Những Kẻ Phản Nghịch

Thứ Ba, 10 Tháng Tư 201811:00 CH(Xem: 5045)
Những Kẻ Phản Nghịch
Khi những ông Thăng, ông Thanh đứng trước toà nghị án khóc lóc, xin xỏ lòng thương hại hay mong muốn được đối xử như con người thì các ông hẳn biết rằng, trên khắp nước Việt Nam bây giờ có ko ít những con người vẫn luôn kiên trì đấu tranh cho chính cái điều mà các ông van xin.
loi-khai-ong-dinh-la-thang-va-trinh-xuan-thanh-1
Khi ông Thăng xin toà sự công minh để có sĩ hảo ngẩng mặt nhìn bạn tù thì ông hẳn biết rằng, nhà tù của chế độ cộng sản là nơi giam cầm rất nhiều những tù nhân chính trị khí phách và bản lĩnh - họ luôn ngẩng cao đầu. Sự cảm phục và kính trọng mà người dân dành cho họ là chính bởi sự dấn thân ko mệt mỏi vì tình yêu tự do, yêu công lý mà chấp nhận đánh đổi cuộc sống an bình của bản thân và gia đình.
Lịch sử nước Nam tự cổ cũng đã lưu danh những kẻ phản nghịch với triều đình như vậy. Là Chu Thần Cao Bá Quát với câu thơ ngạo nghễ được lưu truyền:
"Một chiếc cùm lim chân có đế
Ba vòng xiềng sắt bước thì vương."
Là Tập Xuyên Ngô Đức Kế vì học theo cái văn minh chính trị Âu Tây mà phải mang áo mão tù.
"Xe như nước chảy ngựa như rồng,
Vì cớ gì ta vẫn bực lòng.
Ham học văn minh đà mấy lúc,
Mão tù đâu khéo cấp cho ông! "
Là người "tù quốc sự" Huỳnh Thúc Kháng với những trang viết hùng hồn trong Thi tù tùng thoại. "Trên sử tấn hoá mới của loài người, trong đám tù tội có cái tên gọi là "tù quốc sự" khác với hạng tù thường, không những xã hội không bài xích như ngày xưa, mà trong có hạng chí sĩ nhân nhân, trở được người đời tỏ lòng sùng bái và khen ngợi... "
Dù sống trong những thời đại cách biệt hàng trăm năm và xuất phát từ những vị thế xã hội khác nhau nhưng ở họ đều hiện hữu những phẩm chất của kẻ sĩ, kẻ phản nghịch của đương triều. Đó là sự khẳng khái trước cường quyền, tinh thần tự tôn dân tộc trước cái hèn, cái bạc nhược của chế độ đương thời và trên hết là lòng tự trọng của kẻ sĩ trước hiện tình đất nước không cho phép họ theo đuổi cuộc sống phú quý, an nhàn.
Lãnh đạo ươn hèn thì trí thức ngoảnh mặt, nhân tâm ly tán, xã hội sẽ trở nên bạc nhược. Cơ thể chính trị yếu kém là nguồn gốc cho bọn bất tài vô lương triển nở, thao túng quyền hành. Lịch sử phát triển nhân loại đã chứng minh, những chế độ chuyên chế hay độc tài toàn trị dù có gắn cho mình những cái mác đẹp đẽ tới đâu rồi cũng sẽ đến lúc suy tàn. Không có cái cha truyền con nối nào, băng nhóm nào mà có thể thúc đẩy phát triển xã hội một cách bền vững mãi. Trong những xã hội đó, kẻ sĩ không tìm thấy chỗ đứng cho mình; họ cô độc và lầm lũi trong hành trạng của mình. Kẻ sĩ đã trở thành cái gai và là những kẻ phản nghịch của đương triều.
Chỉ ở những xã hội: khi mà người dân có quyền tự do thực thi và biểu đạt ý nguyện của mình, tự do nhóm hội để đối trọng lại sự lạm quyền của chính phủ và sự tiếm quyền của đảng phái chính trị; khi mà ý nguyện của người dân ko phải là sự áp đặt từ trên xuống và đa nguyên tư tưởng được mặc nhiên thừa nhận; khi mà hiến pháp - là ý chí tối thượng của toàn dân, không còn là sự áp đặt ý chí của giai cấp thống trị; khi đó, nền tảng của phát triển xã hội mới thực sự được ươm mầm.
Tự do - dân chủ ko phải là cái cậy nhờ xin xỏ hay chờ ban phát mà có được. "Kẻ nào đánh đổi quyền tự do để có được chút an toàn cá nhân tạm bợ, kẻ đó, ko xứng đáng được hưởng cả tự do lẫn an toàn" (Benjamin Franklin). Rồi đây lịch sử sẽ phán xét những bản án bất công của chế độ đối với luật sư Nguyễn Văn Đài cùng các bạn đồng chí của mình, với Ba sàm Nguyễn Hữu Vinh, với doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức hay Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và với nhiều tù nhân lương tâm khác, những người đấu tranh cho tự do và dân quyền - những kẻ phản nghịch của vương triều cộng sản.

Lê Doãn Cường

(Dân Luận)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn