủ trong nhiều thập kỷ. Ngoài than đá, Bắc Hàn nói rằng nước họ có trữ lượng đất hiếm và khoáng sản rất lớn.

Chúng tôi được biết từ những người đào thoát và các chuyên gia là thu nhập của hầu hết mọi người dân ở đây là sự kết hợp giữa tiền lương, tiền thưởng và những thứ nhu yếu được nhà nước phân phối như nhà ở hoặc khẩu phần ăn. Nhưng mức lương cơ bản của họ thực tế chỉ là một khoản tiền nhỏ đủ mua gạo nấu cơm cho gia đình trong vài ngày.

Năm 2017, các lệnh cấm vận cấm Bắc Hàn xuất khẩu than, khoáng sản và đất hiếm - có nghĩa là nhiều mỏ phải cắt giảm sản lượng của họ.

Theo tin chính thức thì không có ''nạn thất nghiệp" trong một nền kinh tế chỉ huy, do đó, ông Lee sẽ không bị sa thải - nhưng thu nhập vốn đã ít ỏi của ông đã nhận được một đòn chí tử.

Vì vậy, ông không có lựa chọn nào khác hơn ngoài việc chuyển sang một con đường bấp bênh mà nhiều người đàn ông Bắc Hàn khác đã làm trong những năm gần đây.

Bản quyền hình ảnh Hajung Lim

Bằng cách hối lộ để ông chủ khai thác mỏ của mình nhắm mắt làm ngơ - và trả tiền cho quân đội để mượn một chiếc thuyền - ông và bạn bè của có thể đi ra biển bắt cá để bán tại các chợ địa phương.


Đó là một kinh doanh nguy hiểm. Ngư dân bị buộc phải mạo hiểm xa hơn và xa hơn nữa ra biển để hy vọng bắt được cá, thường xuyên đối diện với nguy cơ hết nhiên liệu hoặc bị lạc trên biển.

Thỉnh thoảng "những con tàu ma" đầy xác chết trôi dạt lên bờ biển phía tây Nhật Bản - được cho là xác những thủy thủ không thể quay trở lại bờ. Đây là rủi ro mà ông Lee phải gánh chịu trong lúc ra khơi.

Và, mặc dù việc đánh bắt cá cung cấp một nguồn thu nhập đáng kể thay cho lương chính thức cho các doanh nhân như ông, lối làm ăn này cũng bị ảnh hưởng bởi việc Bắc Hàn bị cấm vận.

Giá nhiên liệu đã tăng gấp đôi kể từ mùa Hè năm 2017 khiến cho những chuyến đi biển của ông đắt hơn rất nhiều. Và xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc gần đây đã bị cấm.

Mẹ mang thúng ra chợ

Gia đình họ Lee là một phần của những gì các nhà bình luận gọi là thế hệ Jangmadang. Jangmadang có nghĩa là "thị trường". Đây là thế hệ trải qua cuộc khủng hoảng và nạn đói của những năm 1990.

Cho đến lúc đó, Bắc Hàn đã cầm cự được với nền kinh tế chỉ huy, nơi tất cả công ăn việc làm và hàng hóa được nhà nước phân phối.

Nhưng trong nạn đói thì cấu trúc đó thất bại. Ước tính từ khoảng vài trăm nghìn đến hàng triệu người bị chết đói.


Người dân bắt buộc phải tự mình giật gấu vá vai tìm cách mưu sinh, làm phát sinh sự nổi lên của một chủ nghĩa tư bản bản địa đã được chứng minh là không thể đảo ngược.

Mặc dù nền tư bản này nổi lên từ khủng hoảng, nhưng trên thực tế đã mang lại một tư duy mới cho đất nước - với nhiều phụ nữ trở thành doanh nhân, và là những người kiếm tiền chính trong gia đình.

Đó là điều mà vợ của người thợ mỏ biến thành người chài lưới của chúng ta cũng đang xem xét.

Bà Lee đang làm việc trong một nhà máy dệt - một lĩnh vực trước đây phát triển mạnh do xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nhưng lệnh cấm vận đã chấm dứt điều đó và nhiều nhà máy dệt đã bị đóng cửa.

Bản quyền hình ảnh Hajung Lim

Biết rằng không thể dựa vào công việc hiện tại của mình, bà Lee đã suy nghĩ về một cách kiếm tiền khác: kế hoạch B của bà là góp sức cùng với một vài phụ nữ khác làm đậu phụ ở nhà để mang ra chợ bán.

'Việc làm trong mơ' bị đe doạ

Có một con đường sống khác cho gia đình Lee - kiều hối từ một người thân làm việc ở nước ngoài.


Em trai của bà Lee làm việc tại các công trường xây dựng ở Nga và gửi rất nhiều món tiền mà họ luôn luôn cần về nhà.

Ông em này - cũng thông qua việc hối lộ những nơi cần thiết - để tìm được công việc mà tất cả các đồng nghiệp của ông cho là một công việc chỉ nằm mơ mới có.

Uớc tính có tới 100.000 người Bắc Hàn làm việc ở nước ngoài và mặc dù bị chính phủ thu lấy một phần lớn lương, họ vẫn kiếm được nhiều tiền hơn là làm việc trong nước. Nhưng theo lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc được phê chuẩn vào tháng 12, tất cả công dân Bắc Hàn làm việc ở nước ngoài sẽ phải trở về nhà trong vòng 24 tháng - và không có công nhân mới nào có thể được gửi ra nước ngoài.

Bỏ học

Nếu tình hình tài chính trở nên tồi tệ hơn, gia đình họ Lee có thể phải bảo con gái nghỉ học để có thể ra chợ giúp mẹ bán hàng.

Trẻ em Bắc Hàn thường thì bắt buộc phải đi học 12 năm - nhưng trẻ em trong các gia đình nghèo hơn thường bị cha mẹ bắt rời trường sớm để phụ giúp ở nhà.

Các lớp học đôi khi bị hủy bỏ khi giáo viên cần làm việc ở chợ để kiếm thêm tiền mặt.

Nếu tình hình cấm vận được nới lỏng, gia đình họ Lee sẽ nhận được nhiều nguồn thu nhập vững vàng hơn - cũng như chính phủ Bắc Hàn - và con gái họ hy vọng có nhiều thời gian hơn để học (và chơi) thay vì phải giúp cha mẹ bươn chải với cuộc sống.

Rồi chương trình giảng dạy của trường - hiện đang dạy rằng Hoa Kỳ và Nam Hàn là kẻ thù của Bình Nhưỡng - cũng có thể sẽ thay đổi.

Hầu hết người dân Bắc Hàn nhận thức được rằng thế giới bên ngoài tốt hơn thế giới của họ hầu như về mọi mặt - thông qua các bộ phim hoặc chương trình truyền hình được phân phối bất hợp pháp từ Nam Hàn, hoặc những người lao động trở lại sau một thời gian làm việc và sinh sống ở nước ngoài.

Và lãnh đạo Bắc Hàn lo ngại sự phản đối nội bộ nhiều hơn lo ngại quân đội Mỹ đóng quân ở miền Nam hoặc Nhật Bản - đó có lẽ là lý do tại sao Kim Jong-un rất háo hức muốn thấy các lệnh cấm vận được gỡ bỏ.

BBC tham khảo với Andrei Lankov của Đại học Kookmin, Sokeel Park của tổ chức Liberty ở Bắc Hàn, Fyodor TertitskiyPeter Ward của NK News, Andray Abrahamian của Đại học Griffith và Daily NK để phác họa hình ảnh gia đìnhhọ Lee giả định này.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn