Việt Nam đã cải tạo, nâng cấp các đảo ở Trường Sa, trong đó bãi Thuyền Chài được cải tạo đủ sức để xây dựng đường băng dài ba ngàn mét. Các chuyên gia nghiên cứu biển Đông cho rằng việc Việt Nam tăng tốc cải tạo các đảo ở Trường Sa nhằm để Trung Quốc thấy cái giá phải trả cao hơn nếu “chuyển căng thẳng” về phía Việt Nam.
Hôm ngày bảy tháng Sáu, 2024, Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington DC công bố báo cáo cho biết, Việt Nam tăng tốc cải tạo, nâng cấp các đảo mình đang đóng quân ở Trường Sa. Trong đó, bãi Thuyền Chài được cải tạo với độ dài đã hơn 4000 mét, đủ sức để xây dựng đường băng dài 3000 mét.
Ảnh chụp từ vệ tinh bãi Thuyền Chài hôm 11/5/2024 của AMTI (Ảnh: AMTI / CSIS)
Theo ảnh vệ tinh chụp bãi Thuyền Chài từ Planet Lab mà RFA ghi nhận được trong ngày 28 tháng Tám, 2024, so sánh với ảnh vệ tinh của AMTI chụp hồi tháng Năm , có thể thấy thấy bãi Thuyền Chài đã được tăng cường đáng kể so với hai tháng trước.
Cụ thể, bộ phận được cho là có thể xây dựng đường băng, vào hồi giữa tháng 5/2024, vẫn còn lồi lõm, có nhiều nước, nhưng vào ngày 28 tháng Tám, ảnh vệ tinh cho thấy, nó đã được bồi lấp đầy đủ.
Theo những phân tích của nhà nghiên cứu Trần Bằng ở Đại học Paris 2, Pháp, và nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học UNSW Canberra, Australia qua chia sẻ với RFA, ảnh vệ tinh mới nhất do RFA ghi nhận, cho thấy, bãi Thuyền Chài có công sự, cảng, âu tàu, vịnh bên trong để trú ẩn. Đặc biệt, có thể thấy năng lực công nghiệp quốc phòng của Việt Nam đã tiến lên một bước khi ở Thuyền Chài có sự hiện diện của các tàu hút cát cỡ lớn, có thể hút cát tại chỗ để bồi lấp đảo, thay vì phải chở vật liệu từ đất liền như trước đây.
Cận cảnh âu tàu, công sự, cảng, cầu cảng, tàu thuyền trong bãi Thuyền Chài ngày 28 tháng Tám, 2024 (Ảnh RFA/ Planet)
Tại sao Việt Nam tăng cường xây dựng những cơ sở vật chất nói trên ở bãi Thuyền Chài? Liệu những tiến triển mới ở bãi Thuyền Chài có làm cho Trung Quốc chuyển hướng căng thẳng từ Philippines sang Việt Nam? RFA có cuộc trao đổi ngắn với nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương về những chuyển động mới như vừa nêu:
RFA. Theo ông, những công trình mới trên bãi Thuyền Chài nhắm đến mục tiêu cụ thể gì trên Biển Đông?
Nguyễn Thế Phương
Không chỉ trên bãi Thuyền Chài mà còn ở các điểm khác của Việt Nam ở Trường Sa. Theo một số báo cáo, căn cứ vào hình ảnh vệ tinh, thì một hai năm trở lại đây, Việt Nam đã đẩy mạnh cải tạo các điểm đảo ở Trường Sa. Trong đó, điểm được cải tạo lớn nhất là bãi Thuyền Chài.
Điều này nằm trong tư duy quốc phòng của Việt Nam. Tư duy quốc phòng của Việt Nam đi theo ba yếu tố là "bờ - biển - đảo." Những yếu tố này rất quan trọng trong tư duy phòng thù hướng biển của Việt Nam.
Trong đó, các đảo ở Trường Sa được nhấn mạnh là có vai trò quan trọng trong việc Việt Nam có thể phòng thủ hướng biển hay không.
Việt Nam rút kinh nghiệm từ vụ dàn khoan HD-981 xâm nhập sâu vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam năm 2014. Khi đó, Việt Nam mỗi khi cần tiếp viện cho các lực lượng trên biển thì chủ yếu vẫn là đi từ đất liền ra. Tiếp viện từ đất liền thì quy mô và tốc độ chi viện bị giảm thiểu vì khoảng cách từ bờ ra đến nơi cần tiếp viện rất là xa. Việc cải tạo các đảo ở Trường Sa sẽ giúp Việt Nam triển khai lực lượng chi viện tới các vùng biển tranh chấp nhanh hơn. Đó là bài học Việt Nam rút ra được từ 2014.
Vì vậy nếu nhìn việc cải tạo đảo, chúng ta thấy những địa điểm phù hợp như Thuyền Chài thì sẽ được mở đường băng. Sắp tới Thuyền Chài sẽ có một đường băng khoảng ba cây số. Khi đó Việt Nam có triển khai không chỉ máy bay vận tải bình thường mà cả máy bay quân sự.
Thứ hai, Thuyền Chài cũng được xây thêm các âu tàu, giúp cho lực lượng chấp pháp biển có thể trú ẩn. Từ đó, các lực lượng này có thể triển khai đến vùng tranh chấp rất nhanh. So với trước đây, Việt Nam chỉ có thể triển khai lực lượng chấp pháp từ bờ ra. Đây là sự tăng năng lực rất lớn.
Thứ ba, việc cải tạo đảo còn hướng đến mục tiêu giúp cho điều kiện sống, làm việc của con người trên đảo được tốt hơn. Điều này nằm trong tư duy quốc phòng của Việt Nam là “chiến tranh nhân dân.” Trên các đảo tiền tiêu ở Trường Sa sẽ không chỉ có quân đội mà còn có người dân sinh sống, làm ăn. Điều đó tạo ra thế trận mà thuật ngữ quân sự Việt Nam gọi là “chiến tranh nhân dân.” Tư duy “chiến tranh nhân dân” có kết quả là tạo cho Việt Nam điểm tựa lớn hơn ở các vùng tranh chấp.
Tiếp nữa, một trong những cơ sở mà Việt Nam đẩy mạnh cải tạo, nâng cấp, là các cơ sở phòng thủ. Tư duy quốc phòng hướng biển của Việt Nam đi theo hướng phòng thủ chứ không phải tấn công. Làm thế nào để các điểm phòng thủ của Việt Nam ở Trường Sa càng khó bị tấn công càng tốt, và nếu bị chiếm thì cũng khó mà giữ được. Đó là tư duy phòng thủ hiện nay của Việt Nam.
Đó là lý do vì sao không chỉ Thuyền Chài mà một số điểm đảo xung quanh Thuyền Chài cũng được cải tạo, nâng cấp. Đó là những yếu tố chính giải thích cho hoạt động cải tạo, nâng cấp đảo của Việt Nam gần đây.
RFA. Liệu những diễn biến mới trên bãi Thuyền Chài có làm Trung Quốc chuyển căng thẳng từ Phillippines sang Việt Nam không?
Nguyễn Thế Phương
Ở thời điểm hiện tại thì Trung Quốc không muốn chuyển căng thẳng về phía Việt Nam. Nói cách khác, họ chưa muốn tạo ra nhiều mặt trận khác nhau trên Biển Đông cùng một lúc.
Về vấn đề này, các học giả có nhiều đánh giá khác nhau. Một trong những đánh giá đáng chú ý là Trung Quốc tính toán ở thời điểm hiện nay dựa trên vấn đề "cost and benefit", tức là lợi ích mà họ đạt được là gì, và cái giá mà họ phải trả khi họ thực thi bất kì động thái mới nào trên Biển Đông.
Hiện nay, dường như Trung Quốc đánh giá rằng nếu họ tiếp tục gây sức ép lên Philippines thì họ sẽ được nhiều cái lợi hơn là thiệt hại. Trong khi đó, nếu tăng cường sức ép lên Việt Nam thì cái giá phải trả sẽ tăng lên rất là nhiều.
Ở đây có một số logic mà nhiều học giả, trong đó có các học giả Mỹ, đánh giá là chính vì Philippines là đồng minh của Mỹ nên ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc mới nhắm vào Philippines.
Hãy quay trở lại với ví dụ năm 2014, khi Trung Quốc kéo giàn khoan HD-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Khi đó, một trong những lý do khiến cho Trung Quốc hạ nhiệt, rút lui, là Việt Nam đe dọa sẽ xích lại gần hơn với Mỹ bằng cách này hay cách khác. Động thái đó của Việt Nam vừa là do có sức ép từ một số nhóm trong nước.
Chính điều đó làm cho Trung Quốc lùi lại một bước và hạ nhiệt. Bởi vì họ biết rằng nếu Trung Quốc hạ nhiệt thì Việt Nam cũng sẽ không tiến lại gần Mỹ quá mức.
Trong tư duy quốc phòng của Trung Quốc thì Việt Nam có vị trí rất quan trọng, là điểm án ngữ sườn phía nam của họ. Nếu Việt Nam tiến lại gần Mỹ thì vị trí sườn phía nam của họ sẽ bị đe dọa rất nghiêm trọng.
Chính điểm đó là một trong những công cụ để Việt Nam có thể thương lượng với Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc hiểu rằng dù họ có ép Philippines hết cỡ thì Philippines cũng đã là đồng minh của Mỹ từ lâu rồi. Do đó, đứng từ góc độ của Philippines thì họ không còn công cụ nào khác để tương tác với Trung Quốc nữa.
Đó chính là điểm mà các học giả hiện nay thống nhất với nhau về Philippines. Nước này không còn nhiều công cụ làm đòn bẩy đối với Trung Quốc nữa.
RFA. Ngoài các vấn đề “lợi ích và trả giá” về mặt đối ngoại như trên, năng lực trên thực địa của Việt Nam và Philippines có ảnh hưởng đến hành vi của Trung Quốc không?
Nguyễn Thế Phương
Thực tế mà nói thì các điểm đảo Việt Nam bồi đắp ở Trường Sa đã do Việt Nam sở hữu, kiểm soát từ rất lâu rồi. Các điểm đảo này từ lâu đã có cơ sở hạ tầng rất kiên cố và vững chắc rồi.
Trong khi đó, các điểm tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc thì tình hình rất khác. Bãi cạn Scarborough thì Philippines đã mất quyền kiểm soát từ rất lâu. Còn ở bãi Cỏ Mây thì Philippines chỉ có một con tàu cũ nát sản xuất từ thời Thế chiến thứ hai neo trên đó. Trung Quốc có đủ khả năng để kéo con tàu đó ra khỏi bãi Cỏ Mây.
Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là vị thế trên thực địa của Philippines tại các vùng tranh chấp yếu hơn rất nhiều so với các thực thể mà Việt Nam đang chiếm giữ.
Nói cách khác, năng lực của Philippines trên thực địa không đủ mạnh để thuyết phục Trung Quốc rằng nếu anh không giảm căng thẳng thì anh sẽ phải trả một cái giá rất lớn.
Chính điều này cũng là điểm cốt lõi trên thực địa khiến cho Trung Quốc tự tin trong việc ép Philippines.
Điểm này cũng là điểm mà Philippines và Việt Nam khác nhau.
RFA xin cảm ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.