Ở tuổi 24, Sophie Brown đã có được công việc trong mơ là một nhà báo tại một trang web tin tức quốc tế hàng đầu. Cô đã rất cố gắng để có được công việc đó và đã một lòng đi theo con đường sự nghiệp theo lời khuyên của mọi người, từ giáo sư cho đến bố mẹ cô. Chỉ có điều, vấn đề nhỏ thôi: cô ghét công việc đó.
Công việc mơ ước?
"Tôi ghét công việc đó và tôi ghét những đồng nghiệp ở đó," cô giãi bày. "Mọi người cho rằng tôi chỉ cần tiếp tục leo lên các nấc thang và một khi tôi được thăng chức tôi sẽ hạnh phúc hơn hoặc khi tôi được tăng lương, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn." Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác.
"Những đêm khuya, những buổi sáng sớm và những ngày cuối tuần… tôi và người bạn đời giống như những con tàu đi thoáng qua nhau trong phút chốc. Hàng mấy năm trời tôi không hề có thời gian nào dành cho gia đình và tôi đã nhận ra rằng công việc trong mơ đó, công việc mà tôi phải phấn đấu vất vả mới có, thật ra lại chẳng phải là thứ mà tôi cần."
Do đó, cô đã làm một điều không ai ngờ là nghỉ việc.
Công việc khiến chúng ta phải chịu vô vàn sức ép. Chỉ chịu đựng để làm việc thì sẽ là không đủ, mà bạn cần phải có niềm đam mê với công việc nữa. Bạn phải theo đuổi giấc mơ của mình và vươn tới những vì sao.
Tuy nhiên liệu ý nghĩ về một công việc trong mơ có khả thi? Hay đó chỉ là một điều vô nghĩa được lý tưởng hóa được tạo ra nhằm khiến cho bạn cảm thấy tội lỗi hơn, làm việc vất vả hơn và than phiền ít hơn?
Một người hoàn toàn tin vào việc theo đuổi công việc trong mơ là nhà tư vấn về hạnh phúc Samantha Clarke - bà giúp các doanh nghiệp làm cho nhân viên hài lòng.
"Chúng ta đều là những nhân tố tạo ra hạnh phúc công việc của chính mình," bà giải thích. "Tùy thuộc vào việc chúng ta có chịu ra ngoài đó và hình dung ra điều gì là tốt cho chúng ta và điều gì là không tốt hay không. Bạn cần phải biết bắt đầu làm chủ cuộc đời mình."
Clarke tìm cách định hình lại cách mà các doanh nghiệp và nhân viên của họ suy nghĩ về hạnh phúc trong công việc.
Đó không phải là kiểu hạnh phúc hời hợt với nụ cười tươi và bia miễn phí.
"Đó là suy nghĩ về việc làm sao chúng ta giao tiếp được tốt hơn; liệu chúng ta có tạo ra được những môi trường hay khu vực nơi chúng ta làm việc hiệu quả hơn hay không."
Bà là người cổ súy cho việc tìm hiểu về việc làm sao và khi nào chúng ta làm việc hiệu quả nhất. Các chiến lược như cho phép nhân viên đến sở vào thời gian khác nhau hay làm việc ở nhà có thể đem lại cảm giác tự định hướng - tức là bạn có được sự tự do để đến lớp yoga vào buổi sáng và sau đó quay lại nơi làm việc để kiểm tra hộp thư điện tử nếu cách làm như vậy khiến bạn làm việc có năng suất.
Vậy thì chủ lao động được lợi gì ở đây? Rất nhiều, Clarke cho biết. Khi mà một công ty xây dựng bản sắc hạnh phúc cho riêng mình, họ có thể đo lường những yếu tố như là năng suất và hiệu quả. Nhưng về cơ bản Clarke thừa nhận rằng ở rất nhiều công ty mà bà đã từng làm việc, mọi thứ đều hướng đến điều cốt lõi. Nhân viên hạnh phúc cũng đồng nghĩa với năng suất cao hơn. Và do đó lợi nhuận nhiều hơn.
Tự chủ trong công việc
Dù sao đi nữa, có những nghiên cứu chứng minh cho giả thiết rằng chúng ta sẽ hạnh phúc nhất khi chúng ta có thể kiểm soát công việc của mình nhiều hơn và ít làm nô lệ cho đồng lương hơn. Chẳng hạn như khi bạn làm việc từ nhà.
Alan Felstead, một giáo sư tại Trường Khoa học Xã hội Cardiff, Anh Quốc, đã tiến hành nghiên cứu theo đó cho thấy nhân viên làm việc từ xa mãn nguyện hơn với công việc của họ. Họ làm việc nhiệt tình hơn và gắn bó hơn với công ty mà họ làm việc.
"Quan niệm cố hữu của mọi người là những người làm việc từ nhà là đang tìm cách trốn việc, họ đang làm việc nhẹ nhàng và dễ dàng," Felstead nói. "Bằng chứng cho thấy là họ thật sự làm việc chăm chỉ hơn. Chẳng hạn như, có khoảng cách 15 điểm phần trăm trong tỷ lệ nhân viên cho biết họ thường xuyên phải làm việc ngoài giờ làm việc thông thường, và khoảng cách sáu điểm phần trăm trong mức độ nỗ lực."
Tuy nhiên không phải mọi thứ đều thuận lợi cho nhân viên khi làm việc ở nhà - nghiên cứu cũng nhận thấy rằng khi làm việc ở nhà thì nhân viên khó mà dứt việc. Không phân định một ranh giới rõ ràng giữa công việc và gia đình có nghĩa là có nguy cơ nhân viên sẽ làm việc quá sức. Vậy thì giành quyền kiểm soát cuộc đời của bạn làm gì khi mà bạn phải bắt đầu làm việc sớm hơn, kết thúc muộn hơn và trả lời email vào lúc 3 giờ sáng?
Stephen Lewandowsky, một giáo sư về khoa học nhận thức tại Đại học Bristol, cũng cảnh báo rằng mặc dù việc cho phép nhân viên tự chủ nhiều hơn trong công việc có thể khiến họ đỡ căng thẳng, nhưng nó không nhất thiết đem lại hạnh phúc thật sự.
Ông giải thích rằng cám dỗ ở đây là đánh đồng hạnh phúc với thành công trong công việc. "Bạn bắt đầu làm việc càng ngày càng nhiều hơn," ông nói, "đến mức mà bất chợt bạn cảm thấy tội lỗi nếu bạn không làm việc, và sẽ đến lúc sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc cũng như những trách nhiệm gia đình của bạn sẽ phải trả giá cho điều đó."
Cho nhân viên tự chủ trong công việc không nhất thiết có nghĩa là nhân viên sẽ có những quyết định đúng đắn. Cứ hỏi bất cứ người nào phải hoàn tất báo cáo vào nửa đêm hay phải gửi thư cho khách hàng vào ngày cuối tuần thì biết.
Ước mơ sáng tác
Vậy còn những ước mơ sáng tác thì sao? Rất nhiều người mơ ước được sáng tác nghệ thuật - hội họa, điêu khắc, viết kịch và biến những ước mơ đó thành công việc. Đó chẳng phải là đúng là định nghĩa về sự nghiệp lý tưởng hay sao?
Nếu bạn muốn làm những công việc sáng tác bạn có hai chọn lựa. Hoặc là làm việc cho chủ vào ban ngày và thỏa chí sáng tác vào ban đêm, hoặc là kiếm ai đó trả tiền cho bạn để bạn sáng tác cho họ vào mọi lúc.
Ross Sutherland, nhà văn và là diễn viên, đã trải nghiệm cả hai.
"Tôi đọc về Thế hệ X khi tôi 15 tuổi vốn là độ tuổi phù hợp nhất để đọc cuốn sách đó," ông cho biết, ngụ ý nhắc đến cuốn tiểu thuyết của Douglas Coupland mà trong đó ông chế ra thuật ngữ 'McJob' có nghĩa là một công việc lương thấp và không danh giá trong ngành phục vụ.
"Tôi hoàn toàn nhớ điều này rằng có công việc sẽ giúp bạn kiếm tiền và sẽ có công việc từ trong tâm khảm bạn mà bạn tự làm mới chính là nguồn cảm hứng thúc đẩy bạn trong cuộc sống."
Sutherland chắc chắn đã trải qua những công việc dạng 'McJob' trong đó có phục vụ trong quán rượu, làm việc ở nhà kho văn phòng phẩm, làm người dẫn chương trình tại một trận đấu vật, dạy viết văn sáng tạo ở một nhà tù và hướng dẫn về nhạc ráp cho học sinh tiểu học và viết thư giúp một sòng bài khuyên những người hưu trí nên tiêu tiền (mà ông cho là giai đoạn chán chường nhất trong sự nghiệp của mình).
Tuy nhiên, ông không hề tuyệt vọng về những công việc đầu tiên trên đường đời này mà ông xem đó là điều cần thiết để phục vụ cho hoài bão sáng tác của mình.
"Theo đuổi ý tưởng về công việc trong mơ là điều mà nhiều người dành cả đời để làm. Nhưng liệu công việc lý tưởng có thể nào chỉ là ảo tưởng mà thôi?"
Sophie Brown, cô nhà báo khốn khổ trước đây, giờ đây đã tự lên thời khóa biểu cho mình nhờ chuyển sang làm việc với tư cách là một phóng viên tự do và đang ước mơ trở thành đầu bếp làm bánh. Cô làm việc ở nhà với hai chú chó và đi học lớp nướng bánh vào buổi tối.
"Tôi gặp người thân của mình thường xuyên hơn và tôi hạnh phúc hơn nhiều so với trước đây," cô nói. "Giờ đây tôi đã nhận ra rằng có những cách để kiếm tiền sẽ khiến bạn hạnh phúc."
Bản tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.