Đổi mới?

Thứ Bảy, 09 Tháng Sáu 20186:00 CH(Xem: 6414)
Đổi mới?

FB Mai Quốc Ấn

Đã có nhiều người vỗ tay khen động thái cầu thị lắng nghe của Chính phủ. Tôi lại đặt suy nghĩ của mình nơi khác: Sự chậm trễ ra đời Luật Biểu tình (quyền Hiến định) và sự sốt sắng ra đời Luật An ninh mạng (điều khiến nhân dân lo lắng).

Thông cáo được phát đi lúc 3h sáng 9/6/2018 từ Chính phủ có nội dung: “đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc trình Quốc hội xem xét lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (luật đặc khu) từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2018) để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.” Chính phủ chưa nói gì về dự thảo Luật An ninh mạng…

Đã có khá nhiều phân tích về dự thảo Luật An ninh mạng và chính tôi dành 3 đêm để xem kỹ dự thảo Luật An ninh mạng. Nó kinh khủng quá sức tưởng tượng của tôi! (Xin phân tích trong bài viết khác.)

Nhưng còn dự thảo Luật biểu tình được đề xuất từ 2011 đến nay sau 7 năm vẫn “nợ đọng”. Chính phủ nợ “Quyền biểu tình không chỉ là nhu cầu thực tiễn của xã hội mà gần như là chuẩn mực của thế giới về quyền tự do.” như lời phát biểu của ĐBQH Dương Trung Quốc.

Sự sốt sắng muốn thông qua một đạo luật (An ninh mạng) mà các khái niệm cơ bản còn mù mờ chưa đáng sợ bằng việc các quyền tự do của nhân dân bị bóp nghẹt trong tương lai gần sau khi các ĐBQH bấm nút thông qua.

Nhân danh “vì an ninh quốc gia” thì xin mời cả quân đội và công an hãy theo dõi những quan chức trong hệ thống công quyền và giám sát lẫn nhau. Lý do là nhân dân không có quyền gì để “hỏa thiêu ngân sách” mà chính những quan chức biến chất, lạm quyền mới làm xấu hình ảnh Đảng và Nhà nước, gây thiệt hại cho Tổ Quốc lẫn Nhân Dân. Doanh nghiệp bình phong của quân đội, công an có tiêu cực không thì cả hai lực lượng đều rõ!

Việt Nam có “kinh nghiệm” tự bế quan tỏa cảng từ 1975 đến 1986 rồi tự “mở cửa” và gọi đó là “đổi mới”. Đất nước này cũng chứng kiến từ 2005-2016 các bộ, ngành “đẻ ra” vô số giấy phép con rồi thu hồi lại cũng thông báo là “cải cách thủ tục hành chính”. Vậy thì trình các dự thảo luật gây ra “làn sóng khủng khiếp” (như lời Thủ tướng) để rồi hoãn lại thì cũng không thể gọi là kiến tạo.

Cho đến giờ vẫn không thấy một lực lượng nào đủ kinh nghiệm, sức mạnh để lật đổ chính thể đương nhiệm. Chỉ thấy các cán bộ biến chất phá hoại từ bên trong bằng các dự án “hỏa thiêu ngân sách” một cách “đúng quy trình” cho đến khi bị phát hiện.

Đổi mới hay kiến tạo ở Việt Nam thật ra đơn giả là tôn trọng các giá trị phổ quát của xã hội loài người và ý chí nhân dân; thay vì những dự thảo (hay dự án) mang lại các cảm xúc tiêu cực trong nhân dân, doanh nghiệp. Chỉ duy nhất một việc là đưa tỉ lệ tham nhũng xuống dưới mức “ổn định” là nhân dân đã hoan hô.

Sự vận hành của thế giới nói chung (đang ngày càng “phẳng”) và quốc gia nói riêng (đang ngày càng hòa nhập) không thể dựa trên sự duy ý chí mà bởi các nghiên cứu khoa học và sự chủ động ứng dụng chúng. Tiếc thay, tôi chưa nhìn thấy các Giáo sư, Tiến sĩ ở Việt Nam có những đóng góp vào quá trình này nếu tính bằng chất lượng (rất ít) so với số lượng (rất nhiều).

Và đi copy gần như nguyên xi một đạo luật Trung Quốc (An ninh mạng) để áp dụng ngay vào Việt Nam là một sự khiên cưỡng, áp đặt và thiếu khoa học.

Nhân dân, doanh nghiệp chỉ cần yên ổn “kiến tạo” sự yên ổn tại Việt Nam rất đơn giản chỉ là để các quyền cơ bản của người dân không bị xâm phạm! Quyền biểu tình vẫn chưa được thông qua bằng luật và quyền riêng tư lại bị ảnh hưởng bằng một dự luật (An ninh mạng) mà không chỉ nhân dân trong nước lo lắng thì đó không phải là đổi mới.

Mà là “quay về quá khứ”!

Trong khi thế giới đang hướng về tương lai…

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn