'Đám đông thích tỏ phẫn nộ trên Facebook'

Thứ Sáu, 01 Tháng Sáu 20183:00 SA(Xem: 5738)
'Đám đông thích tỏ phẫn nộ trên Facebook'

Tại Phòng thí nghiệm của Crockett tại Đại học Yale, các nhà nghiên cứu tìm hiểu xem cách cảm xúc xã hội chuyển biến trên mạng - trong một số tình huống gây phẫn nộ về mặt đạo đức.

Nghiên cứu chụp hình ảnh não cho thấy khi con người phản ứng vì giận dữ liên quan tới đạo đức (ở ngoài đời thực, chẳng hạn như phản ứng trực tiếp với một người cho chó đi bậy không đúng chỗ), phần não tưởng thưởng được kích hoạt khiến họ cảm thấy dễ chịu khi hành động vậy.


Điều này khiến tăng cường hành vi của họ, vì thế họ có xu hướng phản ứng tương tự khi việc này xảy ra lặp lại.

Và mặc dù việc thách thức người vi phạm quy tắc ứng xử nơi công cộng có thể gây rủi ro, chẳng hạn bạn có thể bị tấn công lại, nhưng điều đó cũng giúp bạn có thêm uy tín.

Đa số chúng ta có may mắn được sống trong yên ổn và thường hiếm khi phải đối mặt với những hành vi thực sự gây phẫn nộ.

Kết quả là ta hiếm khi thể hiện cảm xúc phẫn nộ đạo đức trong đời thật.

Thế nhưng khi vào Twitter hay Facebook, bạn sẽ thấy một bức tranh rất khác.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy những thông điệp có chứa từ ngữ về cảm xúc hay đạo đức thường dễ lan truyền trên mạng xã hội hơn - mỗi một từ thể hiện cảm xúc hay đạo đức trong thông điệp Twitter khiến nó dễ dàng được đăng lại hơn 20%.

"Những nội dung khiêu khích sự phẫn nộ và thể hiện sự phẫn nộ dễ được chia sẻ hơn," giám đốc phòng thí nghiệm, Molly Crockett nói.

Những gì ta đã tạo ra trên mạng là "một hệ sinh thái chọn lọc những loại nội dung gây kích động nhất, kết hợp với một nền tảng giúp thể hiện sự kích động dễ dàng hơn bao giờ hết."

Không giống như thế giới ngoài đời thật, ở trên mạng người ta chẳng gặp rủi ro cá nhân hay rất ít khi bị đe dọa nếu họ chọn đối đầu hay phơi bày những điều không hay về một ai đó.

"Nếu bạn trừng phạt ai đó vì họ vi phạm quy tắc xã hội, điều đó khiến bạn có vẻ trở nên đáng tin cậy với mọi người hơn. Vì thế, bạn có thể làm tăng uy tín đạo đức của mình bằng cách thể hiện sự phẫn nộ và trừng phạt hành vi vi phạm," Crockett nói.

"Trong đời thực, bạn có thể tăng cường uy tín với những ai tình cờ đứng gần bạn khi xảy ra sự việc. Thế nhưng khi lên mạng, bạn có thể quảng bá bản thân với cả thế giới mạng xã hội, và từ đó đó tăng cường sự tưởng thưởng bản thân một cách nhanh chóng bằng cách thể hiện sự phẫn nộ."

Điều đó song đôi cùng với những phản hồi tích cực như khi bạn được "thích".

Kết quả là nền tảng trên mạng giúp mọi người hình thành thói quen thích thể hiện sự phẫn nộ đến mức thành thông lệ. "Mà thói quen thì lại là hành vi được người ta thực hiện mà thường không để ý đến hậu quả nó có thể gây ra," Crockett nói.


Mặt tích cực là sự phẫn nộ trên mạng cho phép những nhóm yếu thế ngoài lề xã hội có thể vận động cho những mục tiêu thông thường vốn rất khó triển khai.

Nó đóng vai trò quan trọng trong việc khiến xã hội tập trung chú ý đến những người đàn ông có địa vị cao quấy rối phụ nữ.

Hay như vào tháng 2/2018, việc những thiếu niên ở Florida biểu tình trên mạng chống lại hành động nổ súng nơi học đường đã khiến công chúng thay đổi quan điểm.

~

Thay đổi văn hóa thù địch

Tin tốt là có thể chỉ cần vài người là đã có thể thay đổi văn hóa của toàn mạng xã hội.

Tại Phòng thí nghiệm Bản tính Tự nhiên của Con người ở Đại học Yale, Nicholas Christakis và nhóm nghiên cứu khám phá cách tìm ra những cá nhân này và liệt kê họ vào danh sách các chương trình y tế công, là chương trình có ích cho cộng đồng.

Ví dụ như ở Honduras, người ta sử dụng cách tiếp cận này để tạo ảnh hưởng trong việc đăng ký tiêm chủng và chăm sóc sau sinh. Trên mạng, những người đó có khả năng xoay chuyển nền văn hóa bắt nạt trở thành văn hóa giúp đỡ lẫn nhau.

Bản quyền hình ảnh WOCinTech/Creative Commons
Image caption Những cá nhân chủ chốt trong cộng đồng trên mạng có thể thay đổi văn hóa bạo hành thành giúp đỡ lẫn nhau

Các tập đoàn lớn đã sử dụng hệ thống những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội Instagram để quảng cáo cho thương hiệu của họ.


Nhưng Christakis tìm kiếm không chỉ những cá nhân đã nổi tiếng, mà còn tìm những người có thể phù hợp với một mạng lưới nào đó.

Ở một ngôi làng nhỏ bị cô lập, mọi người đều có quan hệ gần gũi và bạn gần như quen tất cả khi đi dự tiệc. Ngược lại trong thành phố, mọi người có vẻ như sống chen chúc gần nhau hơn nhưng lại hiếm khi quen biết nhau trong một bữa tiệc. Một mạng lưới liên thông chặt chẽ với nhau đến mức nào sẽ ảnh hưởng đến hành vi và cách thông tin lan truyền thông nội bộ nhóm đó.

Để khám phá điều này, Christakis đã phát triển một phần mềm tạo ra một xã hội giả lập hoạt động tạm thời trên mạng.

"Chúng tôi đưa mọi người vào đó để họ tương tác với nhau và quan sát cách họ chơi trò 'món hàng chung' để xem xét họ sẽ tử tế ra sao với những người khác."

Trong trò chơi này, bốn người chơi ở bốn địa điểm khác nhau được ghép thành nhóm. Mỗi người trong nhóm được trao một số tiền bằng nhau. Họ được yêu cầu chọn cách sẽ đóng góp vào một hộp tiền chung của nhóm, và rằng số tiền trong hộp sẽ được nhân đôi rồi chia đều cho từng người.

Nếu mọi người trong nhóm đều là người tử tế, tin cậy người khác và đều góp tất cả số tiền họ có, thì toàn bộ tiền sẽ được nhân đôi và chia lại cho bốn người, thế là ai cũng được nhận số tiền cao gấp đôi so với ban đầu.

Sau đó ông thao túng mạng lưới.

"Bằng cách kiểm soát cách họ tương tác với nhau, tôi có thể làm họ trở nên cực kỳ ngọt ngào với nhau, hợp tác tốt, và họ có thể khỏe mạnh và hạnh phúc và chịu hợp tác với nhau. Nhưng cũng nhóm người đó, nếu ta để họ kết nối theo cách khác, thì họ sẽ trở thành những kẻ ích kỷ xấu tính với nhau."

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Một mạng lưới nhỏ như ngôi làng bé ở nơi xa xôi vận hành khác với một nhóm ít tương tác liên thông hơn - và đó cũng là hình ảnh của mạng xã hội

Trong một thí nghiệm, ông chỉ định ngẫu nhiên những người lạ chơi trò 'món hàng chung'. Ông cho biết ban đầu có khoảng hai phần ba số người chơi chịu hợp tác với nhau.

"Nhưng có một số người mà họ tương tác sẽ lợi dụng họ. Họ chỉ có một lựa chọn duy nhất: hoặc là luôn hợp tác và tử tế với người khác, hoặc rời bỏ nhóm, trở thành kẻ đào tẩu. Thế là họ thà chọn làm kẻ đào tẩu, bởi họ khó chịu với việc bị người khác lợi dụng. Và khi thí nghiệm kết thúc, mọi người đều trở nên xấu xa với nhau."

Christakis thay đổi tình huống này bằng cách đơn giản là trao cho mỗi người thêm một chút quyền kiểm soát với những người họ kết nối sau mỗi vòng chơi. Họ phải quyết định là có nên tử tế và gắn bó với hàng xóm hay không. Điều duy nhất mỗi người chơi biết là việc người chơi kia đã hợp tác hay đào tẩu ở vòng chơi trước đó.

"Những gì mà chúng tôi có thể cho thấy là người chơi cắt đứt liên hệ với người từng đào tẩu và thành lập liên kết với người chịu hợp tác, và mạng lưới tiếp tục tự phát triển từ đó."

Nói cách khác, họ tạo ra một cấu trúc hợp tác tích cực thay vì một cấu trúc bất hợp tác.

Trong nỗ lực tạo ra nhiều cộng đồng ủng hộ lẫn nhau hơn, nhóm của Christakis bắt đầu thêm những bot tự động [tài khoản ảo] vào các xã hội tạm thời này.

Nhóm nghiên cứu không định phát minh ra trí tuệ nhân tạo siêu thông minh để thay thế nhận thức con người, nhưng để một nhóm những con người thông minh hòa mình chung với những "tài khoản ảo khờ khạo" có thể khiến con người tự giúp đỡ lẫn nhau.

Trong thực tế, Christakis nhận thấy nếu tài khoản ảo phản ứng hoàn hảo, điều đó không giúp con người được gì.

Nhưng nếu những tài khoản ảo này phạm lỗi, chúng khai mở tiềm năng của nhóm và dẫn họ tìm kiếm được giải pháp. Nói cách khác, thêm một chút ồn ào vào hệ thống, tài khoản ảo sẽ giúp mạng lưới hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

Phiên bản của mô hình này có thể thâm nhập vào bảng tin trên mạng xã hội của những người theo đảng phái nào đó, và thỉnh thoảng đưa thêm vào những nội dung có góc nhìn khác nhau, để giúp mọi người rời khỏi vùng bong bóng an toàn trên mạng xã hội của mình và giúp cho toàn xã hội gắn bó với nhau hơn.

Bản quyền hình ảnh WOCinTech/Creative Commons
Image caption Bằng chứng cho thấy phụ nữ và các nhóm thiểu số thường bị bắt nạt nhiều hơn trên Twitter

Tài khoản ảo có thể đem lại giải pháp cho một vấn đề khác trên mạng: nhiều hành vi cư xử không đúng mực trên mạng bắt nguồn từ sự ẩn danh trong các hoạt động tương tác trên internet.

Một thí nghiệm cho thấy mức độ tấn công kỳ thị chủng tộc trên Twitter nhắm vào người dùng da đen có thể giảm thiểu nhanh chóng nhờ vào các tài khoản ảo với ảnh chân dung là người da trắng phản ứng với những người dùng kỳ thị chủng tộc.

Một phản ứng của tài khoản ảo trên Twitter có thể như sau: "Này anh kia, hãy nhớ là người ta thực sự bị tổn thương khi anh quấy rối họ bằng kiểu nói năng như vậy đấy!"

Chỉ cần cấy thêm một chút thông cảm vào những người dùng Twitter, là có thể giảm những lời kỳ thị của họ xuống mức gần như không còn trong vài tuần sau đó.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn