Xin chớ vội hý hửng rồi vỡ mộng.

Chủ Nhật, 12 Tháng Mười Một 20175:00 CH(Xem: 6043)
Xin chớ vội hý hửng rồi vỡ mộng.
voatiengviet.com

Phải tự cứu lấy mình trước!

Bùi Tín

Tuần lễ APEC đang được tiến hành ở Đà Nẵng – Hội An.

Lãnh đạo đảng, Nhà nước, báo chí và ban Tuyên giáo đảng ở trong nước tỏ ra vui mừng, lạc quan về cuộc họp quốc tế hiếm có này.

Nào là cuộc họp này nâng cao vị trí, uy tín quốc tế của nước CHXH chủ nghĩa Việt Nam, chứng tỏ Việt Nam đang hội nhập sâu sắc với khu vực và thế giới, mở rộng cửa giao lưu với bạn bè khắp nơi, mở ra cơ hội mới cho tự do, phát triển, Việt Nam sẽ tăng cường đáng kể các mối quan hệ nhiều mặt và sẽ nhận được những làn sóng viện trợ và đầu tư lớn hơn trước của thế giới.

Xin chớ vội hý hửng rồi vỡ mộng.

Quả thật ít khi Việt Nam có đông khách quốc tế như lần này, lại là những nguyên thủ lớn nhất. Tổng thống Hoa Kỳ D. Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga V. Putin, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe, Thủ tướng Canada J. Trudeau, bà Aung Sau Syu Ky lãnh đạo Myanmar, Thủ tướng Úc M.Turbill, Tổng thống Chilê M. Bachelet, Thủ tướng Malaysia N.Razak, Tổng thống Mehicô P.Nido, nữ Thủ tướng New Zealand J. Ardern (37 tuổi, là nhà lãnh đạo trẻ nhất cuộc họp này; trong khi ông D. Trump là người cao tuổi nhất – 72 tuổi, chưa kể ông Trọng chưa đến cuộc họp còn cao tuổi hơn: 73 tuổi).

Dự họp còn có vài trăm nhà kinh doanh nổi tiếng của thế giới và Việt Nam, trong đó có một số bản tham luận về nhiều đề tài liên quan đến kinh doanh và phát triển.

Đã có những báo hiệu chẳng lành. Ngày 7/11 - ngày kỷ niệm tròn 1 thế kỷ của cách mạng tháng Mười Nga – Tổng Thống Hoa Kỳ, Donald Trump, công bố ngày này là ngày «Tưởng niệm Nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới», ngay vào lúc tổng thống Hoa Kỳ đến gần nước cộng sản Bắc Triều Tiên và đặt chân lên đất Trung Quốc và Việt Nam, 2 quốc gia cộng sản. Một sự ngẫu nhiên không vui vẻ với nước đang mở hội đón APEC 2017.

Báo Hoa Kỳ, Pháp, Đức… nhân ngày này cũng đăng ảnh V/I. Lenin, với chú thích gọn «Đây là kẻ sáng lập ra chủ thuyết toàn trị». Trung Quốc và Việt Nam là 2 nước được cả thế giới nhận diện là đang một mực theo chế độ độc đảng toàn trị, 2 chính quyền cộng sản độc đoán lẻ loi còn sống sót trơ trọi sau khi Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa tan biến do bản chất phản dân chủ, phản nhân dân.

Tôi đã chăm chú nghe các tham luận của các nhà lãnh đạo kinh tế và doanh nhân Việt Nam tại cuộc họp thượng đỉnh doanh nghiệp mấy ngày qua ở Hội trường lớn Đà Nẵng APEC, do truyền hình VTC1 truyền đi, quả là mất thì giờ!

Nào là phải vực nông nghiêp dậy, coi là một trọng điểm của nền kinh tế, xây dựng những đơn vị sản xuất nông nghiệp quy mô lớn năng xuất cao, tạo ra hàng xuất khẩu có số lượng và chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới. Nói thì hay vậy. Nhưng với cái xiềng xích «đất đai ruộng đồng là thuộc quyền sở hữu toàn dân do Nhà nước (cộng sản) thay mặt quản lý», biến đảng ủy các cấp thành chủ sở hữu trên thực tế, muốn thu hồi bao nhiêu lúc nào cũng được, với đền bù rẻ mạt, người nông dân vốn là chủ sở hữu bỗng trở thành bần cố nông làm công cho ông địa chủ lớn là đảng toàn trị, thì nông nghiệp làm sao mà khởi sắc nổi! Không một nhà kinh tế hay doanh nghiệp nào dám nói đến cái thảm cảnh của nông nghiệp, nông thôn và nông dân này. Chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân gắn bó với vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long đã có lần nói lên bế tắc do quan hệ sản xuất quái đản trên đây đã kìm hãm sức sản xuất nông nghiệp ra sao.

Đã có một số tham luận nêu lên vai trò của các nhà kinh doanh trẻ, có sức nghĩ, sức làm, sức trẻ sẽ làm cho nền kinh tế tư nhân khởi sắc mạnh mẽ như Bill Gates, như Jack Ma. Nhưng có ai nói đến cái xiềng xích trói chặt tay các doanh nghiệp tư nhân khi đảng một mực giữ phương châm lấy «sở hữu quốc doanh làm chủ đạo», nêu bật sự không bình đẳng trong kinh doanh, coi quốc doanh là con đẻ, tư nhân là con ghẻ, ưu tiên mọi thứ cho quốc doanh, từ các dự án to lớn, béo bở, đến ưu tiên tuyệt đối về cấp vốn không hạn chế từ ngân hàng Nhà nước với tiền lãi thấp nhất, với cả sự dễ dãi về xét duyệt dự án, sự ưu đãi ghi trong luật cho các Tập đoàn quốc doanh cá mập. Chính do đó mà các nhà kinh doanh tư nhân thân cô thế cô bị bóp chết, phá sản hàng lọat, kể cả các nhà kinh doanh có ý chí, kinh nghiệm, tiền vốn khá, trong khi các tập đòan quốc doanh chỉ phá của, lỗ lã hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng do tham nhũng tràn lan, ở mọi cấp, gắn liền với các phe cánh quan chức cao nhất. Số ít nhà kinh doanh tư nhân thành đạt phần lớn là sân sau của các phe nhóm quyền cao chức trọng, cũng được coi như các doanh nhân quốc doanh trá hình được ưu đãi, được chia ít lợi lộc không sạch sẽ.

Nhiều đại biểu nói đến một nền kinh tế Việt Nam dựa vào trí thức, trí tuệ, sản xuất các sản phẩm kỹ thuật tinh vi, mũi nhọn, nền sản xuất theo kỹ thuật số, mua bán qua hệ thống internet nhanh nhậy, đón đầu nhảy vọt vào giữa thế kỷ XXI, đuổi kịp các nền kinh tế tiền tiến nhất… nhưng đây chỉ là giấc mơ hão huyền.

Vì điều kiện trước hết cho mơ ước đó là cuộc cải cách giáo dục sâu rộng từ mẫu giáo đến đại học và sau đại học, sớm dạy toán, lý, hóa, kỹ thuật số cao cấp từ bậc trung học, dạy kỹ năng tự tìm tòi, thực nghiệm và sáng tạo. Muốn vậy phải đơn giản hóa một số bộ môn phụ, bỏ hẳn các môn Mác Lênin, lịch sử đảng trong chương trình và trong các kỳ thi rất có hại, phí thời gian, chỉ nuôi dưỡng tư duy cứng nhắc, giáo điều, triệt tiêu óc sáng tạo, năng động khởi nghiệp.

Nói tóm lại muốn phát triển kinh tế, mời gọi hợp tác đầu tư quy mô lớn, không có con đường nào khác là đổi mới chế độ cai trị, thực hiện mô hình dân chủ - pháp quyền, xây dựng nếp sống bình đẳng, trả lại cho nông dân và mọi người lao động quyền sở hữu cá nhân về đất đai, tải sản do họ vốn có và sáng tạo ra, cải cách tận gốc nền giáo dục quá lạc hậu, giáo điều, nhồi sọ…, xây dựng một xã hội tự do, bình đẳng, cởi mở, kết bạn thân với các quốc gia dân chủ trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi.

Tuy các nguyên thủ chưa phát biểu, có thể dự đoán qua và sau cuộc họp, Trung Quốc vẫn được lãnh đạo Việt Nam tôn sùng; về kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ khống chế, vẫn xuất siêu cực lớn, rất có hại cho Việt Nam. Hoa Kỳ sẽ hạn chế gắt gao thậm chí đánh thuế cao hơn hàng nhập từ Việt Nam như hàng may mặc, giày dép, nông phẩm, hạn chế xuất siêu từ Việt Nam, làm cho khó khăn về kinh tế tài chính tăng thêm gấp bội.

Có thể dự đoán, cuộc họp APEC sẽ qua, nước đăng cai sẽ chi phí tiếp khách, quà cáp, tặng rất phẩm lớn, hàng nghìn tỷ đồng nhưng thu về không đáng kể. Chỉ được một số lời khen xã giao, lời tự khoe mẽ bẽ bàng vì không thực chất. Chỉ thiệt cho người dân đang bị lũ lụt gây khốn khổ thêm, thiệt cho đất nước kinh tế đang khó khăn, tài chính đang kiệt quệ, thu không bù chi, nay lại phải chi rất lớn vào dịp cuối năm trong một không khí đất trời và tâm tư xã hội đều u ám, ảm đạm.

Câu châm ngôn «Hãy tự cứu mình trước, ông trời sẽ giúp sau» – Aide toi, le Ciel aidera. «Trời» đây là các nước quanh ta, là thế giới, lúc này có ý nghĩa rất sâu sắc vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn