Tino Cao - Những người trẻ Trung Quốc vẫn bị buộc phải quên máu đã đổ ở Thiên An Môn

Thứ Sáu, 06 Tháng Sáu 20253:00 SA(Xem: 687)
Tino Cao - Những người trẻ Trung Quốc vẫn bị buộc phải quên máu đã đổ ở Thiên An Môn

tam_05 

Ngày 4 tháng 6 năm nay, 2025, thế giới đánh dấu 36 năm diễn ra cuộc thảm sát kinh hoàng tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, lấy đi mạng sống của hàng trăm người và khiến hàng nghìn người bị thương.

Đây là một biến cố lịch sử gây chấn động toàn cầu, mà nhà cầm quyền Trung Quốc cho đến nay vẫn tiếp tục tìm mọi cách phủ nhận, xóa bỏ, bịt miệng để ém nhẹm sự thật.

Đó là ba mươi sáu năm của sự im lặng cưỡng bức, của ký ức bị săn lùng, của tưởng niệm bị cấm đoán. Nhưng sự thật của đêm đẫm máu ấy, khi quân đội “nhân dân” Trung Quốc nhấn chìm một phong trào dân chủ khổng lồ trong bể máu, vẫn còn đó, sống động và đau đớn.

Phải gọi tên đúng bản chất, sự kiện Thiên An Môn chính là lát cắt rõ nét nhất phản ánh mâu thuẫn tất yếu giữa bạo quyền chuyên chế và khát vọng tự do, giữa sự thật khách quan và diễn ngôn tuyên truyền, giữa quá khứ lịch sử và lãng quên có chủ đích.

Đây không chỉ là một bi kịch riêng của Trung Quốc, hơn thế, nó là một vết thương lở loét trong lương tri nhân loại, là sự xung đột bất khả hóa giải giữa chủ nghĩa cộng sản chuyên chế và các giá trị phổ quát của dân chủ, nhân quyền và tiến bộ. Và ở đó, sự thật vẫn chưa bao giờ được Bắc Kinh gọi đúng tên của nó dưới ánh sáng công lý.

Mùa xuân năm 1989, hàng ngàn sinh viên, trí thức, công nhân và người dân đã tụ họp tại Quảng trường Thiên An Môn, đòi hỏi tự do hơn, minh bạch hơn, chống tham nhũng, và sâu xa hơn là kêu gọi cải cách chính trị tương xứng với những thay đổi kinh tế đã bắt đầu vài năm trước đó. Những cuộc tọa kháng ôn hòa, những khẩu hiệu tràn ngập hy vọng. Rồi xe tăng tiến vào.

Đêm 3 rạng sáng 4 tháng 6, quân đội tràn vào Bắc Kinh. Tiếng súng nổ, tiếng người thét gào, xác người đổ xuống, sinh viên bị truy sát. Không ai biết chính xác có bao nhiêu người chết, nhưng các tài liệu ngoại giao thời đó cho biết con số có thể lên đến vài ngàn. Một cơn ác mộng: theo một bức điện từ Đại sứ quán Úc, xe tăng đã cán lên xác người cho đến khi nát bấy, thi thể bị xúc thành đống và đốt bằng súng phun lửa. Một nỗi kinh hoàng mà đến nay, nhà nước Trung Quốc vẫn cố chối bỏ như thể nó chưa từng tồn tại.

tam_04

Ba mươi sáu năm trôi qua, chính quyền Trung Quốc vẫn cấm triệt để mọi hành vi tưởng niệm sự kiện. Trên mạng internet Trung Quốc, ngày 4 tháng 6 bị xóa khỏi các công cụ tìm kiếm. Những từ ngữ như “ngọn nến”, “quảng trường” hay thậm chí “hôm nay” đều bị kiểm duyệt. Trí tuệ nhân tạo, giờ đây trở thành công cụ của kiểm soát ý thức hệ, sẽ lập tức phát hiện hình ảnh, từ ngữ, ẩn dụ liên quan. Ở Bắc Kinh, không một dấu vết nào của ký ức còn được phép tồn tại. Ngay cả các bà mẹ của những người thiệt mạng - nhóm “Các bà mẹ Thiên An Môn” - cũng bị theo dõi, bị sách nhiễu, buộc phải im lặng.

Thế nhưng ký ức vẫn không chết. Ngoài biên giới Trung Quốc đại lục, ký ức ấy vẫn được duy trì qua các cộng đồng người Hoa lưu vong, qua những đêm thắp nến dâng hoa tưởng niệm, qua các bảo tàng tội ác Thiên An Môn tự phát.

Tại Đài Loan, nhà hoạt động chính trị Phó Đồng, một người tị nạn chính trị, đã khai trương một triển lãm thường trực về sự kiện Thiên An Môn. Các tranh vẽ, hình ảnh, lời kể nhân chứng được trưng bày như những thánh tích mong manh của lòng can đảm bị nghiền nát. Qua các tác phẩm ấy, một phần lịch sử hiện đại của Trung Quốc được làm sống lại - phần lịch sử mà Bắc Kinh muốn xóa, nhưng nghệ thuật lại níu giữ.

tam_06

Bởi đàn áp không dừng lại từ năm 1989. Nó chỉ thay đổi hình thức, chuyển địa điểm, tinh vi hơn. Tại Hồng Kông, nơi từng là pháo đài cuối cùng cho ký ức Thiên An Môn, các buổi thắp nến ngày 4 tháng 6 giờ đây đã bị cấm tuyệt đối. Những người tổ chức bị bắt, nến bị tịch thu, khẩu hiệu bị khép tội hình sự. Trưởng đặc khu Hồng Kông, ông Lý Gia Siêu, tuyên bố rằng bất kỳ hành động nào “đe dọa an ninh quốc gia” sẽ bị “trừng trị không khoan nhượng” - một cách tuyên bố gián tiếp rằng tưởng niệm cũng là tội phạm.

Ký ức bị cấm đoán ấy lại được khơi dậy trong những bi kịch của thế giới hiện nay. Tại Iran, các cuộc biểu tình năm 2022 bị dập tắt trong máu; tại Miến Điện, quân đội bắn vào dân thường; ở Nga, giới bất đồng chính kiến bị triệt tiêu. Ở khắp nơi, những “Thiên An Môn mới” trỗi lên. Chúng nhắc nhân loại nhớ rằng khát vọng dân chủ không chết và bạo lực chính trị vẫn luôn rình rập. Trung Quốc của Tập Cận Bình, khi siết chặt ký ức 1989, đang trình bày một mô hình đàn áp kỹ thuật số khiến nhiều chế độ độc tài khác phải học theo.

Vấn đề lúc này không chỉ là tưởng niệm mà là sự thật. Khi phủ nhận Thiên An Môn, chính quyền Bắc Kinh không chỉ xóa bỏ một chương lịch sử gây cho họ sự khó chịu. Họ khẳng định rằng nhà nước có quyền thao túng thực tại, rằng lịch sử là tài sản riêng của quyền lực. Lập trường này trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, khi thông tin bị bóp méo, lịch sử bị viết lại, và những chính quyền chuyên chế ngày càng lộng hành. Cuộc đấu tranh để nhớ Thiên An Môn chính là một phần của cuộc chiến lớn hơn: cuộc chiến vì một sự thật được chia sẻ, chống lại sự xuyên tạc có hệ thống của kí ức tập thể.

Năm 2025, căng thẳng Trung - Mỹ lại leo thang. Không chỉ vì nguy cơ xung đột quân sự quanh eo biển Đài Loan mà còn vì đối đầu kinh tế gay gắt. Các đòn thuế quan trả đũa nhau, có lúc lên tới 145 %, cho thấy sự đổ vỡ trong thế cân bằng giữa phụ thuộc và đối đầu. Nhưng cuộc đối đầu ấy không thể tách rời khỏi câu chuyện về giá trị. Với phương Tây, Thiên An Môn không chỉ là một sự kiện lịch sử, nó là biểu hiện bản chất của thể chế chính trị Trung Quốc. Điều mà chính quyền Trung Quốc muốn xóa khỏi trí nhớ của nhân loại lại chính là điểm then chốt mà thế giới cần nhớ. Đó là một cảnh báo thường trực.

Nhưng ký ức có thể làm được gì trước quyền lực? Câu hỏi này mỗi dịp 4 tháng 6 lại được đặt ra. Một câu hỏi vừa đau đớn, vừa thiết thân. Dù khuôn mặt những người đã khuất bị gạt khỏi sách giáo khoa, dù hình ảnh bị kiểm duyệt, dù các nhân chứng ngày càng già đi trong thầm lặng thì vẫn còn một điều gì đó không thể dập tắt: đòi hỏi. Đòi hỏi về sự thật, về công lý, về quyền được lên tiếng. Ngày 4 tháng 6 không chỉ là một mốc thời gian. Nó là một cảnh báo. Rằng nhà nước có thể dối trá, rằng dân chúng có thể quên lãng, nhưng vẫn còn những người từ chối điều đó.

Cựu thủ tướng Úc Bob Hawke từng nói trong nước mắt khi ông trình bày bài diễn văn tại buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát Thiên An Môn, diễn ra tại Canberra ngày 9 tháng 6 năm 1989, rằng: “Nghiền nát tâm hồn và thể xác của tuổi trẻ, chính là nghiền nát tương lai của đất nước Trung Quốc” - “To crush the spirit and body of youth is to crush the very future of China itself”. Ba mươi sáu năm sau, tương lai ấy vẫn bị kiểm duyệt. Và những người trẻ ở Trung Quốc vẫn bị buộc phải quên máu đã đổ để được phép lớn lên trong im lặng.

TINO CAO 04.06.2025

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
VIDEO HNPD
Giao Kèo
Web tham khảo