Đồ nhà quê!

Thứ Bảy, 26 Tháng Năm 20181:30 SA(Xem: 7014)
Đồ nhà quê!

Đối diện nhà tôi buổi sáng có “sạp” cơm tấm ‘sà bì chưởn” rất đông khách, bán nhanh hết vì ngon, rẻ, lại còn lâu năm. Gọi là sạp vì “tiệm” cơm tấm này nằm trên mảnh đất trống, mà trên mảnh đất trống đó buổi sáng thôi đã có 4 sạp bán đồ ăn khác nhau. Mỗi “tiệm” chia nhau một khoảnh đất nhỏ. Tuy nhỏ nhưng “nuôi” cả cái xóm to.

do-nha-que

Bởi thế, trong xóm có những người “nhà chung vách” chẳng biết nhau nhưng chắc chắn thành viên của cả hai nhà đều biết “bà Diễm bán cơm tấm”. Tên của bà không những lan khắp các xóm, quận lân cận mà lan luôn đến tận các tỉnh xa và nước ngoài sau mỗi lần nhà ai có khách phương xa lui đến hoặc có người từ đây chuyển đi nơi khác sinh sống. Ai ăn một lần cũng muốn ghé lần hai…

Tổng tài sản của “tiệm” cơm “danh tiếng” trên chỉ gồm một tủ kiếng nhỏ đựng nguyên liệu: sườn, bì, chả, mỡ, hành, dưa leo, bún… Tủ nguyên liệu đặt trên cái bàn gỗ (cũng nhỏ), bên cạnh tủ kiếng là chén, dĩa, muỗng, đũa, bịch, thun… tất cả sắp xếp “khoa học” và thuận, người bán chỉ cần đưa tay ra là túm đúng cái bà cần, nhờ vậy mà mỗi lúc “cao điểm” khách bu đông đen mà bà không hề nao núng. Bên trái là một cái thau than đỏ lừ, trên là cái vỉ, trên cái vỉ sắp đầy thịt được ướp kỹ càng, từng đợt reo xèo xèo tỏa ra mùi thịt nướng thơm nức mũi. Bên phải là nồi cơm to đặt trên bếp than cùng hai cái bàn, vài ghế nhựa, vì vậy chủ yếu là bán cho khách mang đi hoặc bưng đến tận nhà. Bà Diễm lúc nào cũng đon đả tươi cười, người nhà bà cũng vậy. Tuy bà không biết chữ nhưng tính tiền rất nhanh và nhớ rất dai. “Tiểu sử”, sở thích từng người trong xóm lẫn ngoài xóm bà đều thuộc hết. Bà và bà Năm bán bún mắm cạnh bên mà hợp lại thì có khi cả nước này (ai mà chẳng may bị hai bà biết được) không ai giữ được bí mật. Muốn tìm hiểu ai cứ lại ăn hàng của hai bà vài ba bữa, “dụ” một hồi hai bà nói ra hết. Cô A mới cắt tóc, anh B có bồ nhí, bà D mới sắm vàng… Tuy cũng lắm khi “tin tức” không chính xác nhưng hai bà là minh chứng hùng hồn cho câu nói “trong nhà chưa rõ ngoài ngõ đã tường” một cách “sâu sắc” nhất. Nhiều người hay chọc: “Trên thông thiên văn dưới tường địa lý, cái gì cũng biết chỉ không biết giữ mồm!” Cũng “nhờ” vậy mà khách của hai bà cũng “vơi đi ít nhiều”. Không sao, khách cũ đi một, khách mới thêm hai. Đồ ăn ngon, giá rẻ lại còn được “hóng” chuyện thiên hạ, đâu phải ai cũng có “can đảm” chối từ. “Máu” nhiều chuyện ai mà không có, chỉ là giấu kỹ hay không mà thôi! Nhiều lý do hợp lại khiến cho cái tiệm cơm “bình dân học vụ” của bà bán nhanh hết nhất trong bốn sạp xung quanh, ngay cả bà Năm “bạn thân” của bà cũng không ít lần “gato” (ghen ăn tức ở) mà giận hờn.

do-nha-que4
VTV tự dàn dựng clip để làm phóng sự bị nông dân kiện! – Từ Tuổi Trẻ

Vì quán ở đối diện nhà, mỗi sáng được đánh thức bằng mùi sườn nướng khó chối từ nên tôi cũng là một “tín đồ” của “cơm tấm Diễm”, nhưng tôi thích mua về ăn cho thoải mái. Tuy ăn rất đều, có vẻ “thân” với bà chủ nhưng lâu lâu tôi cũng hơi giựt mình với “truyền thống” tính tiền của bà…

Ví dụ như bình thường một dĩa cơm sườn bì chả là 25k, nhưng hôm đó tôi còn cơm nguội, định bụng chạy ra mua đồ ăn kèm để không phí “của giời”. Thế là tôi mua miếng sườn và một miếng chả (không lấy cơm) thì được bà chủ đon đả tính 30k. Tôi hỏi tại sao nguyên dĩa thì 25k mà mua vầy lại 30k? Bà cười “thân thiện”: “Đồ ăn riêng thì giá khác”. Thế là tôi đành “chịu thiệt”. Chơi sang mua luôn nguyên hộp cơm sườn bì chả, vẫn là miếng chả đó, miếng sườn đó mà có thêm cơm, bì, mỡ hành thơm phức béo ngậy, nước mắm, đồ chua màu sắc. Vẫn nụ cười niềm nở, bà tính tôi 25k. Dĩ nhiên, tôi thôi thắc mắc, vì đã “đúng giá thị trường”. Không phải tôi tiếc 5k mà là tôi thấy ngộ, tại sao lại có cách tính “vi diệu” như vậy? Tôi nhìn bà suy nghĩ về nồi cơm nguội ở nhà không biết “xử” thế nào, nhưng bà đâu rảnh nhìn tôi vì khách cứ réo liên hồi…

Cũng cái “truyền thống” này, một lần khác, tôi rủ người bạn ở xa đến đây ăn, muốn giới thiệu bạn quán “ruột” của mình. Vừa ăn tôi vừa giải thích:

–  Cơm ở đây là cơm tấm chánh hiệu được nấu bằng gạo tấm, chứ không phải “giả mạo” bằng cách lấy hạt gạo to đập nhỏ ra cho giống tấm. Gạo tấm ít nở, còn chứa nhiều cám gạo và có mùi vị đặc trưng riêng. Khi chan nước mắm đường, trộn mỡ hành lên cơm tấm, mày sẽ tìm ra cái hương vị riêng không lẫn vào đâu được mà gạo thường dẫu cao cấp đến mấy cũng chịu thua. Sườn, bì, chả, nước mắm, đồ chua do chính bà chủ ướp, trộn, làm tại nhà. Chỉ có trứng là phải mua siêu thị, vì nhà bả không có nuôi gà.

do-nha-que3
Nhiều vụ cướp đất bỗng “trỗi dậy” trên báo chí VN trong khi nạn dân đã chịu đựng nhiều năm. Trong hình là vụ ở Vũng Tàu, ba má bị “cưỡng chế nhà” uất ức dẫn đến đóng cửa tự thiêu, con gái 13 tuổi thì bị còng lên phường – Từ Tuổi Trẻ

Bạn gật gù khen ngon, ăn hết một dĩa loại đặc biệt 40k (gồm sườn, bì, chả, ốp la hai trứng và ly trà đá). Nói:

– Đọc nhiều về cơm tấm, ăn nhiều nơi nhưng quả tình hôm nay ăn mới thấy ngon nhứt.

Tôi tự hào khẳng định:

– Chắc chắn rồi, vì mày đi ăn với tao mà! Đồ ăn ngon nhiều khi không phải do nó ngon mà do người đi ăn cùng… đẹp nữa!

Không biết có phải tôi nói trúng “tim đen” của bạn không mà bạn cứ lẳng lặng uống cạn ly trà đá trong tay, không nói gì, vẻ mặt vô cùng nghiêm trọng. Tôi sực nhớ, nhắc:

– Đặc biệt nha, trà đá ở đây 100% nấu bằng lá trà xanh! Có sữa đậu nành nhà nấu nữa kìa. Khó kiếm lắm nha!

do-nha-que2
“Sà bì chưởn”

Bạn cười hỏi:

– Mày có… cổ phần ở đây hả?

Thật ra bản tánh tôi thật thà, có sao nói vậy. Rất khó kiếm được quán cơm nào ở Saigon mà người ta “chăm sóc” đến từng ly trà đá cho khách hàng nói chi chỉ là một cái “sạp” nhỏ và bà chủ không biết chữ kia. Phần lớn người ta dùng trà khô có sẵn, bỏ nước sôi ủ rồi pha thêm nước (có khi từ vòi nước máy). Bì, chả, có khi cả sườn và mỡ hành người ta cũng có thể lấy từ các chỗ bỏ mối, tất cả đều được chế biến, ướp sẵn họ chỉ cần nấu nồi cơm, bày mọi thứ ra bán y như… thiệt. Khó có ai phát hiện, nhịp sống hiện đại khiến người ta ăn đại ăn đùa cho xong rồi đi làm. Bởi vậy mới có chuyện nhiều quán phở, hủ tiếu lấy nước lèo từ các nơi bỏ mối, đa số gia vị đều là bột ngọt, chất điều vị và hóa chất, không có cục xương hầm nào “làm thuốc”. Một phần vì họ ế, bán cho khách qua đường, một phần vì họ không biết cách nấu. Với kinh nghiệm riêng của tôi, ăn ở mấy cái “sạp” nhỏ trong xóm luôn rẻ, ngon và an toàn hơn những chỗ lạ, những tiệm lớn không có “dấu hiệu” của đầu bếp. Vì bán trong xóm, ngoài người “bình thường” ăn ra, thì khách hàng phần lớn là các bà nội trợ, người cao tuổi có kinh nghiệm nấu nướng và thân thuộc với người bán. Muốn “làm chuyện ác” thì người bán cũng nhát tay hơn. Quan trọng là trong xóm thường “nhiều chuyện”, có chi khuất tất coi như dẹp tiệm vì một có thể bị đồn đến một ngàn, tam sao thất bản không bao giờ ngưng. Như tôi hôm rồi bị tai nạn, xước giác mạc nên đi đâu cũng đeo kính đen vì mắt còn “sợ” ánh sáng. “Bà con” đồn ngay:

– Con đó giờ sắp lấy… Việt Kiều đi nước ngoài nên chảnh, trong xóm cũng đeo kiếng đen lượn qua lượn lại phát bực!  Chuyện đến tai tôi nhờ bà Diễm bán cơm, nhưng tôi cũng không chắc tin đó có phải từ bà Diễm mà… ra hay không! Người xưa có câu “đi hỏi già, về hỏi trẻ” nhưng tôi luôn “tâm niệm”: “Đi hỏi bà Diễm về cũng hỏi bà Diễm!”

Quay lại câu chuyện, sau khi tôi cùng bạn ăn cơm tấm rồi ra uống cà phê cóc gần đó. Khi tôi nói giá ly cà phê chỉ 12k thì mặt bạn sợ hãi, đầy nghi ngại hỏi:

– Có phải cà phê pin không?

Tôi cười lớn nói:

– Cà phê hột người ta rang xay tại chỗ. Có máy xay luôn! Thật ra cà phê “thật” ở VN giá vô cùng rẻ. Hóa chất và phẩm màu ở Kim Biên cũng vô cùng rẻ. Pin thì lại đắt, moi lõi pin cũng rất cực khổ. Muốn làm cà phê giả thì hông cần cực khổ đi tìm pin để trộn như báo đăng đâu, chỉ cần pha phẩm màu hóa học hoặc mua luôn “cà phê bắp” xay sẵn về bán.

Bạn tôi thở dài, nói:

– Mày ở đây thì rành chứ ở xa thì biết dựa vào đâu, đọc báo mà ớn. Ba má tao không cho tao về VN luôn vì sợ.

Tôi nói tiếp:

– Báo chí VN là vậy, cứ tin nọ xọ tin kia, câu “view” bất chấp. Nhớ có hồi cả đài truyền hình quốc gia VTV làm luôn một chương trình “cầm chổi quét rau” kể rằng bà con nông dân làm ăn thất đức. Quét rác vào rau cho giống rau không phun thuốc để bán giá cao. Dân mạng cũng chửi quá trời, hùng hổ nguyền rủa người ta. Cuối cùng, hàng loạt nông dân đưa đơn kiện vì kẻ cầm chổi quét rau trong phóng sự kia là làm theo “kịch bản” của nhân viên đài truyền hình VTV luôn! Báo chí chuyên đánh vào người dân sức yếu thế cô để “đẩy” các doanh nghiệp lên, vì sau mỗi khủng hoảng thì hàng hóa bị sụt giá, doanh nghiệp ép giá nông dân để thu mua. Một phần nhờ “dư luận” cả tin, còn những người nông dân thì nghèo và không… rảnh đi kiện tụng. Trong khi các doanh nghiệp VN bị cấm xuất cảng cà phê, hàng hóa, thức ăn ra nước ngoài thì báo chí ém nhẹm, hàng hóa bị cấm xuất đó “được” người dân không hay biết mà mua với giá cao vì cái mác “đồ xuất cảng”. Như chuyện “cướp đất” hổm giờ, tại sao dân Thủ Thiêm cũng như nhiều nơi khác khổ sở, chết dần chết mòn cả chục năm không báo chí nào nhắc tới mà đùng một cái hàng loạt báo “dậy sóng”? Báo chí đổi tánh yêu… đất thương dân ư? Không bao giờ! Có “chỉ đạo” hết… Còn nhiều chuyện lắm, kể chắc mấy cái… chế độ cũng không hết!

do-nha-que1
“Vị” khách hàng nhà quê nhất cơm tấm Diễm

Không biết do tôi nói có lý quá hay do tôi… đẹp mà ly cà phê bạn uống hết không do dự. Hai đứa nói chuyện rôm rả rồi chia tay. Hẹn năm sau gặp khi bạn và tôi còn sống. Không ngờ sau 30 phút chia tay, bạn lại gọi tôi “mắng vốn”. Bảo mới ăn… cơm tấm xong! Ăn y như hồi sáng mà bị tính tới… 50k. Tuy trong lòng khá trách bạn sao nỡ “ăn mảnh” trong “địa bàn” của mình, nhưng tôi vẫn giả đò lịch sự hỏi bạn có cần tôi đòi tiền lại cho không, bạn phì cười nói:

– Có 10 ngàn mà đòi làm gì, tao chỉ thấy lạ…  Bạn ngập ngừng:

– Bộ… giá bán người quen với người lạ khác nhau hả?

Thật ra tôi cũng thắc mắc, nên hẹn bạn hôm sau hỏi lý do rồi trả lời. Và cái lý do của số dư 10k là do bạn không kêu phần cơm đặc biệt giống tôi hồi sáng mà sau khi kêu dĩa “sà bì chưởn” bình thường (25k) rồi coi mòi ít quá nên bạn kêu thêm hai trứng ốp la (15k), có vẻ thiếu thiếu nên bạn “cả gan” kêu ly trà đá xanh nữa (8k), sẵn tay bạn xài luôn cái khăn lạnh (2k) trên bàn, tổng cộng 50k không dư không thiếu. Bà Diễm cười sáng rỡ giải thích. Thấy tôi có vẻ muốn “truy hỏi” tận cùng thì bả mới tỉnh bơ:

– Bán theo combo giá khác, mày không tin vô… nhà hàng coi!

Mặt tôi chưng hửng. Nói xong bà đi rót ly trà đá, ngồi xuống ghế vừa uống vừa nhìn tôi với ánh mắt thương hại, tôi vẫn còn “đờ đẫn” vì câu trả lời của bà giữa cái “tiệm” không tường không vách không nóc chưa tới 9 mét vuông của bà, bà Diễm tiếp:

– Thời đại gì rồi, mày biết chữ mà! Đồ  nhà quê!

DU

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn