Bàn tay lông lá của Trung Quốc

Thứ Hai, 13 Tháng Mười Một 20172:00 CH(Xem: 6385)
Bàn tay lông lá của Trung Quốc
Vũ Hiến

Trong ngày họp cuối của Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 diễn ra tại Bắc Kinh, hơn 2,000 đại biểu về tham dự đã đồng thanh biểu quyết ghi tư tưởng của Tập Cận Bình vào trong cương lĩnh của đảng với nguyên văn “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với đặc tính Trung Quốc trong thời đại mới.” Điều này cho thấy quyền lực của Tập Cận Bình được so sánh ngang hàng với những lãnh tụ như Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình trước đây và qua đó ta có thể nói thời đại của Tập đã chính thức bắt đầu, và nó không chỉ kéo dài trong 5 năm tới mà có lẽ còn xa hơn nữa.

Bế mạc đại hội trong sương mù Bắc Kinh - nguồn xinhuanet.com
Bế mạc đại hội trong sương mù Bắc Kinh – nguồn xinhuanet.com

Một điều đáng chú ý trong ngày cuối kết thúc đại hội là người ta vẫn không thấy họ Tập đề cử người kế vị, vẫn được xem như một truyền thống trong các kỳ đại hội đảng trước kể từ thời Mao, do đó đưa tới nhiều đồn đãi cho rằng Tập đang dọn đường để có thể ở lại thêm nhiệm kỳ thứ ba trong chức vụ chủ tịch nước. Hơn nữa, Tập đã đưa được một trong những tay chân thân tín nhất của mình là Lật Chiến Thư (Li Zhanshu) từ chức vụ chánh văn phòng vào nắm giữ quốc hội. Mặc dù quốc hội Trung Quốc bao lâu nay vẫn được xem như là quốc hội bù nhìn, nhưng với sự có mặt của Lật thì Tập lại càng dễ thao túng hơn nữa.

Trên thực tế, trong cương vị lãnh đạo quốc hội, Lật Chiến Thư có thể là chiếc chìa khoá giúp tháo gỡ một trong những rào cản quan trọng đối với tham vọng chính trị của Tập Cận Bình, đã được ghi trong hiến pháp là giới hạn chức vụ chủ tịch nước trong hai nhiệm kỳ. Trong khi không có luật lệ nào ngăn cản Tập ở lại trong cương vị tổng bí thư đảng, nhưng nếu muốn tiếp tục nắm giữ chức chủ tịch nước thì Tập sẽ phải tu chính lại hiến pháp. Và với sự giúp sức của Lật, việc tu chính hiến pháp có thể sẽ được quốc hội thông qua dễ dàng.

Nhưng cho dù là ai lãnh đạo Trung Quốc thì tham vọng chính của Trung Quốc vẫn là tìm cách thôn tính hoặc thao túng các nước lân bang. Tham vọng này không chỉ mới manh nha mà đã có từ hàng ngàn năm trước, từ thời còn chế độ phong kiến, hễ cứ ông vua nào lên nắm quyền và khi đã đủ mạnh thì lại mang quân đi thôn tính những nước lân bang. Thời nay, thế giới càng ngày càng thu hẹp lại, thì việc Trung Quốc đem quân đi chiếm nước này nước kia là không thể được, ngoại trừ việc ngang nhiên xây dựng những hòn đảo nhân tạo trong khu vực biển đông bất chấp lời kêu gọi ngưng lại hoạt động này của cộng đồng quốc tế.

Mặc dù không thể sử dụng vũ lực thì Trung Quốc vẫn có cách khác – đó là tung tiền để mua chuộc và gây ảnh hưởng qua các hoạt động đầu tư và tài trợ các dự án hạ tầng. Đặc biệt trong suốt 5 năm qua, dưới quyền lãnh đạo của Tập Cận Bình, chính sách đó đã được Trung Quốc đẩy mạnh hơn bao giờ hết, nhất là tại những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Trong quá khứ, khi cần nguồn tài trợ cho một dự án hạ tầng thì những quốc gia Đông Nam Á vẫn thường tìm đến Hoa Kỳ và những quốc gia đối tác phương Tây; để đổi lại, những quốc gia này sẽ phải cam kết thực thi và xây dựng một xã hội dân chủ. Nhưng nay Trung Quốc, với chính sách bành trướng gây ảnh hưởng trong khu vực, sẽ sẵn sàng đổ tiền vào tài trợ cho các dự án trên bất kể chính quyền của quốc gia đó có tỏ ra độc tài và đàn áp người dân hay không. Một điều dễ hiểu là ngay tại nội địa Trung Quốc cũng vẫn duy trì một chính phủ độc đảng và thẳng tay đàn áp những tiếng nói đối kháng.

Để tăng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của mình, Trung Quốc đã xâm nhập đáng kể vào nội tình của nhiều quốc gia Đông Nam Á qua hình thức núp bóng dưới những dự án đầu tư và hạ tầng trị giá nhiều tỉ Mỹ kim, như dự án đập thuỷ điện Lower Sesan II ở Campuchia vừa được khánh thành mới đây trị giá hơn $800 triệu, mặc dù công việc xây đập đã làm huỷ hoại cả một hệ sinh thái to lớn và bắt buộc phải dời 5,000 gia đình ra khỏi khu vực mặc cho những lời ta thán của người dân có thấu tới trời xanh. Và đó là cách Trung Quốc gây ảnh hưởng với thế giới trong tương lai. Tại đại hội đảng vừa qua, Tập Cận Bình đã củng cố thêm quyền hành và chính sách bành trướng qua các chương trình tài trợ kinh tế của Tập sẽ làm thay đổi diện mạo của khu vực Đông Nam Á theo chiều hướng xấu đi trong những năm sắp tới.

Con đập Lower Sesan II tàn phá môi trường trên hạ nguồn sông Mekong  - nguồn rfa.org
Con đập Lower Sesan II tàn phá môi trường trên hạ nguồn sông Mekong
– nguồn rfa.org

Chính sách bành trướng đó của Trung quốc sẽ còn tiếp tục được khai thác mà không có kèm theo bất kỳ đòi hỏi nào về cam kết tiến hành dân chủ. Một ví dụ điển hình ở Campuchia, không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc trì hoãn những kế hoạch đầu tư mặc dù Thủ tướng Hun Sen gần đây đã công khai đàn áp mạnh những tổ chức tranh đấu cho dân chủ và tước đi một số quyền tự do căn bản ở trong nước. Để đối phó với những tiếng nói thách thức từ những nhóm đối lập trước cuộc tổng tuyển cử vào năm tới, trong mấy tuần qua, Hun Sen đã bắt đầu tìm cách bịt miệng những tổ chức ủng hộ dân chủ, trục xuất tổ chức Viện Dân chủ Quốc gia (NDI) do Hoa Kỳ tài trợ, ra lệnh đóng cửa văn phòng của đài Á châu Tự do ở thủ đô Phnom Penh, đình bản tờ nhật báo Cambodia Daily, bắt giam lãnh tụ đảng đối lập Kem Sokha qua cáo buộc với những tội danh dựng đứng như phản quốc và thông đồng với Mỹ, và kêu gọi những thiện nguyện viên của Đội quân Hoà bình (Peace Corps) hãy rời khỏi Campuchia. Khoảng hai tuần trước, quốc hội bù nhìn Campuchia còn tiến hành việc lấy lại những chiếc ghế của đảng đối lập ở quốc hội và đem chia cho những tay chân thân tín của Hun Sen.

Người dân Campuchia bị đuổi để xây đập thuỷ điện - nguồn The Cambodia Daily
Người dân Campuchia bị đuổi để xây đập thuỷ điện – nguồn The Cambodia Daily

Vậy, Trung Quốc đã làm gì qua những hành xử của Hun Sen hiện đang bị quốc tế lên án? Điều mà hầu như ai cũng đoán được là chỉ thấy họ ngậm miệng không lên tiếng và ngoảnh mặt làm ngơ.

Những hành động gần đây của Hun Sen cho thấy cuộc tấn công vào những quyền căn bản nhất của người dân ngày càng gia tăng, đe doạ đến nền dân chủ đã quá sức mỏng manh tại đất nước Campuchia. Nhưng đây cũng chỉ là một mảnh nhỏ của một sự chuyển mình to lớn hơn tách dần khỏi những định chế căn bản của dân chủ trong khắp khu vực Đông Nam Á. Najib Razak, thủ tướng Mã Lai Á, tiếp tục bắt giữ những người bất đồng chính kiến, trong khi quân đội Thái Lan vẫn tiếp tục duy trì việc kiểm soát chặt chẽ chính phủ kể từ cuộc đảo chánh năm 2014, ra tay đàn áp những nhân vật đối lập và các nhà hoạt động không đồng quan điểm. Tại Miến Điện, quân đội tiếp tục khủng bố và bách hại nhóm người thiểu số Rohingya tại bang Rakhine trong khi nỗ lực chuyển đổi sang dân chủ dưới sự chỉ đạo của bà Aung San Suu Kyi từng được sự ủng hộ mạnh mẽ từ trong nước ra đến hải ngoại thì nay đang bị khựng lại vì không đáp ứng được đúng như sự mong đợi của nhiều người dân Miến Điện. Trong khi ở Phi Luật Tân, Tổng thống Rodrigo Duterte tiếp tục cuộc chiến chống ma tuý rất dã man của ông mà cho đến thời điểm này được phỏng đoán là đã giết hại khoảng từ 7,000 đến 13,000 nhân mạng, trong số đó chắc có nhiều người dân vô tội.

Tất cả những sự việc trên ít nhiều cho thấy có bàn tay của Trung Quốc nhúng vào.

Trong hơn ba thập niên qua, quả thật nền kinh tế của Trung Quốc đã có những bước phát triển thật to lớn và gây nhiều ảnh hưởng trong các lãnh vực ngoại giao và kinh tế đối với thế giới là điều không ai có thể chối cãi. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Kevin Rudd, cựu thủ tướng Úc, trong một bài viết mới đây được đăng trên tờ Financial Times thì tham vọng tiến lên vị trí lãnh đạo thế giới của Trung Quốc tới một lúc nào đó sẽ tự sụp đổ do bị đặt dưới sự giằng co đầy mâu thuẫn giữa nền kinh tế thị trường và hệ thống chính trị độc đảng mà giới lãnh đạo nước này tin rằng đó là điều vốn dĩ cho mô hình Trung Quốc.

Tập Cận Bình và bàn cờ chính trị Trung Quốc, toàn quân cờ mang tên ông - nguồn South China Morning Post
Tập Cận Bình và bàn cờ chính trị Trung Quốc, toàn quân cờ mang tên ông – nguồn South China Morning Post

Muốn tránh khỏi sụp đổ thì Trung Quốc chỉ có một lựa chọn là tự dần dà chuyển sang thể chế dân chủ. Nhưng điều này khó có thể xảy ra trong thời gian Tập Cận Bình còn nắm giữ quyền lực vì đương sự đã khẳng định một cách chắc nịch trong bài diễn văn khai mạc đại hội đảng: “Chính phủ, quân đội, nhân dân và trường học – đông, tây, nam, bắc, và trung tâm – đảng lãnh đạo tất cả mọi thứ.”

Nếu nhận định của Kevin Rudd đúng thì “Trung Quốc mộng” của Tập Cận Bình nay mai cũng sẽ tan tành vì nó dựa trên một chính sách thất nhân tâm.

VH
( Bao Tre )

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn