Never Again – Cuộc cách mạng tuổi teen

Thứ Ba, 10 Tháng Tư 20183:30 SA(Xem: 5440)
Never Again – Cuộc cách mạng tuổi teen

“Có thể nào chúng ta đừng tranh cãi như những người Dân Chủ hay Cộng Hòa mà hãy bàn luận như những người Mỹ? Trong phần ý kiến, nếu bạn thấy bất đồng với ai thì đừng tấn công họ mà hãy đối thoại, điều này áp dụng cho cả tôi. CHÚNG TA PHẢI CÙNG HỢP TÁC ĐỂ CỨU VÃN TƯƠNG LAI CHÚNG TA”. Đó là lời của David Hogg, một học sinh 17 tuổi, đã để lên đầu trang twitter của mình. David là một trong những học sinh khởi xướng phong trào “Đừng bao giờ tái diễn” (Never Again) – phong trào chống lại bạo lực súng đạn và kêu gọi các nhà lập pháp có các biện pháp kiểm soát súng chặt chẽ hơn nữa để các vụ tấn công vào trường học hay chốn đông người không còn tái diễn. Nhóm học sinh trung học Mỹ đang khởi xướng một phong trào mạnh mẽ này là ai, khi chính họ đang trở thành tâm điểm của những cuộc tranh luận trong đại chúng và được giới chính khách Hoa Kỳ lưu tâm, cũng như truyền thông tả-hữu Hoa Kỳ chạy trang bìa, phỏng vấn hay đưa tin trong các chương trình thời sự hiện nay?

never-again-cuoc-cach-mang-tuoi-teen2

Nếu không có vụ hung thủ Nicolas Cruz nổ súng sát hại 17 học sinh và thầy giáo tại trường trung học Marjory Stoneman Douglas HS (MSD) thuộc tiểu bang Florida hồi giữa Tháng Hai vừa qua thì có lẽ những học sinh cuối cấp tại đây cũng sẽ như hàng triệu học sinh sắp sửa tốt nghiệp trung học khắp nước Mỹ khác trong năm nay: hồi hộp, mừng vui với những hồi báo từ các đại học họ đã nộp đơn, những dự tính và kế hoạch cho việc học xa nhà, rồi những chuẩn bị nào là áo quần dạ hội và chương trình cho bữa tiệc prom đáng nhớ trong đời trước khi bãi trường… Nhưng với nhiều học sinh ở đây, mọi chuyện dường như đã thay đổi hoàn toàn sau vụ thảm sát. Họ trở nên những tiếng nói mạnh mẽ. Họ vô tình trở thành những nhà tranh đấu. Họ bỗng là thủ lĩnh. Họ tổ chức, quy tụ những cuộc tuần hành hàng trăm ngàn người. Với mục đích duy nhất: chống lại bạo lực súng đạn và kêu gọi ngăn chận những vụ nổ súng vào trường học chắc chắn sẽ còn xảy ra. Mà nạn nhân có thể là bất cứ ai hay chính con cái họ sau này. Kể cả những người bàng quan hay thậm chí đang chỉ trích các học sinh này. Bởi thanh thiếu niên Mỹ có nguy cơ chết vì súng cao gấp 49 lần so với các nước phát triển và giàu có khác.

Trang bìa của tạp chí Time số ra ngày 2 Tháng Tư vừa qua là hình của năm thủ lĩnh trẻ của phong trào “#Never Again”, là những học sinh nhân chứng và sống sót qua cuộc tấn công vào trung học MSD nói trên. Tấm hình chụp những học trò tuổi “teen” này dễ làm những người hay đánh giá người khác qua dáng vẻ bề ngoài cho là  “ngổ ngáo” và nếu các học sinh này không trở thành những cái tên và khuôn mặt trên báo chí trong thời gian qua thì có lẽ chẳng ai phân biệt điều gì đó gây chú ý khác hơn. Nhưng họ là thủ lĩnh của một phong trào đang dẫn đến một cách mạng giới trẻ. Đó là một Emma Gonzalez với những bài phát biểu tạo nhiều tranh cãi, cả ủng hộ lẫn chống đối của hai phe binh chống súng và trang twitter có một triệu rưỡi người theo (chuyên mục Kiến Thức Trẻ đã chuyển dịch một trong những phát biểu của Emma trên số báo Tháng Ba với tựa “Trường cần sách, không cần súng”). Đó là một David Hogg, một ký giả học trò cho tờ Sun Sentinel và trở thành một “thư ký báo chí” sắc bén của phong trào, xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn trên một số hệ thống truyền thông tên tuổi. Đó là một Jaclyn Corin, Chủ Tịch Hội Học Sinh tại MSD, chưa bao giờ tham gia các vấn đề chính trị hay hoạt động tranh đấu bỗng trở thành một tiếng nói thuyết phục với hàng triệu người xem clip phim “WHATIF” kêu gọi giới trẻ xuống đường tuần hành tại Washington DC hồi tuần trước. Đó là một Camaron Kasky, người cật vấn và đưa Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio vào sự lúng túng trong một cuộc tranh luận về súng. Đó là hàng chục học sinh tuổi 17, 18 khác, là những thành viên sáng lập phong trào #Never Again hiện nay.

never-again-cuoc-cach-mang-tuoi-teen1

Vụ nổ súng tại trường học MSD, Florida không phải là vụ nổ súng vào trường học đầu tiên lại càng không phải vụ nổ súng hàng loạt duy nhất bắn vào thường dân vô tội. Chỉ trong ba tháng đầu năm 2018 này đã có tám vụ nổ súng tại trường học. Sau những vụ như vậy là những cuộc tranh luận về kiểm soát súng, những buổi cầu nguyện, những giận dữ, thất vọng. Rồi mọi chuyện lại trở vào trong im lặng như bấy lâu nay. Đơn giản vì Tu Chánh Án thứ Hai trong Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo vệ quyền được mang súng của người dân Mỹ. Và đàng sau nó có thêm một Hiệp Hội Súng NRA đầy quyền lực và thao túng nền chính trị Hoa Kỳ khi có trong tay một kỹ nghệ hàng chục tỉ đồng mỗi năm và luôn nhân danh việc bảo vệ hiến pháp, được viện dẫn như một tấm khiên chống đạn. Súng ống đã trở thành một loại “văn hóa” trong đời sống của người dân Mỹ, khi họ đang sở hữu trong tay khoảng 265 triệu súng các loại, kể cả những kẻ có triệu chứng tâm thần. Và tại Texas, tiểu bang được mệnh danh  là một “thiên đàng súng ống”, số tiệm bán súng nhiều gấp năm lần số tiệm McDonald’s.  Nên rốt lại các tranh luận lâu nay vẫn theo lý lẽ khá chung của việc binh chống, chẳng đưa đến những giải pháp hay kết quả cuối cùng. Nhóm ủng hộ súng lý luận rằng nếu kiểm soát súng thì chỉ có người tốt bị thiệt vì không còn phương tiện tự vệ trước kẻ xấu, trong khi mhóm đòi kiểm soát súng cho rằng súng là nguyên nhân gia tăng các vấn đề bạo lực súng đạn. Là gì hay theo xu hướng chính trị như thế nào thì một sự thật cần nhìn nhận là số người bị chết vì súngđạn hàng năm tại Mỹ là cao nhất thế giới và những vụ thảm sát hàng loạt không mang yếu tố khủng bố ngày càng xảy ra nhiều và dồn dập hơn. Người dân Mỹ vẫn còn chưa hết bàng hoàng trước vụ xả súng tại Las Vegas thì nay đến trường học Florida. Cách này hay cách khác, vấn đề kiểm soát súng phải là vấn đề cần giải quyết. Và đó là mục tiêu của phong trào #Never Again như hiện nay.

never-again-cuoc-cach-mang-tuoi-teen
Emma Gonzalez và David Hogg tại cuộc tập họp để hỗ trợ Luật về An toàn súng ống ở Fort Lauderdale. photo Gabriella Demczuk

Các học sinh thành viên của phong trào #Never Again này có xu hướng và mục tiêu rõ ràng: họ tôn trọng hiến pháp và quyền được mang súng của người dân, họ chỉ kêu gọi những nhà lập pháp có các biện pháp kiểm soát súng hợp lý hơn và lên tiếng chỉ trích hiệp hội súng NRA cùng các nhà lập pháp đã nhận tiền của NRA để tạo ra luật súng lỏng lẻo. Họ tranh luận với các đề nghị của chính phủ khi có ý định huấn luyện và trang bị súng cho thầy cô giáo. Họ muốn làm một cuộc cách mạng về vấn đề mà các đời tổng thống Mỹ cho đến các nhà lập pháp trước nay đều né tránh. Họ sử dụng các phương tiện mạng xã hội kêu gọi các cuộc tuần hành, vận động gây quỹ cho các hoạt động của mình. Nhưng đồng thời họ cũng phải đương đầu với áp lực của vô số điều. Giới bảo thủ và những người ủng hộ súng tấn công, vu cáo họ, không ngoài mục đích xem nhẹ phong trào. Từ việc xem họ bị đảng phái chính trị giật dây, hậu thuẫn, được cung cấp tiền bạc, được viết sẵn cho các lời phát biểu. Cho đến cả những điều nhỏ nhặt như soi mói, ngụy tạo các vấn đề cá nhân, riêng tư. Không kể nhóm người cổ vũ súng đạn thông thường, không ít tổ chức và các nhân vật có ảnh hưởng khác cũng tham gia các cuộc tấn công này. Có tổ chức chỉnh sửa hình thủ lãnh học sinh xé hiến pháp, thật ra chỉ là tấm bia bắn, để khi bị phát hiện thì bảo rằng đó chỉ là một “ý tưởng hài hước”.Có chính khách phải rút lui khỏi cuộc tranh cử tiểu bang sau khi bị chỉ trích đã tấn công các học sinh bằng thứ ngôn ngữ dung tục như “con-lại -cái đầu trọc” (skinhead lesbian) hay “thằng xạo mặt dày” (baldfaced liar). Hệ thống truyền hình Breitbart thì gom góp các “dư luận” (trên mạng xã hội) gán rằng các học sinh này hành xử như những thành viên của Đức Quốc Xã, hâm mộ Hitler. Laura Ingraham, một người dẫn chương trình truyền hình thì soi rọi, cười cợt chuyện David Hogg từng bị các trường đại học từ chối dù điểm học 4.2. Chỉ khi các hãng cắt quảng cáo mới lên tiếng xin lỗi. Hãng TripAdvisor ra tuyên cáo rằng, “…việc trao đổi ý kiến trong cộng đồng, theo cách ôn hòa, là nền tảng của dân chủ. Dù vậy chúng tôi không bỏ qua những lời lẽ thiếu thích hợp của người dẫn chương trình (Ingraham). Theo chúng tôi thì những tấn công nhắm vào một học sinh trung học như vậy là vượt qua giới hạn của sự mực thước. Và vì vậy chúng tôi quyết định ngưng quảng cáo trên chương trình này”.  Hay một Viện Trưởng đại học gởi lời binh vực các em khi cho rằng bất cứ đại học nào cũng hãnh diện nếu có những sinh viên như các em theo học. Chính sách và vấn đề kiểm soát súng mang một tầm mức quốc gia và chắc chắn sẽ còn là một vấn đề tranh luận lâu dài phụ thuộc vào những quan điểm khác nhau. Nhưng quả thật như lời David Hogg nói trên, bất kể là đảng phái nào thì vấn đề này cần phải được giải quyết trong tinh thần và tư cách xứng đáng.

Những ai có dịp đọc hay xem các phát biểu, tranh luận hay trả lời các cuộc phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình, có lẽ phải ngưỡng mộ sự lý luận nhạy bén và khả năng thực sự của các thủ lãnh học sinh này. Họ có tư chất của một thế hệ trẻ khai phóng và can đảm, sẵn sàng dấn thân và cất lên tiếng nói của mình. Cho hôm nay và tương lai. Và họ cần được lắng nghe. Nếu nhóm học sinh cùng phong trào #Never Again này nhận được danh hiệu “Nhân Vật Trong Năm” của Time trong năm nay thì đó không phải là điều ngạc nhiên.

ĐYT

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn