Chúng ta đang trong thời kỳ vàng để học ngoại ngữ?

Chủ Nhật, 22 Tháng Tư 20184:00 SA(Xem: 5287)
Chúng ta đang trong thời kỳ vàng để học ngoại ngữ?

Hillary Yip là một học sinh 13 tuổi ở Hong Kong. Cô bé cũng là một nhà phát triển ứng dụng đầy tham vọng và là CEO.

Được một đứa trẻ thiết kế và dành cho những đứa trẻ, ứng dụng trên điện thoại thông minh của cô bé, có tên gọi là Minor Mynas, đã kết nối trẻ em trên khắp thế giới với một mục đích cụ thể: để học tiếng mẹ đẻ của nhau.


Yip là hiện thân của những cô cậu bé toàn cầu hóa, được kết nối với nhau bằng kỹ thuật số của thế hệ trẻ nhất ngày nay vốn lớn lên với những điều kiện đặc biệt của thế kỷ 21 - với công nghệ kết nối mọi người trên thế giới lại với nhau, với cộng đồng toàn cầu ngày càng đa dạng về mặt văn hóa và sự xuất hiện của các ứng dụng và các trò chơi mang tính giáo dục.

Liệu sự kết hợp của những nhân tố này có tạo ra một thế hệ có khả năng đa ngôn ngữ nhất từ trước đến nay?

Thế giới đa dạng hơn

Sự đa dạng về văn hóa đang tăng lên trên toàn cầu, nhất là do mức độ di cư quốc tế ngày càng tăng, giáo sư Steven Vertovec, giám đốc điều hành của Viện Max-Planck nghiên cứu về Sự đa dạng Tôn giáo và Sắc tộc ở Göttingen, Đức, nói. Ông chỉ ra Bản báo cáo Di cư mới nhất của Liên Hiệp Quốc vốn cho thấy 258 triệu người đang sinh sống ở một quốc gia khác bên ngoài quốc gia mẹ đẻ của họ - tăng lên 49% kể từ năm 2000.

Thế hệ trẻ nhất này đang lớn lên ở một thời đại lịch sử đem đến rất nhiều cơ hội. "Do đó mà có nhiều người hơn, đến từ những thành phần đa dạng, đang kết nối với nhau ở các thành phố trên khắp thế giới," ông nói. "Điều này sẽ tiếp tục ở quy mô toàn cầu."

Sự di dân ngày một tăng này, nhất là ở các thành phố, đã đưa những người có nền tảng văn hóa và ngôn ngữ đa dạng tiếp xúc gần gũi với nhau. Liệu một thế giới ngày càng đa văn hóa có dẫn đến một thế hệ đa ngôn ngữ?

Nhiều khả năng nó sẽ góp phần tạo ra một môi trường có nhiều cơ hội để học ngoại ngữ, Angela Creese, giáo sư về ngôn ngữ học giáo dục tại Đại học Birmingham, nhận định.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Điều mà nó có thể tạo ra là sự định hướng tích cực đối với các khác biệt, cả về mặt văn hóa và ngôn ngữ, do đó mà mọi người ngày càng nhiều khả năng trở nên sáng tạo và quan tâm đến các ngôn ngữ khác."

"Họ có sự kết nối và tiếp cận với các tài nguyên về ngôn ngữ - họ sẽ không phải vật lộn với nó trong một môi trường đơn ngữ nơi mà mọi người cảm thấy hơi căng thẳng với các ngôn ngữ khác."


Thế hệ trẻ nhiều khả năng sẽ nói thêm một ngôn ngữ khác bên cạnh tiếng mẹ đẻ

"Tôi nghĩ điều chắc chắn đúng, ít nhất là ở châu u, là những người trẻ biết nhiều ngoại ngữ hơn trước đây," bà Antonella Sorace, giáo sư về ngôn ngữ học phát triển tại Đại học Edinburgh, cho biết. Bà chỉ ra một nghiên cứu hồi năm 2011 cho thấy 77% những người trong độ tuổi dưới 40 ở các nước EU nói nhiều hơn một ngôn ngữ. "Con số này giảm dần trong các nhóm độ tuổi kế tiếp, với tỷ lệ thấp nhất được ghi nhận ở những người trong độ tuổi 55-64," bà nói.

Tỷ lệ này ở mức cao ở những người đi làm trẻ tuổi có trình độ học vấn cao. Điều này cho thấy ít nhất các công ty đang đặt nặng vấn đề học ngoại ngữ ở nhân viên, nghiên cứu cho hay. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng do quá trình toàn cầu hóa đã tạo ra tăng trưởng kinh tế ở những quốc gia kém phát triển, cũng như thúc đẩy việc đi lại vì mục đích công việc và giải trí, nhiều người đang nói nhiều ngôn ngữ hơn, nhất là tiếng Anh.

Ở Mỹ, một con số kỷ lục là 65,5 triệu người dân nói một ngôn ngữ khác ở nhà, một tỷ lệ đã tăng gấp đôi kể từ năm 1990.

Nhiều người trong số những người này không phải là người nhập cư: nghiên cứu chỉ ra rằng phân nửa sự tăng trưởng những người nói ngoại ngữ kể từ năm 2010 là những người sinh ra ở Mỹ.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng nhận thấy gần một trong bốn học sinh trường công ở Mỹ nói một ngoại ngữ, một tỷ lệ cao hơn tỷ lệ trung bình đối với tất cả các nhóm độ tuổi khác.

Một xu hướng tương tự cũng đang diễn ra ở Canada, nơi số lượng người nói một ngôn ngữ nào đó mà không phải là tiếng Anh hay tiếng Pháp đã tăng thêm 14.5% kể từ năm 2011.

Tom Roeper, một giáo sư về ngôn ngữ học tại Đại học Massachusetts ở Amherst, nói rằng chẳng bao lâu nữa các lớp học trên khắp thế giới sẽ có nhiều hơn những trẻ em có khả năng nói tổng cộng ít nhất là sáu ngôn ngữ tính trong cả lớp.

Ông đề cập đến ý tưởng về 'lớp học xuyên ngôn ngữ' mà ở đó các học sinh nói các ngôn ngữ khác nhau có thể từng bước tiếp nhận ngôn ngữ của các bạn trong một môi trường lớp học ngày càng đa dạng.

"Các thầy cô nên nghĩ ra cách tận dụng yếu tố này trong lớp học," Roeper nói. "Liệu một giáo viên sẽ làm gì khi phải đối mặt với một đám các học sinh châu Phi, Thổ Nhĩ Kỳ hay châu Á? Thách thức mà các giáo viên phải đối mặt là nghĩ ra cách để vận dụng điều đó vào lớp học."

Kết nối trong chớp mắt

Một nhân tố nữa cũng góp phần tạo nên thế hệ đa ngôn ngữ trẻ tuổi ngày nay?

Bất cứ những cô cậu thiếu niên nào có một chiếc điện thoại di động thông minh có kết nối Internet có thể trò chuyện video với bạn bè nói các thứ tiếng khác nhau ở phía bên kia thế giới. Hai mươi năm trước, không ai có thể tưởng tượng ra được chuyện như thế.


Viện Nghiên cứu Pew cho biết ở Mỹ, 57% các em trong độ tuổi thiếu niên kết bạn trên mạng với 'mạng xã hội và các trò chơi điện tử trực tuyến là kênh kỹ thuật số thông thường nhất để gặp gỡ bạn bè'. Không có gì ngạc nhiên khi ứng dụng của Yip đánh vào xu hướng hành vi này ở những người trẻ.

"Mãi đến cách nay chưa lâu, kết bạn bằng một ngôn ngữ khác là cả một nỗ lực," Sorace cho biết. "Anh cần phải đi đến nước khác, ở đó một thời gian và được ba mẹ tổ chức cho chuyến đi đó - giờ đây việc đó trở nên dễ dàng hơn rất nhiều với tất cả các phương tiện công nghệ này."

Chơi game để giỏi ngoại ngữ

"Giáo dục giải trí" để vừa học vừa chơi không phải là cái gì mới mẻ. Các trò chơi điện tử có định hướng giáo dục - chẳng hạn như trò The Oregon Trail - đã có hàng chục năm nay.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Tuy nhiên với internet và các thiết bị thông minh cầm tay, cách giáo dục bằng các công nghệ hiện đại như thế này đã đạt đến tầm cao mới: hàng trăm ứng dụng học ngôn ngữ đã biến việc học tập thành trò chơi game khiến cho mọi người thuận tiện luyện tập khi đang di chuyển và có giá rẻ hơn những trò chơi điện tử đắt đỏ trên máy tính. Chúng cũng có đông đảo người dùng: Duolingo - có lẽ là trò chơi nổi tiếng nhất - có 200 triệu người dùng toàn cầu; một trò chơi khác, busuu, có hơn 80 triệu.


Sự xuất hiện của những ứng dụng rẻ tiền hay miễn phí giúp cho việc học hành trở nên vui vẻ có tác động to lớn đối với trẻ em, mà, khác với người lớn, không phải lúc nào cũng biết được là mình đang học cái gì đó trong khi thực sự là các em đang học.

Các chuyên gia chỉ ra rằng trẻ em học ngầm rất tốt (tức là làm những việc như chơi game nhưng không hề biết là mình đang tiếp nhận thông tin hay rèn luyện kỹ năng), thay vì học nghiêm túc (trực tiếp đến lớp học và làm các bài luyện tập giáo viên cho trong môi trường được hướng dẫn).

"Đó là lý do tại sao công nghệ này có tác dụng," Sorace nói với ngụ ý nhắc đến các ứng dụng và các trò chơi. "Các em sẽ bị cuốn hút vào những thứ mà các em thích và trên thực tế các em đang học một ngôn ngữ khác."

Khi trẻ em bước vào tuổi thiếu niên, các em sẽ có ý thức về bản thân hơn và lo sợ mắc lỗi trước mặt người khác. Đó cũng là chỗ mà công nghệ phát huy tác dụng, Matthew Maclachlan, người đứng đầu bộ phận kỹ năng xuyên văn hóa của Learnlight, một diễn đàn hướng đến việc người lớn học một ngôn ngữ thứ hai có trụ sở ở Anh, nói.

"Bạn không đứng trước một lớp học gồm 29 thiếu niên tuổi teen khác trong lúc bạn đang chia thì động từ," Maclachlan nói. "Mà bạn đang làm công việc đó trong môi trường trên mạng nơi bạn nhận được phản hồi tức thì và tôi có thể thử nghiệm. Bạn sẽ dễ dàng suy đoán hơn bởi vì đó là chiếc máy tính. Khi bạn luyện tập với một người thật, bạn sẽ không đoán mà sẽ chỉ nói là 'Tớ không biết."

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Bất chấp nhiều cách mới mẻ mà công nghệ có thể hỗ trợ cho các em nhỏ lớn lên trong một thế giới ngày càng đa dạng và gắn kết, các chuyên gia cho rằng công nghệ chỉ phát huy vai trò tốt hơn để bổ sung, chứ không phải thay thế sự tiếp xúc trực tiếp trong đời thực.

Giới hạn của công nghệ

Và khi chúng ta nhìn vào việc học ngoại ngữ, các ứng dụng học vẫn cần được xem như là công cụ hỗ trợ. Những em dùng Duolingo có thể có điểm số tiếng Pháp, tiếng Đan Mạch hay tiếng Hungary đáng tự hào, nhưng nếu các em thật sự muốn tiến bộ, sẽ đến lúc các em cần phải thực tập với người bản ngữ.

"Tôi có thể lên Skype với giáo viên ở Mexico City và tôi có thể trò chuyện thật sự với một người bản ngữ," Maclachlan. "Tôi có được những giáo viên tốt nhất chứ không chỉ là người nói tiếng Tây Ban Nha giỏi nhất ở đây, trong môi trường tiếng Anh mà tôi đang sống."

Tương lai thì sao? Trẻ em ngày nay đã đi xa hơn việc vọc điện thoại thông minh và máy tính bảng để tiến đến sử dụng những trợ lý kích hoạt bằng giọng nói như Cortana hay Alexa. Dạng trí tuệ nhân tạo này, cùng với các công cụ trò chuyện ngày càng phức tạp, có thể trở thành những công cụ học ngoại ngữ mới.

Maclachlan suy đoán rằng chúng ta chỉ còn cách điểm đó từ 12 cho đến 18 tháng. "Sẽ không lâu nữa đâu cho đến khi tôi có thể thật sự hội thoại với công nghệ của tôi và nó có thể chỉ ra những ra lỗi mà tôi mắc phải khi tôi đang nói," ông giải thích.

Ích lợi của việc biết nhiều ngoại ngữ đã được ghi nhận rõ ràng. Nó giúp đẩy lui căn bệnh mất trí nhớ dementia, khiến ta tập trung tốt hơn và cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề, và thậm chí giúp bạn kiếm thêm đjược tiền.

Với Hillary Yip, việc có thêm giao tiếp và hiểu nhau tốt hơn trong giới trẻ giúp xé bỏ rào cản xã hội giữa các bạn tuổi teen khi các em trưởng thành hơn.

"Trong thế giới của người lớn có hàng tấn những thứ như chủng tộc, giới tính, và các kiểu suy nghĩ một chiều khác," cô bé nói. "Nhưng với trẻ con, tất cả chỉ đều là đứa trẻ."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn