Cụ Kình tự rụng răng, thề luôn (*)

Chủ Nhật, 12 Tháng Mười Một 20176:00 CH(Xem: 6066)
Cụ Kình tự rụng răng, thề luôn (*)
voatiengviet.com
Thiên Hạ Luận

Trân Văn


Vụ nổi loạn ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội hồi giữa tháng 4 năm nay vừa được Quốc hội Việt Nam hâm nóng.

Ngày 2 tháng 11, khi tham gia thảo luận về kinh tế, xã hội và ngân sách tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa 14, ông Dương Trung Quốc lôi vụ Đồng Tâm ra phẫu thuật lại vì theo ông Quốc, vụ nổi loạn này là bằng chứng cho thấy hệ thống công quyền vẫn không thèm bận tâm đến những bất bình, thắc mắc của dân chúng, những bất bình, thắc mắc này tiếp tục tích tụ rồi dẫn tới “vỡ bờ”.

Ông Quốc – một trong những người đang thiếu dân chúng xã Đồng Tâm món nợ về niềm tin vào sự công minh, chính trực của hệ thống công quyền – cố gắng gỡ gạc để giảm nợ đã nói thêm rằng, vụ nổi loạn ở Đồng Tâm là hậu quả của khủng hoảng niềm tin chứ không phải vụ án hình sự, thành ra chuyện giữa tháng trước, hệ thống tư pháp của thành phố Hà Nội kêu gọi dân chúng xã Đồng Tâm “đầu thú” do tham gia “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” và “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” là không hợp lẽ.


***


Đầu thập niên 1980, chính quyền Việt Nam thu hồi 54 héc ta đất ở xã Đồng Tâm để thực hiện phi trường Miếu Môn – một “công trình quốc phòng” có diện tích khoảng 240 héc ta. Sau đó việc thực hiện “công trình quốc phòng” này bị hủy bỏ, phần lớn đất đai đã thu hồi bị bỏ hoang. Lữ đoàn 28 thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân, đơn vị được giao giữ 54 héc ta “đất quốc phòng” đã thu hồi từ dân chúng xã Đồng Tâm đem đất ra “phát canh, thu tô” và năm 2007 giao trả một phần đất đã thu hồi cho chính quyền địa phương.

Bởi phần đất mà Lữ đoàn 28 giao trả bị chính quyền xã, huyện “hoàn trả” một cách bất minh cho một số cá nhân và phân lô bán cho nhiều cá nhân khác, dân chúng xã Đồng Tâm bắt đầu khiếu nại nhưng hệ thống công quyền không bận tâm. Năm 2016, chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức thanh tra và “thu hồi” đất thêm một lần nữa với lý do đó là “đất quốc phòng”. Lần này, “đất quốc phòng” được giao cho Viettel – tập đoàn viễn thông của Bộ Quốc phòng Việt Nam để Viettel thực hiện một “công trình quốc phòng” khác.

Thay vì trả lời thấu đáo những thắc mắc về thu hồi và sử dụng đất đã thu hồi, chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức “cưỡng chế”. Tuy nhiên lần cưỡng chế nào cũng bất thành vì dân chúng xã Đồng Tâm liều chết giữ đất. Giữa tháng 4 năm nay, chính quyền thành phố Hà Nội mời cụ Lê Đình Kình và ba người khác tham dự hoạt động cắm mốc, phân ranh, xác định “đất quốc phòng” rồi bắt cả bốn. Trong vụ lừa - bắt thô bạo này, cụ Kình bị gãy cổ xương đùi... Đó là lý do dân chúng xã Đồng Tâm nổi loạn (bắt giữ 38 viên chức và cảnh sát cơ động, đòi chính quyền thành phố Hà Nội phóng thích bốn người mà họ đã bắt, đòi thanh tra toàn diện việc thu hồi – sử dụng đất ở xã Đồng Tâm).

Không thể dùng “bạo lực cách mạng” đàn áp vụ nổi loạn ở Đồng Tâm vì “cả nước trông vào”, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội đã thay mặt hệ thống công quyền đến xã Đồng Tâm thương lượng và cam kết: (1) Trực tiếp giám sát cuộc thanh tra việc quản lý và sử dụng đất tại xã Đồng Tâm, bảo đảm đúng với “sự thật khách quan” và “đúng pháp luật”, xác định rạch ròi đâu là “đất nông nghiệp”, đâu là “đất quốc phòng”. (2) Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể dân chúng xã Đồng Tâm. (3) Chỉ đạo điều tra việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình để xử lý theo đúng qui định pháp luật.

Cuộc thương lượng diễn ra dưới sự chứng kiến của hai đại biểu Quốc hội Việt Nam: Ông Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên thường trực của Ủy ban về các vấn đề xã hội và ông Dương Trung Quốc.

Hai tháng sau khi Chủ tịch thành phố Hà Nội ký cam kết vừa kể, công an thành phố Hà Nội công bố quyết định khởi tố hai vụ án “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” và “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” xảy ra tại xã Đồng Tâm hồi trung tuần tháng 4. Kế đó, chính quyền thành phố Hà Nội công bố “Dự thảo Kết luận thanh tra đất đai ở xã Đồng Tâm”. Theo dự thảo, hệ thống công quyền đã thu hồi và giao lố cho Bộ Quốc phòng Việt Nam khoảng 30 héc ta nằm hoàn toàn trên địa bàn xã Đồng Tâm nhưng chuyện Bộ Quốc phòng Việt Nam nhận lố 30 héc ta và lờ đi chỉ được xem là... thiếu sót. Nhìn chung, theo dự thảo, kế hoạch “cưỡng chế - thu hồi đất” ở Đồng Tâm không sai, khiếu nại - đòi hỏi của dân chúng xã Đồng Tâm là vô lý.

Ngày 25 tháng 7, chính quyền thành phố Hà Nội chính thức công bố Kết luận thanh tra đất đai ở xã Đồng Tâm. Nội dung kết luận chính thức không có gì khác so với dự thảo.


***


Hôm 2 tháng 11, lúc xới lại vụ nổi loạn ở Đồng Tâm, ông Quốc nhắc tới cam kết thứ ba của Chủ tịch thành phố Hà Nội hồi hạ tuần tháng 4: Chỉ đạo điều tra việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình để xử lý theo đúng qui định pháp luật – kèm thắc mắc, nếu “thượng tôn pháp luật” thì tại sao chỉ khởi tố dân Đồng Tâm mà tha những sĩ quan công an đánh dân gây thương tích cho cụ Kình, để số này đứng ngoài vòng pháp luật? Nếu “thượng tôn pháp luật” thì tại sao ba tháng qua, không cơ quan nào thèm trả lời những thắc mắc của dân chúng xã Đồng Tâm về kết luận thanh tra đất đai ở xã này?

Năm ngày sau – 7 tháng 11, một thành viên thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội của thành phố Hà Nội đột nhiên đăng đàn. Tuy là đại biểu của dân chúng thành phố Hà Nội tại Quốc hội nhưng ông Đào Thanh Hải lại dùng diễn đàn quốc hội để biện bạch cho Bộ Công an và Công an thành phố Hà Nội. Ông đại biểu của dân chúng thành phố Hà Nội tại Quốc hội kiêm đại tá, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, bảo rằng Bộ Công an đã “kiểm tra rất kỹ toàn bộ quy trình công tác, chấp hành pháp luật, thực thi pháp luật của Công an thành phố Hà Nội” trong toàn bộ vụ Đồng Tâm và đã xác định “không có ai đánh, gây thương tích cho ông Kình”. Cứ theo lời ông đại biểu của dân chúng thành phố Hà Nội tại Quốc hội kiêm đại tá, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội thì cụ Kình bị gãy cổ xương đùi là do “người nhà ông Kình xông vào cản trở việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan điều tra”.

Tất nhiên ông Quốc không đồng tình với cách giải thích đó. Ông Quốc chất vấn rằng tại sao đến giờ, công an mới chính thức thông báo lý do làm cụ Kình gãy chân (?). Theo ông Quốc, tốt nhất là nên để dân chúng bình luận về chuyện chân một cụ già 82 tuổi có thể tự gãy hay không (?).

Trong khi con cái cụ Kình và một số người dân ở xã Đồng Tâm khẳng định, rất nhiều người sẵn sàng làm chứng về chuyện tận mắt mục kích một sĩ quan công an đá cụ Kình, khiến cụ té, gãy cổ xương đùi (dù đã được phẫu thuật nhưng vẫn bị liệt, phải dùng xe lăn do Chủ tịch thành phố Hà Nội… tặng) thì nhiều người sử dụng Internet tại Việt Nam xoay qua thảo luận về niềm tin. Một facebooker có nick name là Gà Con khen ông Dương Trung Quốc nói rất hay nhưng xin lỗi cảnh báo của ông về “khủng hoảng niềm tin” của dân chúng với hệ thống công quyền. Gà Con nhấn mạnh là mình “không còn niềm tin” bởi đã “quá quen với tình trạng nói hay cày dở”. Giờ, Gà Con: “Đ… tin vào cha con thằng nào nữa”.

Theo xu hướng đó, tờ Tuổi Trẻ đăng phiếm luận “Cụ Kình tự rụng răng, thề luôn”: Kết luận của Công an Hà Nội về vụ cụ Kình - Đồng Tâm gãy chân là do... không bị ai đánh cả, khiến nhiều người không thuận. Tui thì không bức xúc vì thấy có hai khả năng xảy ra: Một là, rất có thể, sai sót do bệnh viện. Cụ Kình gãy răng nhưng chỉ định bó bột... háng. (tham khảo vụ chỉ định bệnh nhân nam khâu âm đạo) và vô cùng nhiều khả năng răng cụ tự rụng. Hai là, cụ tự đập chân (mông) vào... đất. (tham khảo vụ đập mặt vào giày và vụ đập mặt vào tay). Cái này vật chứng là đất vẫn còn y nguyên. Còn nói cụ bị đánh là không có lý, truyền thống và đạo lý của người Việt Nam không ai đánh cụ già 82 tuổi cả! Thề luôn!

Dẫu ngay sau đó tờ Tuổi Trẻ tự ý đục bỏ “Cụ Kình tự rụng răng, thề luôn” nhưng phiếm luận này loang nhanh như váng dầu trên biển. Nhiều facebooker than như Lê Quang: Chả biết chọn nút nào để bày tỏ cảm xúc vì chuyện đáng cười nhưng lại trào nước mắt kèm theo sự phẫn uất tột cùng vì sự trơ tráo.

Lòng dân, niềm tin của họ vào hệ thống công quyền vẫn được ví von như một thứ tài sản vô giá. Sau một thời gian dài bị lạm dụng – chiếm đoạt, thứ tài sản ấy dường như không vơi mà đã hết sạch.

(*) Tựa phiếm luận trên báo Tuổi Trẻ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn